Friday 19 December 2014

VATICAN ĐIỀU TRẦN TRƯỚC LIÊN HIỆP QUỐC VỀ ẤU DÂM (BBC)





BBC
16 tháng 1 2014

Các quan chức Vatican dự kiến sẽ đối mặt với các câu hỏi quyết liệt của Liên Hiệp Quốc về việc các giáo sỹ Thiên chúa giáo lạm dụng tình dục hàng ngàn trẻ em.

Một số quan chức Tòa Thánh sẽ bị một ủy ban của Liên Hiệp Quốc truy vấn ở Geneva.

Trước đó, Tòa Thánh đã từ chối yêu cầu cung cấp thông tin với lý do rằng những vụ việc này là trách nhiệm của tư pháp các nước nơi các vụ lạm dụng xảy ra.

Giáo hoàng đã lên tiến rằng giải quyết vụ bê bối này là hết sức quan trọng đối với uy tín của Giáo hội.

Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã đã đối mặt với hàng loạt cáo buộc về các linh mục lạm dụng tình dục trẻ em trên toàn thế giới cũng như bị lên án về phản ứng yếu ớt của các giám mục.

Nghĩa vụ Công ước

Hồi tháng trước, Giáo hoàng Francis loan báo rằng một ủy ban Vatican sẽ được thành lập để chống tình trạng lạm dụng trẻ em trong phạm vi Giáo hội cũng như giúp đỡ các nạn nhân bị lạm dụng.
Ông cũng siết chặt luật pháp của Vatican về lạm dụng trẻ em, đưa lạm dụng tình dục trẻ em vào nội hàm khái niệm các tội ác nhằm vào trẻ vị thành niên.

Vatican là một bên ký kết Công ước về Quyền Trẻ em của Liên Hiệp Quốc, một văn bản có tính ràng buộc về pháp lý yêu cầu các nước ký kết có nghĩa vụ bảo vệ và chăm sóc những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Cho đến nay, phúc trình đầu tiên và duy nhất của Vatican về vấn đề này được đệ trình lên Liên Hiệp Quốc hồi năm 2012 sau khi họ bị lên án mạnh mẽ sau các vụ tiết lộ về lạm dụng tình dục trẻ em ở châu Âu và các nước khác.

Ủy ban Quyền trẻ em (UNCRC) dự kiến sẽ đưa ra rất nhiều câu hỏi. Đây là lần đầu tiên Vatican phải tự biện hộ trước công luận.

Họ sẽ phải đối diện với cáo buộc rằng họ đã tạo điều kiện cho hàng ngàn trẻ em bị lạm dụng bằng cách bảo vệ cho các linh mục ấu dâm.

Tháng Bảy năm ngoái, UNCRC đã yêu cầu cung cấp chi tiết về tất cả các vụ ấu dâm đã được báo cáo lên Vatican kể từ năm 1995.

Các câu hỏi chất vấn bao gồm có hay không việc các linh mục phạm tội ấu dâm vẫn được phép tiếp xúc với trẻ em, đã có hành động pháp lý nào với các linh mục phạm tội nào không và liệu những người tố cáo có bị buộc phải giữ im lặng hay không.

Tòa Thánh một mực nói rằng họ là một cơ quan riêng rẽ với Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã và việc cung cấp thông tin về việc kỷ luật các linh mục không phải là việc của họ trừ khi họ được giới chức các nước nơi các linh mục hoạt động yêu cầu.

Họ nhấn mạnh rằng họ đã thay đổi các tiêu chuẩn lựa chọn linh mục và sửa đổi các điều luật của Giáo hội để đảm bảo rằng các giáo sỹ phạm tội bị kỷ luật thích đáng.

------------------------

BBC
13 tháng 7 2014

Giáo hoàng Francis nói dữ liệu tin cậy cho thấy “khoảng 2%” trong hàng giáo sĩ thuộc Giáo hội Công giáo là những người ấu dâm.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo La Repubblica của Ý, Đức Giáo Hoàng nói rằng lạm dụng trẻ em như một chứng bệnh “phong” lây nhiễm trong Giáo Hội.

Ngài tuyên bố sẽ “đối đầu với nó với sự nghiêm khắc mà việc này đòi hỏi”.

Trong cùng cuộc phỏng vấn, Giáo hoàng nói Ngài tin rằng vấn đề có thể do việc các linh mục bị cấm kết hôn.

Giáo hoàng Francis nói con số ước tính 2% đến từ các cố vấn.

Điều này có nghĩa khoảng 8.000 linh mục gặp vấn đề trong tổng số 414.000 linh mục trên toàn cầu.

“Trong số 2% ấu dâm này là các linh mục, giám mục và Hồng y…

“Tôi thấy tình trạng này là không thể chấp nhận,” Giáo hoàng Francis nói.

‘Sẽ tìm ra giải pháp’

Trong cuộc phỏng vấn, tờ La Repubblica chạy tiêu đề:
“Giáo hoàng nói: Giống như Chúa Giêsu, tôi sẽ sử dụng một cây gậy chống lại các linh mục ấu dâm.”

Năm ngoái, Giáo hoàng Francis đã tăng cường luật lệ của Vatican chống lại lạm dụng đối với trẻ em.

Và hồi đầu tháng này Ngài đã cầu xin sự tha thứ từ các nạn nhân của lạm dụng tình dục do các linh mục gây ra, tại cuộc gặp đầu tiên của Ngài với các nạn nhân kể từ khi Ngài được bầu vào chức vụ lãnh đạo giáo hội.

Nhiều người còn sống sót là nạn nhân của lạm dụng tình dục bởi các linh mục đang tức giận với những gì mà họ cho là sự thất bại của Vatican trong việc trừng phạt các giáo sỹ cấp cao bị cáo buộc bao che cho các vụ bê bối.

Được hỏi về quy tắc sống độc thân đối với các linh mục, Giáo hoàng Francis nhắc lại rằng việc này đã được thông qua 900 năm sau cái chết của Chúa Giêsu Kitô và chỉ ra rằng Nhà thờ Công giáo Đông phương cho phép các linh mục của họ được kết hôn.

“Vấn đề chắc chắn tồn tại nhưng nó không phải là trên một quy mô lớn.
“Sẽ cần có thời gian nhưng các giải pháp là có và tôi sẽ tìm ra,” Ngài nói.

Trong lúc tỷ lệ ấu dâm trong người dân nói chung còn chưa được biết chính xác, một số ước tính cho rằng con số nằm ở mức dưới năm phần trăm.


----------------------------

BBC
18-12-2014

BBC và các khách mời thảo luận một số vấn đề của tôn giáo trong đời sống hiện nay, từ các vấn đề như nạn ấu dâm, tệ buôn thần bán thánh, thương mại hóa tôn giáo, cho tới nạn thạ hóa chính trị ‘dựa hơi nhà nước phát triển’ và cơ chế, giải pháp xử lý ra sao.

Chương trình được phát trực tiếp trên mạng Internet từ lúc 19h30-20h30, ngày thứ Năm 18/12/2014 trên các kênh của BBC như YouTube http://bit.ly/1sFfLhzGoogle Plus http://bit.ly/1uT63Cs.

Hội luận BBC Tiếng Việt hôm nay, 18/12 do Nguyễn Giang chủ trì và cùng tham gia trong phòng thu tại London là sư Thích Tịnh Thông từ London.

Các vị khác gồm có: Linh mục Công giáo Nguyễn Văn Hùng từ Đài Loan, Giaos sư thần học Nguyễn Đăng Trúc từ Strasbourg, Pháp cùng một số khách mời từ Việt Nam.

Nhân dịp cuối năm chúng tôi nêu ra chủ đề này nói về ý nghĩa của tôn giáo tại Việt Nam hiện nay và đặt ra một số câu câu hỏi:
Nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng tăng cao tại Việt Nam những năm qua, vì sao?
Sự phát triển này như thế nào trong từng đạo giáo?

Tiền bạc và tôn giáo

Trong quá trình đó, có những vấn đề dư luận nói đến thời gian qua như một số nhà tu hành ăn chơi thác loạn, hay bên Công giáo thì có chuyện lạm dụng trẻ em, rồi cả hai phía là cách tiêu tiền của đóng góp của dân, các vị nghĩ sao? Giải pháp là gì?

Một số câu hỏi khác liên quan tới tiền bạc trong hoạt động tôn giáo. Cần luật nào kiểm soát các chi tiêu đó, hoạt động kinh tế của các giáo hội?

Với các giáo đoàn, giáo hội, liệu có cần thiết phải minh bạch hóa các vấn đề từ tài chính, cho tới quan hệ với các cá nhân lãnh đạo đoàn thể, chính quyền hay không?

Vai trò của Nhà nước tại Việt Nam với các tôn giáo là như thế nào? Chính quyền có trung lập với các đạo giáo hay đang hợp tác chặt chẽ với Phật giáo phái thuộc Mặt trận Tổ quốc?

Một số khía cạnh sẽ được các vị khách mời đề cập và thảo luận như xu hướng, cấp độ chính nào đang diễn ra đằng sau các phát triển tôn giáo ở Việt Nam, hải ngoại và khu vực.

Bên cạnh các chuyển biến mới, tích cực, có vấn đề gì cần bàn về đạo đức tôn giáo, tiêu cực trong quan hệ đạo – đời, đời – đạo hay không?

Quý vị quan tâm chủ đề này có thể gửi bình luận, ý kiến về cho chương trình theo địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk





No comments:

Post a Comment

View My Stats