Friday 16 January 2015

Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng có oan không khi nhận tội !? (Huyền Trang, VRNs)





Huyền Trang, VRNs
Đăng ngày: 16.01.2015

VRNs (16.01.2015) – Sài Gòn- Hiện nay, gia đình Hồ Duy Hải và gia đình Nguyễn Văn Chưởng, cũng như dư luận và báo chí cho rằng, anh Hải và anh Chưởng oan, nên cần phải giải oan. Vậy anh Hải và anh Chưởng có thực sự oan, nếu hai tử tù này có lời khai nhận tội trước các cơ quan bảo vệ pháp luật? Đã nhận tội thì sao bảo là oan?

Vụ án của anh Hải và anh Chưởng có đặc điểm chung nổi bật nhất đó là cơ quan điều tra, VKS và Tòa án đã sử dụng lời khai của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội. Đối với anh Hồ Duy Hải hầu như là những lời khai nhận tội. Còn anh Nguyễn Văn Chưởng, ngoài việc sử dụng những lời khai của các bị cáo khác, cũng là những lời khai nhận tội của anh Chưởng, nhưng anh Chưởng luôn tìm mọi cách gửi đơn kêu oan ra bên ngoài cho gia đình, đặc biệt trong các biên bản lời khai đều có ký hiệu “EC” –nghĩa là “ép cung”.

Vậy cơ quan điều tra, VKS và Tòa án có được dùng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội?

Quy định về lời khai của bị can, bị cáo tại khoản 2, Điều 72 BLTTHS viết: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.
Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.”

Trước tiên, xin đề cập đến vụ án của anh Hồ Duy Hải. Trong quá trình điều tra vụ án và đứng trước vành móng ngựa trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, anh Hải cũng có lời khai nhận tội giết người. Tuy nhiên, các chứng cứ khách quan của vụ án là dấu vân tay thu được ở hiện trường không trùng với 10 dấu vân tay của anh Hải; tang vật là cái thớt và con dao không được cơ quan điều tra thu giữ tại hiện trường, mà sau này được cơ quan tiến hành tố tụng ra chợ mua về để làm vật chứng; biên bản ghi lời khai bị sửa chữa nghiêm trọng… Vậy lời khai của anh Hải có phù hợp với các chứng cứ khách quan khác của vụ án? Những lời khai nhận tội này có được xem là chứng cứ duy nhất kết tội anh Hải?

Đối với vụ án của anh Nguyễn Văn Chưởng cũng là những lời khai nhận tội trong quá trình điều tra, nhưng anh Chưởng lại luôn kêu oan khi đứng trước hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Vụ án anh Chưởng đã có kháng nghị Giám đốc thẩm nhưng Tòa án Tối cao đã bác bỏ kháng nghị và giữ nguyên bản án tử. Tuy nhiên, trong vụ án này có nhiều tình tiết chưa được điều tra, làm rõ, có nhiều mâu thuẫn ngay trong chính nội dung của bản cáo trạng hay bản kết luận điều tra. Có nhiều lời khai đáng tin cậy cho thấy, vào thời điểm xảy ra vụ án tại Hải Phòng, anh Chưởng có mặt tại quê là Hải Dương. Điều này được vợ chồng ông Tuất xác nhận: “Tôi nhớ hôm đó tối ngày 14.07.2007 là ngày chấm công lại về nhà vợ chồng tôi cãi nhau về việc bán dưa nên sự thật là Chưởng có đến nhà tôi chơi. Điều tra viên ép tôi phải viết: Đoàn -em Chưởng- nhờ tôi viết xác nhận tối ngày 14.07.2007 Chưởng đến nhà tôi chơi.” Thế nhưng, các lời chứng khách quan này không được cơ quan điều tra, VKS và Tòa án xem xét.

Còn trong kết luận giám định pháp y gây ra cái chết của Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh có một số tình tiết chưa được làm rõ. Ví dụ như: Vết thương đã gây ra tử vong cho nạn nhân là ‘vết thương thấu não vùng thái dương phải’. Kết luận mô tả thêm, nạn nhân mặc áo mưa chùm kín đầu, có vết rách thân sau bên trái áo mưa. Với kết luận pháp y như vậy, xin được phép suy diễn như sau, vết thương thấu não vùng thái dương chỉ xảy ra khi ông Sinh không đội nón bảo hiểm. Vậy ông Sinh có đội nón bảo hiểm hay không? Nếu không, thì ông Sinh đã chùm kín đầu bằng cái gì? Và vật nào gây ra vết thương này cho ông Sinh?

Ngay trong nội dung bản kết luận điều tra vụ án khẳng định, “khi đi đến đoạn đường có giải phân cách thì Chưởng phát hiện thấy anh Nguyễn Văn Sinh… đang trên đường đi làm nhiệm vụ bằng xe môtô mặc áo mưa ‘chùm kín đầu’… khi anh Sinh đi đến đoạn đường cạnh nhà máy thép Đình Vũ HP thì anh Sinh đỗ xe lại ở gần giữa tim đường, hai chân chống xuống đường…”. Vậy công an Sinh có đội nón bảo hiểm khi lưu thông trên đường trong khi đang thi hành nhiệm vụ? Ông Sinh có thể không đội nón bảo hiểm nếu ông xem thường pháp luật. Và khi sự việc xảy ra, ông sẽ bị Hoàng –bị cáo ‘vung lên chém một nhát mạnh vào vùng thái dương bên phải’ như bản kết luận điều tra mô tả, và chính vết thương này đã gây ra tử vong cho ông. Hoặc, có một giả thiết khác được đặt ra là ông Sinh không đội nón bảo hiểm nhưng lại chùm kín đầu bằng áo mưa thì trên phía đầu áo mưa phải có vết rách, nhưng kết luận giám định pháp y khẳng định chỉ ‘có vết rách thân sau bên trái áo mưa’. Với tình tiết này, cơ quan điều tra đã bỏ qua, chưa làm rõ, ông Sinh có đội nón bảo hiểm hay không. Những điểm rách nào trên tang vật là áo mưa? Nếu ông Sinh không đội nón bảo hiểm, thế thì ông Sinh đã trùm kín đầu bằng cái gì? Vật nào gây ra vết thương này cho ông Sinh hay không?

Qua phần phân tích trên cho thấy, cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc thu thâp vật chứng, lấy lời khai của bị cáo, nhân chứng, những người có liên quan… Cần nhấn mạnh, Điều 10 BLTTHS quy định ‘cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội… Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng…”

Vì thế, các cơ quan điều tra có nhiệm vụ chứng minh các bị cáo có tội dựa trên các chứng cứ khách quan. Ví dụ: cơ quan điều tra, VKS, Tòa án phải chứng minh được ‘mục đích, động cơ phạm tội’ giết người của anh Hải, hoặc của anh Chưởng là gì -nếu có. Thế nhưng, cơ quan điều tra lại nghiễm nhiên cho rằng, anh Hải phạm tội giết người, nên đã dựng ra kịch bản anh Hải giết người để hiếp dâm, nhưng do không đủ chứng cứ chứng minh anh Hải có động cơ và hành vi này, nên họ đã buộc anh Hải giết người để cướp của, mà lại bỏ qua các chứng cứ xác định anh Hải vô tội là dấu vân tay…

Nếu cơ quan tiến hành tố tụng bỏ qua ‘các chứng cứ xác định bị cáo vô tội’, mà chỉ lo đi tìm ‘các chứng cứ xác định bị cáo có tội’ do bị cáo nhận tội sẽ dẫn đến tình trạng cơ quan điều tra có định kiến với bị cáo là có tội. Do đó, các ‘chứng cứ xác định bị cáo vô tội’ không còn quan trọng đối với cơ quan điều tra, VKS và Tòa án. Cũng vậy, trong vụ án của anh Chưởng và của anh Hải, hễ hai bị cáo này có những lời khai nào đúng như trong khuôn khổ ‘các chứng cứ xác định bị cáo có tội’, thì lập tức cơ quan điều tra cho là phù hợp mà không đối chứng lại với ‘các chứng cứ xác định bị cáo vô tội’. Như thế, cơ quan điều tra đã vi phạm tại Điều 72 BLTTHS quy định: “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”.

Do đó, nếu lời khai nhận tội của anh Hải và anh Chưởng không phù hợp với các tình tiết khách quan và các chứng cứ khác của vụ án, mà Cơ quan điều tra không chứng minh được tội phạm bằng các chứng cứ khách quan khác thì phải đình chỉ vụ án được quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 164 là ‘hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì cơ quan điều tra phải đình chỉ vụ án”. Vì vậy, cơ quan điều tra phải trả tự do cho Hải nếu không chứng minh được các dấu vân tay thu được ở hiện trường trùng với 10 dấu vân tay của Hải… Cũng thế, cơ quan điều tra phải trả tự do cho anh Chưởng nếu không làm rõ các lời khai, chứng cứ ngoại phạm khẳng định anh Chưởng có mặt tại Hải Dương, không có mặt tại Hải Phòng là nơi xảy ra vụ án.

Nếu như, hai vụ án có Quyết định hủy án để điều tra lại, thì vẫn phải chứng minh các lời khai nhận tội của anh Hải và anh Chưởng phù hợp với các chứng cứ khách quan khác của vụ án. Nếu không chứng minh được thì phải trả tự do cho anh Hải và anh Chưởng vô điều kiện, cho dù – giả thiết- anh Hải, anh Chưởng không oan. Vì lẽ, “bị can, bị cáo…không buộc phải chứng minh mình vô tội’ (Điều 10 BLTTHS).

Huyền Trang, VRNs



No comments:

Post a Comment

View My Stats