Wednesday 17 December 2014

VN 'bắt blogger thay vì chặn Internet' (BBC)



BBC
17 tháng 12 2014

Ba blogger nổi tiếng trong nước bị bắt giữ trong năm nay: Ông Nguyễn Hữu Vinh (trái), ông Hồng Lê Thọ (giữa) và ông Nguyễn Quang Lập (phải)

Chính quyền Việt Nam không muốn thắt chặt kiểm soát Internet như Trung Quốc, nhưng chọn cách bắt giữ những tiếng nói trái chiều để bảo vệ quyền lực.

Nhận định trên được cây bút Ralph Jennings đưa ra trong bài viết ngày 16/12 đăng trên tạp chí Forbes.

Bài viết của Jennings mở đầu bằng việc so sánh việc sử dụng internet ở TP.HCM với Trung Quốc với "đường cao tốc" và "rừng rậm".

"Gmail hoạt động ngay tức thì ... Và tôi có thể lên Facebook thoải mái", ông mô tả.
"Việt Nam, dù cũng bị cai trị bởi chính quyền cộng sản độc tài như Trung Quốc, lại không muốn chặn các trang web một cách có hệ thống".
"Nước này muốn phát triển internet để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh qua mạng ... vốn là chất xúc tác cho đầu tư nước ngoài".

Khác với Trung Quốc, nước bị chỉ trích vì chặn Facebook, Twitter và các dịch vụ xã hội khác, internet tại Việt Nam có phần ít bị kiểm soát hơn, tác giả nhận định.

Bài viết dẫn lời ông Chris Freund, một đối tác của Mekong Capital tại TP.HCM, cho rằng mạng internet tại Việt Nam "khá thoáng và dễ truy cập".
"Chính quyền muốn người dân kết nối và với nhau và hợp tác làm ăn, sau nhiều năm hứng chịu tâm lý bất mãn từ các nhà đầu tư nước ngoài ...", ông Freund nói.

Bài viết cho rằng thay vì thắt chặt kiểm soát internet, Việt Nam lại sử dụng Bộ Luật hình sự để bắt giữ các blogger đăng tải những thông tin trái chiều.

"Việt Nam đã từng thử chặn Facebook nhiều lần, nhưng hiện đã nới lỏng đi," ông Murray Hiebert, một nghiên cứu gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, được dẫn lời nhận định.
"Việt Nam có vẻ như đang nhắm vào các blogger nổi tiếng, được nhiều người theo dõi, hơn là nhắm vào internet."
"Trên thực tế, chính quyền đã có nhiều nỗ lực nhằm mở rộng mạng lưới internet và tăng lượng người sử dụng internet tại nền kinh tế đang phát triển".

Bài viết ghi nhận việc tội 'Lợi dụng quyền Tự do Dân chủ' theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự đã được sử dụng để bắt giữ hai blogger trong năm nay và dự đoán các vụ bắt giữ có thể gia tăng trước thềm các kỳ họp quan trọng vào năm sau nhằm "bảo đảm cho các lãnh đạo tại Hà Nội có được sự ủng hộ tuyệt đối từ công luận".

Các blogger Nguyễn Hữu Vinh, tức Ba Sàm, và Hồng Lê Thọ, tức Nguời Lót Gạch, đã bị bắt giữ lần lượt vào hồi tháng 5 và tháng 11 năm nay do các cáo buộc vi phạm theo điều luật này, thông cáo của Bộ Công an Việt Nam cho biết.

Nhà văn và blogger Nguyễn Quang Lập, tức Bọ Lập, chủ trang Quê Choa, cũng bị bắt hồi đầu tháng 12. Nguyên nhân bắt giữ vẫn chưa được phía công an tuyên bố chính thức.

"Dù có hay không các phe phái khác nhau trong bộ phận lãnh đạo tại Việt Nam, thì tất cả bọn họ đều muốn cùng một điều: Đàn áp những blogger bất đồng chính kiến", Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úcm được dẫn lời nói.

'Không tiến bộ về Internet'

Trong phúc trình hồi đầu tháng 12, tổ chức Freedom House cũng nhận định Việt Nam "không có đủ nguồn lực để kiểm duyệt thông tin trên mạng như ở Trung Quốc".

Tuy nhiên, "chính quyền cũng vẫn thiết lập một hệ thống kiểm duyệt hiệu quả", báo cáo viết.
"Việc kiểm duyệt được thực hiện thông qua các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) ... Các đường dẫn đến các trang web cụ thể bị chặn và đưa vào danh sách đen".
"Các mục tiêu bị chặn chủ yếu là các trang bị cho là có nội dung đe dọa quyền lực chính trị của Đảng Cộng sản, trong đó có các trang bất đồng chính kiến, các trang về nhân quyền, dân chủ hoặc có bài viết chỉ trích phản ứng của chính quyền trước xung đột ở biên giới và trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam".

Bản phúc trình cũng ghi nhận việc trang BBC tiếng Việt không thể truy cập được ở trong nước.

Việt Nam "không có chút tiến bộ nào về Internet, bất chấp việc gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc" hồi cuối năm 2013, báo cáo có đoạn.

Tuy nhiên chính sự kiểm duyệt này đã khiến cho các 'báo lề dân' trở thành nguồn tin quan trọng đối với nhiều người Việt Nam, Freedom House nhận định.

"Người dân giờ đây nhận thức được sự tồn tại song song giữa báo chí chính thống và một nền báo chí khác chỉ hoạt động trên mạng".
"Các trang web như Anh Ba Sàm, Quê Choa hay Bauxite Việt Nam thường phản ứng rất nhanh trước các sự kiện chính trị xã hội và có tầm ảnh hưởng lớn trong việc huy động các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội và TP. HCM".


BBC





No comments:

Post a Comment

View My Stats