Saturday 24 January 2015

Iran, cuộc đối đầu thứ nhất giữa tổng thống và quốc hội (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Thursday, January 22, 2015 6:08:02 PM

WASHINGTON - Sự thiếu hợp tác của Quốc Hội đối với những chương trình mà Tổng Thống Obama nêu ra qua bản Thông Điệp Liên Bang là điều mà các quan sát viên đều dự đoán. Nhưng khác với sự chờ đợi, phản ứng đầu tiên không phải về các chương trình quốc nội mà lại là một  vấn đề ngoại giao: việc thương thuyết của Hoa Kỳ và 5 cường quốc với Iran về dự án phát triển nguyên tử của nước cộng hòa Hồi Giáo này.

Tổng Thống Hassn Rouhani thăm nhà máy điện nguyên tử Bushehr gần thành phố cảng Bushehr miền Nam Iran. (Hình: AP/Muhammad Berno)

Phát ngôn viên chính phủ Iran, Mohammad Bagher Nobakht, một người thân cận với Tổng Thống Hassan Rouhani, hôm Thứ Tư tuyên bố với các phóng viên rằng Iran tin là chính phủ Hoa Kỳ có quyết tâm muốn chấm dứt sự đối đầu với Iran về vấn đề nguyên tử.

Nhận định như vậy trong lúc cuộc thương thuyết còn đang tiếp tục là một biểu hiện khác thường, nhưng cũng cho thấy hoàn cảnh phức tạp và tế nhị ở cả hai phía.

Về phía Mỹ, Tổng Thống Obama trước đó trong bản Thông Điệp Liên Bang cũng đã tỏ thái độ kiên quyết bằng những lời lẽ thẳng thừng ít thấy. Ông nói: “Từ nay đến mùa xuân, chúng ta có cơ hội thương lượng được một thỏa thuận toàn diện ngăn ngừa Iran trang bị vũ khí hạt nhân, bảo đảm an ninh cho nước Mỹ và các đồng minh kể cả Israel, đồng thời tránh khỏi một cuộc xung đột nữa ở Trung Đông”. Tuy nhiên, theo ông, nỗ lực ngoại giao ấy sẽ hỏng nếu Quốc Hội đưa ra thêm một số biện pháp mới để trừng phạt Iran vào lúc này. Và ông khẳng định không úp mở: “Tôi sẽ phủ quyết bất cứ một dự luật nào đe dọa cho sự thành công của tiến trình thương lượng ngoại giao như thế”.

Những lời như thế của vị Tổng Thống đảng Dân Chủ chắc chắn không tránh khỏi phản ứng của phía Cộng Hòa đang vừa mới nắm ưu thế tuyệt đối tại Quốc Hội  .

Thượng Nghị Sĩ chủ tịch ủy ban đối ngoại Bob Corker, Cộng Hòa Tennessee, nói: “Chúng tôi cố gắng tìm một phương cách xây dựng để cho  Quốc Hội thi hành nhiệm vụ hợp lý trong những cuộc thương thuyết với Iran. Nhưng tôi rất thất vọng khi thấy Hành Pháp rõ ràng không muốn Lập Pháp có vai trò gì với thỏa hiệp địa chính trị quan trọng nhất có thể đạt được trong nhiệm kỳ của chính quyền này”.

Còn Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner thì không chỉ bằng lời mà bằng một hành động cụ thể gây khó dễ cho cả hai phía. Không tham khảo ý kiến của tòa Bạch ốc theo đúng thủ tục ngoại giao thông thường, vị , Dân Biểu tiểu bang Ohio chính thức mời Thủ Tướng Israel sang nói chuyện tại Quốc Hội Hoa Kỳ về vấn đề chống khủng bố.

Về phía Iran, phái cứng rắn cực hữu cũng không hài lòng việc thương thuyết với Hoa Kỳ vì có thể làm yếu chương trình phát triển nguyên tử và khả năng hỏa tiễn của nước họ. Những thành phần đối lập chỉ trích Tổng Thống Hassan Rouhani về sự nhượng bộ trước những đòi hỏi của Hoa Kỳ.

Hôm 2 tháng 1, thông tấn xã AP dẫn nguồn tin từ hai nhà ngoại giao không nêu danh tánh, cho biết Iran đồng ý chuyển một phần lớn quặng uranium đã được làm giầu sang Nga với mục tiêu điều chế thành nhiên liệu dùng cho nhà máy phát điện. Trang mạng Nuclear Iran khuynh hướng bảo thủ báo động rằng việc xuất cảng nguyên tử liệu như thế được coi là vượt quá giới hạn an ninh của Iran.

Nữ phát ngôn viên Marzieh Afkham bộ ngoại giao Iran bác bỏ tin tức này nhưng không làm cho phái cứng rắn ở Iran thỏa mãn vì Afkham từ chối không bình luận rằng sự chuyển nhượng nguyên tử liệu như thế là theo đề nghị của Hoa Kỳ trong cuộc thương thuyết.

Javad Karimi Ghodousi, một nhà lập pháp Iran trong cuộc phỏng vấn của Raja News nói là các nhà lập pháp đã hỏi những thành viên trong phái bộ thương thuyết kể cả ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif và được biết rằng trong số các yêu sách của Hoa Kỳ có việc phải chuyển các quặng uranium đã làm giầu tới 20% nghĩa là gần mức có thể dùng cho vũ khí nguyên tử, đến một nước thứ ba có lẽ là Nga. Theo Ghodousi, Hoa Kỳ cũng đòi giám sát các cuộc thử nghiệm hỏa tiễn nhưng Iran không đồng ý vì chương trình hỏa tiễn không nằm trong nội dung những cuộc thương thuyết.

Tuần trước hai ngoại trưởng Arif và John Kerry đã hội đàm trong nhiều giờ ở Geneva. Hình ảnh hai nhà ngoại giao trong giờ nghỉ giải lao cùng nhau đi dạo phố cũng làm các giới bảo thủ ở Tehran phẫn nộ. Mohammad Reza Naqdi, tư lệnh lực lượng dân quân tình nguyện Basij, và là người thân cận của nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, lên tiếng phê phán: “Rõ ràng ông Zarif không hiểu là mình đang đại diện cho quốc gia nào. Ông phải xin lỗi nhân dân Iran về hành động không thích đáng này”.

Phát ngôn viên Nobakht của Tổng Thống Rouhani bác bỏ lập luận này: “Bằng chuyện hai ngoại trưởng đi dạo để cho rằng chúng ta yếu về ngoại giao là điều ngớ ngẩn không ai tin được”.

Nội dung chi tiết trong các cuộc thương thuyết không được tiết lộ và chưa thể biết kết quả đã tới bước nào. Tuy vậy qua những sự việc vừa nói trên, có thể hiểu vì sao các nhà ngoại giao và chính quyền Hoa Kỳ lạc quan tin tưởng rằng có hy vọng đạt tới thỏa hiệp cuối cùng.
Mặt khác, những biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ và Tây Phương đã gây ra cho Iran rất nhiều khó khăn đặc biệt là về mặt kinh tế. Cùng lúc dầu lửa trên thị trường thế giới mất giá khiến Iran, với xuất cảng dầu lửa là nguồn ngoại tệ chính, thiệt hại nặng nề và bị thúc đầy bởi nhu cầu mau chóng đi tới bình thường hóa các quan hệ  quốc tế.

Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Antony Blinken thuyết trình trước ủy ban đối ngoại Thượng Viện hôm Thứ Năm, bênh vực lập trường của Hành Pháp: “Tôi nghĩ rằng quý vị cũng hiểu là bất cứ một chính quyền nào, Cộng Hòa hay Dân Chủ, đều cần có đặ quyền hành pháp để đạt những thỏa hiệp vì lợi ích an ninh quốc gia mà không cần phải xin phép trước của Quốc Hội.”

Theo Blinken, còn có một vấn đề phức tạp nữa là bất cứ một bước nào của Quốc Hội cũng có thể làm xa lánh các nước đồng minh trong cuộc thương thuyết và do đó Tổng Thống Obama muốn Quốc Hội đứng bên ngoài mặc dầu chính ông đã từng xác nhận tuần trước rằng triển vọng thành công trong cuộc thương thuyết với Iran là dưới 50/50.

Chính cơ quan tình báo Mossad của Israel cũng không đồng ý với Thủ Tướng Benjamin Netanyahu, và báo cho Hoa Kỳ biết là bất cứ một biện pháp cấm vận nào thêm nữa có thể làm hỏng cuộc thương thuyết. Từ 2010 giám đốc Mossad là Meir Dagan đã nói với các phóng viên là ông công khai chống lại lệnh của Thủ Tướng Netanyahu chuẩn bị mở cuộc tấn công quân sự vào Iran vì hành động này là không thể nào thành công.

Không đầy 12 giờ sau bản Thông Điệp Liên Bang, sáng Thứ Tư Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner loan tin trong cuộc họp báo rằng Thủ Tướng Netanyahu đã nhận lời mời của ông sang nói chuyện trước hai viện Quốc Hội về sự đe dọa của Hồi Giáo quá khích và Iran. Boehner cũng cho biết ông quyết định không tham khảo ý kiến tòa Bạch Ốc.

Một giới chức yêu cầu không nêu danh tánh nói rằng Tổng Thống Obama có quyền tuyên bố Netanyahu là một nhà ngoại giao không được chấp nhận (persona non grata) và từ chối cấp thông hành vào Mỹ.

Tuy nhiên tòa Bạch Ốc sáng Thứ Năm chỉ nói rằng Tổng Thống sẽ không tiếp Thủ Tướng Israel khi ông đến Washington nói chuyện tại Quốc Hội. Nữ phát ngôn viên Bernadette Meehan tuyên bố: “Theo một thể thức và nguyên tắc đã áp dụng từ lâu, chúng tôi không gặp các nhà lãnh đạo quốc gia hay ứng cử viên vào thời điểm gần tới ngày bầu cử để tránh bị hiểu lầm là làm ảnh hưởng tới cuộc bầu cử dân chủ của một nước ngoài. Do đó Tổng Thống sẽ không gặp Thủ Tướng Benjamin Netanyahu khi ông định tới nói chuyện tại Quốc Hội chỉ hai tuần lễ trước bầu cử ở Israel”.

Bầu cử ở Israel là ngày 17 tháng 3 và Thủ Tướng Netanyahu tới Mỹ ngày 1 tháng 3, nói chuyện ở Quốc Hội ngày 3 tháng 3. Hôm Thứ Tư Chủ Tịch Hạ Viện Boehner nói Thủ Tướng Israel đến ngày 11 tháng 2 nhưng sau đó nói lại là ngày 3 tháng 3.

Michele Kelemen của đài phát thanh NPR cho biết các quốc gia Âu Châu cũng thúc đẩy Quốc Hội Hoa Kỳ  đừng nên tạo thêm trở ngại trong giai đoạn này của cuộc thương thuyết với Iran.

Thủ Tướng Netanyahu đã hai lần nói chuyện trước Quốc Hội Mỹ năm 2011 và 1996. Ông sẽ phải đương đầu gay go với cuộc bầu cử sắp tới ở Israel. Mối quan hệ giữa ông với Tổng Thống Obama gần đây lạnh nhạt nhưng ông được sự ủng hộ mạnh mẽ tại Quốc Hội. Chủ Tịch Boehner cho rằng  Hạ Viện có thể tự quyết định không cần phải tham khảo ý kiến Hành Pháp. Nhưng bà Nacy Pelosi, trưởng khối thiểu số Dân Chủ nói rằng mời Thủ Tướng Israel đến vào lúc này là “không thích hợp và chẳng có lợi ích gì cả”.  (HC)





No comments:

Post a Comment

View My Stats