Thursday 8 January 2015

Hệ thống giáo dục Ấn Độ (Tiến sĩ V. Sasi Kumar, GNU)





Tiến sĩ V. Sasi Kumar, GNU
Nguyên Khang, CTV Phía Trước chuyển ngữ
Posted on Jan 7, 2015

GIAI ĐOẠN ĐẦU

Từ thời xa xưa, Ấn Độ đã có nền giáo dục Gurukula, nghĩa là bất kỳ ai muốn được học tập sẽ đến ngôi nhà của người thầy (Guru) và xin được chỉ dạy. Nếu người học trò được Guru chấp nhận, y sẽ ở cùng và phụ giúp Guru trong các sinh hoạt hằng ngày tại ngôi nhà. Điều này không chỉ tạo nên sợi dây liên kết chặt chẽ giữa thầy và trò, mà còn dạy cho người trò mọi thứ về cách thức điều hành một ngôi nhà. Các Guru dạy người trò tất cả mọi điều anh ta muốn học, từ tiếng Phạn (Sanskrit) đến Kinh Thánh và từ Toán học đến Siêu hình (Metaphysics). Các học trò được ở lại đến khi nào họ muốn hoặc đến khi Guru cảm thấy rằng ông đã dạy hết những gì có thể. Tất cả việc học đều được liên hệ gần gũi với thiên nhiên và cuộc sống, và không chỉ giới hạn ở việc ghi nhớ một số thông tin.

Hệ thống trường học hiện đại đã du nhập vào Ấn Độ, gồm cả ngôn ngữ Anh, ban đầu bởi Lord Thomas Babington Macaulay vào những năm 1830. Chương trình học đã được giới hạn lại ở những môn học “hiện đại” như Khoa học và Toán học, và những môn như Siêu hình và Triết học bị xem là không cần thiết. Việc giảng dạy cũng bị gói gọn trong khuôn khổ các phòng học và sự liên kết với thiên nhiên cũng như các mối quan hệ gần gũi giữa thầy và trò bị phá vỡ.

Hội đồng Giáo dục Trung học Phổ thông và Trung học Cơ sở Uttar Pradesh (một bang ở Ấn Độ) là hội đồng đầu tiên được thành lập tại Ấn Độ vào năm 1921, có thẩm quyền đối với Rajputana, Trung tâm Ấn Độ và Gwalior. Năm 1929, Hội đồng Giáo dục Trung học Phổ thông và Trung học Cơ sở, Rajputana, cũng được thành lập. Sau đó, nhiều Hội đồng khác đã được thành lập ở một vài bang. Nhưng cuối cùng, vào năm 1952, Hiến pháp về Hội đồng Giáo Dục đã được sửa đổi và đổi tên thành Hội đồng Giáo dục Trung học Trung ương (CBSE). Tất cả trường học ở Delhi và một số vùng khác đều chịu sự quản lý của Hội đồng này. Chức năng của Hội đồng là quyết định về những vấn đề như chương trình đào tạo, sách giáo khoa và hệ thống kiểm tra cho tất cả các trường trực thuộc nó. Ngày nay có hàng ngàn trường học trực thuộc Hội đồng này, cả trong Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, từ Afghanistan tới Zimbabwe.

Nền giáo dục bắt buộc và phổ quát dành cho mọi trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 14 là ước mơ được ấp ủ bởi chính phủ mới của nước Cộng hòa Ấn Độ. Điều này là hiển nhiên vì sự thực là nó được kết hợp như một chính sách chỉ đạo trong Điều 45 của Hiến pháp. Nhưng mục tiêu này vẫn còn rất xa, thậm chí hơn nửa thế kỷ sau đó. Tuy nhiên, gần đây, chính phủ dường như đã lưu ý nghiêm túc về đường lối sai lầm này và đã biến Giáo dục Tiểu học trở thành Quyền Cơ bản của mọi công dân Ấn Độ. Áp lực của tăng trưởng kinh tế và sự khan hiếm cấp bách về nguồn nhân lực được đào tạo và có tay nghề cao chắc chắn đã góp phần trong việc thực hiện bước đi này của chính phủ. Chi phí giáo dục trong nhà trường của chính phủ Ấn Độ những năm gần đây chiếm khoảng 3% tổng GDP. Đây được xem là mức rất thấp.
“Trong thời gian gần đây, một số thông báo quan trọng đã được đưa ra nhằm cải thiện tình trạng xấu trong ngành giáo dục tại Ấn Độ. Những điều đáng chú ý nhất là Chương trình Tối thiểu Chung Của Quốc gia (NCMP) do Liên hiệp Các Bang Phát triển (UPA) của chính phủ. Các thông báo là: (a) Tăng dần chi phí cho giáo dục lên khoảng 6 % tổng GDP. (b) Hỗ trợ gia tăng chi phí giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục, sẽ áp thuế giáo dục trong tất cả các loại thuế của chính phủ trung ương. (c) Đảm bảo rằng không ai bị từ chối giáo dục do kinh tế khó khăn và nghèo đói. (d) Thực hiện quyền được giáo dục như một quyền cơ bản cho mọi trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 14. (e) Phổ cập giáo dục thông qua các chương trình hàng đầu như Sarva Siksha Abhiyan và Mid Day Meal”. (Nguồn: Wikipedia: Education in India).

HỆ THỐNG TRƯỜNG HỌC

Ấn Độ được chia thành 28 bang và 7 “lãnh thổ Liên bang”. Các bang có các chính quyền riêng do dân bầu, trong khi các vùng lãnh thổ Liên bang được quản lý trực tiếp bởi chính phủ Ấn Độ, với một quản trị viên được bổ nhiệm bởi Tổng thống Ấn Độ cho mỗi vùng lãnh thổ Liên bang. Theo Hiến pháp Ấn Độ, giáo dục trong nhà trường vốn là một đối tượng của bang – nghĩa là, các bang có toàn quyền quyết định những chính sách và việc áp dụng chúng. Vai trò của Chính phủ Ấn Độ (GoI) được giới hạn lại để điều phối và quyết định các tiêu chuẩn giáo dục cao hơn. Điều này đã được thay đổi bằng một bản sửa đổi hiến pháp năm 1976, theo đó giáo dục hiện tại đưa ra cái gọi là “danh sách gộp” (concurrent list). Đó là: các chính sách và chương trình giáo dục trong nhà trường do GoI đề xuất ở cấp quốc gia mặc dù chính quyền mỗi bang được tự do hơn khi áp dụng các chương trình. Các chính sách được công bố ở cấp quốc gia theo định kỳ. Hội đồng Cố vấn Giáo dục Trung ương (CABE) thành lập vào năm 1935, tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong phát triển và giám sát các chính sách và chương trình giáo dục.

Có một tổ chức quốc gia đóng vai trò then chốt trong việc phát triển các chính sách và chương trình, gọi là Hội đồng Quốc gia về Nghiên cứu Giáo dục và Đào tạo (NCERT) với nhiệm vụ chuẩn bị cho Khung Chương trình Đào tạo Quốc gia. Mỗi bang đều có một đối tác được gọi là Hội đồng Bang về Nghiên cứu Giáo dục và Đào tạo (SCERT). Đây là những cơ quan có nhiệm vụ chủ yếu là đề ra chiến lược giáo dục, chương trình, đề án sư phạm và phương pháp đánh giá cho các Sở Giáo dục của bang. Các SCERT thường thực hiện theo những chỉ dẫn được thiết lập bởi các NCERT. Nhưng các bang có quyền tự do đáng kể trong việc thực hiện hệ thống giáo dục.

Chính sách Quốc gia về Giáo dục năm 1986 và Chương trình Hành động (POA) năm 1992 vạch ra kế hoạch về nền giáo dục miễn phí và bắt buộc với chất lượng đạt chuẩn cho mọi trẻ em dưới 14 tuổi từ trước thế kỷ 21. Chính phủ cam kết dành khoảng 6% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) cho giáo dục, một nửa số đó sẽ được chi cho giáo dục tiểu học. Tỷ lệ về các chi phí giáo dục trên tổng GDP cũng tăng từ 0,7% trong giai đoạn 1951 – 1952 lên khoảng 3,6% trong giai đoạn 1997 – 1998.

Hệ thống trường học ở Ấn Độ có bốn cấp: tiền tiểu học (lower primary – độ tuổi 6 đến 10), hậu tiểu học (upper primary – 11 đến 12), trung học cơ sở (high secondary – 13 đến 15) và trung học phổ thông (higher secondary – 17 và 18). Các trường tiền tiểu học được chia thành năm “mức”, hậu tiểu học thành hai mức, trung học cơ sở thành ba mức và trung học phổ thông thành hai mức. Các học sinh phải học gần như cùng một chương trình giảng dạy chung (trừ các thay đổi về tiếng địa phương) đến hết trung học phổ thông. Có thể có vài mức phân hóa chuyên sâu ở cấp phổ thông trung học. Học sinh cả nước phải học ba ngôn ngữ (cụ thể là: Tiếng Anh, Tiếng Hindi và Tiếng mẹ đẻ), ngoại trừ những nơi mà Tiếng Hindi là tiếng mẹ đẻ và trong một số trường hợp riêng được đề cập dưới đây.

Có ba trường hợp riêng biệt trong giáo dục trường học ở Ấn Độ. Hai trong số này được điều phối ở cấp quốc gia, trong đó, một trường hợp thuộc trách nhiệm của Hội đồng Giáo dục Trung học Trung ương (CBSE) và từ đầu đã được dành cho con của nhân viên chính phủ trung ương – những người thường đi công tác định kỳ và có thể phải đến bất kỳ nơi nào trong nước. Một số “trường trung ương” (với tên gọi Kendriya Vidyalayas) đã được thành lập cho mục đích này trên tất cả các khu vực đô thị chính của cả nước, và tất cả đều theo một kế hoạch học tập chung để một học sinh chuyển từ trường này sang trường khác vào bất kỳ ngày nào hầu như sẽ không cảm thấy sự khác biệt về những gì được dạy. Một môn học (Khoa học Xã hội, bao gồm Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân) luôn được dạy bằng tiếng Hindi, và các môn học khác bằng tiếng Anh, trong những ngôi trường này. Kendriya Vidyalayas cũng nhận học sinh khác nếu còn chỗ. Tất cả trường này đều dạy theo sách giáo khoa được biên soạn và xuất bản bởi NCERT. Ngoài các trường của Chính phủ, một số trường tư trong nước sử dụng đề cương của CBSE dù họ có thể sử dụng sách giáo khoa khác nhau và theo lịch trình giảng dạy khác nhau. Họ được tự do giảng dạy bất kỳ điều gì trong các lớp cấp thấp. CBSE cũng có 141 trường học trực thuộc ở 21 quốc gia khác, chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu của người dân Ấn Độ tại đó.

Đề án trung tâm thứ hai là Chứng chỉ Giáo dục Trung học Ấn Độ (ICSE). Dường như đây là sự khởi đầu để thay thế cho Chứng chỉ học tập Cambridge. Ý tưởng này được đưa ra thảo luận trong một hội nghị được tổ chức vào năm 1952 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Viện nghiên cứu Châu Á Maulana Abul Kalam Azad, sau đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Mục đích chính của hội nghị là để xem xét việc thay thế kỳ thi Chứng chỉ học tập Cambridge ở nước ngoài thành một kỳ thi trên toàn đất nước Ấn Độ. Tháng 10 năm 1956, tại cuộc họp của Hội đồng Liên Bang về hợp tác giáo dục Ấn – Anh (Anglo – Indian), một đề xuất đã được thông qua về việc thành lập một Hội đồng Ấn Độ với nhiệm vụ cung cấp cho trường Đại học Cambridge, kỳ thi của Nhóm Ủy viên Ban Đặc trách về Các kỳ thi Địa phương ở Ấn Độ và tư vấn cho Ban Đặc trách về cách tốt nhất để kỳ thi này thích ứng với nhu cầu của đất nước. Cuộc họp khai mạc của Hội đồng được tổ chức vào ngày 03 tháng 11 năm 1958. Tháng 12 năm 1967, Hội đồng đã được đăng ký như là một Tổ chức Xã hội theo Đạo luật Đăng ký Xã hội, năm 1860. Hội đồng đã được liệt kê trong Đạo luật Giáo dục trường học Delhi năm 1973, như là một cơ quan phụ trách các kỳ thi công. Giờ đây một số lượng lớn các trường học trên khắp đất nước trực thuộc Hội đồng này. Tất cả những trường này là trường tư và thường giảng dạy cho các học sinh từ những gia đình giàu có.

Cả CBSE và Hội đồng ICSE đều tổ chức các kỳ thi riêng biệt trong các trường học trực thuộc trên cả nước vào cuối năm học lớp 10 (sau trung học cơ sở) và một kỳ thi khác vào cuối năm 12 (sau trung học phổ thông). Việc xét tuyển vào lớp 11 thường được dựa trên sự thể hiện thông qua bài thi này trên toàn Ấn Độ. Vì điều này gây rất nhiều áp lực phải làm tốt bài thi lên các học sinh, nên đã có nhiều đề nghị loại bỏ kỳ thi vào cuối năm lớp 10.

TRƯỜNG HỌC ĐẶC QUYỀN

Ngoài những trường hợp kể trên, còn có một số lượng tương đối nhỏ các trường dạy học theo chương trình giảng dạy của nước ngoài được gọi là “Senior Cambridge”, mặc dù nó đã được thay thế rộng rãi bằng chứng chỉ ICSE ở các nơi khác. Một vài trong số những trường này cũng trang bị cho học sinh khả năng tham dự các kỳ thi ICSE. Đây thường là các trường nội trú rất đắt đỏ, nơi những người Ấn Độ làm việc ở nước ngoài gửi con của họ vào. Các trường này có cơ sở vật chất tuyệt vời, tỷ lệ học sinh trên giáo viên thấp và rất ít học sinh. Nhiều trường trong số đó có những giáo viên đến từ nước ngoài. Cũng có những trường đặc quyền khác như Trường Doon ở Dehradun tiếp nhận một lượng nhỏ học sinh và thu học phí cắt cổ.

Ngoài ra, còn có một số ít các trường khắp trên cả nước, như trường Rishi Valley ở Andhra Pradesh, cố gắng thoát khỏi hệ thống giáo dục thông thường mà ở đó khuyến khích lối học vẹt và cố thực hiện hệ thống sáng tạo như phương pháp Montessori. Hầu hết các trường như vậy là đắt tiền, có tỷ lệ giáo viên trên học sinh cao và cung cấp một môi trường học tập nơi mà mỗi học sinh đều có thể tiếp thu ở trình độ học tập của riêng mình. Sẽ rất thú vị và là bài học cho việc nghiên cứu về những tác động lên cuộc sống của những cựu học sinh xuất thân từ mô  hình trường học này.

TRƯỜNG HỌC CỦA BANG

Mỗi bang trong nước có Sở Giáo dục riêng để điều hành hệ thống trường học trong bang với sách giáo khoa và hệ thống đánh giá riêng. Như đã đề cập, các chương trình đào tạo, phương pháp sư phạm và phương pháp đánh giá phần lớn được quyết định bởi SCERT của bang, tuân theo đường lối quốc gia được quy định bởi NCERT.

Mỗi bang có ba loại hình trường học theo chương trình đào tạo của nhà nước. Chính phủ quản lý những trường học riêng của mình trong các khu vực và các tòa nhà thuộc sở hữu của chính phủ và trả lương cho các nhân viên từ nguồn lực của mình. Những trường học này thường được gọi là trường công. Mức học phí khá thấp trong các trường học như vậy. Kế đến là những trường tư nhân với đất đai và các tòa nhà thuộc sở hữu của chính họ. Ở đây học phí cao và các giáo viên được trả lương từ nhà quản lý. Những trường như vậy chủ yếu dành cho cho các gia đình trung lưu thành thị. Loại hình thứ ba bao gồm các trường học được nhận tiền trợ cấp của chính phủ, mặc dù ngôi trường được thành lập trên đất đai và các cơ sở của một cơ quan tư nhân. Tiền chính phủ hỗ trợ giúp cho việc làm giảm học phí để các gia đình nghèo có thể đưa con cái của họ vào học. Ở một số bang như Kerala, những trường thế này rất tương tự như các trường công kể từ khi giáo viên được trả lương bởi chính phủ và tiền học phí ngang với các trường công lập.

TRƯỜNG HỢP CỦA KERALA

Bang Kerala, một bang nhỏ ở bờ biển phía Tây Nam của Ấn Độ, có nhiều sự khác biệt với phần còn lại của đất nước trong vài thập kỷ qua. Chẳng hạn, ở nơi này có tỷ lệ biết chữ cao nhất trong số tất cả các bang, và được xem là bang đầu tiên xóa mù chữ hoàn toàn trong khoảng một thập kỷ trở lại. Tuổi thọ trung bình, cả nam và nữ, là rất cao, gần bằng với các nước phát triển. Các thông số khác như tỷ suất sinh, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở mức hoàn hảo nhất nhì nước. ‘Tổng tỷ suất sinh’ đã đạt dưới mức 2,1 –  ‘mức sinh thay thế’ – trong hai thập kỷ qua. Có lẽ là do tác dụng phụ của sự phát triển kinh tế và xã hội đã làm cho tỷ lệ tự tử và nghiện rượu cũng rất cao. Các chính sách của chính phủ tại đây cũng rất khác so với những khu vực còn lại của đất nước, dẫn đến sự xuất hiện mô hình phát triển tại Kerala, với chi phí cao trong giáo dục và phúc lợi xã hội, đang được các nhà kinh tế biết đến với cái tên “Mô hình Kerala”.

Kerala luôn thể hiện sự quan tâm trong việc cố gắng tìm ra các phương pháp cải thiện hệ thống giáo dục trường học của mình. Mỗi khi NCERT đưa ra những ý tưởng mới, thì Kerala luôn là nơi đi tiên phong. Bang đã thực hiện thí điểm Chương trình Giáo dục Tiểu học Quận (DPEP) với sự thích thú, mặc dù có quan điểm đối lập về vấn đề này từ nhiều góc độ khác nhau, và thậm chí đã đẩy vấn đề ra ngoài tầm hạn của các lớp tiểu học. Là bang đầu tiên trên cả nước có một bước tiến từ hành vi giảng dạy truyền thống sang một mô hình kiến tạo xã hội. Điều này được đề cập trong Khung Chương trình giảng dạy Quốc gia của NCERT trong năm 2000, và Kerala đã bắt đầu tiến hành vào năm sau đó. Hoạt động tương tác trong các lớp học và phương pháp đánh giá đã được thay đổi. Thay vì đặt ra các câu hỏi trực tiếp mà chỉ có thể trả lời thông qua việc ghi nhớ những bài học, các câu hỏi gián tiếp và câu hỏi mở đã được kèm theo để học sinh cần phải tư duy trước khi trả lời, và những câu trả lời có thể mang tính chủ quan trong chừng mực nào đó. Điều này nghĩa là, các học sinh phải tiếp thu những gì họ đã học và có khả năng sử dụng kiến thức đó trong một tình huống cụ thể để trả lời các câu hỏi. Đồng thời, phương pháp mới này đã làm giảm rất nhiều áp lực và các học sinh bắt đầu tìm thấy sự thú vị và hấp dẫn trong những kỳ thi thay vì sự căng thẳng. Một hệ thống Đánh giá Liên tục và Toàn diện (CCE) đã được đưa ra song song với điều này, nhằm đánh giá phẩm chất toàn diện của học sinh và giảm sự phụ thuộc vào một bài thi đơn lẻ cuối cùng để quyết định xét tuyển vào các lớp tiếp theo. Hiện nay, CBSE cũng đã thực hiện CCE, nhưng trong một cách linh động hơn.

Kerala cũng là bang đầu tiên trong cả nước đưa môn học Công nghệ Thông tin (CNTT) vào giảng dạy ở cấp Trung Học. Môn học được bắt đầu vào lớp 8 với giáo trình giới thiệu về Microsoft Windows và Microsoft Office. Nhưng trong vòng một năm chính phủ đã buộc phải đưa thêm vào Free Software trong chương trình giảng dạy bởi sự phản đối từ những người huưởng ứng việc sử dụng Free Software và thái độ tán thành của hội đồng sư phạm mà phần lớn thành viên trong số đó là các giáo viên của chính phủ. Cuối cùng, từ năm 2007, chỉ GNU / Linux được giảng dạy trong các trường học, và tất cả các máy tính của nhà trường chỉ cài đặt GNU / Linux. Tại thời điểm đó, và thậm chí ở ngày nay, đây là sự cài đặt GNU / Linux rộng rãi nhất trong các trường học, và thậm chí gây nhiều sự chú ý ở các quốc gia khác. Hằng năm, từ năm 2007 trở đi, khoảng 500.000 học sinh được học các khái niệm về Free Software, các ứng dụng và hệ điều hành mở GNU / Linux. Bang hiện đang chuyển hướng sang tiếp cận về Giáo dục Công Nghệ Thông Tin Mã Nguồn Mở (IT Enabled Education). Sau cùng, CNTT sẽ không được giảng dạy như một môn học riêng biệt. Thay vào đó, tất cả các môn học sẽ được giảng dạy với sự hỗ trợ của CNTT để các học sinh, một mặt, sẽ học các kỹ năng CNTT và, mặt khác, có khả năng sử dụng các phần mềm ứng dụng cho giáo dục (như sẽ đề cập dưới đây) và các tài nguyên trên mạng Internet (chẳng hạn như các tài liệu văn bản từ các trang như Wikipedia, hình ảnh, ảnh động và video) để học và làm bài tập cho các môn học khác. Giáo viên và học sinh đã bắt đầu sử dụng các ứng dụng như Dr. Geo, GeoGebra, và KtechLab cho việc nghiên cứu hình học và điện tử. Các ứng dụng như Sunclock, Kalzium và Ghemical cũng rất phổ biến đối với các giáo viên và học sinh.

Các sáng kiến này của Kerala hiện đang ảnh hưởng đến các bang khác và thậm chí đến các chính sách của Chính phủ Ấn Độ. Các bang như Karnataka và Gujarat đang lên kế hoạch để giới thiệu Free Software trong các trường học, và vài bang khác như Maharashtra đang xem xét lựa chọn này. Chính sách mới về giáo dục của Chính phủ Ấn Độ bàn về sự kiến tạo, giáo dục CNTT mã nguồn mở, Free Software và chia sẻ tài nguyên giáo dục. Sau khi một vài bang lớn áp dụng thành công Free Software, người ta hy vọng rằng toàn bộ đất nước sẽ làm theo trong một thời gian khá ngắn. Khi điều đó xảy ra, Ấn Độ có thể sở hữu lượng người dùng lớn nhất về GNU / Linux và Free Software nói chung.

Copyrights © 2007-2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info





No comments:

Post a Comment

View My Stats