Thursday 4 December 2014

Sự đổi mới của nền văn minh Tây phương (Nguyễn Cao Quyền)




Lịch sử thế giới mà chúng ta đã trải qua nói lên sự thăng trầm của những nền văn minh nhân loại từ đế quốc La Mã cho đến đế quốc Ottoman. Những nền văn minh phổ quát đó tuy đã có một thời kỳ hưng thịnh lẫy lừng nhưng rút cuộc cũng trở thành mục nát trước khi bị đẩy lùi vào bóng đêm của lịch sử.

Vào lúc này một câu hỏi cần được nêu lên là liệu nền văn minh Tây phương có thể nào là một ngoại lệ hay rồi cũng sẽ chịu chung một số phận. Câu trả lời thật ra chưa dứt khoát vì số đông các nhà quan sát đã nhìn thấy ở nền văn minh Tây phương một vài điểm đặc biệt so với những nền văn minh trong dĩ vãng.

Họ nhận thấy rằng, khác với những nền văn minh cổ xưa, nền văn minh Tây phương ngày nay đã để lại những dấu ấn rộng lớn trên những nền văn minh khác. Nó cũng khai trương một tiến trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa toàn cầu. Tiến trình này đưa đến kết quả là bất cứ nước nào trên thế giới đều cố gắng noi theo để đạt tới cùng một trình độ phát triển với các nước Tây phương.

Liệu thành tích nói trên có thể được coi là một nét đặc biệt của nền văn minh mà chúng ta đang quan tâm? Trước khi đi đến một kết luận khả dĩ chấp nhận, ta hãy tìm hiểu thêm vể sự phát triển của nền văn minh đó.

Những giai đoạn phát triển của nền văn minh Tây Phương

Nhiều học giả cho rằng một nền văn minh thường phát sinh và phát triển qua bảy giai đoạn: pha trộn (mixture), thai nghén (gestation), phát triển (expansion), tranh chấp (conflict), phổ biến (universal,) mục nát (decay) và xâm lược (invasion). Nhìn chung nền văn minh nào cũng phát triển qua ba thời kỳ: thứ nhất, đấu tranh để phát triển; thứ hai ổn định để phát triển; thứ ba, suy thoái và tàn lụi.

Nền văn minh Tây phương thành hình từ năm 370 trước Công Nguyên đến năm 750 bằng sự pha trộn của các nền văn minh cổ điển Semitic và Saracen. Giai đoạn thai nghén của nó kéo dài từ thế kỷ thứ 8 đến cuối thế kỷ thứ 10. Tiếp theo là những giai đoạn tranh chấp để phát triển. Đến nay thì nền văn minh Tây phương đã ra khỏi giai đoạn tranh chấp và bước sang thời kỳ ổn định để phổ biến (kể từ khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt).

Giờ đây nền văn minh Tây phương xuất hiện như một hệ thống chính trị dân chủ đa nguyên gồm một khối hài hòa và vững chắc những chế độ và định chế tiên tiến. Nó đang đi vào giai đoạn hưng thịnh vì mọi tranh chấp nội bộ mang tính phá hoại đã chấm dứt, mọi hàng rào mậu dịch quốc tế đã bị hủy bỏ. Hình thái chính quyền dân chủ đã được phổ biến rộng khắp, quan hệ và tương tác giữa các quốc gia đã hoạt động nhuần nhuyễn như trong một hệ thống chính trị toàn cầu mang tính phổ quát.

Theo tác giả Caroll Quigley (The Evolution of Civilization, 1961) sở dĩ các nền văn minh phát triển và lớn mạnh vì nó có một công cụ phát triển. Công cụ đó là một tổ chức chính trị, kinh tế, quân sự, tôn giáo biết cách đầu tư có lời và lại dùng mức lời thặng dư để tái đầu tư vào những phát minh sản xuất mỗi ngày một tiên tiến.

Các nền văn minh sẽ suy thoái khi nào những loại đầu tư này không còn nữa. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là khi nào tỷ số đầu tư xuống thấp. Đầu tư xuống thấp vì thặng dư lợi tức chỉ dành cho tiêu thụ hoặc được dùng vào những phương án sản xuất không hiệu quả. Xã hội suy nhược và tiến trình suy thoái dân dần đưa đến sự sụp đổ. Nếu chưa sụp đổ thì cũng bị ngoại nhân xâm chiếm. Đó là những gì đã xảy ta trong lịch sử.

Hoa Kỳ có phải là một nền văn minh đang suy thoái?

Những gì đã xảy ta tại Hoa Kỳ vào giữa thập niên 1990 đã bị một số nước đánh giá như là Hoa Kỳ đã trở thành một nền văn minh già cỗi và đang trên đà suy thoái. Mặc dầu có nhận xét như vậy, nhưng nhận xét này không mang tính thuyết phục. Không thuyết phục vì trên thực tế , vào lúc này nền văn minh Hoa Kỷ (và nói chung là nền văn minh Tây phương) vẫn còn là nền văn minh giàu có nhất. Nền kinh tế của Hoa Kỳ và của các quốc gia Châu Âu vẫn tiếp tục phát triển và Tây phương (Hoa Kỳ + Châu Âu) vẫn ở trong vị thế lãnh đạo môi trường khoa học kỹ thuật của thế giới.

Về mặt văn hóa người Mỹ xác định văn hóa của họ là văn hóa Châu Âu cộng thêm một số nguyên tắc chính trị mà cả họ lẫn người Châu Âu đều đồng thanh nhìn nhận là: tự do, dân chủ, cá nhân chủ nghĩa, pháp trị, bình đẳng trước pháp luật, tôn trọng quyền tư hữu và tính hiến định của chế độ.

Gần đây đã có một số ý kiến muốn Hoa Kỳ từ bỏ văn hóa Châu Âu để trở về với văn hóa Á Châu, nhưng những ý kiến đó xem ra thiếu thực tế. Thiếu thực tế vì người Hoa Kỳ nào cũng biết rằng nếu ruồng bỏ văn hóa Châu Âu và những nguyên tắc chính trị họ vẫn tin tưởng và hãnh diện kể từ ngày lập quốc đến nay thì Hoa Kỳ sẽ mất chỗ đứng trên bản đồ thế giới và nền văn minh Tây phương cũng sụp đổ theo.

Các nhà lãnh đạo Tây phương hiện đang có chương trình trẻ trung hóa và hiện đại hóa cộng đồng Đại Tây Dương. Họ đồng ý với nhau rằng nếu Cộng Đồng Đại Tây Dương (Atlantic Community) muốn được vững chắc thì phải dựa trên bốn cột trụ: thứ nhất, cột trụ an ninh tượng trưng bởi NATO; thứ hai, cột trụ pháp trị và nhà nước dân chủ; thứ ba, cột trụ tư bản phóng khoáng và mậu dịch tự do; thứ tư, cột trụ văn hóa Tây phương dựa trên văn hóa cổ Hy-La và những giá trị của nó đã được khơi dậy từ thời Phục Hưng.

Năm 1995 Ủy Ban Liên Âu (European Commission) đưa ra phương án “Canh Tân Hóa Quan Hệ Đại Tây Dương”. Phương án này đã đưa đến việc ký kết một hiệp định hợp tác nới rộng giữa Liên Âu và Hoa Kỳ. Kết quả là một vùng mậu dịch tự do rộng lớn đã được thành lập.

Hoa Kỳ và Châu Âu đang tiến sang giai đoạn phát triển thứ ba

Nhìn lại nền văn minh Tây phương ta thấy rằng nền văn minh này đã vượt qua giai đoạn phát triển và bành trướng kéo dài trong nhiều thế kỷ gọi là giai đoạn Châu Âu. Giờ đây, nền văn minh này đã tiến sang giai đoạn Hoa Kỳ là giai đoạn thứ hai. Trong thời gian trước mắt, nếu Hoa Kỳ và Châu Âu biết canh tân sự hợp tác của họ thì họ sẽ tiến sang giai đoạn thứ ba gọi là giai đoạn Âu-Mỹ (Euroamerican phase). Hậu  quả của sự canh tân chắc chắn sẽ vực dậy sức mạnh của nền văn minh Tây phương với điều kiện là Hoa Kỳ phải tái xác định vai trò lãnh đạo của mình trong nền văn minh đó.

Nhìn chung, tính cho đến ngày nay thì nền văn minh nào cũng phải đi qua những tiến trình thành hình, phát triển và suy thoái giống nhau. Nhưng nếu nhìn kỹ thì ta thấy nền văn minh Tây phương không giống những nền văn minh khác ở chỗ nó có những giá trị và định chế hoàn toàn đặc biệt.
Những giá trị và định chế đó là: Thiên Chúa Giáo, tính đa nguyên, cá nhân chủ nghĩa và chế độ pháp trị. Tất cà những thứ đó đã giúp Tây phương đi vào hiện đại hóa cũng như bành trướng một cách dễ dàng và trở thành sự thèm muốn của các nền văn minh khác.

Tổng số những giá trị nói trên là một loại gia tài đặc biệt và riêng biệt của nền văn minh Tây phương. Châu Âu và Hoa Kỳ là những vùng đất duy nhất sở hữu những giá trị đó. Cho nên phải nói rằng giá trị của nền văn minh Tây phương đến từ tính cách đặc biệt đó chứ không phải đến từ thực trạng phổ quát của nền văn minh ấy.

Tây Phương cần phải bảo vệ những giá trị đặc biệt của mình

Các lãnh tụ Tây phương không cần uốn ắn những giá trị khác theo mẫu hình của mình mà chỉ cần bảo vệ tính duy nhất cuả các giá trị đặc biệt như đã nói ở trên. Vì nước Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất của nền văn minh Tây phương nên trách nhiệm bảo vệ đó thuộc phần các lãnh tụ Hoa Kỳ.

Nhiều ý kiến xây dựng cho rằng để có thể làm đầy đủ trách nhiệm bảo vệ đó Hoa kỳ và các nước Châu Âu phải nghiêm chỉnh thi hành những việc sau đây:

Phối hợp chặt chẽ sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự giữa các quốc gia của khối và ngăn cản không cho cạc quốc gia khác khai thác những sự khác biệt trong nội bộ.

Chấp nhận cho gia nhập Liên Âu và NATO các nước miền Tây Trung Âu và các nước vùng Baltic, Slovenia và Croatia.

Thúc đẩy Tây phương hóa Châu Mỹ La Tinh và đồng minh hóa vùng này.

Kiểm soát và hạn chế sức phát triển của của các vũ khí cổ điển và không cổ điển của các quốc gia Hồi giáo và đồng minh của Trung Quốc.

Chấp nhận Nga như một quốc gia cốt lõi của nền văn minh Chính Thống Giáo, trấn giữ phía Nam của nền văn minh Tây phương.

Duy trì thế ưu việt của tiến bộ khoa học kỹ thuật Tây phương so với các nền văn minh khác.
Quan trọng nhất là phải ý thức được rằng sự can thiệp vào nội bộ của các nền văn minh khác có thể đưa đến mất ổn định và nguy cơ chiến tranh mở rộng trong một thế giới đa văn minh đa văn hóa.

Tây Phương và sự suy thoái của Trung Quốc

Hiện nay nền kinh tế của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc như một cỗ máy cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cho nên sự trì trệ và suy thoái kinh tế ở Hoa Lục sẽ ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ cũng như của cộng đồng quốc tế.

Trở về với một dĩ vãng gần ta thấy trong ba thập kỷ qua Hoa Kỳ và Châu Âu đã theo đuổi một chính sách nhằm đưa Trung Quốc vào hệ thống kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên trong những năm 2000, có quá nhiều người trong Quốc Hội Mỹ lập luận rằng: Trung Quốc hiện nay đã trở thành quá mạnh, và đã đến lúc phải đòi hỏi Trung Quốc thay đổi chính sách vụ lợi và tiền tệ, tôn trọng sở hữu trí tuệ và nhân quyền. Hướng đi mới này của Mỹ tỏ ra không thích hợp và có nguy cơ đưa đến hậu quả nghiêm trọng.

Mặc dù đối với Hoa Kỳ hiện nay, Trung Quốc có vẻ là một đối thủ chính trị và kinh tế đang trỗi dậy, nhưng tình trạng đó có thể nhanh chóng bị đảo ngược. Người ta cũng đã tiên đóan sai lầm về trường hợp của Nhật Bản cách đây ba thập kỷ. Cho nên mọi phản ứng chống lại “mối đe dọa cuả Trung Quốc” cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Hoa Kỳ nên tránh để không cho xảy ra bất cứ lý do nào khiến Trung Quốc có thể cáo buộc Washington là nguyên nhân gây ra các tại họa cho đất nước họ. Nếu tình hình kinh tế tại Hoa Lục xấu đi thì bất cứ một vận động quân sự nào mang tính đối đầu cũng sẽ leo thang hơn là nhân nhượng. Chiêu bài “mối đe dọa của ngoại bang” sẽ được phóng đại để đàn áp đối lập trong nước và chống đối nước ngoài.

Vào lúc này, Hoa Kỳ phải biết rõ rằng Hoa Kỳ không thể thống trị thế giới và cũng không thể trốn khỏi thế giới. Cả hai “chủ nghĩa thế giới” và “cô lập” đều không thể áp dụng vì không có chủ nghĩa nào có thể phục vụ hữu hiệu quyền lợi của đất nước. Thái độ khôn ngoan cần có là phải cố tránh mọi chính sách cực đoan và mọi sự quần tụ bè phái không cần thiết.

Nguyễn Cao Quyền
Tháng 12 năm 2014





No comments:

Post a Comment

View My Stats