Thursday 8 January 2015

Chiến đấu với đại dịch Ebola trên hai mặt trận tại Sierra Leone (Lorenza Bacino)





Lorenza Bacino
7 Tháng Một , 2015

Vượt qua nỗi sợ hãi và sự kỳ thị có thể là chìa khóa để ngăn chặn dịch bệnh

Đã mười tháng trôi qua kể từ khi dịch Ebola bắt đầu bùng phát từ miền Tây châu Phi gây chấn động trên khắp các mặt báo. Trái ngược với tình hình lây lan đang giảm dần ở Guinea và Liberia, tại Sierra Leone, tình hình đang diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một nửa trong tổng số 18.000 ca nhiễm Ebola được phát hiện ở Sierra Leone. Đáng báo động nhất là tình hình dịch bệnh ở thủ đô Freetown do thủy triều cùng sự di chuyển của người dân thúc đẩy sự lây lan của loại vi-rút chết người này.

Nước Anh đang dẫn đầu trong việc đối phó lại tình trạng bùng nổ dịch bệnh ở đất nước từng là thuộc địa của mình. Lệnh cách ly đang được thực hiện tại Freetown qua kỳ nghỉ Giáng sinh để kiểm soát tình trạng lây lan. Quan chức Chính phủ gõ cửa từng nhà tìm bệnh nhân và đưa vào bệnh viện. Chính phủ đang thực hiện chiến lược gây sốc khi gửi đến người dân thông điệp thật cứng rắn và rõ ràng: Ebola là thật, nó gây chết người  và cơ hội sống sót tốt nhất là vào bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt.

Bà Sarah Wilson thuộc Đội ứng phó khẩn cấp Ebola của World Vision International vừa trở về từ vùng dịch bệnh. Phóng viên Thời báo Đại Kỷ Nguyên (Epoch Time – ET) đã có cuộc phỏng vấn với bà về những tác động nghiêm trọng trước sự bùng nổ Ebola ở những vùng xa xôi tại Sierra Leone.

Đại Kỷ Nguyên (ET): Thưa bà, bà mới trở về từ đảo Bonthe, một vùng đất xa xôi và đi lại khó khăn, nơi đây người dân sinh sống chủ yếu nhờ giao thương với đất liền. Tình hình dịch bệnh tại đó như thế nào?
Sarah Wilson: Đảo Bonthe đã bị cô lập hơn bốn tháng qua và rất nhiều người cần được tiếp viện lương thực. Kể từ khi dịch Ebola bùng phát, người dân không thể giao thương với đất liền bởi tàu bè không được phép lưu thông và họ đang cố sinh tồn với những gì còn lại. Vậy nên mặc dù có rất ít ca nhiễm bệnh nhưng người dân bắt đầu có dấu hiệu suy dinh dưỡng.

ET: Bà đến đảo Bonthe như thế nào khi không có tàu bè?
Sarah Wilson: Chúng tôi phải đi bằng trực thăng theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP). Chương trình này phụ trách phân phối lương thực cho người dân trên đảo. Tổ chức World Vision giúp phân phát lương thực cho người dân nơi đây.

ET: Bà nhận thấy điều gì khi tới đây?
Sarah Wilson: Chúng tôi chứng kiến cảnh rất nhiều trẻ em trong tình trạng đói khát và suy dinh dưỡng. Một phụ trách viên nói với tôi: “Ebola gây ra nạn đói này”. Tất cả những người dân chúng tôi gặp đều rất biết ơn trước bất kì sự giúp đỡ nào từ bên ngoài.
Mất khá nhiều thời gian để lương thực đến được tay người dân tại vùng đảo xa xôi này. Lương thực được vận chuyển bằng trực thăng của tổ chức WFP, sau đó thả xuống biển, nhân viên cứu trợ trên đảo sẽ gom lại và mang đến nơi công cộng. Thường thì lương thực được cất giữ tại trường học nhưng tất cả trường học đã đóng cửa do dịch Ebola. Để nhận lương thực người dân phải làm thủ tục đăng ký, việc này lại làm tốn thêm thời gian. Quy trình có vẻ hơi rườm rà nhưng cách duy nhất để thực hiện nhanh hơn là bổ sung thêm nhân viên cứu trợ. Và điều này làm tăng thêm chi phí.
Một số người dân chúng tôi gặp mới nhận được gạo, lương khô, dầu ăn và đậu đủ dùng cho một tháng – vì thế họ có thể đối phó với dịch bệnh tốt hơn khi bắt đầu có dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên cũng có những người phải đợi đến sang năm mới nhận được.

ET: Rõ ràng là nhiều nhu cầu của người dân cần được giải quyết nhanh chóng. Nhu cầu nào là cấp thiết nhất lúc này, thưa bà?
Sarah Wilson: Chúng tôi không có đủ nhân lực. Chúng tôi đang rất cần y tá và bác sĩ. Hầu như không đủ nhân viên y tế để đối phó trước sự bùng nổ của dịch bệnh và tình trạng này ngày càng nghiêm trọng khi nhu cầu tăng nhanh. Nhiều nhân viên y tế nòng cốt đã qua đời, điều này càng làm cho vấn đề thêm nghiêm trọng.
Tôi nghĩ có sự lo sợ không tương xứng giữa Anh quốc với các quốc gia khác vốn cần được trang bị đầy đủ kiến thức về sự lây lan của Ebola.

ET: Tổ chức World Vision vẫn luôn chủ động ở nhiều khu vực khác, trong đó có quận Moyamba, tại đây các kỹ sư quân đội Anh mở trung tâm điều trị do bác sĩ, giáo sư người Anh John Wright phụ trách.
Sarah Wilson: Vâng, đúng vậy. Chúng tôi đang điều hành Trung tâm Chỉ huy và Kiểm soát liên kết với các bệnh viện trong khoảng 6 tuần qua và quận này được xếp vào khu vực có mức độ lây lan trung bình. Tổ chức World Vision phụ trách xe cứu thương chở bệnh nhân nhập và xuất viện.
Ngoài ra còn có khu vực đậu xe an toàn và mọi người có thể được khử trùng tại đây sau mỗi lần chôn cất. Việc này được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Gia đình của bệnh nhân tử vong có thể mời Mục sư địa phương hay thầy tế thực hiện nghi lễ hoặc tại nhà hoặc tại nghĩa trang với những người đưa tang. Tất cả đứng ở khoảng cách an toàn là 15m. Điều quan trọng là phải giữ an toàn cho những người còn sống trong những giây phút đau buồn không kiểm soát được cảm xúc.

ET: Bà có thấy dấu hiệu cho thấy mọi thứ đang tốt lên?
Sarah Wilson: Vấn đề chính đã được cải thiện – kể từ khi Tổ chức World Vision phụ trách huấn luyện cho đội ngũ nhân viên mai táng – chính là quy trình hoạt động nhanh chóng hơn. Không có giúp đỡ từ bên ngoài, NERC (Tổ chức ứng phó Ebola quốc gia do Chính phủ thành lập) không đủ ngân sách chi trả đều đặn cho nhân viên. Họ không có đủ phương tiện, phụ tùng sửa chữa hoặc nhiên liệu để có thể tiếp tục công việc. Hiện các đội mai táng được trả 100 USD/tuần cho công việc nguy hiểm này. Thi thể của những người bệnh chết vì Ebola là nguồn lây lan nguy hiểm nhất. Vì vậy, họ thường bị xa lánh.
Việc đề cao vai trò của đội ngũ mai táng đã khuyến khích người dân nhờ đến họ. Tất cả những thi thể không phải do tai nạn hoặc do các nguyên nhân không liên quan đến Ebola hiện đang được chôn cất theo cách này. Đội mai táng đã kiểm nghiệm các thi thể và số thi thể dương tính đối với Ebola vào khoảng 10%.

ET: Bà cũng đã đến Freetown, nơi người ta lo ngại dịch Ebola đang vượt quá tầm kiểm soát và lệnh cách ly đang được áp dụng nhằm giảm tốc độ lây lan. Việc này có hiệu quả không?
Sarah Wilson: Chính phủ quyết định dùng đế chiến lược gây sốc nhằm có gắng thay đổi hành vi hợp tác của người dân khi mọi nỗ lực dường như không hiệu quả. Tất cả các lễ hội đêm giao thừa, bao gồm nghi lễ nhà thờ và các hoạt động ngoài trời ngày đầu năm mới đều bị cấm. Nhà thờ nào muốn tổ chức đêm giao thừa thì phải kết thúc trước 5 giờ chiều thứ Tư ngày 31/12 hoặc thực hiện qua đài phát thanh hay truyền hình. Không được phép tụ tập nơi công cộng, bao gồm tất cả các hoạt động xung quanh nhà hàng, câu lạc bộ đêm và bãi biển ở khu vực phía Tây. Không chỉ vậy, các cửa hàng và những người bán hàng ở chợ chỉ được phép buôn bán từ 06:00h-18:00h thứ Hai đến thứ Sáu và từ 6:00h-12:00h thứ Bảy. Việc bán hàng vào ngày Chủ nhật bị đình chỉ cho tới khi có thông báo mới.
Quy định áp dụng đối với tất cả mọi người. Ai không tuân thủ sẽ bị trừng phạt. Điều này khá nghiêm ngặt nhưng thực sự cần thiết.

ET: Trẻ mồ côi hiện tại là một vấn đề lớn, điều gì đang xảy ra với các em, thưa bà Sarah?
Sarah Wilson: Trong một số trường hợp, những người sống sót đang tình nguyện chăm sóc cho các em trong giai đoạn bị cách ly. Chúng ta biết những người sống sót có khả năng miễn dịch trong mười năm. Đa số những người sống sót đang sống trong cộng đồng mặc dù điều này không dễ dàng khi vẫn có rất nhiều kỳ thị về bệnh Ebola. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có kế hoạch cụ thể để có thể giúp đỡ trẻ em mồ côi.
Nhưng trên thực tế, hiện các trung tâm y tế với đầy đủ nhân lực và vật lực đang tập trung giúp đỡ cộng đồng vượt qua nỗi sợ hãi, đặc biệt khi họ đang cố gắng đạt được tỷ lệ 50% sống sót trở lên.
Một số người nói rằng họ tin dịch bệnh sẽ được ngăn chặn vào cuối tháng 1 – ít nhất là ở khu vực nông thôn, tuy nhiên, Freetown thì có thể lâu hơn.

ET: Thử thách chính là gì thưa bà?
Sarah Wilson: Trở ngại lớn nhất cần vượt qua là nỗi sợ hãi. Không chỉ ở Sierra Leona mà cả những nơi khác trên thế giới. Căn bệnh thường gây tử vong nhưng nếu được chăm sóc nghiêm ngặt trong giai đoạn đầu thì bệnh nhân có cơ hội sống sót rất cao. Nguy hiểm đối với cán bộ y tế và nhân viên hỗ trợ sẽ thấp nếu họ tuân thủ theo quy trình. Nhưng chính nỗi sợ hãi mù quáng do thiếu kiến thức đã khiến việc ngăn chặn dịch bệnh chậm một cách thảm khốc.
Một số trường hợp khẩn cấp mà  tôi từng tham gia trước đây là do thảm họa tự nhiên hoặc xung đột. Trong các thảm họa tự nhiên, động đất hoặc sóng thần chỉ xảy ra trong tích tắc. Trong các cuộc xung đột, những người được giúp đỡ là những người tị nạn hay người vô gia cư (người di tản) được di chuyển ra khỏi khu vực xung đột. Trong cả hai trường hợp, các thảm họa không liên tục. Riêng với Ebola, nó luôn  rình rập quanh bạn.
Một vấn đề nữa là rất nhiều người cho rằng sự lây lan của vi-rút nghiêm trọng hơn thực tế. Tôi đã chứng kiến sự kỳ thị đối với một bệnh nhân. Nó tương tự như cách người ta nhìn những bệnh nhân nhiễm HIV cuối những năm 80 thế kỷ trước khi lần đầu tiên căn bệnh này xuất hiện ở New York. Tôi vẫn nhớ rất rõ.

ET: Bà nghĩ thế nào về những điều đã chứng kiến và liệu có dấu hiệu lạc quan cho năm 2015?
Sarah Wilson: Tôi nghĩ chúng ta có lý do để hy vọng sự bùng phát của dịch bệnh này sẽ được dập tắt trong vài tháng tới. Nhưng cuộc chiến với đại dịch này sẽ còn kéo dài.

Lorenza Bacino là một phóng viên tự do. Cô đã từng đăng bài trên The Guardian, The Independent và nhiều ấn phẩm khác tại Vương quốc Anh và quốc tế. Các bài viết của cô được đăng tại www.cuttings.me/users/lorenzabacino



No comments:

Post a Comment

View My Stats