Friday 9 January 2015

Chuyện trớ trêu thú vị (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
(VienDongDaily.Com - 08/01/2015)

Nhận xét về những gay cấn đang xẩy ra giữa 2 chính đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, dân biểu Gerald E. Connolly, bang Virginia nói, “Những gì không đòi được bằng đường lối lập pháp, họ xin qua ngõ tư pháp; một lối đấu tranh thật trớ trêu, nhưng không phải là không thú vị; đúng là trò dộng đầu xuống đất, chổng cẳng lên trời.”

Connolly dùng chữ head spin để mô tả việc 3 thứ quyền lập pháp, hành pháp, và tư pháp đáng lẽ phải phối hợp với nhau, hoạt động trong tinh thần phân lập, thì cả 3 lại đang gặp nhau trong một phiên tòa để các thẩm phán xét xử xem ai được làm những gì, và không được làm những gì.

Tổng thống, phó tổng thống, nghị sĩ, và dân biểu là những viên chức dân cử, chính án đôi khi lại do tổng thống, thống đốc, hoặc thị trưởng chỉ định.

Và những vị chánh án do hành pháp chỉ định đó, đang ngồi xử xem lập pháp đúng hay hành pháp đúng.

Là một dân biểu Dân Chủ, dĩ nhiên ông Connolly không ca ngợi trò “dộng đầu xuống đất, chổng cẳng lên trời” của các chính khách Cộng Hòa đang đưa tổng thống Dân Chủ Obama ra tòa sau khi nắm quyền kiểm soát cả Thượng lẫn Hạ Viện; họ xin tòa ngăn cấm không cho tổng thống Obama thực hiện 3 chương trình - một là ObamaCare, hai là điều hòa khí hậu, và ba là di dân.

Về chương trình ObamaCare, thành viên Cộng Hòa của Quốc Hội một mặt kiện tổng thống, mặt khác hùa theo những vụ kiện của các tiểu bang để xin Tối Cao Pháp Viện phán quyết luật ObamaCare bất hợp hiến.

Trên bình diện điều hòa khí hậu, nhiều giám đốc tư pháp tiểu bang và nhiều nhóm doanh nhân trong kỹ nghệ than xin tòa hủy bỏ luật ngăn cấm các nhà máy điện đốt than tạo ra điện. Đạo luật này do sở Bảo Vệ Môi Trường (U.S. Environmental Protection Agency-EPA) đề nghị hôm mùng 2 tháng Sáu 2014, để giảm bớt ô nhiễm do việc đốt lò tạo ra điện bằng than. EPA đề nghị những phương thức thi hành linh động cho phù hợp với tình trạng nhiên liệu của từng địa phương, miễn là từ từ loại bỏ việc đốt than tạo điện.

Điểm đắc tội của những biện pháp đó là làm giảm lợi tức của các chủ mỏ than, do đó giới chủ mỏ lobby với các giám đốc tư pháp tiểu bang đứng kiện Liên Bang.

Về luật di dân, các chính khách Cộng Hòa xin tòa Liên Bang hủy bỏ những chương trình của tổng thống ngăn chặn việc trục xuất nhiều triệu người di dân lậu, kể cả những sinh viên, học sinh theo cha mẹ nhập cảnh vào lãnh thổ Hoa Kỳ từ ngày còn nhỏ.

Nhiều luật gia Cộng Hòa cho là việc lập pháp kiện hành pháp không có gì đáng gọi là head spin, vì biện pháp kiện tụng cần thiết để ngăn cấm ông Obama lộng quyền.

Ông giám đốc tư pháp bang West Virginia Patrick Morrisey - một chính khách Cộng Hòa- cho là có nhiều trường hợp Quốc Hội không giải quyết được, nhưng tòa án lại có thể phân xử. Morrisey đang giúp các chủ mỏ than kiện chính phủ về luật bảo vệ môi trường.

Tổ chức American Center for Law and Justice (Trung Tâm Pháp Luật và Công Lý) đại diện cho 68 chính khách Cộng Hòa đưa ông Obama ra trước Tối Cao Pháp Viện về tội đánh thuế “health care tax subsidies” để có ngân khoản mua bảo hiểm cho nhà nghèo.

Nghị sĩ Charles E. Schumer, Dân Chủ New York, nói ông tin là ông Obama - một giáo sư về luật Hiến Pháp - không hớ hênh đến mức vi hiến. Schumer còn nói, “Nhiều vị chánh án cũng dựa vào luật pháp để xử theo ý mình.”

Đối phó với một quốc hội Cộng Hòa sẵn sàng chống phá mọi việc ông làm, và chống phá bằng mọi cách, tổng thống Obama tỏ ra rất bình tĩnh. Ông chỉ trích tổng thống Nga Putin là thiếu thông minh, để mắng xéo các chính khách Cộng Hòa đã từng khen ông Putin là một thiên tài chiến lược, chiếm bán đảo Crimea của lân quốc Ukraine mà Obama không làm gì giúp Ukraine được.

Ngày thứ Tư mùng 7 tháng Giêng ông lên đường công du Detroit, rồi qua Phoenix và Tennessee. Trong chuyến đi đó ông vẫn dùng quyền tổng thống để ban hành những sắc lệnh giúp công chúng có điều kiện mua nhà, có tiền trả học phí đại học, và có công ăn việc làm. Việc nào vượt quá quyền hạn tổng thống, ông mới đề nghị Quốc Hội ban hành luật.

Truyền thông gọi chuyến du hành của ông Obama, sau một tuần nghỉ ngơi, tắm biển, đánh golf tại Hawaii, là trò barnstorming - trò nhào lộn của anh phi công biểu diễn với chiếc máy bay anh lái. Obama lại công bố là ông ra ngoài tìm hiểu tâm tư của quần chúng, để dùng làm chất liệu cho bài diễn văn thường niên State of the Union, ông đọc vào ngày 20 tháng Giêng.

Tân Quốc Hội hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của đảng Cộng Hòa đã đe là họ sẽ phá hỏng mọi chính sách của ông. Phát ngôn viên Bạch Cung Eric Schultz nói, “Tổng thống muốn cộng tác với Quốc Hội trên chính sách tạo thuận lợi cho giới trung lưu cộng hưởng những thành công kinh tế của Hoa Kỳ, và ông sẽ bảo vệ Luật Y Tế, Luật Bảo Vệ Môi Trường, và những cải cách ông thực hiện được trong giới tư bản.”

Tân lãnh đạo khối đa số Cộng Hòa tại Thượng Viện - nghị sĩ Mitch McConnell - nói dụng ý của cử tri khi bầu lên một chính phủ chia thành 2 khối là muốn mọi quyết định trên tầm mức quốc gia phải trung dung.

Không những không mưu tìm tình trạng trung dung, mà lập pháp đang tìm cách trói tay, trói chân tổng thống, vô hiệu hóa mọi chính sách ông đã ban hành; một trong những va chạm đầu tiên giữa Quốc Hội Cộng Hòa và tổng thống Obama sẽ là đạo luật cho phép hoàn thành đường ống dẫn dầu Keystone XL; Thượng Viện sẽ biểu quyết, cấp tiểu ban, vào ngày mùng 8 tháng Giêng.

Va chạm thứ nhì là quốc hội Cộng Hòa đang đòi tăng thuế xăng, vì xăng quá rẻ, trong lúc Hoa Kỳ cần tiền để cân bằng chi thu. Bạch Cung không cho tăng, vì tổng thống muốn làm nhẹ bớt gánh chi tiêu cho giới tiêu thụ. Phát ngôn viên Bạch Cung nói tổng thống muốn cân bằng ngân sách bằng cách tận thu số thuế thất thoát do các doanh nghiệp trốn thuế.

Các nghị sĩ Dân Chủ sẽ đặt 2 điều kiện là số lượng dầu bơm qua ống Keystone XL sẽ chỉ sử dụng trong thị trường nội địa Hoa Kỳ, và các ống dẫn dầu phải làm bằng thép quốc nội. Điều kiện thứ nhất có tác dụng làm tăng số lượng dầu cung cấp cho thị trường Hoa Kỳ, tạo sức ép cung nhiều hơn cầu khiến giá dầu hạ xuống làm lợi cho người tiêu thụ; và điều kiện thứ nhì khuyến khích kỹ nghệ thép nội địa.

Vài tiếng đồng hồ ngay sau khi đáo nhận chức vụ, Thượng Viện Cộng Hòa lên tiếng xác nhận thiện chí cộng tác với Hành Pháp, nhưng đòi một điều kiện là tổng thống Obama phải đi nửa đoạn đường cộng tác đó để gặp gỡ họ.

Nghị sĩ Cộng Hòa John Thune, bang South Dakota, nói trên chương trình truyền hình Fox News Sunday, “Có rất nhiều địa hạt chúng ta có thể hợp tác với Hành Pháp; ai cũng muốn phục vụ cho phúc lợi của công dân Hoa Kỳ. Chúng ta hy vọng tổng thống sẽ gặp chúng ta tại đó."

Ông Thune, vị tân trưởng tiểu ban Thương Mại, Khoa Học, và Vận Tải của Thượng Viện tuyên bố khối Cộng Hòa hy vọng đạo luật đặt đường ông Keystone XL sẽ được các nghị sĩ lưỡng đảng ủng hộ.

Tuy tỏ ra lạc quan, nhưng Thune vẫn dè dặt tuyên bố, “Chúng ta sẽ xem thái độ của Tổng Thống để thấy ông ta muốn cai trị 2 năm cuối cùng của nhiệm kỳ như thế nào, và ông ta có muốn cùng nhập cuộc chơi với chúng ta hay không.”

Cũng trên đài Fox News, nghị sĩ Cộng Hòa Bob Corker, bang Tennessee, nhận định, “Chúng ta tuyệt đối cần sự hưởng ứng của ông Obama trong những vấn đề lớn, và chúng ta cần tìm kiếm sự cộng tác của ông ta.” Corker là trưởng tiểu bang Liên Hệ Ngoại Giao của Thượng Viện, và cũng là một trong những chính khách Cộng Hòa đang đề nghị làm xăng bớt rẻ bằng cách tăng thuế.

Bàn về chuyện cần hay không cần ông Obama thì đương nhiên là mọi cơ chế, mọi đảng phái, mọi quyết định của Hoa Kỳ đều cần Obama, vì một lẽ đơn giản nhất: ông vẫn còn là Tổng Thống. Dù đảng Dân Chủ mất thế kiểm soát Quốc Hội, ông cũng vẫn có quyền ký ban hành mọi đạo luật do Quốc Hội đệ ký, và cũng có quyền không ký.

Trước khi đảng Cộng Hòa kiểm soát Quốc Hội, Obama đã ký nhiều đạo luật, nhiều sắc lệnh tạo phúc lợi cho người nghèo, giúp họ có bảo hiểm y tế, có tiền ăn, có nhà ở, học sinh được nuôi ăn trưa, sinh viên được tài trợ học phí.

Giờ này, Quốc Hội Cộng Hòa có thể đem ObamaCare ra tòa, nhưng tước thẻ bảo hiểm y tế của nhiều triệu người nghèo cũng là việc làm có hậu quả - cái hậu quả có thể là những triệu cử tri mất thẻ bảo hiểm sẽ chọn một chính khách Dân Chủ khác lên thay thế ông Obama.

Đó là một cách hiểu chữ head spin mà dân biểu Connolly gọi là một chuyện trớ trêu, nhưng thú vị.

Nguyễn đạt Thịnh



No comments:

Post a Comment

View My Stats