Tuesday 6 January 2015

Du Tử Lê và những viên đạn bắn sau lưng (Thạch Đạt Lang - Đàn Chim Việt)





01:21:am 06/01/15

Cách đây vài tháng, đâu vào khoảng tháng 7-2014 tôi có nghe chuyện thi sĩ Du Tử Lê về Việt Nam ra mắt tập thơ Giỏ Hoa Thời Mới Lớn tại Hà Nội. Nghe thôi, không chú ý, bởi tôi là một người không mặn mà với thơ thẩn cho lắm, nhưng giờ thì không thể không lên tiếng, dù mình chỉ là một kẻ vô danh.

Nguyên nhân vì mấy ngày qua, vào dịp đầu năm tôi nhận liên tiếp mấy emails nhắc lại chuyện ra mắt tập thơ với những lời phê bình nặng nề, kèm theo bài thơ Ai Nhớ Ngàn Năm Một Ngón Tay của ông Du Tử Lê được cho là viết về ngày 30/4/75 đã bị sửa lời.

Một email do ông Trần Việt Hải, nhóm Ngôn Ngữ Việt gửi tới với subject: Du Tử Lê dưới mắt VC phản tặc. Một email khác do bạn bè chuyển với đề mục Du Tử Lê (kèm theo chú thích “Miễn bình luận” của người bạn) do một người viết lấy tên là Delta, cũng có bài thơ sửa lời.
Vào Google tìm kiếm tên Du Tử Lê, tôi thấy một bài viết với tựa “Bài viết chém gió về Du Tử Lê – tại Hà Nội” đăng trên tunhan – Worldpress. Bài viết đươc “tái biên tập” tức đã được sửa chữa, viết lại buổi ra mắt tập thơ của ông Lê.

Để bạn đọc dễ theo dõi, tôi xin dẫn lại bài viết của ông Trần Nhương “Nhà thơ Du Tử Lê gặp gỡ bạn thơ ở Hà Nội”:

TNc: Tối 3-6-2014, tai Gallery 39 Lý Quốc Sư, Hà Nội, nhà thơ Du Tử Lê có buổi gặp gỡ các bạn thơ và bạn đọc. Rất đông các bạn trẻ và các nhà thơ đến dự. Nhà thơ Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thụy Kha, Trần Nhương, Trần Quang Quý, Trung Trung Đỉnh… đã có mặt. Du Tử Lê giới thiệu tập thơ “Giỏ hoa thời mới lớn”, một tập thơ dày dặn với trình bày bắt mắt của họa sĩ Lê Thiết Cương. Nhà thơ Bằng Việt, Thụy Kha, Nguyễn Quang Thiều phát biểu chào mừng Du Tử Lê đã trở về Hà Nội. Con đường dù rất dài rồi cũng đưa người về quê Mẹ.

ĐÔI NÉT VỀ DU TỬ LÊ

Thi sĩ Du Tử Lê. Ảnh: Trần Triết

Sau Hiệp định Genève, 1954, Lê Cự Phách di cư vào Nam cùng với gia đình. Đầu tiên ông định cư ở Hội An, Quảng Nam, sau đó là Đà Nẵng. Đến năm 1956, ông vào Sài Gòn và theo học trường Trần Lực, trường Chu Văn An, sau cùng là Đại học Văn Khoa.
Ông làm thơ từ rất sớm, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài “Bến tâm hồn”, đăng trên tạp chí Mai.
Du Tử Lê từng là sĩ quan thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cựu phóng viên chiến trường, thư ký tòa soạn cuối cùng của nguyệt san Tiền phong (một tạp chí của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa), và là giáo sư dạy giờ cho một số trường trung học Sài Gòn.

MỘT BÀI THƠ CỦA DU TỬ LÊ

ai nhớ ngàn năm một ngón tay

Tháng tư tôi đến rừng chưa thức
Mưa vẫn chờ tôi ở cuối khuya
Có môi chưa nói lời chia biệt
Và mắt chưa buồn như mộ bia

Tháng tư nao nức chiều quên tắt
Chim bảo cây cành hãy lắng nghe
Bước chân ai dưới tàng phong ốm
Mà tiếng giày rơi như suối reo

Tháng tư khao khát, đêm, vô tận
Tôi với người riêng một góc trời
Làm sao anh biết trăng không lạnh
Và cánh chim nào sẽ bỏ tôi

Tháng tư hư ảo người đâu biết
Cảnh tượng hồn tôi : một khán đài
Với bao chiêng, trống, bao cờ xí
Tôi đón anh về tự biển khơi

Tháng tư xe ngựa về ngang phố
Đôi mắt nào treo mỗi góc đường
Đêm ai tóc phủ mềm da lụa
Tôi với người chung một bến song

Tháng tư nắng ngọt hoa công chúa
Riêng đoá hoàng lan trong mắt tôi
Làm sao anh biết khi xa bạn
Tôi cũng như chiều : tôi mồ côi

Tháng tư chăn gối nồng son, phấn
Đêm với ngày trong một tấm gương
Thịt, xương đã trộn, như sông, núi
Tôi với người, ai mang vết thương ?

Tháng tư rồi sẽ không ai nhớ
Rừng sẽ vì tôi nức nở hoài
Mắt ai rồi sẽ như bia mộ
Ngựa có về qua cũng thiếu đôi

Tháng tư người nhắc làm chi nữa
Cảnh tượng hồn tôi đã miếu thờ
Trống, chiêng, cờ, xí như cơn mộng
Mưa đã chờ tôị Mưa…đã …mưa

Mai kia sống với vầng trăng ấy
người có còn thương một bóng cây
Góc phố còn treo đôi mắt bão
Ai nhớ ngàn năm một ngón tay ?

Bài viết của ông Trần Nhương đã bị “tái biên tập”, đăng trên website tunhan – A fine Word Press.com site như sau (chữ in đậm là chữ tái biên tập, không thấy ghi tên người tái biên tập):

ĐÔI NÉT VỀ DU TỬ LÊ
Sau Hiệp định Genève, 1954, vì nghe lời dụ dỗ của Mỹ Ngụy, Lê Cự Phách di cư vào Nam cùng với gia đình. Đầu tiên ông định cư ở Hội An, Quảng Nam, sau đó là Đà Nẵng. Đến năm 1956, ông vào Sài Gòn và theo học trường Trần Lực, trường Chu Văn An, sau cùng là Cao học (?) Đại học Văn Khoa.
Là môt thiên tài, ông làm thơ từ rất sớm, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài “Bến tâm hồn”, đăng trên tạp chí Mai.
Du Tử Lê từng mang quân hàm Trung Tá (?), thuộc Quân ngụy Saigon, cựu phóng viên chiến trường, thư ký tòa soạn cuối cùng của nguyệt san Tiền phong (một tạp chí của Quân Ngụy), và là giáo sư Văn học của nhiều trường trung học Sài Gòn (?)

MỘT BÀI THƠ CỦA DU TỬ LÊ, (đã bị sửa)
(viết về 30 tháng Tư/ 1975)
ai nhớ ngàn năm một nỗi mừng
Tháng tư đã đến rừng chưa thức
Mưa vẫn chờ tôi ở cuối đường
Có môi, không nói lời ly biệt
Và mắt chưa buồn như mộ bia
Tháng tư nao nức chiều quên tắt
Chim bảo cây cành hãy lắng nghe
Bước chân giải phóng từng khu phố
Và tiếng chân người như suối reo
 .
Tháng tư khao khát, ngày vô tận
Tôi với người riêng một góc trời
Làm sao ngưòi biết trời đang sáng
Và cánh chim nào sẽ bỏ tôi
 .
Tháng tư sum họp người đâu biết
Cảnh tượng hồn tôi: một bóng cờ
Với bao chiêng, trống, bao cờ xí
Tôi đón anh về tự mỗi nơi.
Tháng tư binh mã về ngang phố
Đôi mắt nhìn theo một nỗi mừng
Đêm ai tóc phủ mềm da lụa
Tôi với người chung một bóng cờ
Tháng tư nắng ngọt hoa công chúa
Riêng đoá hoàng lan trong mắt tôi
Làm sao anh biết khi xa bạn
Tôi cũng như người: Một nỗi vui
Tháng tư chăn gối nồng son, phấn
Đêm với ngày trong một tấm gương
Thịt, xương đã trả hờn sông, núi
Tôi với người, ai mang vết thương?
Tháng tư rồi sẽ ngàn năm nhớ
Rừng sẽ vì tôi nức nở hoài
Mắt ai ngu sẽ như bia mộ
Ngựa có về qua cũng thiếu đôi
Tháng tư nhắc nhở ngàn năm nữa!
Cảnh tượng hồn tôi những miếu đền
Trống, chiêng, cờ, xí như cơn mộng
Mưa đã chờ tôị Mưa…đã …mưa
Mai kia sống với vầng sao ấy
người có còn thương một bóng ai
Góc phố còn treo ngời lãnh tụ
Ai nhớ ngàn năm một bóng ai?

Người tái biên tập bài viết ông Trần Nhương cố ý tô đỏ những chữ đã đước sửa đổi để cho người đọc thấy rõ ông ta không có ý đạo văn mà chỉ nhằm mục đích châm biếm, chế nhạo Du Tử Lê.

Sau khi biết bài viết của ông Trần Nhương có bản quyền, tác giả bài “tái biên tập“ đã phải đăng lại bài nguyên tác của ông Trần Nhương trên website tunhan-Word Press.com. Đăng lại nhưng không xin lỗi tác giả Trân Nhương cũng như Du Tử Lê vì đã vi phạm luật bản quyền.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu mọi việc ngừng lại ở đó. Không ngờ có một bàn tay bí mật nào đó xóa hết những dấu vết tái biên tập của tunhan trên WordPress rồi chuyển đi, gây nên một sự hiểu lầm rộng lớn rằng Du Tử Lê làm thơ ca ngợi Hồ Chí Minh và chiến thắng của cộng sản VN ngày 30.04.1975.

Trở lại với Du Tử Lê, ông tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942, người tỉnh Hà Nam. Ông di cư vào Nam năm 1954, là một sĩ quan quân lực VNCH, cấp bậc cuối cùng là đại úy (có người nói ông đã lên thiếu tá), là phóng viên chiến trường cho tờ báo Tiền Phong của quân đội VNCH.

Du Tử Lê là người có nhiều bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc như Khúc Thụy Du, Đêm Trăng Nhớ Sài Gòn, Khi tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra biển…, ông cũng là người Viêt Nam duy nhất có thơ đăng trên 2 nhật báo lớn ở Mỹ là New York Times , Los Angeles Times và được 2 tờ báo này phỏng vấn.

Năm 1998, nhà xuất bản W. W. Norton, New York đã chọn Du Tử Lê vào một trong năm tác giả Việt Nam để in vào phần “Thế kỉ 20: thi ca Việt Nam” khi tái bản tuyển tậpWorld Poetry An Anthology of Verse From Antiquity to Our Present Time (Tuyển tập Thi ca thế giới từ xưa đến nay).

Điểm quan trọng cần nói ở đây, Du Tử Lê là một trong ba người bị Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam kết án tử hình khiếm diện trên đài phát thanh của họ vào ngày 17.04.1975, cùng với Mai Thảo, Phạm Duy vì có thái độ chống cộng quyết liệt.

Ngày 30.04.1975 Du Tử Lê theo làn sóng người chạy trốn chế độ cộng sản qua Mỹ và định cư ở đó.

Thời thế thay đổi, chế độ cộng sản dùng kế sách lấy mỡ nó mà rán nó, áp dụng cho Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy, Khánh Ly…,Hà Nội cho phép ông Du Tử Lê về nước ra mắt tập thơ Giỏ Hoa Thời Mới Lớn cũng như gặp gỡ các văn nhân, thi sĩ trong nước.

Buổi ra mắt thơ nói trên của ông bình lặng, không ồn ào, gây nhiều tiếng vang, không có gì đáng nói, kể cả từ phía chế độ CS. Lý do nào báo chí Hà Nội hoàn toàn im lặng trước việc một nhà thơ “ngụy” một kẻ đã từng bị kết án tử hình khiếm diện lại có thể về Hà Nội, bình yên ra mắt một tập thơ? Một viêc lạ chưa hề xẩy ra dưới một chế độ độc tài, gian ác, phi nhân như chế độ Hà Nội.

Truy tìm các bài viết khác của báo chí, truyền thông cộng sản tức báo lề phải trong nước, không thấy có bài nào lên án Du Tử Lê, ngoại trừ một bài của báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh đăng ngày 18.08.2005 với tựa Bộ Mặt Ngạo Mạn Của Du Tử Lê của hai tác giả Trọng Đức và Lê Nguyễn, phản hồi cho việc Nhà xuất bản Văn nghệ xuất bản tập thơ Du Tử Lê, với nhiều ý kiến công kích cả về thi ca lẫn con người của ông.

Điều đó có thể hiểu là, rút kinh nghiệm từ vụ Khánh Ly, lần này Hà Nội khôn ngoan, không vội vã cho truyền thông, báo chí trong nước đánh phá Du Tử Lê ngay lúc đó. Họ để yên, sáu tháng sau vào dịp đầu năm 2015 mới đem ra tập bắn, nhưng lần này nham hiểm hơn, dùng ngay bài thơ của ông, cho sửa lời rồi phát tán trên mạng, đi kèm một bài tái biên tập đăng trên website tunhan -worldpress.com

Sau bài “tái biên tập”, một số bài khác ở hải ngoại tiếp tục lên tiếng mạt sát, chửi bới Du Tử Lê là kẻ phản bội, làm nhục quốc thể VNCH như bài Dê Chết Trong Lu của Hồ Công Tâm hay bài thơ Ai Thấu Thành Xưa Một Vết Buồn của Cuồng Sinh…

Điều không ai có thể chối cãi được Du Tử Lê là người hám danh. Ở vào tuổi 72, với những thành công, danh vọng trong thơ văn đã có, lẽ ra ông không nên về nước ra mắt tập thơ trong lúc này, khi văn hóa, đạo đức đã suy đồi môt cách trầm trọng khó lòng cứu chữa.

Dù Du Tử Lê chưa hề có những lời nói, tuyên bố có ý nghĩa phản bội hoặc nhục mạ, xúc phạm đến cộng đồng NVHN nhưng ông đã đánh mất lòng tự trọng. Sự trở về Hà Nội, ra mắt tập thơ của ông cũng đã mang ý nghĩa đầu hàng cộng sản VN khi những người như Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày cũng như rất nhiều người trẻ tuổi khác vẫn bị chế độ bắt giữ, kết án, hoặc trục xuất khỏi đất nước chỉ vì họ tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền của người dân.

Cho phép Du Tử Lê, tên “phản quốc” bị kết án tử hình khiếm diện về nước, ra mắt tập thơ rồi ra đi một cách bình an, không cần phê bình, chỉ trích, chửi bới như Phạm Duy, Nguyễn Cao Kỳ ngày nào, Hà Nội không tốn một viên đạn mà Du Tử Lê vẫn bị bắn xối xả.

Không biết giờ đây, ngồi tìm lại trong Giỏ Hoa Ngày Mới Lớn của mình, ông Du Tử Lê có thấy hoa nào là hoa Dân Chủ và Tự Do không?

© Thạch Đạt Lang
© Đàn Chim Việt

-------------------




(Bài nói chuyện trong cuộc Hội thảo chủ đề “20 Năm văn học miền Nam, tổ chức tại phòng SH nhật báo Người Việt, Thứ Bảy, ngày 6 tháng 12-2014)





No comments:

Post a Comment

View My Stats