Friday 23 January 2015

Kinh Tế Trung Lưu và Chính Trị Hạ Lưu (Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo)





23/01/2015

Tình hình lang bang trong diễn văn liên bang của Tổng Thống Obama

Một ngày trước khi Tổng thống Barack Obama đọc bài diễn văn về Tình hình Liên bang (State of the Union, SOTU), trên một cột báo bạn, người viết đã báo trước nhiều khoảng trống về tình hình đối ngoại của Hoa Kỳ ("Diễn Văn Về Tình Hình Thế Giới - Những lỗ hổng trong diễn văn của Tổng thống Mỹ về Tình hình Liên bang", Người Việt Ngày 150120).

Lo thay, những dự đoán ấy lại không sai!

Sở dĩ đoán vậy vì biết Obama sẽ nhân một số thành quả kinh tế biểu kiến để tự ký giấy ban khen. Và bất chấp thực tế chính trị là đảng Cộng Hoà đối lập đã kiểm soát lưỡng viện Quốc hội, ông tiếp tục cải tạo xã hội Mỹ - với ý nghĩa của người Hà Nội về chữ "cải tạo" - và bốn lần đòi phất quyền phủ quyết.

Danh bất hư truyền, Obama vẽ ra một nước Mỹ siêu thực và còn tung ra ý lạ là "kinh tế học trung lưu", middle class economics. Bài này sẽ tập trung vào chuyện đó.

Nhưng trước hết, để bảo vệ sự khách quan trong cách nhận định của chúng ta, xin giới thiệu phần đánh giá của tổ chức độc lập Factcheck.org, thuộc Trung tâm Annenbeg về Chánh sách Công quyền của Đại học Pennsylvania được viết ngay hôm sau. Tìm lên đó, độc giả có sự đối chiếu thực hư và những phóng đại trong bài diễn văn hôm 20 vừa qua. Nhiều lắm, kể ra thì hết cột báo!

Các chính khách - ở cả hai đảng tại Hoa Kỳ hay tại nhiều xứ khác - thường có trong tay hai vật bất ly thân. Cái ống đu đủ để thổi phồng thành tích và cái chổi chà để quét xuống thảm những thất bại của mình. Thảm nhất là khi người dân ít biết mà cứ nghe truyền thông không hiểu biết hoặc có gian ý làm máy khuếch tán sự dối trá.

Trở lại với lý luận của Tổng thống Mỹ về thành phần trung lưu, chúng ta nên đi vào thực tế.

* * *

Về bối cảnh, những ai soạn diễn văn cho Obama đều rất giống chủ, họ lao vào chính trị mà chưa từng sinh hoạt trong đời thường, là phải kiếm ăn, có khi mất việc hoặc vỡ nợ. Khi được dân trao cho cái ấn, họ có chung một nét là trừu tượng hóa các vấn đề phức tạp thành khái niệm đơn giản, rồi xào nấu các khái niệm ấy thành một chuỗi lý luận có vẻ hợp lý.

Họ đi theo con đường của hai trí thức Thế kỷ 19 là Karl Marx và Friedrich Engels để vẽ ra dự án cách mạng. Khác với hai nhân vật trên đây, vốn tung khẩu hiệu đấu tranh cho giai cấp vô sản, Obama nói đến giai cấp cao hơn, là thành phần trung lưu, vì vô sản đã... tiêu vong trong xã hội tư bản. Hoặc đã thành hữu sản và là thành phần trung lưu. Nhân đây, hãy so cách sống của "dân nghèo" tại Hoa Kỳ với giới "trung lưu" của thiên hạ thì mình thấy. Họ sống rất khá!

Vì không đi vào thực tế, Obama và ban tham mưu ưa vẽ voi bên cạnh mới cóc biết vài sự thật sau đây. Thảng hoặc như có biết thì lại biết hươi chổi mà quét ngay vào bóng tối nên chẳng hiện ra trong bài diễn SOTU.

Số là cơ quan khảo sát Hoa Kỳ (US Census Bureau) cho biết nước Mỹ có chừng sáu triệu doanh nghiệp, là những tác nhân kinh tế tạo ra việc làm và trả lương cho nhân viên, cho dân Mỹ. Một cách phân bố tình trạng lớn nhỏ theo khía cạnh kinh tế và xã hội là số nhân viên tuyển dụng.

Trong sáu triệu cơ sở kinh doanh, có 3,8 triệu là loại cò con, xí nghiệp cá thể với người chủ cũng là nhân viên, thường khai thuế là "self employed" vì chỉ có tối đa là bốn nhân viên, có khi kể cả vợ và con. "Giàu" hơn một chút là một triệu tiểu doanh thương có từ năm đến chín nhân viên. Vẫn là cò con, nhưng người chủ có thể vươn mình vào thành phần trung lưu. Vị chi là gần bốn triệu trong sáu triệu cơ sở.

Cao hơn thế, có chừng 600 ngàn xí nghiệp nuôi sống được từ 10 đến 19 nhân viên, hay mươi gia đình. Ông bà chủ của 60 vạn cơ sở đó là thành phần khá giả trong khi phố. Đến loại xí nghiệp cấp trung thì có nửa triệu cơ sở đang thu dụng từ 20 đến 99 nhân viên. Chủ nhân của loại doanh nghiệp này thì lên tới tầng cao của lớp trung lưu - là đại gia trong cộng đồng địa phương!

Lên đến cấp đại gia thật thì trong sáu triệu doanh nghiệp của toàn quốc, có 90 vạn cơ sở đang làm giấy phát lương cho số nhân viên đông đảo từ 100 đến 499 người; rồi 18 ngàn công ty có trên 500 nhân viên, trong số này chỉ có một ngàn siêu đại gia tuyển dụng từ một vạn nhân viên trở lên.

Hàng ngày, khi theo dõi tin tức kinh doanh – nơi mà quần thần của Obama lâu lâu mới liếc - thì dư luận cứ để ý đến chỉ số cổ phiếu Dow Jones của 30 tổ hợp siêu hạng mà ít quan tâm đến chỉ số S&P 500 của 500 doanh nghiệp. Tiêu biểu hơn số liệu về 500 "siêu đại gia" ấy thì còn có chỉ số Russel 2000 hay Russel 3000 của các doanh nghiệp bị gọi là "small cap" - vì ít vốn.

Nhưng ngần ấy cơ sở trong DJIA, S&P hay Russel đều thuộc loại thiểu số ăn chốc ngồi trên của 18 ngàn doanh nghiệp có trên 500 nhân viên.

Mấy thống kê rắc rối trong hơn 300 chữ vừa rồi cho thấy một sự thật: nước Mỹ thâm sâu của đại đa số người dân thật ra sinh sống nhờ các tiểu doanh thương hay xí nghiệp cò con.

Sau tấm ảnh về chuyện thấp cao, chuyện thứ hai là mẩu phim sinh diệt:

Xưa nay, theo quy luật thông thường, hàng năm vẫn có vài trăm ngàn xí nghiệp Mỹ đóng cửa, và lại có mấy trăm ngàn xí nghiệp mới ra đời. Trong dòng sinh diệt luân lưu đó, thực tế kinh tế cũng cho biết các tân xí nghiệp mới là nơi tuyển dụng nhiều nhất theo đà phát triển từ nhỏ tới lớn. Siêu đại gia như Apple hay Microsoft xuất hiện từ nhà xe với sáng kiến từ vài người là chủ nhân và nhân viên đầu tiên.... Một cơ sở làm tương ớt nổi tiếng của người Việt tại Hoa Kỳ cũng khởi sự như vậy, từ một gia đình tỵ nạn. Mạng lưới gọi xe của Uber, một hiện tượng mới lạ, cũng khởi sự từ vài người đầy sáng tạo như Travis Kalanick (bỏ học từ UCLA) và Garret Camp, di dân từ Canada.

Chi tiết thứ ba của thực tế ngoài đời là hơn phân nửa dân số Mỹ sống nhờ tiểu doanh nghiệp, loại cơ sở sản xuất chẳng có khả năng thuê luật sư và chuyên gia kế toán để dạy cách trốn thuế cho an toàn, lách luật cho hợp pháp. Người chủ lam lũ của mấy cửa hàng đó cũng chưa thể bốc điện thoại phàn nàn với giới dân cử địa phương về nhiều khó khăn trong kinh doanh từ khi Tổng thống Obama lên lãnh đạo với hàng loạt luật lệ cải tạo xã hội, từ bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên đến bảo vệ môi sinh hay phép sát sinh gia súc cho phải đạo khi kinh doanh về thực phẩm.

Nếu khó quá thì họ đành dẹp tiệm – và tụt khỏi giai cấp trung lưu thành người giật gấu vá vai và cố chinh phục lại Giấc mơ Hoa Kỳ vừa tuột khỏi tầm tay. Lý luận của Obama về "kinh tế học trung lưu" đã ngồi xổm lên những thực tế lầm than đó.

Thế rồi, thống kê của Census Bureau vừa cho biết là năm qua Hoa Kỳ có 470 ngàn doanh nghiệp âm thầm đóng cửa mà chỉ có 400 ngàn tưng bừng khai trương. Lần đầu tiên từ 35 năm qua mà số diệt lại cao hơn số sinh! Chi tiết ấy bị giấu nhẹm trong bài diễn văn được vỗ tay 86 lần!

Nếu đào sâu hơn - và không quên cái chân lý kinh tế là các tân xí nghiệp mới có sức tạo ra nhiều việc làm nhất – ta còn thấy ra hình ảnh tàn tạ của tư bản Hoa Kỳ theo định hướng Obama:

Hoa Kỳ đứng hạng 12 trong các nước tạo thêm doanh nghiệp mới. Đã đành là thua Thụy Điển, Phần Lan hay Đan Mạch ở Bắc Âu hoặc Tân Tây Lan ở Úc Châu. Mà còn thua xứ Israel khói lửa, hay Hungary và Ý là hai nước hoạn nạn trong Âu Châu bị khủng hoảng! Hoảng chưa?

Lý do của tình trạng vắng bóng giai nhân này là:

Thứ nhất khó vay tiền kinh doanh vì nhiều quy định quá chặt chẽ của Đạo luật Cải cách Tài chánh Dodd-Frank, hai dân biểu nghị sĩ Dân Chủ được các đại gia đấm mõm nhiều nhất. Hai nhân vật về hưu này có thể viết sách về tham nhũng qua những bổng lộc từ hai doanh nghiệp bán công đã sụp đổ và góp phần thổi lên vụ khủng hoảng tài chánh 2008, là Fannie May và Freddy Mac!

Lý do thứ hai là các doanh nghiệp loại tiểu trung bị ngộp dưới cái núi luật lệ chằng chịt mới được ban hành từ sáu năm nay, nhất là Đạo luật ObamaCare và nạn chi phí y tế tăng vọt. Truyền thông ngô nghê về kinh tế thì chỉ biết tường thuật cái "được" mà chẳng đếm ra cái "mất" của kinh tế xuất phát từ hệ thống kiểm soát bao biện của nhà nước.

Thứ ba là sự hoài nghi thậm chí ngao ngán về tương lai kinh tế.

Sau vụ khủng bố tại Pháp và Âu châu, báo chí Mỹ cứ nói đến sự kiện là lần đầu tiên dân Mỹ quan tâm đến an ninh nhiều hơn hay bằng với nỗi ưu lo về kinh tế. Khỏi cần so sánh thì ta cũng thấy đại đa số dân Mỹ ngày nay chưa mấy tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế và mối lo hàng đầu của họ vẫn là tiền bạc, từ đồng lương không tăng đến chồng hóa đơn hãi hnùg về đủ loại chi phí.

Hãy gõ vào Gallup hay Pew để theo dõi dân ý từ các cuộc khảo sát vừa qua thì sẽ thấy tâm lý người dân

* * *

Nếu nhìn vào thực tế u ám đó và đối chiếu với chuyện "kinh tế trung lưu", ta phải giật mình về hiện tượng chính trị hạ lưu!

Nếu lại tò mò tìm hiểu thêm về cuộc bầu cử 2016 sắp tới thì ta còn thấy Barack Obama đang cùng Nghị sĩ Elizabeth Warren, tiêu biểu cho đại trí thức cực tả, ra sức triệt tiêu hy vọng của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Chuyện ấy, sang năm nói vẫn chưa muộn.

Chứ nói về những chuyện sát sườn trước mặt của cộng đồng, thí dụ như bỏ phiếu cho các đại biểu dân cử tại địa phương, chúng ta nên nhìn lại cho kỹ.

Có nên bầu cho loại chính khách chuyên nghiệp chưa hề lỡ dịp xoa đầu con trẻ và múa lân với cộng đồng mà chẳng làm gì thiết thực? Việc làm thiết thực nhất của họ là xúi người ra tranh cử để chia phiếu của đối phương!

Hay là nên bầu cho người có kinh nghiệm ngoài đời trước khi vào chính trường tranh đấu cho môi trường kinh doanh được thông thoáng dễ dàng hơn? Loại người thứ nhì này mới giúp tiểu doanh thương phát triển trong quản hạt nhỏ bé của chúng ta.

Đấy mới là kinh tế học của trung lưu!

--------------------------

Nguyễn-Xuân Nghĩa
Monday, January 19, 2015 4:12:59 PM

Theo thông lệ, tối Thứ Ba này, Tổng Thống Barack Obama long trọng đọc trước lưỡng viện Quốc Hội cho toàn dân và thế giới bài diễn văn về tình hình liên bang, State of the Union. Ðây là thông điệp quan trọng nhất năm vì nêu ra nhiệm vụ phương hướng mà tổng thống Mỹ đề nghị với quốc dân và thông báo cùng thế giới.

Khác với mọi năm trước, lần này Tổng Thống Obama đối diện với một Quốc Hội khóa 114 do đảng Cộng Hòa kiểm soát sau bầu cử năm ngoái. Nhưng cũng khác với những gì mà nhiều người chờ đợi sau khi đối lập Cộng Hòa thắng lớn và tổng thống Mỹ rơi vào hoàn cảnh gọi là “vịt què” trong hai năm cuối của nhiệm kỳ, ông Obama không tìm thế hợp tác với đối lập để khai thông nhiều vấn đề của nước Mỹ. Obama còn tung ra một số biện pháp nhuốm mùi cực tả và dọa sẽ đòi phủ quyết nhiều đề luật do Quốc Hội Cộng Hòa thông qua.

Nước Mỹ đang có hai đầu quần thảo trong viễn ảnh bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016.

Thông thường, khi gặp lực cản từ Quốc Hội - vốn có quyền hạn về kinh tế, xã hội và nội chính - Tổng thống Mỹ thường nhấn mạnh đến thành quả đối ngoại. Ðây là lãnh vực được Hiến Pháp quy định là thế mạnh cho Hành pháp, để bảo vệ quyền lợi Hoa Kỳ với thế giới bên ngoài.

Khốn nỗi, từ mấy năm nay, chính quyền Obama không có thành tựu đáng kể về đối ngoại. Từ nội chiến Syria qua xung đột tại Ukraine; từ nạn khủng bố Hồi Giáo - với cao điểm là vụ bắn phá tại Paris, chưa nói đến nạn Boko Haram tàn sát thường dân ở Tây Phi - đến việc chiêu dụ Iran từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm; từ chuyện Bắc Hàn gây hấn đến việc Trung Quốc quậy sóng Ðông Hải khiến Nhật Bản gia tăng ngân sách quốc phòng tới mức kỷ lục, v.v... thế giới cần tiếng nói và hành động của Hoa Kỳ và ưu lo khi Obama có vẻ ngồi thiền, nếu không đi vụt golf.

Như một điểm son của chính quyền Obama, việc Mỹ kết thúc cuộc chiến tại Afghanistan còn làm thế giới thêm lo vì sẽ để lại một khoảng trống cho lực lượng Taliban tung hoành.
Qua ngần ấy biến động, thế giới không thấy Hoa Kỳ đưa ra đối sách mang tính chất chiến lược. Việc Tổng Thống Obama không đích thân, hay cử đại diện, tham dự cuộc tuần hành cùng nhiều nguyên thủ quốc gia khác tại Paris sau vụ thảm sát Charlie Hebdo, càng cho thấy sự vắng mặt lẫy lừng của nước Mỹ.

Vì thế bài diễn văn về tình hình liên bang của tổng thống Mỹ có nhiều khoảng trống mông lung về tình hình đáng ngại của thế giới. Nhưng cũng vì thế mà bài viết này nhanh nhẩu điểm ra cái thế lực có thật của Mỹ, bất kể tới những chuyện Obama đã làm, không làm, hoặc làm bậy!

Xin coi đây là những điểm xuyết bổ sung...

***

Từ khi nhậm chức vào nhiệm kỳ đầu, Obama chọn chiến lược năng lượng xanh và có ý trừng phạt, đòi tăng thuế, năng lượng dầu khí. Ðến cuối năm 2014, Obama và Quốc Hội do đảng Dân Chủ kiểm soát một nửa vẫn chưa thu hồi một đạo luật lỗi thời của 40 năm trước, là không cho xuất cảng dầu khí.

Dù sao mặc lòng, cuối năm 2014, thế giới bị chấn động vì dầu thô sụt giá. Khỏi nhắc đến các thủ phạm kia, chính phạm của vụ tuột giá dầu là sản lượng gia tăng của Mỹ nhờ kỹ thuật fracking, và nhờ doanh nghiệp dầu khí Mỹ hạ thấp phí tổn biên tế của sản xuất. Hậu quả là một trận chiến giữa các nước bán dầu và Hoa Kỳ để giữ cho giá khỏi sụt. Hậu quả đối ngoại còn ghê gớm và bất ngờ hơn nữa là Liên Bang Nga bị suy thoái kinh tế. Nhờ đó mà năm nay Putin sẽ xuống thang chiến tranh tại Ukraine.

Không chỉ vậy, đã mất thầy Nga ôm qua Venezuela làm chủ, chế độ Castro tại Cuba bị hụt chân. Nhờ vậy mà bọc xuôi theo lời khuyên của Ðức Giáo Hoàng Francis để bắt đầu đàm phán về kinh tế và ngoại giao với Mỹ. Chế độ Cộng Sản của Venezuela còn bị rung chuyển nặng hơn vì vụ dầu thô tuột giá, cho nên sau Cuba, Venezuela có lẽ cũng thay đổi. Và cất luôn lá cờ chống Mỹ.

Sau này, Vịnh Mễ Tây Cơ sẽ vắng bóng quân thù kể từ năm 1961, và ra khỏi hải cảng New Orleans các thương thuyền còn có nơi cập bến là hải cảng Mariel của Cuba, do doanh nghiệp Mỹ phát triển sau này.

Ðấy là một thành quả đối ngoại bất ngờ và bất lường của nước Mỹ, cho dù Obama cứ thủ vai kỳ đà cản mũi!

Sau khi tháo chảy khỏi Iraq năm 2010 và Afghanistan năm 2014, chính quyền Obama thả nổi khu vực Trung Ðông và tránh chữ “khủng bố Hồi Giáo” để khỏi xúc phạm đạo Hồi, Nhưng đấng Tiên Tri Mahommed và các tay súng hiếu sát của ngài lại tính khác. Khủng bố bùng phát như ong vỡ tổ và đánh thẳng vào lục phủ ngũ tạng của Âu Châu. Từ đầu năm 2014, Âu Châu đã lâm nạn Putin tại Ukraine mà chửa biết xử trí ra sao cho vẹn toàn hai mặt an ninh và kinh tế. Ðến cuối năm, Âu Châu lãnh thêm họa khủng bố.

Khi ấy, chiến lược Âu-Mỹ cho giải pháp khủng bố Hồi Giáo là một vụ phân công lao động.
Mỹ đánh đòn sạch bằng không tập và máy bay tự động chứ không cho quân đạp đất. Còn Âu Châu ráng lo lấy thân bằng cảnh sát an ninh và tình báo. Ðỡ được mối nguy của Putin, Âu Châu trông chờ Hoa Kỳ sát cánh trong trận Thánh Chiến này. Không cấp tốc bay qua Âu Châu khi Ukraine bị Nga tấn công mà cũng chẳng bay qua Paris khi Pháp bị khủng bố, Tổng thống Obama vẫn sẽ phải nhìn lại cả lục địa Âu Á rộng lớn vì đấy mới là sân sau của nước Mỹ.

Nhìn lại mà khó tìm ra giải pháp. Vì vậy, bài diễn văn về tình hình liên bang chẳng có chữ Âu Châu. Ðấy là vấn đề của tổng thống mới, sẽ nhậm chức vào đầu năm 2017. Một vấn đề sẽ chỉ gai góc hơn.

Nhưng chẳng sao, Tổng Thống Obama tự ký giấy ban khen về thành quả hồi phục kinh tế.
Kinh tế thế giới có bốn trụ lớn nhất là Mỹ, Tàu, Âu, Nhật. Cả ba trụ kia đều lung lay khi thiên hạ bóc lịch 2015. Nhật thì đã dãi dầu mưa nắng với nạn giảm phát từ 25 năm qua. Chứ Âu và Tàu mới bắt đầu suy thoái từ cơ cấu - chứ không chỉ vì một chu kỳ suy trầm. Vào hoàn cảnh đó, Hoa Kỳ quả thật là đại gia vững chãi nhất nên Obama nhắc đến chuyện đó.
Nhưng trong canh bạc tay tư, Hoa Kỳ dầy láng và trường vốn nhất không thể ngồi một mình mà chơi với ma trơi. Khi sóng gió nổi lên từ tứ phương thì Mỹ vẫn lãnh hậu quả, cũng khá bất lường. Vì vậy, dù chẳng nói ra, Hoa Kỳ sau này vẫn phải chiếu cố hai cường quốc kinh tế có vị trí chiến lược nhất trên bàn cờ.

Tại Âu Châu, nước Ðức giữ vai bản lề cho hai vấn đề cùng nghiêm trọng, là sức ép của Nga tại Ðông Âu và sự rạn nứt của khối Euro có thể làm cả Liên Hiệp Âu Châu cùng khủng hoảng. Việc Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu ECB mở máy bơm tiền trong những ngày tới sẽ là một nhắc nhở. Tình hình liên bang Hoa Kỳ khó êm khi tình hình thế giới bị động. Hãy ngó vào thị trường cổ phiếu thì biết.

Tại Á Châu, Nhật cũng giữ vị trí bản lề cho bài toán kinh tế và mối nguy Trung Quốc. Nếu Hoa Kỳ không thật sự chuyển trục về Ðông Á, Nhật Bản phải tự lo lấy thân. Nguy lắm! Sau bài diễn văn hoành tráng về tình hình liên bang, khi qua thăm Ấn Ðộ, Tổng Thống Obama phải trấn an Thủ Tướng Narendra Modi! Nếu không, Ðông Á sẽ có cuộc thi đua võ trang kể từ 2015.

Phần phụ bản của bài diễn văn về tình hình liên bang kể đã đủ dài. Xin quý độc giả đối chiếu phần trình bày của tổng thống Mỹ với cái thực tế cứng đầu của thế giới!

Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ
Tại Hoa Kỳ, nhiều người ráo riết đấu tranh cho quyền nạo thai tưng bừng để giải phóng phụ nữ và coi lý luận của Công Giáo hay Cộng Hòa là bảo thủ lạc hậu. Cũng khuynh hướng đó lại có phản ứng mê chim và cứu vịt. Vì vậy từ chục năm trước, tiểu bang Caifornia mới ra luật cấm ăn pâté gan ngỗng hay gan vịt sẽ có hiệu lực từ 2015. Chỉ vì sự độc ác của bọn sản xuất là nhồi chim cho tới sưng gan và đầy mỡ vàng ngậy. May là Cali cũng còn vài thẩm phán, chẳng ham ăn ngon thì cũng không đạo đức giả. Ðạo luật thương chim đó bị thu hồi. Vui đáo để!



No comments:

Post a Comment

View My Stats