Tuesday 9 December 2014

Văn Học Miền Nam và di sản văn hóa để lại (Kalynh Ngô/Người Việt)



Hội Thảo 20 Năm Văn Học Miền Nam (ngày thứ nhì)
Kalynh Ngô/Người Việt
Monday, December 08, 2014 6:51:41PM

WESTMINSTER, CALIFORNIA (NV) - Hội thảo 20 năm văn học miền Nam (VHMN) ngày thứ hai diễn ra ở tòa soạn nhật báo Việt Báo. Đây có thể nói là cuộc gặp gỡ của  hai thế hệ về một nền văn học vẫn còn đậm dấu ấn đến ngày nay.

Đỗ Quý Toàn: 'Ảnh hưởng Nguyễn Đức Quỳnh'

Nhà thơ/Nhà báo Đỗ Quý Toàn. (Hình: Kalynh/Người Việt)

Hội thảo tại tòa soạn Việt Báo. (Hình: Trần Triết)

Ông chọn nói về Nguyễn Đức Quỳnh bằng một bài thuyết trình, mà không phải là thuyết trình vì ông trân trọng gọi đây là “Tưởng nhớ Nguyễn Đức Quỳnh.”

Nguyễn Đức Quỳnh chỉ ký tên trong sách xuất bản trước 1965. Sau đó ông ký rất nhiều bút hiệu khác nhau như Hoài Đồng Vọng, Hà Việt Phương, Vương Thương Thương, Hoài Nam Hoài... Tác phẩm cuối cùng của ông là Ai Có Qua Cầu (1957) với bút danh Hoài Đồng Vọng.

Ông “tưởng nhớ” Nguyễn Đức Quỳnh qua những lời của nhận định của các nhà văn, nhà thơ giai đoạn đó:

Nguyễn Mạnh Côn từng nói: “Anh Quỳnh mất là chấm dứt một thế hệ những người theo đuổi mộng tưởng vĩ đại.”

Vì sao? Ở thời đại đó, đại họa của dân tộc Việt Nam là chủ nghĩa Marxism. Những người đi tìm mộng tưởng vĩ đại như Nguyễn Đức Quỳnh, Trần Mạnh Côn, Lý Đại Nguyên... tìm cách xây dựng một hệ thống tư tưởng nào thay thế cho chủ nghĩa này, gọi là “vượt Marx.”

Họa sĩ Thái Tuấn thương tiếc ông với những lời “Cái chết của anh Quỳnh là một thiệt thòi cho những người làm văn nghệ.”

Nhà văn Mặc Đỗ thốt lên rằng “chúng ta đã mất một người Việt Nam có gốc Việt chắc chắn và người có kiến thức rộng như chân trời.”

Trước năm 1945, sự đóng góp nhiều nhất của ông là khi ông cộng tác với nhóm Hàn Thuyên cùng những nhà văn như Nguyễn Đình Lạp, Đặng Thai Mai, Trương Tửu... Những sáng tác của ông trong lúc này làm thay đổi hẳn cách nhìn về xã hội và văn chương của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Tác phẩm của ông viết về tuổi trẻ nhưng đó là tuổi trẻ của dấn thân, tranh đấu chứ không mang màu sắc lãng mạn của Tự Lực Văn Đoàn.

Đó là Mình Với Ta (1930); Bốn Biển Không Nhà (1930); Thằng Kình (1942); Thằng Phượng (1941); Sách Đã Vào Lò (1943) và Thằng Cu So (1941).

“Ai có qua cầu” mà ông gọi là Tâm Bút là một tác phẩm đặc biệt. Qua đó, ông muốn nói rằng giới trí thức tiểu tư sản là giai cấp sẽ chế ngự thế giới. Nhà thơ Đỗ Quý Toàn đã “độc diễn” hai nhân vật Bóng Cao và Bóng Thấp qua một đoạn ngắn của Ai Có Qua Cầu để minh chứng cho người nghe cái đặc biệt, cái thâm thúy trong tác phẩm của Nguyễn Đức Quỳnh.

Sau năm 1954, ông ảnh hưởng rất nhiều đến báo chí, đặc biệt là tờ Đời Mới. Ông gần như “bao sân” toàn bộ những trang báo của Đời Mới.

Đỗ Quý Toàn xác nhận không chỉ có riêng mình mà cả một thế hệ những người cầm bút thời kỳ đó đều có một ảnh hưởng ngấm ngầm từ cách nói chuyện với ông, đọc những bài viết của ông. Họ ảnh hưởng cái ý thức và trách nhiệm của người làm văn nghệ qua từ “định phận.”

Người làm văn nghệ phải định phận của mình là nói lên tiếng nói của lương tâm và xã hội mà không tranh giành với người làm chính trị. Ông khẳng định “Đó là sự ảnh hưởng không có sách nào chứng minh được, chỉ biết chắc chắn là có.”

Trần Thanh Hiệp: Sáng Tạo 'độc lập và chống lại đường lối Cộng Sản'
Ông, một trong bốn người đồng sáng lập tờ Sáng Tạo.

“Kể chuyện tâm tình” là phong cách ông chọn cho phần diễn thuyết của mình để mọi người hiểu rõ về nhóm Sáng Tạo và tạp chí Sáng Tạo đã đóng góp những gì cho nền VHMN 54-75.

Về nhóm Sáng Tạo, ông nói rằng thật sự không có nhóm Sáng Tạo, mà chỉ là “có sự liên hệ giữa những người sáng lập ra báo Sáng Tạo, những người đối với nhau thân mật như anh em, bạn bè.”

Như lời nhà văn Mai Thảo đã nói: “Giữa đất trời nhau.” Giữa đất và trời thì không có ranh giới. Tất cả là hữu duyên và hòa làm một.

“Giữa đất trời nhau” đó, họ gặp nhau, làm tờ báo, ấn hành một tạp chí hàng tháng chuyên về văn học nghệ thuật, không đi theo đường lối thương mại.

Đó là tạp chí Sáng Tạo.

Sự hội tụ của những người này, theo ông là hoàn toàn ngẫu nhiên trong tình hình của đất nước, ngẫu nhiên trong cuộc việc gặp nhau, và ngẫu nhiên cả trong việc chọn Sài Gòn là nơi ra đời.

Cái ngẫu nhiên theo tình hình đất nước mà ông nói chính là làn sóng di cư vĩ đại từ Bắc vào Nam của hơn một triệu người. Từ đó, những người như ông, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Thanh Tâm Tuyền... đã gặp nhau, thỏa thuận cố gắng cùng ra một tờ báo có tiếng nói chung.

Dẫn giải câu nói của nhà văn Mai Thảo: “Sài Gòn, thủ đô văn hóa của Việt Nam,” luật sư Trần Thanh Hiệp nhấn mạnh rằng ông và các bạn của ông ấn hành tờ Sáng Tạo nhằm bao hàm ý nghĩa lựa chọn một đất mới để xây dựng một nước Việt Nam mới, tự do dân chủ chứ không độc tài Đảng trị như ở miền Bắc.

Quan trọng không kém trong phần thuyết trình của mình, ông khẳng định Sáng Tạo là “Một tờ báo độc lập, tự do, không nhận viện trợ từ nơi nào và từ chính quyền nào,” ông khẳng định.

Sở dĩ luật sư Trần Thanh Hiệp đề cập điều này vì ông muốn nhắc lại một luồng dư luận nói rằng “tạp chí Sáng Tạo nhận trợ cấp từ phòng thông tin Mỹ và Hoa Kỳ tài trợ cho sự ra đời của tạp chí này.”

Ông có nhắc lại những ngày tháng đầu tiên thành lập tờ báo, những người đồng sáng lập đã làm việc, viết không đòi hỏi tiền nhuận bút. Thậm chí, “đầu tiên chúng tôi in nhờ tờ báo Hòa Bình của ông Vũ Ngọc Cát và chính chúng tôi mang đi bán.”

Và cũng chính từ nơi này, Sáng Tạo nhận được tập bản thảo 'Đêm giã từ Hà Nội” của Mai Thảo.

Sự hiện diện của các ông, của tờ báo Sáng Tạo chính là sự lựa chọn một chính thể không độc tài, chính thể thật sự dân chủ tự do. Chính thể đó sẽ đấu tranh chống lại chế độ cộng sản Đảng trị, toàn trị.

Nói một cách khác, 40 năm sau, luật sư Trần Thanh Hiệp khẳng định: “Minh định của tờ báo Sáng Tạo là chống lại đường lối của chế độ cộng sản.”
Đinh Từ Bích Thúy và Đặng Thơ Thơ: Trách nhiệm của trí thức và khái niệm Mẹ, di sản cho con
Nhà văn Đinh Từ Bích Thúy (ĐTBT) chọn truyện ngắn “Khi Từ Thức Về Trần” của Bình Nguyên Lộc để thuyết trình về trách nhiệm của người trí thức. Bên cạnh đó, các truyện ngắn của Viên Linh, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca và Trùng Dương được nhà văn Đặng Thơ Thơ (ĐTT) chọn để phân tích về khái niệm Mẹ và di sản cho con.

Nội dung thuyết trình của hai nhà văn nữ khá trùng khớp nhau, như Đặng Thơ Thơ có nói rằng “đều có liên hệ về dự cảm cho tương lai của VHMN.”

ĐTBT chọn “Từ Thức về trần” cho phần diễn thuyết của mình và cho rằng tác giả đã tiên đoán được những gì xảy ra cho người miền Nam sau biến cố 1975.

“Từ Thức” theo bà là từ chối sự thức tỉnh. Và bà liên tưởng đến truyện “Trang tử nằm mơ thấy bướm.”

Huyền thoại Từ Thức theo bà có thể áp dụng vào hành trình di dân của người Việt Nam chống Cộng Sản sau 1975. Và câu hỏi của nhân vật Phi trong câu chuyện này có thể áp dụng cho người Việt Nam tỵ nạn.

Bệnh mất trí nhớ của nhân vật chính trong truyện theo bà có thể là biểu tượng cho lối thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của số mệnh và giai cấp.

Truyện dài Gia Tài Người Mẹ của Dương Nghiễm Mậu; Đêm Nghe Tiếng Đại Bác của Nhã Ca; Người Con Gái Tuổi Mèo của Trùng Dương là những tác phẩm ĐTT mượn để nói lên khái niệm “Mẹ” và “di sản cho con.”

Bà cho rằng “di sản cho con” là di sản về ý thức hệ, giai cấp, di sản hậu thuộc địa, và di sản về một căn cứ bị xâm lược hóa.

Bà nói về Mẹ như một ẩn dụ của dân tộc. Và ý thức hệ của dân tộc đó được ẩn dụ qua hình ảnh nhiều đời chồng của nhân vật trong truyện.

Những khái niệm bà dùng cho bài thuyết trình của mình như mẹ là nguồn yêu thương bảo bọc, hy sinh vô điều kiện, kết nối anh em trong gia đình, cũng là biểu tượng của quê hương đất nước.

Gia tài theo định nghĩa thông thường là thứ có thể sở hữu sau khi mẹ chết đi.

Bằng cách đọc và phân tích cho người nghe những đoạn trong tiểu thuyết Thị Trấn Miền Đông, Gia Tài Của Mẹ, ĐTT muốn nói lên một di sản đã bị dị hóa, đó là di sản căn cước. Họ xa lạ với chính cơ thể mình, màu da mình, gia đình mình.

“Đó là di sản nặng nề nhất.”

Trong “Thị Trấn Miền Đông,” với ý niệm về mẹ, cái chết của mẹ, ám ảnh về hồn ma của mẹ, cách người con kế thừa gia tài của mẹ ra sao... thì khái niệm của mẹ đã bị thay đổi.

Bên cạnh đó, bằng cách phân tích nhân vật, bà còn nêu lên một sự thay đổi trong ý thức xã hội lúc đó.

Nhà văn Đặng Thơ Thơ. (Hình: Trần Triết)

Nữ luôn bị đẩy về phía chịu khuất phục, thiệt thòi. Sự hiện hữu của giới tính nữ bị coi là phản quy ước, không đồng bộ.”

Trong Đêm Nghe Tiếng Đại Bác của Nhã Ca, chiến tranh được nhìn trong thế giới quan của người phụ nữ, người mẹ, người tình. Từ đó, “gia tài của mẹ” chính là sự nuôi dưỡng và bồi đắp.

Bà ghi nhận theo quan điểm cá nhân rằng, linh hồn của đất nước chính là nền văn học của nó. Và “Miền Nam đã chết thì linh hồn của nó cũng chết.”

Câu hỏi lớn nhất và chưa có lời giải đáp, theo bà, cũng chính là hình ảnh cái hộp rỗng trong phần cuối của truyện dài “Gia Tài Của Mẹ.”

Trương Vũ, Ngự Thuyết: Sáng Tạo 'đặc biệt', Thanh Tâm Tuyền 'tiên phong'

Cá nhân ông cho rằng trong 20 năm 1954-1975, sự đóng góp của Sáng Tạo là đóng góp của một tập thể đến giờ vẫn còn được ghi lại rất rõ nét.

Ông nêu ra bốn đóng góp nổi bật nhất của tạp chí Sáng Tạo nhằm nhìn lại vị trí đặc biệt của Sáng Tạo đối với văn học miền Nam và cả nước:

Một phác họa về miền Nam trước khi Sáng Tạo ra đời.

Cách ra đời và đóng góp của Sáng Tạo vào sự phát triển của VHMN.

Những cọ xát mang tính tích cực lẫn tiêu cực.

Nhận định nhỏ về vài tác giả tiêu biểu của Sáng Tạo với những nét đặc thù của họ.

Ông kể ra những biến cố đã ảnh hưởng sâu đậm vào tân tư của các thanh niên, thành phần tri thức trẻ ở miền Nam, đặc biệt là thành phần mới di cư từ miền Bắc. Ngay cả thanh niên miền Nam cũng choàng tỉnh sau thời gian sống khá lặng lẽ, nhất là sau mùa thu 1945. Niềm tin của họ sau đó được củng cố bằng chính từ những sự kiện mang tính tiêu cực từ phe XHCN.

Theo ông, có những va chạm nhỏ giữa người miền Nam và người miền Bắc mới di cư nhưng chỉ xảy ra trong thời gian rất ngắn. Sau đó là sự hội nhập vừa có tính bổ sung vừa có tính kích động. Không còn những mặc cảm lệ thuộc.

Tờ tạp chí có ảnh hưởng nhất đến thanh niên Sài Gòn lúc đó là tờ Đời Mới.

Tạp chí Sáng Tạo ra đời trong hoàn cảnh một bên là không khi sôi động về tâm lý và xã hội được giới trẻ ủng hộ. Một bên là thái độ lặng lẽ của giới văn nghệ sĩ đã thành danh.

Càng về sau, cách dấn thân của văn nghệ sĩ hai miền càng khác nhau. Và thêm nữa, phản ứng của quần chúng, đặc biệt của giới cầm quyền cũng hoàn toàn khác nhau.

Ông nói rằng “cách Sáng Tạo được xem là nét đổi hướng của VHMN. Lúc đó miền Bắc chứng kiến sự bùng nổ của Nhân Văn Giai Phẩm.”

Từ số đầu tiên ra đời tháng 10-1956, những cây bút chính của Sáng Tạo như Mai Thảo, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Thanh Tâm Tuyền có một số công trình tạo cho mình trí đặc biệt ở VHMN. Đó là những tác phẩm như “Đêm Giã Từ Hà Nội” của Mai Thảo; tập thơ “Tôi Vẫn Còn Tự Do” của Thanh Tâm Tuyền; những cuộc triễn lãm hội họa của Duy Thanh và Ngọc Dũng...

Trong suốt 30 năm liên tiếp, Sáng Tạo không ngừng khám phá và cỗ võ trong các tác phẩm của mình, mà điển hình là các sáng tác của Thanh Tâm Tuyền và Duy Thanh.

Ông nhận định sự xuất hiện thơ Thanh Tâm Tuyền như “một hiện tượng trong thơ ca.” Trong một thời gian dài, khi nghĩ đến sự phá vỡ trong văn học, người ta nghĩ đến Thanh Tâm Tuyền hơn là Mai Thảo. Đó là chủ trương phá vỡ trong nghệ thuật với tất cả sự nhiệt tình.

Thanh Tâm Tuyền đến với độc giả thơ miền Nam vào thời điểm mà người ta chỉ biết đến Xuân Diệu, Huy Cận hoặc những nhà thơ tiền chiến khác.

Nhà văn Trương Vũ gọi sự xuất hiện thi pháp thơ của Thanh Tâm Tuyền là  “đột ngột, vừa phũ phàng vừa hấp dẫn.”

Đọc giả bị quyến rũ. Sự tìm tòi của họ bị kích động bởi những câu:

'tôi thèm giết tôi
loài sát nhân muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
thanh tâm tuyền
bóp cổ tôi chết gục
để tôi được phục sinh'

Từ đó, miền Nam bắt đầu có những bài thơ lạ lùng.

Phùng Nguyễn: VHMN 'bị CS loại bỏ'

Tự nhận định đề tài của mình là một đề tài buồn, theo ông, trong nước, tình hình văn học gần như tuyệt vọng.

Những chướng ngại trên con đường về, trực tiếp hay gián tiếp đến từ chính sách bôi nhọ trù dập khủng bố từ nhiều thập kỷ qua. Trong bài thuyết trình của mình, ông điểm qua vài chướng ngại đó cùng với những sự kiện văn học xảy ra có liên quan.

Ông dẫn lời của nhà văn Phạm Phú Minh có nói rằng đảng Cộng Sản có một dường lối văn nghệ được chỉ thị từ Liên Xô và Trung Cộng. Những gì không phù hợp với đường lối này đều bị phê phán là lạc hậu, cấm đoán và tiêu hủy.

Ông luận rằng: “Nền văn học không Cộng Sản thì không được phép tồn tại trong đất nước thống trị bởi đảng Cộng Sản.” Và đó là lý do sau năm 1975, nền VHMN hoàn toàn bị loại bỏ ra khỏi văn học Việt Nam.

Sự vắng mặt của VHMN làm cho văn học miền Bắc lên ngôi chính thống, tồn tại trong vai trò “múa gậy vườn hoang.” Lâu dần, dẫn đến một sự chấp nhận văn học Việt Nam có xuất xứ từ văn học miền Bắc.

Ông đề cập đến vấn đề kiểm duyệt, in ấn ở miền Nam qua điều luật 5.2. Và ông cho rằng đây cũng nằm trong những chướng ngại lớn đối trên đường về lại quê hương của VHMN theo con đường chính thống.

Ngày càng có nhiều tác phẩm xuất bản trong nước theo cách kiểm duyệt của chế độ Cộng Sản và được dùng làm tài liệu nghiên cứu cho các công trình khoa học. Do đó, sự sai lệch thông tin chính trị là điều không tránh được.

Cá nhân ông cho rằng câu hỏi về hay không về của các tác phẩm VHMN theo ngã chính thống là một câu hỏi không dễ trả lời.

Trang Đài Glassey Trần Nguyễn: Cái nhìn hậu chiến


Bằng cái nhìn của một thế hệ hậu chiến, bà đề cập bốn vấn đề chính trong bài thuyết trình của mình:

40 năm VHMN thất thủ từ cái nhìn của thế hệ hậu chiến.

Một số hệ quả văn học và ngôn ngữ với thế hệ hậu chiến.

Mồ côi nhưng không chấp nhận mồ côi .

Phản ứng sắc tộc trong thế hệ ngoại biên nhất là tiếng mẹ đẻ trong quá trình sáng tạo.

Tuy nhiên, theo bà, thất thủ không có nghĩa là bị hủy diệt. Ngược lại chính trong sự bức chế đó, những nguồn sống mới vươn lên, một nền văn học mới được ươm mầm.

Bà nói rằng “Giới trẻ cầm bút hải ngoại có bắt được nhịp cầu với quá khứ để tiếp tục bồi thố cho văn chương Việt trong thế kỷ 21 trên thế giới hay không là tùy thuộc vào những văn chương cụ thể mà họ nhận được từ thế hệ đi trước.”

Thay mặt giới trẻ văn chương Việt Nam toàn cầu, bà xin được đón nhận nền văn học miền Nam.


------------------


HỘI THẢO VỀ VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975
.
Đặng Phú Phong Cập nhật: 08/12/2014 12:19
.
Du Tử Lê 07/17/2012 06:07 PM
.
.
Phạm Quốc Bảo Wednesday, December 03, 2014 6:20:29PM
.
.
Hội Thảo 20 Năm Văn Học Miền Nam (ngày thứ nhất)
Kalynh Ngô/Người Việt Saturday, December 6, 2014 8:19:21PM
VIDEO : Hội Thảo 20 Năm Văn Học Miền Nam, 1954 – 1975 (ngày thứ nhất)
.
Da Màu 05/12/2014
.
Việt Báo 03/12/201400:05:00
.
.
Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt Tuesday, December 02, 2014 7:25:10PM
.
Người Việt Books tái bản, 2014 Thứ Năm, ngày 27 tháng 11 năm 2014
.
Nguyễn Hưng Quốc Thứ Bảy, ngày 29 tháng 11 năm 2014
.
Đinh Quang Anh Thái/Người Việt (thực hiện) Wednesday, November 26, 2014 3:00:42 PM
.
.
Tiểu Muội (thực hiện) Thứ Sáu, ngày 21 tháng 11 năm 2014
.
Phỏng vấn nhà văn Trịnh Thanh Thủy về Văn Học Miền Nam 1954 – 1975
Kalynh Ngô/Người Việt (thực hiện) 22.11.2014
.
Huy Phương Chủ Nhật, ngày 23 tháng 11 năm 2014





No comments:

Post a Comment

View My Stats