Tuesday 6 January 2015

Kết luận khuyến nghị của Ủy ban các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (CESCR) cho Việt Nam, tháng 11/2014 (Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ)





Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc
Dịch bởi Thuviennhanquyen.vn
Posted on Jan 6, 2015

Ủy ban về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa
        Kết luận khuyến nghị về các báo cáo thứ hai đến thứ tư của Việt Nam *   

1.    Ủy ban về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa đã xem xét các báo cáo định kỳ thứ hai đến thứ tư của Việt Nam về việc thực hiện Công ước Quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (E/C.12/VNM/2-4) tại cuộc họp thứ 42 và 43 (xem E/C.12/2014/SR.42-43) vào ngày 10 và 11/11/2014. Tại cuộc họp thứ 70 vào ngày 28/11/2014, Ủy ban thông qua các kết luận khuyến nghị sau.

A.    Giới thiệu

2.    Trong khi lấy làm tiếc với việc chậm nộp báo cáo, Ủy ban hoan nghênh các báo cáo thứ hai đến thứ tư của Nhà nước thành viên và các thông tin bổ sung trả lời cho danh sách các vấn đề (E/C.12/VNM/Q/2-4/Add.1) cũng như phần trình bày bằng lời của phái đoàn. Ủy ban cũng hoan nghênh đối thoại xây dựng với phái đoàn cấp cao của Nhà nước thành viên, bao gồm đại diện cho  nhiều nhánh của chính phủ.

B.    Những mặt tích cực

3.    Ủy ban hoan nghênh việc Nhà nước thành viên phê chuẩn các Nghị định thư tùy chọn theo Công ước về Quyền Trẻ em về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và khiêu dâm trẻ em, và về trẻ em trong xung đột vũ trang, năm 2001.
4.    Ủy ban lưu ý và đánh giá cao vị trí của Công ước trong nội luật, theo Luật về Gia nhập, tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế năm 2005.
5.    Ủy ban hoan nghênh các biện pháp của Nhà nước thành viên đóng góp vào việc thực hiện các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, bao gồm:
(a)    Việc thông qua trong năm 2012 Chiến lược huy động, quản lý và sử dụng vốn Viện trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ giai đoạn 2011 – 2015;
(b)    Việc thông qua trong năm 2005 Luật Phòng chống Tham nhũng và các sửa đổi sau đó, cũng như việc phê chuẩn Công ước LHQ về Chống tham nhũng năm 2009;
(c)    Việc thông qua Luật Người Khuyết tật năm 2010;
(d)    Việc thực thi Chương trình mục tiêu quốc gia về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng;
(e)    Thành lập QUỹ bảo hiểm y tế và thông qua Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, và những sửa đổi sau đó.
6.    Ủy ban hoan nghênh việc giảm nghèo đáng kể ở Nhà nước thành viên, từ đó đóng góp cho việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

C.    Các vấn đề quan tâm và khuyến nghị chính

Tính tài phán pháp lý của các quyền trong công ước
7.    Ủy ban quan ngại rằng Công ước vẫn không được công nhận toàn bộ hiệu lực trong hệ thống nội luật của Nhà nước thành viên. Ủy ban lấy làm tiếc là không có vụ việc nào tại tòa án sử dụng tham chiếu Công ước (điều. 2(1))
Ủy ban khuyến nghị Nhà nước thành viên tích hợp hoàn toàn các điều khoản của Công ước vào nội luật, nhằm tăng cường việc bảo vệ các quyền trong Công ước. Ủy ban của khuyến nghị rằng Nhà nước thành viên đảm bảo các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và tính tài phán pháp lý của các quyền này là một phần không thể tách rời trong chương trình đào tạo các thẩm phán và luật sư. Ủy ban cũng khuyến nghị thêm việc nâng cao nhận thức về Công ước cho các cấp có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện công ước, cũng như dân chúng nói chung.

Những hạn chế đối với việc thực hiện các quyền
8.    Ủy ban bày tỏ quan ngại với các điều khoản của điều 14(2) của Hiến pháp cũng như các luật và quy định được thông qua để thực hiện điều này đã áp đặt những hạn chế rộng rãi đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền con người. (Điều 4)
Ủy ban thúc giục Nhà nước thành viên xem xét lại các hạn chế với việc thực hành các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa như trong điều 14(2) của Hiến pháp và các văn bản pháp luật và quy định thực hiện, để đưa các hạn chế này phù hợp với điều 4 của Công ước, và để đảm bảo rằng những hạn chế đó là cần thiết, tương xứng và không can thiệp vào các nội hàm cơ bản tối thiểu của các quyền này.

Tiếp cận công lý và biện pháp khắc phục
9.    Ủy ban quan ngại việc vắng các biện pháp khắc phục hiệu quả và tiếp cận được dành cho các nạn nhân bị vi phạm quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Thêm nữa, ủy ban quan ngại  trước các báo cáo về việc đe dọa và trả thù với các cá nhân đòi khắc phục các quyền của họ bị vi phạm, ví dụ như những người phản đối việc bị cưỡng chế đất đai, hay điều kiện làm việc nghèo nàn. (điều  2(1))
Nhắc lại Bình luận chung số 3 (1990) về bản chất nghĩa vụ của Nhà nước thành viên, Ủy ban kêu gọi Nhà nước thành viên đảm bảo cung cấp các biện pháp khắc phục bằng tư pháp hoặc các biện pháp khắc phục hiệu quả khác đối với những vi phạm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cũng như trợ giúp pháp lý cho những người khiếu nại nghèo. Ủy ban cũng khuyến nghị Nhà nước thành viên cần nâng cao nhận thức trong nhân dân về các cơ chế và thủ tục khiếu nại hiện có để tìm cách khắc phục. Thêm nữa, Ủy ban thúc giục Nhà nước thành viên xử phạt các hành vi đe dọa hoặc trả thù các cá nhân khiếu nại việc vi phạm các quyền của họ, và tiến hành các biện pháp phù hợp đối với những người phải chịu trách nhiệm với những hành vi nói trên.

Cơ quan Nhân quyền Quốc gia
10.    Ủy ban quan ngại rằng Nhà nước thành viên không có cơ quan nhân quyền quốc gia.
Ủy ban kêu gọi Nhà nước thành viên đẩy nhanh việc thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia, theo các Nguyên tắc Paris. Ủy ban đề nghị Nhà nước thành viên tham chiếu Bình luận chung số 10 (1998) về vai trò của cơ quan nhân quyền quốc gia trong việc bảo vệ các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

Môi trường thuận lợi cho xã hội dân sự
11.    Ủy ban quan ngại rằng xã hội dân sự không thể hoạt động tự do và độc lập ở Nhà nước thành viên. Ủy ban cũng bày tỏ quan ngại nghiêm trọng trước các báo cáo về việc quấy rối và bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền và cản trợ họ hợp tác với các cơ chế nhân quyền quốc tế.
Ủy ban kêu gọi Nhà nước thành viên tạo môi trường thuận lợi cho việc tự do thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự độc lập, bên ngoài các tổ chức chính trị xã hội nêu trong Hiến pháp. Nhà nước thành viên cũng cần cung cấp các biện pháp bảo vệ hiệu quả trước những việc quấy rối, bắt giữ và giam giữ những người bảo vệ nhân quyền, bao gồm việc truy tố và và trừng phạt những người chịu trách nhiệm với những hành vi này.

Tham nhũng
12.    Ủy ban quan ngại về mức độ tham nhũng ở nhà nước thành viên và những hậu quả nghiêm trọng của tham nhũng đối với việc thực thi các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Ủy ban cũng quan ngại về con số ít các bản án tham nhũng kể từ khi Luật Chống tham nhũng có hiệu lực từ năm 2005 (điều 2(1))
Ủy ban thúc giục Nhà nước thành viên giải quyết tận gốc vấn đề tham nhũng và tình trạng không phải chịu trách nhiệm, và đảm bảo các giao dịch công được tiến hành – theo luật và trên thực tế – một cách minh bạch. Theo đó, Ủy ban khuyến nghị rằng Nhà nước thành viên thực hiện có hiệu quả việc tuân thủ các quy định về công khai tài sản và về bảo vệ các quyền con người của những người tham gia vào hoạt động chống tham nhũng, đặc biệt là các nạn nhân, người tố cáo, nhân chứng và luật sư của họ.

Không phân biệt đối xử
13.    Ủy ban quan ngại về việc thiếu một khuôn khổ pháp lý hiệu quả để thực hiện điều khoản không phân biệt đối xử của Công ước và quy định trong Hiến pháp của Nhà nước thành viên (điều 2(2))
Ủy ban khuyến nghị Nhà nước thành viên thông qua một luật chống phân biệt đối xử toàn diện trong đó định nghĩa, cấm và trừng phạt việc phân biệt đối xử với tất cả các lý do. Luật cần quy định không chỉ về phân biệt đối xử trực tiếp mà còn cả về phân biệt đối xử gián tiếp, và quy định việc thực thi các biện pháp đặc biệt tạm thời và biện pháp khắc phục đối với nạn nhân. Theo đó, Ủy ban đề nghị Nhà nước thành viên chú ý tới Bình luận chung số 20 (2009) về không phân biệt đối xử trong việc thụ hưởng các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa

Hệ thống đăng ký lưu trú
14.    Ủy ban bày tỏ quan ngại về tác động mang tính phân biệt đối xử của hệ thống đăng ký lưu trú, hô khâu (chữ trong nguyên bản tiếng Anh), đối với việc người nhập cư tiếp cận các dịch vụ xã hội và hưởng các quyền, như quyền nhà ở và quyền với nước và vệ sinh (điều 2(2))
Nhắc lại đảm bảo trong Hiến pháp với tự do đi lại và cư trú trong nước, Ủy ban thúc giục Nhà nước thành viên đảm bảo rằng việc thay đổi nơi cư trú, ngay cả tạm thời, không ảnh hưởng việc thụ hưởng các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Đặc biệt, Ủy ban khuyến nghị rằng Nhà nước thành viên ngay lập tức bỏ yêu cầu đăng ký lưu trú đối với việc tiếp cận các lợi ích xã hội và nhà ở, các dịch vụ như nước và vệ sinh, và đăng ký học, và thay đổi hệ thống đăng ký lưu trú hiện hành để hệ thống này hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền.

Người Khuyết tật
15.    Ủy ban lưu ý với quan ngại rằng người khuyết tật bị phân biệt đối xử trong việc thụ hưởng nhiều quyền, ví dụ quyền giáo dục và quyền àm việc, mặc dù đã thông qua Luật Người Khuyết tật năm 2010. Ngoài ra, Ủy ban quan ngại rằng việc ưu đãi thuế và các ưu đãi khác với các doanh nghiệp có người khuyết tật làm việc chiếm 30% nhân sự sẽ khuyến khích việc tạo ra những doanh nghiệp mang tính chia rẽ người khuyết tật. (điều 2(2))
Ủy ban khuyến nghị Nhà nước thành viên:
(a)    Phân bổ nguồn lực phù hợp để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về Khuyết tật 2012 – 2010, đặc biệt về tiếp cận và cung cấp các biện pháp hỗ trợ phù hợp, nhất là ở vùng nông thôn;
(b)     Tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức để xóa bỏ các rào cản văn hóa và định kiến với người khuyết tật;
(c)    Tích cực tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc trong khu vực công, và nhấn mạnh hệ thống hạn mức tuyển dụng, bao gồm trong lĩnh vực tư;
(d)    Đưa ra một hệ thống hiệu quả để đánh giá việc thụ hưởng các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của người khuyết tật;
(e)    Đẩy nhanh việc phê chuẩn Công ước về Quyền của Người Khuyết tật.

Phân biệt đối xử với phụ nữ
16.    Ủy ban lưu ý với quan ngại rằng, bị coi rằng vai trò của phụ nữ là người có trách nhiệm chăm sóc gia đình, phụ nữ ở Nhà nước thành viên làm việc chủ yếu trong khu vực kinh tế phi chính thức với thời gian làm việc linh hoạt. Ủy ban quan ngại hơn với các biện pháp của Nhà nước thành viên thực tế lại làm tái sinh tình hình phân biệt đối xử này, như việc giữ lại điều khoản về vai trò chăm sóc gia đình của phụ nữ trong Luật Hôn nhân và Gia đình mới và các kế hoạch đào tạo tập huấn nghề có thiên kiến giới như dạy may và đan (điều 3).
Ủy ban khuyến nghị rằng Nhà nước thành viên:
(a)    Sửa tất cả các quy định pháp lý mang tính phân biệt đối xử với phụ nữ, như các quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình, cũng như  quy định tuổi về hưu với nam và nữ khác nhau;
(b)    Tiếp tục nâng cao  nhận thức về chia sẻ bình đẳng trách nhiệm trong gia đình và xã hội, và giám sát, trên cơ sở số liệu ban đầu, tác động của các chiến dịch truyền thông lên nhận thức xã hội về vai trò giới;
(c)    Bỏ các thiên kiến và định kiến giới trong các tài liệu ở trường;
(d)    Khuyến khích đào tạo nữ giới trong các lĩnh vực phi truyền thống và các khu vực nghề nghiệp sẽ tạo cho phụ nữ cơ hội sự nghiệp bình đẳng trong nền kinh tế chính thức;
(e)    Phát triển các dịch vụ trông trẻ giá chấp nhận được và đưa ra hệ thống nghỉ phép cho bố;
(f)    Thực hiện các biện pháp tạm thời để đạt được mục tiêu phụ nữ đại diện trong hệ thống hành chính như đưa ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Thất nghiệp và không đủ việc làm
17.    Ủy ban lưu ý với quan ngại rằng tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vẫn còn cao đáng kể ở nước thành viên. Ủy ban quan ngại hơn rằng phần lớn người trẻ thất nghiệp không được đào tạo cho thị trường lao động, mặc dù hệ thống đào tạo và dạy nghề đã tương đối phát triển. Ngoài ra, ủy ban quan ngại về mức độ thiếu việc làm, đặc biệt ở khu vực nông thôn (điều 6)
Ủy ban khuyến nghị rằng Nhà nước thành viên cải cách các chương trình giáo dục, dạy nghề và đào tạo nghề, dựa trên việc đánh giá cẩn thận nhu cầu, và để dạy các kỹ năng giúp tiếp cận được cơ hội nghề nghiệp. Nhà nước cần đảm bảo rằng các cơ hội nghề nghiệp là bình đẳng và tiếp cận được ở khu vực nông thôn. Ủy ban đề nghị Nhà nước thành viên tham khảo Bình luận chung số 18 (2005) về quyền làm việc.

Điều kiện làm việc, bao gồm điều kiện làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức
18.    Ủy ban quan ngại về sự tồn tại dai dẳng của các điều kiện làm việc nghèo nàn ở nước thành viên cũng nhận thức hạn chế về an toàn và vệ sinh lao động trong công nhân và người sử dụng lao động, vấn đề còn nghiêm trọng hơn với quy mô của kinh tế phi chính thức và năng lực hạn chế của thanh tra lao động (điều 7)
Ủy ban khuyến nghị rằng Nhà nước thành viên tiếp tục các nỗ lực để:
(a)    Nâng cao nhận thức về an toàn và vệ sinh lao động trong công nhân và người sử dụng lao động;
(b)    Đảm bảo mức lương tối thiểu mang lại mức sống tử tế cho người lao động và gia đình họ; và có các cơ chế để thực hiện các quy định pháp luật về trả lương công bằng và bình đẳng với cùng giá trị công việc;
(c)    Tiến hành các bước, như khuyến khích sử dụng hợp đồng mẫu, để giảm tính dễ bị thương tổn cho lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức với việc bị lạm dụng và dần dần giảm số lao động ngoài khu vực kinh tế chính thức;
(d)    Phân bổ nguồn lực cần thiết để đảm bảo hệ thống thanh tra có nhân lực phù hợp với các thanh tra được đào tạo để giám sát điều kiện làm việc, bao gồm trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Lao động nhập cư
19.    Ủy ban quan ngại với việc thiếu quy định trong tuyển dụng lao động Việt Nam ra nước ngoài, phạm vi hạn hẹp của Luật người Việt Nam lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, cũng như việc thiếu tiếp cận với các biện pháp hỗ trợ được thiết kế phù hợp, làm cho người lao động từ Việt Nam ở nước ngoài dễ bị lạm dụng và bóc lột (điều 7).
Ủy ban khuyến nghị Nhà nước thành viên:
(a)    Mở rộng phạm vi Luật về Người Việt Nam lao động ở nước ngoài theo hợp đồng để bao gồm cả những người di cư theo các hợp đồng cá nhân hay hợp đồng hay phi chính thức;
(b)    Quy định và giám sát dịch vụ tuyển lao động, và đảm bảo rằng các hành vi tội phạm gây ra bởi bởi những người liên quan đến công nghiệp tuyển dụng phải bị truy tố và trừng phạt thỏa đáng;
(c)    Cải thiện cơ chế khiếu nại và hỗ trợ pháp lý có tính đến tính dễ bị tổn thương, tính di động và sự phức tạp của việc di cư;
(d)    Thông qua các chính sách trọng tâm phù hợp với nhu cầu của người di cư dễ bị tổn thương, như lao động di cư không thường xuyên và lao động trong gia đình;

Quyền đình công
20.    Ủy ban lưu ý với quan ngại rằng các điều kiện nghiêm ngặt đối với việc thực thi hợp pháp quyền đình công cũng như định nghĩa rộng về “các dịch vụ cần thiết” hạn chế quyền đình công của lao động trong khu vực công. Ủy ban còn quan ngại rằng tham gia đình công bất hợp pháp sẽ dẫn đến việc phải bồi thường cho cho người sử dụng lao động đến tối đa tương đương với ba tháng lương (điều 8)
Ủy ban khuyến nghị Nhà nước thành viên loại bỏ những hạn chế quá mức đối với quyền đình công, trong luật và trong thực tế, và hạn chế phạm vi “các dịch vụ cần thiết” thành các dịch vụ mà nếu bị gián đoạn sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng, an toàn cá nhân hay sức khỏe của toàn bộ hay một phần dân số. Ủy ban cũng thúc giục Nhà nước thành viên sửa đổi những quy định pháp lý về việc công nhân phải đền bù thiệt hại (do đình công).
 
Quyền công đoàn
21.    Ủy ban lưu ý với quan ngại rằng, theo Luật Công đoàn sửa đổi, việc thành lập và công đoàn và tham gia hoạt động của công đoàn vẫn phải theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (điều 8)
Ủy ban kêu gọi Nhà nước thành viên đưa quy định pháp luật của mình về quyền công đoàn phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền thành lập và gia nhập công đoàn theo lựa chọn cá nhân. Ủy ban đề nghị Nhà nước thành viên phê chuẩn Công ước ILO số 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ Quyền về tổ chức năm 1948 và số 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể 1949.

Tiếp cận với Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm Y tế
22.    Ủy ban quan ngại rằng, mặc dù đã đạt được những tiến bộ trong việc mở rộng diện tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ tham gia bảo hiểm thấp trong số lao động ở khu vực phi chính thức cũng như yêu cầu về đồng chi trả đã ngăn trở tiếp cận chăm sóc sức khỏe của các nhóm thiệt thòi và bị lề hóa. Ủy ban cũng lưu ý với quan ngại về việc có ít dịch vụ y tế chất lượng tốt ở các vùng xa. Ngoài ra, Ủy ban cũng quan ngại về sự khác biệt trong bảo vệ sức khỏe trong xã hội, và hậu quả của việc tư nhân hóa các dịch vụ y tế giá chấp nhận được.
Ủy ban khuyến nghị Nhà nước thành viên:
(a)     Tiếp tục các nỗ lực cải thiện độ phủ bảo hiểm y tế trong khu vực kinh tế phi chính thức và tiến hành các chiến dịch khuyến khích các nhóm thiệt thòi và bên lề tham gia bảo hiểm;
(b)    Đảm bảo rằng đồng chi trả trong bảo hiểm y tế là chấp nhận được về chi phí với tất cả mọi người, bao gồm các nhóm thiệt thòi về xã hội, và mở rộng danh sách quy định các loại thuốc trong diện chi trả bảo hiểm cũng như hạn chế chi phí ngoài bảo hiểm;
(c)    Đầu tư vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ y tế tại các trung tâm y tế cộng đồng và bệnh viện cấp huyện/quận.
Ủy ban đề nghị Nhà nước thành viên tham khảo Bình luận chung số 19 (2007) về quyền hưởng an sinh xã hội và số 14 (2000) về quyền có chuẩn mực tối đa về sức khỏe.

Bảo hiểm thất nghiệp
23.    Ủy ban quan ngại rằng không có hệ thống đảm bảo an toàn bảo trợ xã hội cho thất nghiệp do nhà nước hỗ trợ ngân sách, và bảo hiểm thất nghiệp chỉ áp dụng cho những người đóng đủ, kết quả là tỷ lệ chi trả bảo hiểm thất nghiệp thấp, chỉ có 5.32% lực lượng lao động trong năm 2013 (điều 9).
Ủy ban khuyến nghị rằng Nhà nước thành viên tiến hành các biện pháp chính sách và lập pháp cần thiết để thúc đẩy tiếp cận bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm, đưa ra trợ cấp xã hội thất nghiệp không phải đóng góp trước, trợ cấp để khuyến khích tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đảm bảo rằng các điều kiện hưởng trợ cấp là hợp lý và tương xứng ở mức tối thiểu. Ủy ban đề nghị Nhà nước thành viên cung cấp thông tin về những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực này trong kỳ báo cáo tiếp theo.
 
Người cao tuổi
24.    Ủy ban quan  ngại về tình trạng chung của người cao tuổi ở nước thành viên vì chỉ có một phần nhỏ trong số họ nhận được lương hưu hoặc trợ cấp cho người cao tuổi, trong đó trợ cấp cho người cao tuổi chỉ dành cho người trên 80 tuổi không có người chăm sóc. Ngoài ra, Ủy ban quan ngại rằng số tiền trợ cấp còn thấp hơn chuẩn nghèo (điều 9, 10, 11).
Ủy ban khuyến nghị rằng Nhà nước thành viên xem xét lại tiêu chuẩn hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi để những người cần trợ cấp này không bị đứng ngoài. Ủy ban khuyến nghị Nhà nước thành viên tăng số tiền trợ cấp xã hội để đảm bảo mức sống phù hợp cho người nhận trợ cấp.
Ngoài ra, với xu hướng già hóa trong xã hội tại nước thành viên, Ủy ban khuyến nghị Nhà nước thành viên tiến hành các biện pháp để đáp ứng những nhu cầu cụ thể của người cao tuổi, bao gồm đưa ra các biện pháp đảm bảo thu nhập trong tuổi già, thông qua cả các kênh đóng góp và không đóng góp, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp và giá chấp nhận được, và tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức về quyền của người cao tuổi.
Về vấn đề này, Ủy ban đề nghị Nhà nước thành viên xem xét Bình luận chung số 6 (1995) về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của người cao tuổi và số 19 (2007) về quyền an sinh xã hội.

Kết hôn với người nước ngoài
25.    Ủy ban quan ngại về khả năng dễ bị tổn thương của phụ nữ kết hôn với người nước ngoài đối với việc bị lạm dụng, đặc biệt những phụ nữ kết hôn qua môi giới là việc bất hợp pháp nhưng vẫn đang diễn ra tại nước thành viên (điều 10)
Ủy ban khuyến nghị Nhà nước thành viên đảm bảo rằng các trung tâm tư vấn cung cấp cho phụ nữ thông tin về khuôn khổ pháp lý về bạo lực gia đình và quyền của người di trú theo diện kết hôn ở nước đi đến, bao gồm cơ chế khiếu nại với phụ nữ nước ngoài ở nước đó. Ủy ban cũng khuyến nghị rằng Nhà nước thành viên truy tố những người nào vi phạm luật cấm môi giới hôn nhân.

Trẻ em không quốc tịch
26.    Ủy ban quan ngại rằng trẻ em là con của những người di trú theo diện kết hôn không có vị thế pháp lý rõ ràng nếu không được giải quyết thì ở tình trạng không quốc tịch, vì thế không được đi học hoặc nhận các dịch vụ xã hội khác (điều 10)
Ủy ban khuyến nghị rằng trẻ em là con của những người di trú diện kết hôn nếu vẫn ở tình trạng không quốc tịch cần được công nhận và đăng ký, và được đi học, được chăm sóc sức khỏe và nhận được các dịch vụ xã hội khác.
 
Trẻ em bị bóc lột kinh tế
27.    Ủy ban lưu ý với quan ngại rằng trẻ bị bóc lột kinh tế vẫn còn phổ biến ở nước thành viên (điều 10).
Ủy ban khuyến nghị Nhà nước thành viên hành động trên cơ sở Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ nhất để xóa bỏ tình trạng trẻ em bị bóc lột kinh tế. Ủy ban cũng kêu gọi Nhà nước thành viên đưa các quy định về các công việc cho phép lao động trẻ em, ví dụ như các công việc quy định trong thông tư 11 năm 2013 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Nghèo đói ở những người sống ở nông thôn và dân tộc thiểu số
28.    Ủy ban lưu ý với quan ngại về tình trạng khoảng cách khu vực trong việc thụ hưởng quyền có mức sống thích đáng trong dân cư ở khu vực nông thôn cũng như các dân tộc thiểu số ở khu vực vùng xa và miền núi đặc biệt khó khăn (điều 11).
Ủy ban khuyến nghị Nhà nước thành viên đưa ra những chiến lược và chương trình trọng điểm có hiệu quả và dựa trên quyền con người để giải quyết những thách thức về khoảng cách khu vực về đói nghèo và mức sống. Ủy ban cũng tham chiếu đến tuyên bố  về đói nghèo đưa ra ngày 04/5/2001. Ủy ban đề nghị  Nhà nước thành viên báo cáo trong kỳ tiếp theo số liệu có về đói nghèo có phân tách theo năm, khu vực và các thông số phù hợp khác.

Tác động của các chương trình phát triển, như tái định cư hay thu hồi đất
29.    Ủy ban quan ngại về hậu quả nghiêm trọng của các chương trình phát triển, như tái định cư và thu hồi đất, đối với việc thụ hưởng các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của các dân tộc thiểu số. Cụ thể, Ủy ban quan ngại rằng:
(a)    Các luật và quy định về thu hồi đất và tái định không phù hợp với chuẩn mực quốc tế;
(b)    Các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng của các chương trình phát triển không được đền bù thỏa đáng cho đất bị thu hồi, một số khác không được tái định cư phù hợp;
(c)    Cá nhân và cộng đồng tái định cư gặp nhiều khó khăn trong việc tìm sinh kế thay thế;
(d)    Chính sách tái định cư chưa tính đến hậu quả tiêu cực về quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số (điều 11 và 15)
Ủy ban thúc giục Nhà nước thành viên:
(a)    Đảm bảo, về luật và thực tế, các dân tộc thiểu số đồng ý một cách tự nguyện, trên cơ sở được thông tin trước và đầy đủ về các quyết định có ảnh hưởng đến họ, và được hỗ trợ pháp lý trong toàn bộ quá trình này;
(b)    Đảm bảo tính minh bạch của quá trình, bao gồm chuẩn bị trước kỹ càng và đầy đủ thông tin về tỷ lệ đền bù, nơi tái định cư, chính sách hỗ trợ;
(c)    Đưa các chiến lược sinh kế phù hợp với độ tuổi và nhạy cảm giới vào các kế hoạch dạy nghề và tái định cư và đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp được hưởng lợi khi thu hồi đất phải tuyển dụng người mất đất;
(d)    Đảm bảo các biện pháp khắc phục phải tiếp cận được và hiệu quả, bao gồm việc xem xét các khiếu nại nhận được và đền bù khi phù hợp;
(e)    Tiến hành đánh giá tác động của việc thu hồi dất và tái định cư đói với việc thụ hưởng các quyền trong Công ước và sự tham gia của các dân tộc thiểu số trong việc hoạch định chính sách và xây dựng các kế hoạch nhằm giải quyết những vấn đề được xác định trong đánh giá tác động.
Ủy ban đề nghị Nhà nước thành viên tham khảo Bình luận chung số 7 (1997) về cưỡng chế.

Quyền về sức khỏe tình dục và sinh sản
30.    Ủy ban quan ngại về các nhu cầu về dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho một số nhóm, bao gồm phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ vùng nông thôn cũng như phụ nữ không kết hôn (điều 12)
Ủy ban khuyến nghị Nhà nước thành viên dành ưu tiên cho những nhóm như phụ nữ dân tộc thiểu số và nông thôn, cũng như người không kết hôn và người trẻ, trong các chương trình sức khỏe sinh sản và tình dục. Ủy ban cũng kêu gọi Nhà nước thành viên bỏ các quy định về kiểm soát sinh đẻ trong luật pháp quốc gia để tôn trọng quyền của mọi người tự do quyết định một cách có trách nhiệm về số con và khoảng cách giữa các lần sinh.

Nước và vệ sinh
31.    Ủy ban quan ngại về tiếp cận hạn chế với nước an toàn và đầy đủ và phương tiện vệ sinh cải tiến ở khu vực nông thôn, mặc dù đã có những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện Chương trình Quốc gia về Nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020. Ủy ban cũng quan ngại về thông tin về nước ô nhiễm do khai mỏ và lạm dụng phân bón và thuốc diệt sâu bọ, cũng như ô nhiễm nước ở khu vực đô thị và công nghiệp (điều 12)
Ủy ban khuyến nghị Nhà nước thành viên:
(a)    Phân bổ thêm nguồn lực để cung cấp nước an toàn và phương tiện vệ sinh cải tiến, đặc biệt ở vùng nông thôn, và đảm bảo rằng các chi phí trự c tiếp và gián tiếp, như các khoản vay, liên quan đến đảm bảo nước an toàn và phương tiện vệ sinh cải tiến là chấp nhận được;
(b)    Thực hiện các quy định về xử lý nước ở khu công nghiệp, tiến hành các biện pháp để bảo vệ nguồn nước khỏi ô nhiễm và đảm bảo sự an toàn của nước cấp cho người dân.
Ủy ban đề nghị Nhà nước thành viên tham khảo Bình luận chung số 15 (2002) về quyền về nước và tuyên bố của ủy ban về vệ sinh (2010)

Giáo dục cho các nhóm thiệt thòi và lề hóa
32.    Ủy ban lưu ý với quan ngại rằng tiếp cận giáo dục có chất lượng vẫn còn hạn ché ở vùng xa và miền núi và đảo, nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số, mặc dù đã có những tiến bộ đạt được trong giáo dục ở những nơi khác ở nước thành viên (điều 15)
Ủy ban khuyến nghị Nhà nước thành viên xây dựng một khuôn khổ toàn diện và phân bổ nguồn lực phù hợp để cung cấp giáo dục có chất lượng cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em ở vùng xa. Về mặt này, Ủy ban khuyến nghị Nhà nước thành viên:
(a)    Có kế hoạch phù hợp với nhu cầu nhân sự về giáo dục;
(b)    Tăng đầu tư vào giáo dục sớm cho trẻ em ở diện trên;
(c)    Cải thiện hệ thống theo dõi trẻ em bỏ học và giúp các em tái hòa nhập ở trường;
(d)    Thực hiện các tiếp cận giáo dục song ngữ dựa vào tiếng mẹ đẻ;
(e)    Tăng cường phân cấp quản lý giáo dục

Tự nhận diện
33.    Ủy ban bày tỏ quan ngại về việc không công nhận các dân tộc bản địa ở Nhà nước thành viên đã có ảnh hưởng tiêu cực lên việc thụ hưởng các quyền văn hóa của họ (điều 15)
Nhắc lại rằng việc tự nhận diện là một nguyên tắc căn bản của Tuyên ngôn LHQ về Quyền của các dân tộc bản địa, Ủy ban khuyến nghị nhà nước thành viên tôn trọng quyền của mọi người, một mình hay cùng những người khác hay như một cộng đồng – chọn bản sắc của mình, bao gồm quyền nhận diện là dân tộc bản địa. Ủy ban cũng khuyến nghị rằng Nhà nước thành viên thông qua một luật định về việc công nhận các dân tộc thiểu số và dân tộc bản địa và đảm bảo các quyền của họ. Ủy ban cũng đề nghị Nhà nước thành viên phê chuẩn Công ước số 169 (1989) về các dân tộc và bộ lạc bản địa ở các nước độc lập.

Quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số
34.    Ủy ban bày tỏ quan ngại về chính sách của Nhà nước thành viên về việc xóa bỏ những giá trị văn hóa truyền thống nhất định của các dân tộc thiểu số, những giá trị bị coi là “lạc hậu” và chính sách thay thế những giá trị này với những chính sách văn hóa mới dựa trên các mục tiêu ổn định và phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, Ủy ban quan ngại về hậu quả nghiêm trọng của du lịch thương mại lên hoạt động văn hóa của các dân tộc thiểu số, ví dụ như hội đua bò Bảy Núi hay đua thuyền rồng (điều 15).
Ủy ban thúc giục Nhà nước thành viên hạn chế đưa ra những chính sách văn hóa để phục vụ mục tiêu phát triển và tôn trọng hoàn toàn quyền của các dân tộc thiểu số tham gia vào hoạt động văn hóa của họ và để bảo tồn, thúc đẩy và phát triển văn hóa của họ. Những giới hạn với quyền này phải hạn chế chỉ với các thực hành tiêu cực làm ảnh hưởng các quyền con người khác. Thêm nữa, Ủy ban khuyến nghị rằng Nhà nước thành viên đảm bảo rằng các dân tộc thiểu số tham gia đầy đủ vào quá trình ra quyêt định về khai thác kinh tế với di sản văn hóa của họ và họ có được các lợi ích vật thể từ các hoạt động này. Về lĩnh vực này, Ủy ban kêu gọi Nhà nước thành viên chú ý đến Bình luận chung số 21 (2009) về quyền của mọi người tham gia vào đời sống văn hóa.

Tự do nghệ thuật
35.    Ủy ban quan ngại rằng chế độ kiểm duyệt ở Nhà nước thành viên làm ảnh hưởng đến tự do nghệ thuật. Ủy ban còn quan ngại hơn trước những báo cáo về việc bắt giữ và giam các bloggers theo Nghị định 72 ngày 15/7/2013 (điều 15).
Nhắc lại nghĩa vụ của Nhà nước thành viên theo điều 15(3) về tôn trọng tự do không thể thiếu trong hoạt động sáng tạo, Ủy ban thúc giục Nhà nước thành viên bỏ việc kiểm duyêt các hoạt động văn hóa và các hình thức biểu đạt khác. Thêm nữa, Ủy ban kêu gọi Nhà nước thành viên đưa những hạn chế về tự do biểu đạt phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bao gồm bỏ các hình phạt tù liên quan đến tự do biểu đạt.
 
D.    Các khuyến nghị khác

36.    Ủy ban khuyến khích Nhà nước thành viên cân nhắc việc ký kết và phê chuẩn Nghị định tư tùy chọn theo Công ước Quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.
37.    Ủy ban yêu cầu Nhà nước thành viên phổ biến bản kết luận khuyến nghị này rộng rãi đến các tầng lớp xã hội, đặc biệt là các công chức viên chức, thành viên quốc hội, nhân viên tư pháp và các tổ chức xã hội dân sự, và thông báo với Ủy ban trong báo cáo định kỳ tới về những bước đã tiến hành để thực hiện bản kết luận khuyến nghị này.
38.    Ủy ban yêu cầu Nhà nước thành viên nộp báo cáo định kỳ thứ năm theo hướng dẫn của Ủy ban năm 2008 (E/C.12/2008/2), vào ngày 30 tháng 11 năm 2019.





No comments:

Post a Comment

View My Stats