Thursday 8 January 2015

Các “hiệu quả kinh tế” của người nhập cư (Trương Hồng Quang)





05.01.2015


Với bài báo mang tiêu đề “Các hiệu quả kinh tế của di cư” đăng trên tờ nhật báo Đức hàng đầu “Frankfurter Allgemeine Zeitung” (FAZ) ngày 29.12.2014 vừa qua, mà thực chất là nói về các hậu quả kinh tế tiêu cực của chính sách nhập cư hiện hành ở Đức, Hans-Werner Sinn, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế iFo ở München, một trong những Viện nghiên cứu kinh tế lớn nhất ở Đức, đang làm dấy lên chủ đề tranh luận có lẽ là nóng nhất trong những ngày đầu năm này trên truyền thông Đức. Ngày sau khi bài báo được đăng, tạp chí “Spiegel” (Tấm gương) – tờ tuần báo Đức quan trọng nhất – đã đặt câu hỏi tu từ liệu với Hans-Werner Sinn phải chăng AfD (“Giải pháp thay thế cho nước Đức”), một Đảng chính trị thân hữu mới nổi lên trên chính trường Đức và đang cổ vũ cho phong trào bài ngoại Pegida, đã có được nhà tư tưởng kinh tế của mình.

Trước thời điểm ra mắt bài báo của Sinn trên tờ FAZ, như để đưa ra một luận chứng khoa học nhằm phản bác trào lưu bài ngoại đang trỗi dậy ở Đức, báo chí ít nhiều có xu hướng thiên tả vẫn thường dẫn kết quả khảo sát của nhà nghiên cứu thị trường lao động Holger Bonin thuộc „Trung tâm Nghiên cứu kinh tế châu Âu“ (ZEW) theo đơn đặt hàng của Quỹ Bertelsmann. Sử dụng các dữ liệu thống kê kinh tế xã hội của năm 2012, Bonin đã tính toán rằng bình quân hàng năm mỗi người nước ngoài mang đến một số dư gồm 3300 Euro cho ngân sách Đức thông qua tiền thuế và các khoản đóng góp khác, sau khi đã trừ đi các chi phí phúc lợi xã hội, kể cả chi phí giáo dục.

Trong bài báo của mình, Sinn cho biết Viện iFo của ông đã sử dụng đúng các con số thống kê của năm 2012 như Bonin, tuy nhiên lại bổ sung thêm các khoản chi phí ngân sách chung trên các lĩnh vực quốc phòng, hạ tầng, hệ thống tư pháp, cảnh sát, hành chính công v.v. (trừ chi phí giáo dục phổ thông). Bổ theo đầu người, như vậy bình quân hàng năm mỗi người nhập cư sẽ gây ra một số âm cho ngân sách là 1450 Euro, sau khi đã trừ đi chi phí quốc phòng. Sinn cho biết năm 2001 Viện iFo cũng tiến hành một khảo sát tương tự trên cơ sở các con số thống kê của năm 1997 và đã đi đến kết quả là hàng năm mỗi người nhập cư sẽ gây ra một gánh nặng cho ngân sách là 700 Euro. Sinn cũng cho biết là bản thân Bonin trong công trình mới đây của mình đã kết luận rằng – nếu gộp tất cả các khoản chi ngân sách và trừ đi phần đóng thuế và các khoản đóng góp khác – ngân sách nhà nước phải “bù lỗ” cho mỗi người nhập cư ở Đức trong suốt cuộc đời của người này là 79.100 Euro.

Trả lời các chất vấn của báo chí, trong một bài phỏng vấn dành cho “Spiegel” ngày 3.1.2015, Sinn có đề cập đến những đóng góp tích cực của người nhập cư xét trên qui mô kinh tế quốc dân, đặc biệt trên lĩnh vực thị trường lao động. Tuy nhiên cũng ở bài phỏng vấn này, cũng như ở một bài bổ sung đăng trên FAZ trước đó một ngày, Sinn vẫn bảo lưu toàn bộ quan điểm đã đưa ra trong bài viết khởi đầu quá trình tranh luận. Để bạn đọc có thể theo dõi được hệ thống lập luận của tác giả, sau đây tôi sẽ lược thuật các nội dung cơ bản của bài viết này.

Mở đầu bài Sinn phác hoạ một bức tranh tổng quan về tình hình nhập cư hiện nay ở Đức với những con số khiến phần lớn người đọc phải ngỡ ngàng, nhất là khi định kiến về một nước Đức bảo thủ chỉ tuân theo nguyên tắc “ius sanguinis” (nguyên tắc nguồn gốc xuất thân, “quyền của dòng máu”) trong chính sách quốc tịch và nhập cư đã ngự trị trong một thời gian dài:

·         Riêng trong năm 2014 vừa qua đã có khoảng nửa triệu người nhập cư „ròng“ vào Đức (sau khi đã trừ đi số người di cư khỏi Đức), như vậy hiện tại Đức đã trở thành quốc gia nhập cư lớn thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ.
·         Năm 2012 số người dân sinh ra ở nước ngoài đang cư trú ở Đức chiếm tỷ lệ 13,3 % tổng dân số, hơn cả Hoa Kỳ, Pháp, Anh và Italia, xu hướng này đang tiếp tục gia tăng.
·         Tuy nhiên phần lớn người nhập cư của Đức đến từ các quốc gia khủng hoảng ở Nam Âu, Syria và các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu, nay có toàn quyền đi lại và tự do tìm việc làm trên thị trường lao động EU.
·         Có một chi tiết thú vị là trong nhóm nhập cư vào Đức lớn nhất trước đây là Thổ Nhĩ Kỳ thì nay số người hồi hương lại lớn hơn là số người nhập cư vào Đức.
·         Về phía Đức mỗi năm có 20.000 người Đức di cư, phần lớn sang Thuỵ Sỹ (chủ yếu là những người có trình độ đào tạo cao).
·         Mặt trái nghiêm trọng nhất của quá trình nhập cư ở Đức theo Sinn là quốc gia này đã không thu hút được những người có trình độ cao. Một nghiên cứu của OECD cho biết rằng trong khi những người nhập cư vào Canada và Anh có đến 1/2 có bằng tốt nghiệp đại học, ở Hoa Kỳ là 1/3 thì ở Đức tỷ lệ này chỉ chiếm đến 1/5. Tương tự như ở Italia và Áo, trình độ đào tạo của người nhập cư ở Đức bị xếp vào cuối bảng.
·         Trong năm 2014 số người tỵ nạn vào Đức lên tới 170.000 – mức tăng kỷ lục từ nhiều năm nay – chủ yếu từ các khu vực chiến tranh và khủng hoảng ở Bắc Phi và Trung Đông, đây cũng là tác nhân trực tiếp cho phong trào Pegida („Người ái quốc châu Âu chống lại sự Hồi giáo hoá Âu châu“) và các trào lưu bài ngoại khác.

Ở phần phân tích tiếp theo Sinn khẳng định rằng Đức không còn một sự lựa chọn nào khác ngoài chính sách nhập cư, và là nhập cư ở một quy mô rất lớn, nhằm để cân bằng dù chỉ là một phần sự thiếu hụt dân số. Tuy nhiên trên thực tế lại sẽ không thể nào có đủ số người nhập cư để đảm bảo duy trì hệ thống hưu trí dựa trên nguyên tắc toạ thu toạ chi của Đức. Thế hệ sinh ra vào 1965, năm có tỷ lệ sinh đẻ cao nhất, hiện tại ở độ tuổi 50 và 15 nữa về hưu lúc đó – theo phương thức toạ thu toạ chi – sẽ phải đòi hỏi tiền hưu trí của mình từ những đứa trẻ không hề được sinh ra (!), đấy là chưa nói đến việc họ sẽ gặp khó khăn trong việc được thanh toán các khoản tiền công trái của Đức và nước ngoài. Giả dụ mỗi năm có 200.000 người nhập cư ròng thì trong 20 năm nữa, tức 2035, có nghĩa là khi toàn bộ thế hệ 1965 đã nghỉ hưu, ở Đức sẽ có khoảng 7,5 triệu người hưu trí (ở độ tuổi trên 65) nhiều hơn so với hôm nay, trong lúc số người ở lứa tuổi lao động (15-64) sẽ giảm bớt 8,5 triệu. Điều này có nghĩa là để duy trì mức tiền hưu trí và mức phí hưu trí hiện tại, Đức sẽ cần một tổng số người nhập cư là 32 triệu người mà phần lớn sẽ đến từ các nước ngoài châu Âu.
Đưa ra những con số khá „sốc“ này, đồng thời tác giả cũng bình luận rằng rất khó hình dung xã hội Đức có khả năng hội nhập tương ứng và đủ tinh thần bao dung. Vào những năm 80, tương tự như Pháp, Đức vẫn còn khả năng điều chỉnh xu hướng giảm tỷ lệ sinh đẻ khởi đầu một cách kịch tính từ những năm 60, tuy nhiên các chính phủ đương nhiệm lúc đó đã bỏ qua khuyến nghị của Hội đồng tham vấn của Bộ Kinh tế Liên bang và các nhà khoa học quan yếu. Nay thì đã quá muộn để có thể khắc phục tình trạng thiếu dân số bằng chính sách đối nội, hiện tại Đức đang thiếu hụt phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đồng thuận với giải pháp duy nhất là tiến hành nhập cư hàng loạt, trong bài viết của mình, Sinn chủ yếu tập trung vào phân tích các mặt bất cập trong chính sách nhập cư hiện hành.

Trên phương diện thị trường lao động và phân bổ thu nhập xã hội, Sinn nhận diện hai xu hướng trái ngược nhau: Trong khi công nhân và những người lao động giản đơn (kể cả những người nhập cư cũ) sẽ bị thiệt thòi do sức ép cạnh tranh khốc liệt đến từ những người nhập cư mới mà phần lớn không có trình độ đào tạo cao, những người có trình độ đào tạo tốt và tầng lớp hữu sản lại sẽ có nhiều lợi thế (ở đây Sinn đưa ra ví dụ về đội ngũ đông đảo của những người nhập cư làm công việc quét dọn, điều dưỡng viên, làm vườn, nhân viên ngành ăn uống và những người cung cấp dịch vụ rẻ tiền khác cho tầng lớp trung lưu bản địa).

Khía cạnh tiếp theo là các hệ quả tiêu cực trên phương diện tài chính – ngân sách mà các con số quan trọng nhất đã được nêu ở trên. Đằng sau những con số cụ thể này (liên quan đến các phần „bù lỗ“ mà ngân sách nhà nước phải trang trải cho người nhập cư), Sinn phân tích hai xu hướng tác động mâu thuẫn của mô hình nhà nước phúc lợi xã hội: Một mặt nó là thỏi nam châm có sức hút cực mạnh đối với người nhập cư với trình độ đào tạo thấp, xuất phát từ những phúc lợi xã hội mà họ sẽ được hưởng. Mặt khác, chính mô hình nhà nước phúc lợi xã hội này lại sẽ khiến cho những người có trình độ đào tạo cao phải tìm cách né tránh (vì mức đóng thuế rất cao so với các phúc lợi mà họ có thể hưởng), bằng cách hoặc không nhập cư vào Đức, hoặc sẽ di cư từ Đức sang các nước khác mà ở đó chính sách tái phân bổ thu nhập xã hội không mạnh mẽ như Đức, chẳng hạn ở Thuỵ Sỹ, Luxemburg và Anh.

Để khắc phục các bất cập này, Sinn đưa ra ba nhóm giải pháp sau đây:
1. Hạn chế quyền tự do tìm việc làm
2. Giảm phúc lợi xã hội đối với người nhập cư
3. Từ bỏ mô hình nhà nước phúc lợi xã hội

Bản thân Sinn loại trừ nhóm giải pháp 1. (vì lý do thể chế của EU) và nhóm giải pháp 3. (ông không nêu rõ nguyên nhân), ông ủng hộ nhóm giải pháp 2. Nhóm giải pháp 2 theo Sinn cũng chính là phương thức mà chính phủ Anh và cá nhân Thủ tướng Cameron đang theo đuổi, với mục tiêu giảm bớt tỷ lệ người nhập cư có trình độ đào tạo thấp (ví dụ người nhập cư từ EU phải rời khỏi Anh nếu sau sáu tháng không tìm được việc làm, và ngay cả khi họ có việc làm thì trong vòng bốn năm sẽ không được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập, không được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tiền nuôi con, nhà xã hội). Ngoài ra, đối với những người nhập cư đến từ EU mà không tìm được việc làm, Sinn đề nghị áp dụng nguyên tắc quốc gia xuất xứ, có nghĩa là công dân nước nào thì phải do nhà nước đó chi trả các chế độ phúc lợi xã hội (ví dụ như đối với các nhóm người Di Gan đến từ Rumani hay Bulgari đang sống ở Đức). Đối với người nhập cư vì lý do kinh tế đến từ các khu vực ngoài châu Âu, Sinn kiến nghị áp dụng hệ thống thang điểm như Hoa Kỳ, Canada, New Zealand, Anh, Áo, Hà Lan, Đan Mạch (với các tiêu chuẩn tuyển chọn như sức khỏe, lứa tuổi, trình độ đào tạo, khả năng ngôn ngữ, tài sản) với mục tiêu điều tiết các dòng nhập cư, hạn chế việc người nhập cư thụ hưởng các phúc lợi xã hội, giảm thiểu sức ép của đồng lương rẻ mạt và tránh khoét sâu mức chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp cư dân bản địa.

Cuộc tranh luận hiện mới chỉ bắt đầu và rất khó dự báo luồng quan điểm nào sẽ thắng thế trên phương diện khoa học, và nhất là nhóm giải pháp nào sẽ được ưu tiên trong hoạch định chính sách thực tiễn. Một trong những chỉ dấu sinh động cho định hướng của quá trình tranh luận không chỉ giới hạn trong phạm vi nội bộ của các kinh tế gia này là cuộc biểu tình của phong trào Pegida sẽ tiếp tục diễn ra vào chiều tối thứ hai hôm nay ở Dresden, sau một tuần gián đoạn vì nghỉ Noel và Tết dương lịch. Khởi đầu vào ngày 20.10.2014 với một số lượng tham gia khiêm tốn là 350 người, tại cuộc biểu tình lần cuối vào thứ hai, ngày 22.12.2014, đã có trên 17.500 người tham gia. Việc phong trào Pegida („Người ái quốc châu Âu chống lại sự Hồi giáo hoá Âu châu“) được khởi xướng và phát triển mạnh mẽ ở Dresden, Bang Sachsen (thuộc CHDC Đức cũ), nơi người Hồi giáo chỉ chiếm khoảng 0,1 % dân số, đã khiến nhiều nhà quan sát liên tưởng đến chủ nghĩa bài Do Thái ở Đức trong quá khứ với tất cả các chức năng chính trị, xã hội, tâm lý của nó.

Bản thân Hans-Werner Sinn trong hai bài mới nhất trên FAZ và Spiegel đã dẫn ở trên đều cực lực bác bỏ mọi liên hệ giữa ông và AfD cũng như Pegida. Người viết những dòng này cũng không thấy có bất cứ lý do nào để nghi ngờ các động cơ khoa học của ông, nhà nghiên cứu kinh tế quốc dân hàng đầu của Đức hiện nay. Phân tích của ông về tác động của chính sách nhập cư hiện tại như là một sự gia tăng sức ép cạnh tranh đối với tầng lớp lao động phổ thông ở Đức, về nguy cơ khoét sâu các xung đột xã hội do nó mang lại cũng có thể coi như là những luận chứng khoa học nhằm để hiểu và khắc phục các hiện tượng chính trị – xã hội như Pegida hay AfD. Tuy nhiên, tối thiểu là từ cách nhìn của một người không phải là kinh tế gia, cái viễn cảnh xã hội mà Sinn phác thảo nên – với nhóm giải pháp 2 và toàn bộ triết lý xã hội, nhân sinh hàm chứa trong đó – sẽ không hứa hẹn một điều gì thật sự tốt lành cho những người nhập cư, dù cho họ giữa chừng đã trở thành „người Đức mới“ hay mới đang ngấp nghé ở phía bên ngoài bức tường thành của „pháo đài châu Âu“. Và hơi thở giá lạnh toát lên từ đó dường như, sớm nay muộn, cũng sẽ thẩm thấu vào cơ thể của chính xã hội sở tại, với tất cả mọi khế ước và xác quyết bản ngã chính trị, xã hội, nhân văn của nó.

Berlin, ngày 05.01.2015

Ghi chú: Hình ở đầu bài trích từ bài thuyết trình thi tốt nghiệp tú tài môn Chính trị học năm 2013 của Trương Trần Phúc với đề tài: Từ “Người Đức có nguồn gốc nhập cư” đến “Người Đức mới” – một mô hình hội nhập mới? và chỉ có tính chất minh hoạ. Tuy nhiên chỉ căn cứ vào đầu đề bài luận của một học sinh phổ thông và tiêu đề bài báo của một nhà kinh tế quốc dân hàng đầu, người ta có thể ghi nhận một điều gì đó gần như là sự thay đổi hệ hình diễn ngôn chính trị – xã hội ở Đức trong vòng mấy năm qua.






No comments:

Post a Comment

View My Stats