Sunday 4 January 2015

Giải mã sự tan băng quan hệ Mỹ- Cuba (Đinh Hoàng Thắng)





Đinh Hoàng Thắng
Thứ năm, 01 Tháng 1 2015 09:52

Ngày 21/12, Chủ tịch Raul Castro giơ nắm đấm hô khẩu hiệu trước Quốc hội để khẳng định ý chí Cuba. Nhưng sự tan băng quan hệ Mỹ-Cuba là do nhu cầu cấp bách từ mỗi bên. Tất cả nhận ra cái giá của thay đổi sẽ thấp hơn nhiều so với cái giá của việc tiếp tục kẹt cứng trong “khối bê tông ý thức hệ”.Cuba, Việt Nam, Myanmar… tất cả đều nằm trong một lộ trình xây dựng các đối tác mới cho chiến lược “tái cân bằng”. Với phong cách Cuba, tiến trình quan hệ sẽ nhanh và thực chất, chứ không “nửa nạc nửa mỡ”. Một Campuchia năng động, một Myanmar tự cường và đến lượt Cuba, “hòn đảo nhỏ đảo say” tham gia “chuỗi cung toàn cầu”, bức tranh vân cẩu biến đổi khôn lường.

Ngày 19/12/2014, theo cựu Ngoại trưởng Mexico Jorge G. Castañeda (trên Project Syndicate), ngoài phóng thích một người Mỹ, Cuba đã đồng ý thả 53 tù nhân chính trị, nới lỏng các hạn chế về mạng Internet, cho phép các quan chức về nhân quyền của Liên Hợp Quốc và các quan sát viên đến từ Hội Chữ thập đỏ Quốc tế vào Cuba. Đây rõ ràng là những nhượng bộ, nhưng không phải lớn lao gì nếu xem xét những thứ Cuba sẽ đạt được khi nối lại quan hệ ngoại giao với Washington sau một nửa thế kỷ hầu như không có liên lạc. Tổng thống Obama tuyên bố: “Những gì diễn ra trong hơn 50 năm qua cho thấy việc cấm vận không hiệu quả. Đã đến lúc phải có một cách tiếp cận mới”. Chủ tịch Raul Castro khẳng định sự sẵn sàng đối thoại của chính phủ Cuba về những khác biệt sâu sắc giữa hai nước, kể cả “những vấn đề liên quan tới chủ quyền quốc gia, dân chủ, nhân quyền và chính sách đối ngoại”.

Đột phá do nhiều nguyên nhân

Theo hãng tin Reuters, quyết định bình thường hóa quan hệ được đưa ra sau 18 tháng đối thoại bí mật liên tục giữa Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro. Các cuộc đàm phán bí mật giữa Mỹ và Cuba về bình thường hóa quan hệ đã bắt đầu từ tháng 6/2013 và được Thủ tướng Canada cùng với Giáo hoàng Vatican làm trung gian. Đặc biệt, thiện chí của cả hai nước được thể hiện bằng việc Cuba đồng ý thả Alan Gross, một người Mỹ 65 tuổi bị giam giữ trong 5 năm qua, vì đã nhập công nghệ vệ tinh vào nước này cùng một nhân viên tình báo Mỹ bị tù từ 20 năm nay, tại Cuba. Đổi lại, Mỹ cũng đã thả tự do cho ba nhân viên tình báo Cuba, thuộc nhóm "5 người Cuba" từng tìm cách thâm nhập vào các căn cứ quân sự của Mỹ cũng như do thám người Cuba sống lưu vong tại bang Florida.

Hầu hết giới phân tích đều thống nhất, đây là chuyển dịch mang tính lịch sử, có ý nghĩa quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ-Cuba từ mấy thập kỷ nay. Thậm chí, đã có ý kiến cho rằng, một trong những di sản cuối cùng của cuộc “chiến tranh Lạnh” đang bị xóa sổ. Hàng tin tình báo Mỹ Stratfor đánh giá những gì công bố mới chỉ là diễn tiến khởi đầu cho quá trình bình thường hóa hoàn toàn các quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Cuba. Tổng thống Obama cho biết, Ngoại trưởng John Kerry sẽ chỉ đạo các nỗ lực tái thiết quan hệ giữa hai nước. Ông Kerry cũng bày tỏ mong muốn trở thành “ngoại trưởng Mỹ đầu tiên trong 60 năm qua tới thăm Cuba”. Ông Roberta S. Jacobson, trợ lý Ngoại trưởng đặc trách khu vực Tây bán cầu sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ thăm chính thức La Havana vào tháng 1/2015.

Đột phá này đến từ nhiều nguyên nhân. Sau bầu cử giữa nhiệm kỳ bất lợi (Cộng hòa chiếm đa số ở cả hai viện), ông Obama ra một loạt các quyết định táo tợn: hợp thức hóa hàng triệu dân nhập cư; cho công khai báo cáo về các hình thức tra tấn của CIA; và nay sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba. Không để cho bầu cử “bao vây”, biến mình thành “vịt què”, Tổng thống Obama đã tự “giải phóng” mình, hành động trên những lĩnh vực không cần sự phê chuẩn của Quốc hội. Dường như ông Obama quyết định tận dụng thời gian hai năm còn lại khai triển một số kế hoạch ông thực sự có niềm tin. Ông muốn để lại dấu ấn cá nhân. Và quan trọng hơn, ông Obama còn muốn kiếm thêm phiếu cho đảng của mình. Nếu Cộng hòa tẩy chay chính sách đối với Cuba, đảng sẽ bị mất điểm. Nhiều cử tri sẽ quay sang bỏ phiếu cho Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016 tới.

Tuy nhiên, phân tích ngắn hạn trên đây chỉ hàm ý về các chiều kích mang tính “thời vụ”. Trong khi đó, quyết định của Tổng thống Obama xuất phát từ một bối cảnh rộng lớn hơn nhiều. Những năm gần đây, cả Nga lẫn Trung Quốc cùng lúc đã/đang ráo riết khai triển các hoạt động ở Mỹ-Latinh. Hai nước này, một có hầu bao kinh tế mạnh, một có thực lực quân sự không thể coi thường đang tìm cách “khoét chân tường nhà” của Mỹ; thậm chí, muốn hất Mỹ ra khỏi sân sau của mình. Ngoại trưởng Panama Fernando Nunez Fabrega cho rằng, ông không nghĩ là Mỹ sẽ vui vẻ khi Trung Quốc có một kênh đào đi qua Trung Mỹ. Còn Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nicaragua Roberto Troncoso tuyên bố, Trung Quốc muốn thực hiện bá quyền ở Trung Mỹ bởi ai nắm được át chủ bài thương mại thì kẻ đó sẽ thống trị thế giới.
Trả lời câu hỏi “Tại sao Cuba thay đổi”, cựu Ngoại trưởng Mexico Jorge G. Castañeda chỉ rõ, khi lịch sử hiện tại được viết nên, hóa ra không phải việc sử dụng vũ lực hay thương thuyết giữa các nhà ngoại giao quyết định, mà rốt cuộc chính sự can thiệp của những ông trùm dầu mỏ xa xôi từ Bắc Dakota và Bán đảo Ả-rập đã khiến Cuba của Raul Castro cuối cùng phải mở cửa. Bởi vì, chính sự sụt giảm của giá dầu mỏ đã ảnh hưởng nhiều nhất đến hai nước Cuba từng phụ thuộc để giữ nền kinh tế của mình sống sót là Venezuela và Nga. Và có thể thấy trước, những khoản viện trợ từ Venezuela (Hugo Chávez trước đây từng gửi cho Cuba khoảng 100.000 thùng dầu mỗi ngày, cùng khoản tài chính từ 5 đến15 tỉ USD mỗi năm) khó có thể tiếp tục. Không phải ngẫu nhiên, các cuộc đàm phán Mỹ-Cuba bắt đầu không lâu sau khi Chávez qua đời năm 2013.

Lùi lại ba năm về trước, ngày 18/4/2011, Chủ tịch Raul Castro đã đưa ra một cảnh báo khá thẳng thắn. Ông Castro (em) này từng tuyên bố: “Hoặc là chúng ta thay đổi, hoặc như thế là hết. Chúng ta không còn có thể đi men theo bờ vực thẳm, chúng ta sẽ chìm xuồng, và cùng chìm theo chúng ta là nỗ lực của bao nhiêu thế hệ”. Và tháng 8/2010 trước đó, chính bản thân Fidel Castro cũng đã thừa nhận trong một cuộc đối thoại hiếm hoi với Jeffrey Goldberg, phóng viên báo The Atlantic và chuyên gia Mỹ Julia Sweig: “Mô hình này không ổn”. Cụ thể hơn, Fidel nói tiếp: “Mô hình Cuba không còn tác dụng nữa, ngay cả với chúng tôi”. Cần nhấn mạnh ở đây là Fidel không đổ lỗi cho âm mưu hay chính sách của Mỹ (như ông vẫn thường làm), mà đã dũng cảm nêu ra một nguyên nhân nội tại, đó là “lỗi của cấu trúc”.

Việt Nam đi trước về sau?

Ngày 17/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định quá trình bình thường hóa quan hệ với Cuba cũng khó khăn như khi Mỹ quyết định nối lại quan hệ với Việt Nam, một công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng phải bắt đầu và cần thiết. Trong thông cáo được Bộ ngoại giao Mỹ phát đi, ông Kerry chia sẻ, lần đầu tiên ông nghe một Tổng thống Mỹ nói đến Cuba là khi ông mới 17 tuổi, xem một chiếc TV đen trắng. Ông Kerry nhớ lại, khi đó lãnh đạo Mỹ miêu tả Cuba là một hòn đảo bị cầm tù. “Trong suốt hơn năm thập niên từ đó, chính sách của chúng ta đối với Cuba hầu như đóng băng và không làm được gì nhiều để thúc đẩy một Cuba thịnh vượng, dân chủ và ổn định. Chính sách này không chỉ thất bại trong việc đẩy mạnh các mục tiêu của Mỹ, mà trên thực tế còn khiến Mỹ bị cô lập thay vì cô lập Cuba”.

Ông Kerry so sánh, những nỗ lực để đi tới kết quả hôm nay vất vả không kém gì quá trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam 20 năm trước đây. Trải qua ba đời Tổng thống, hai của đảng Dân chủ và một của đảng Cộng hòa, quá trình ấy mới đi vào kết thúc. Ông Kerry khẳng định: “Việc đó không hề dễ dàng. Và đến tận hôm nay vẫn chưa hoàn tất. Nhưng nó phải được bắt đầu ở đâu đó và đến giờ đã chứng tỏ hiệu quả”. Vị ngoại trưởng nhấn mạnh: “Như chúng ta đã làm với Việt Nam, thay đổi quan hệ của Mỹ với Cuba sẽ đòi hỏi sự đầu tư thời gian, năng lượng và nguồn lực. Bước đi hôm nay phản ánh sự tin tưởng vững chắc của chúng ta rằng, rủi ro và cái giá của việc nỗ lực thay đổi xu thế thấp hơn nhiều so với rủi ro và cái giá của việc tiếp tục mắc kẹt trong khối bê tông ý thức hệ do chúng ta tạo ra”.

Trong thời khắc hơn thua hiện nay, nhiều quốc gia được cho sẽ về đích trước do xuất phát sớm. Nhưng thực tế lại không thế, vì quy luật của cuộc chơi lần này khá nghiệt ngã. Không tiến nghĩa là lùi! Xuất phát trước nhưng vẫn về sau, nếu chậm lụt trong việc lấy các quyết định bản lĩnh.

Có thể mọi so sánh đều khập khiểng, nhưng phát biểu chính thức của ông Kerry khiến chúng ta nhớ lại những nỗ lực cách đây chưa lâu của ASEAN. Tại đó, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc cỗ vũ Mynamar tiến lên trên con đường dân chủ hóa đất nước (nhưng Việt Nam thì không). Cuối năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi gặp Tổng thống Thein Sein đã khuyên Myanmar mở cửa ra với thế giới bên ngoài trên cơ sở kinh nghiệm Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ trên cương vị là Chủ tịch ASEAN đã chuyển tới chính phủ và nhân dân Myanmar thông điệp của ASEAN mong muốn Myanmar triển khai hiệu quả lộ trình dân chủ vì hòa bình và hòa hợp dân tộc, tổ chức bầu cử công bằng với sự tham gia của tất cả các đảng phái. Và từ đó đến nay, đã hai lần Tổng thống Obama tới thăm Myanmar.

Liệu Mỹ và Cuba sẽ đẩy nhanh quan hệ như Mỹ và Myanmar? Bên cạnh những cản trở đầy định kiến từ mọi phía, đã có các dự đoán về triển vọng quan hệ Mỹ-Cuba nhiều triển vọng. Yếu tố hàng đầu là lợi thế “nhất cự ly”. Hai nước chỉ cách nhau 145km mặt biển, giao thông và giao thương sẽ rất thuận tiện. Quan trọng hơn nữa là giữa hai nước đã không có một cuộc chiến ác liệt kéo dài làm chết hàng chục ngàn binh lính từ phía Mỹ và hàng triệu sinh mạng từ Cuba giống như đã xảy ra giữa Mỹ với Việt Nam. Vì vậy, tính nhậy cảm và độ phức tạp trong quan hệ Cuba-Mỹ không cao và không có các vấn đề di sản chiến tranh rất gai góc như hài cốt người mất tích, chất độc hóa học, bom mìn chưa nổ... Việc thúc đẩy hợp tác sau bình thường hóa, cho dù Cuba có duy trì xu hướng xã hội Mỹ-Latinh, thì mọi chuyện vẫn có thể nhanh và thuận lợi hơn.

Dù sao mặc lòng, có thể cả Việt Nam, Myanmar lẫn Cuba đều nằm trong một lộ trình tìm kiếm và xây dựng các đối tác mới cho chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” của Mỹ. Từ Châu Á-Thái Bình Dương đến Mỹ-Latinh phải chăng một thời cơ đang mở ra cho các quốc gia vừa và nhỏ khi bàn cờ khu vực cũng như bàn cờ thế giới đang thay đổi. Với phong cách Cuba, tiến trình quan hệ sẽ nhanh và thực chất, chứ không “nửa nạc nửa mỡ”, bỏ lỡ mất nhiều cơ hội (như Việt Nam). Chúng ta đang thấy một Campuchia năng động, một Myanmar tự cường và giờ đây đến lượt Cuba, “hòn đảo nhỏ đảo say” sẽ chuẩn bị tham gia vào “chuỗi cung toàn cầu” như thế nào… Thời khắc hơn thua này, nhiều quốc gia được cho sẽ về đích trước do xuất phát sớm. Nhưng thực tế lại không thế, vì quy luật của cuộc chơi lần này khá nghiệt ngã. Không tiến nghĩa là lùi! Xuất phát trước nhưng vẫn về sau, do chậm lụt trong việc lấy các quyết định bản lĩnh./.

--------------------





No comments:

Post a Comment

View My Stats