Wednesday 10 December 2014

Những ngày cuối cùng của Đảng CSVN? (Michael J. Totten)



Michael J. Totten
Athena chuyển ngữ
Chủ Nhật, 07/12/2014

Việt Nam là một đất nước độc tài toàn trị mà nếu chỉ nhìn thoáng qua, bạn cứ tưởng nó là một quốc gia tự do.

Những người dân địa phương công khai chế giễu chính phủ mà không hề sợ bị trả thù. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều mặc sắc phục của công an và quân đội, nhưng trông họ không hề đáng sợ, và họ cũng không cố gắng tỏ ra như vậy. Họ cũng hành xử như những người trong bộ đồng phục cảnh sát ở các quốc gia như Mỹ hay Canada mà thôi.

Tôi thậm chí không hề lo lắng rằng phòng khách sạn của tôi có thể bị nghe lén. Và thực sự thì điều đó không xảy ra, ngay cả khi nó có xảy ra đi chăng nữa thì tôi cũng không quan tâm. Tôi không cần thiết phải che dấu danh tính là một nhà báo của mình như khi còn ở Cuba và Libya. Lúc ở Trung Quốc và đặc biệt là Bắc Triều Tiên, tôi cũng phải giấu danh tính thật của mình. Nhưng ở Việt Nam thì không.

Trước sự kiện mùa xuân Ả Rập thì Tunisia cũng giống như thế. Vào thời điểm này thì Azerbaijan cũng vậy. Đài Loan và Hàn Quốc đã nhanh chóng trải qua một thời kỳ tương tự trước khi chuyển giao sang thể chế dân chủ.

Một người có thể - hết sức thận trọng – khái quát hóa rằng đây là giai đoạn ngày tàn của các chế độ độc tài “hiền lành”, tức là chế độ độc tài không quá tồi tệ, chí ít là so với các nhà độc tài và đặc biệt là chế độ toàn trị khác.

Tất nhiên ý tưởng về một nhà độc tài “hiền lành”, trong đa số trường hợp, là một điều lố bịch. Nhưng đôi khi trong một khoảng lịch sử dài, một nhà độc tài “hiền lành” tương đối có thể xuất hiện. Robert D.Kaplan đã định nghĩa trường hợp hiếm có đó như sau: “đó là người khiến cho việc bị loại bỏ của anh ta ít gặp nguy hiểm hơn bằng cách chuẩn bị tinh thần cho nhân dân của mình về một chính phủ dân chủ đại diện.” Lý Quang Diệu là một ví dụ điển hình.

Nói như vậy không có nghĩa là chính phủ của ông Lý Quang Diệu tốt đẹp hơn thể chế dân chủ đại diện. Không hề. Ông Lý chỉ làm tốt hơn những nhà độc tài khác ở chỗ ông đã tạo ra những điều kiện cần thiết cho cuộc chuyển giao bất bạo động để tiến gần đến những thứ tự do và cởi mở hơn.
Một nhà độc tài càng tồi tệ”, Kaplan viết trong cuốn sách Asia’s Cauldron của ông, “thì sự hỗn loạn càng kinh khủng bấy nhiêu khi hắn phải ra đi. Đó là bởi vì nhà độc tài đã phá vỡ liên kết trung gian giữa chế độ ở trên đỉnh cao với gia đình hoặc bộ lạc ở tầng thấp trong xã hội – các hiệp hội chuyên khoa, tổ chức cộng đồng, hội nhóm chính trị v.v… Nói tóm lại là những bộ phận khác của xã hội dân sự.”

Saddam Hussein đã làm thế ở Iraq. Bashar al-Assad cũng làm điều tương tự ở Syria. Moammar Quaddafi đã phá hủy Libya theo cách đó, giống như Pol Pot đã làm với Cambodia, Aldofl Hitler với Đức, và gia tộc họ Kim ở Bắc Triều Tiên.

Tôi đã từng cố lập luận rằng chế độ cộng sản đã làm những điều kinh khủng như thế nào ở mỗi quốc gia mà họ nắm quyền, nhưng tôi không chắc chắn là điều đó hoàn toàn đúng. Đảng Cộng sản Việt Nam đã tự cải tổ chính nó, đầu tiên là vứt bỏ nền kinh tế Mác-xít, tiếp đến là ngừng can thiệp quá sâu vào đời sống của công dân Việt Nam. Chính phủ đã làm những điều đó một cách hoàn toàn tự nguyện.

Một nhà độc tài tốt,” Kaplan tiếp tục, “bằng việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cùng với những việc làm khác, sẽ khiến xã hội trở nên phức tạp hơn, dẫn đến việc hình thành nhiều tổ chức xã hội dân sự, và để chia rẽ chính trị dựa trên lợi ích kinh tế mà theo định nghĩa lành tính hơn so với các bộ phận của bộ lạc và nhóm dân tộc sắc tộc.”

Chính phủ Việt Nam đã chạm đến ngưỡng. Chỉ mới chạm thôi. Nhưng cần phải làm rõ ràng rằng điều đó chính xác nghĩa là gì. Nó không có nghĩa rằng vì chế độ độc tài này khá “tốt đẹp” so với đa số các chế độ khác mà nó phải được tiếp tục nắm quyền. Nó hoàn toàn không nên tiếp tục. Nó chỉ “tốt đẹp” so với chế độ độc tài khác trong chừng mực là nó có thể chuyển sang hệ thống dân chủ dễ hơn mà không có xảy ra bạo lực và tình trạng phức tạp như Syria, Ai Cập và các nước hậu cộng sản như Yugoslavia và Ukraine sau khi lật đổ Viktor Yanukovych, Somalia sau sự sụp đủ của chính quyền cộng sản Siad Barre năm 1991, và Libya sau sự tàn phá của chế độ Quaddafi.

Bối cảnh của Việt Nam ngày nay khá giống với thời kỳ tiền dân chủ ở Đài Loan và Hàn Quốc, và thực sự thì Việt Nam có điều gì đó tốt hơn hẳn, về mặt kinh tế và chính trị, so với miền Nam Việt Nam trước khi thua trong cuộc chiến với cộng sản. Người Việt Nam chưa từng trải qua chế độ dân chủ, giống như người dân Hàn Quốc cho đến khi họ giành được nó vào cuối thập niên 1980s mà không gặp nhiều trở ngại. Người dân Đài Loan cũng không hề có kinh nghiệm trong việc bầu cử dân chủ khi Quốc Dân đảng của Chiang Kai Shek đang nắm quyền, nhưng họ đã thực hiện việc chuyển giao cực kỳ êm thấm vào thập niên 80 và 90. Tunisia có gặp một chút khó khăn, nhưng họ tiến đều 2 bước sau mỗi lần gặp sai lầm.

Tôi phải nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ là nơi diễn ra quá trình chuyển giao sang chế độ dân chủ mà ít xảy ra bạo động nhất. Có thể tôi sai. Sự lạc quan trong các vấn đề lịch sử thường được chứng minh là sai lầm. Điều đó đã từng xảy ra với tôi. Điều đó cũng từng xảy ra với những ai nghĩ rằng họ biết chắc hướng đi của quá trình chuyển giao.

Đối với khách du lịch, Hà Nội nhìn như thủ đô của một đất nước tự do, nhưng ta phải nghiêm túc để tâm đến cảnh báo của Bill Hayton trong cuốn sách của ông Vietnam: Rising Dragon. “Cái bẫy của sự tự do là quá rõ ràng trên mỗi đường phố, nhưng từ kinh tế cho đến truyền thông, Đảng Cộng sản vẫn quyết tâm duy trì thế độc quyền của mình. Ẩn dưới sự chuyển dịch lớn mạnh là một hệ thống chính trị độc tài sâu sắc và hoang tưởng. Triển vọng của Việt Nam không hề rõ ràng như người ngoài vẫn tưởng thế.”

* * *

Hòa thượng Thích Quảng Độ, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (UBVC), là nhà đối lập chính trị nổi tiếng nhất cả nước. Ông đã giành giải thưởng Homo Homini về quyền con người vào năm 2012 và 9 lần được đề cử giải Nobel Hòa bình. Ông đã sống dưới sự quản thúc của chính quyền trong một ngôi chùa ở Sài Gòn. Tội của ông là gì ư? Là yêu cầu thể chế dân chủ.
Trong suốt mấy năm gần đây,” ông trả lời trong cuộc phỏng vấn, “tôi sống như một tù nhân bị trói bằng dây xích. Cả ngày, tôi chỉ ở trong nhà. Tôi ăn một bữa một ngày. Mọi việc giống hệt như khi tôi ở trong tù. Phía ngoài cửa phòng tôi có một cái ghế. Đến bữa trưa, khoảng tầm 11h, họ mang thức ăn từ bếp lên đặt trên cái ghế đó. Tôi nhận đồ ăn rồi đem vào phòng. Khi ăn xong, tôi lại đặt khay thức ăn lên trên cái ghế đó. Họ quay lại rồi đem cái khay đi. Giống y hệt ở trong tù.”
Ông Al Jacobson ở Tổ chức Ân xá Quốc tế đã tiếp nhận hồ sơ của hòa thượng Độ từ năm 2002. “Chúng tôi vẫn không quên sau khi tiếp nhận trường hợp của người tù đó,” anh nói với tôi. “Vì ngôi chùa của vị hòa thượng đó quá lớn nên chính quyền Việt Nam xem đó như là một mối đe dọa và từ chối công nhận nó. Vài năm trước hội thánh Công giáo cũng đã công nhận trên danh nghĩa, nhưng số người theo vẫn ít hơn bên Phật giáo.”

Việc này chủ yếu là về chính trị, tôn giáo, hay cả hai?” Tôi hỏi.

Phần lớn là vấn đề chính trị,” anh nói. “Giáo hội đã phát triển đến mức nhất định và nó có mâu thuẫn sâu sắc với chính quyền cộng sản. Tôi theo dõi điều này rất sát sao và tôi chưa bao giờ nghe thấy điều gì từ phía chính quyền rằng nó đối nghịch với giáo hội vì lý do tôn giáo.”

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất yêu cầu quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do hội họp. “Nhìn chung, họ đang đi ngược lại với bản chất độc tài của chính phủ Việt Nam,” Jacobson nói.

Gần đây, khi căng thẳng trong xung đột ở biển Đông leo thang, hòa thượng Thích Quảng Độ đã muốn Giáo hội Phật giáo tổ chức một biểu tình phản đối Trung Quốc, nhưng cảnh sát đã bao vây ngôi chùa của ông và không cho phép ông rời khỏi đó. Chính quyền lo ngại rằng việc nhiều người từ Giáo hội Phật giáo tụ tập vì bất kỳ lý do gì đều có thể đe dọa đến chính quyền ngay cả khi chính quyền và giáo hội đã hoàn toàn đồng ý với nhau về cuộc biểu tình.

Chính phủ Việt Nam rất láu cá trong việc đối xử với ông Thích Quảng Độ,” Jacobson nói. “Họ thản nhiên nói rằng nhìn đi, ông ấy có ở trong tù đâu, ông ấy sống trong chùa cơ mà. Nhưng ông ấy chẳng có bất cứ một quyền tự do nào cả. Tổ chức Ân xá Quốc tế chúng tôi xem vị hòa thượng ấy như một tù nhân lương tâm thật sự.”

Việc chính quyền giam giữ hòa thượng Thích Quảng Độ ở trong chùa thay vì trong nhà tù, không có nghĩa là họ không tống ông vào trại cải tạo giống như những người dân Bắc Triều Tiên phải bị như thế. Việt Nam không hề có trại cải tạo. Trại cải tạo đã không còn nữa. Tôi đã lên kế hoạch đến gặp ông ở Sài Gòn – người thân tín của ông giúp tôi trốn vào và ra dưới lớp vỏ bọc – nhưng tôi đã phải rút ngắn chuyến đi vì lý do sức khỏe.

Nếu có phong trào phản đối trên quy mô lớn ở Việt Nam,” tôi hỏi Jacobson, “anh nghĩ chính quyền sẽ phản ứng như thế nào? Liệu họ có làm giống như Trung Quốc đã làm ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và bắn hàng trăm người không? Tôi có cảm giác là họ sẽ không làm thế. Xem chừng giờ Việt Nam đã quá là tư sản rồi.” Nhưng tôi thấy rằng Jacobson còn có dự cảm tốt đẹp hơn so với tôi.

Có một khoảng cách rất lớn giữa việc giết người hàng loạt với việc áp dụng các hình thức khác để đàn áp,” anh nói. “Tự do ngôn luận, tự do lập hội và những điều tương tự vốn đã bị giới hạn, và đây cũng là những vấn đề mà tổ chức Ân xá Quốc tế quan tâm. Rõ ràng có những vi phạm về nhân quyền ở Việt Nam, không chỉ với hòa thường Thích Quảng Độ mà cả những người đối lập. Tôi nghi ngờ việc sẽ có một cuộc đàn áp đẫm máu trên quy mô rộng đối với các phong trào, nhưng chẳng thể nào chắc chắn được điều đó. Dù có thế nào, thì nó cũng chẳng thay đổi vị thế của chúng ta được,”

* * *
Chính phủ Việt Nam vẫn tự nhận mình là Đảng Cộng sản, nhưng tôi chưa thấy ở đâu chủ nghĩa tư bản thị trường hiện hữu nhiều như ở Việt Nam, bao gồm cả Hoa Kỳ nơi mà nền kinh tế mà bị quản lý rất ngặt nghèo. Đúng là có cái gì đó khiến người ta phải lúng túng.

Cái cụm từ ‘chủ nghĩa cộng sản’ bây giờ còn có nghĩa hay không?” Tôi hỏi một người đàn ông Việt tên Huy sống ở Hà Nội. Anh tự gọi mình là Jason khi nói chuyện với người Mỹ bởi như thế dễ phát âm hơn, vậy nên từ giờ tôi sẽ gọi anh ấy là Jason.

Ngày nay chủ nghĩa cộng sản chỉ đơn giản là được điều hành bởi một đảng phái chính trị duy nhất,” Jason nói. “Một số người phàn nàn rằng, với tôi thì không quan trọng miễn là chính phủ tạo điều kiện để làm ăn kinh doanh và có môi trường sống tốt. Tôi không muốn các đảng phái khác nhau đấu đá lẫn nhau để rồi tạo ra cuộc khủng hoảng như ở Thái Lan.”

Quân đội Thái Lan đã thực hiện đảo chính đối với chính phủ dân bầu hồi tháng Năm năm 2014.
Nếu anh có điều gì đó không hài lòng với chính quyền, anh có thể công khai chỉ trích nó không?” Tôi nói.

Jason cười lớn. “Được chứ. Chúng tôi làm thế suốt. Mà hiện tại chúng ta cũng đang ở nơi công cộng đấy nhưng tôi có nói nhỏ đi đâu. Anh cứ thoải mái phê phán chính phủ miễn là đừng làm gì cả. Biểu tình phản đối chính phủ bị cấm, nhưng chúng tôi vẫn có rất nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc dạo gần đây. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng có vài cuộc biểu tình phản đối chính phủ, ngay cả ở Hà Nội. Nó diễn ra ở Hà Nội nhiều hơn Sài Gòn. Người dân miền Nam ít khi phản đối, nhưng người dân Hà Nội thường xuyên làm thế. Dù cho cuộc biểu tình cũng bị giải tán nhanh thôi.”

Điều gì đã xảy ra với những người biểu tình?” Tôi hỏi. “Họ bị bắt rồi à?”

Không,” ông trả lời. “Họ chỉ bị giáo huấn bởi chính quyền địa phương thôi.”

Đúng là một lối nói trại rất thú vị, giáo huấn cơ đấy. Ở Hoa Kỳ cơ sở giáo huấn (correctional institution) là cách viết dài hơn của từ “trại giam”.

Chính xác thì nó là cái gì?” Tôi hỏi.

Họ sẽ được chỉ bảo rằng biểu tình là xấu,” Jason trả lời, “đều đó không được cho phép và nếu họ còn tiếp tục làm thế, họ sẽ bị trừng trị. Mọi người nghe thế thì ai chẳng sợ, và họ từ bỏ. Vậy thôi. Nếu có người nào có tư tưởng cấp tiến thì họ sẽ bị cảnh cáo, rồi tên của họ sẽ có trong danh sách đen, và nếu họ còn đi biểu tình nữa thì sẽ gặp rắc rối. Nhưng nếu họ về nhà và không làm gì cả, thì họ sẽ chẳng bị làm sao hết. Chẳng có gì xảy ra. Việt Nam không phải là Bắc Triều Tiên đâu.”
Không, Việt Nam chắc chắn không phải là Bắc Triều Tiên rồi. Nó ũng không phải là Syria dưới chế độ Bashar al-Asssad hay Iraq dưới chế độ Saddam Hussein. Nó cũng không hà khắc như ở Trung Quốc. Việt Nam còn ít thô bạo hơn chính quyền Burma (Myanmar) dạo gần đây, và chế độ ở nước này đang bắt đầu tự cải tổ để tồn tại. Tiến trình đó vẫn chưa hoàn thành và có thể đi lùi, nhưng nó đang diễn ra thực sự.

Việt Nam đã thay đổi nhiều như thế nào trong suốt quãng đời của anh?” Tôi hỏi Jason.
Nó phát triển một cách chóng mặt,” anh trả lời, “đặc biệt là ở Sài Gòn. Miền Nam luôn phát triển nhanh hơn miền Bắc.”

Sao lại thế?” Tôi thắc mắc.

Bởi vì thủ đô ở ngoài miền Bắc chứ sao. Mọi thứ ở đây đều bị hạn chế và kiểm soát nhiều hơn bởi chính phủ, nhưng miền Nam thì thoải mái hơn. Chính phủ để cho miền Nam như vậy nhằm mục đích phát triển kinh tế, và nguồn tiền từ miền Nam sẽ chảy ngược lên miền Bắc. Đó là lý do.”

Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết rằng Hà Nội khép kín và bị hạn chế nhiều hơn so với Sài Gòn. Tôi có cảm giác nó không hề bị hạn chế hay kiểm soát một chút nào. Bề ngoài thì có thể gây ra sự nhầm lẫn, tất nhiên. Không phải lúc nào cũng có đàn áp. Nhưng tôi rất “thính” trong mấy vụ đàn áp chính trị và phải thừa nhận rằng tôi chẳng cảm thấy một chút đàn áp nào luôn. Một trong những lý do khiến tôi nhận thức rằng nó tồn tại là vì người Việt Nam luôn muốn nói với tôi về điều đó một cách công khai. Việt Nam vẫn chưa chạm đến mức mà nhà đối lập Soviet nổi tiếng Natan Sharansky gọi là “một xã hội sợ hãi,” nơi các công dân sẽ không nói những điều gì họ thực sự tin rằng người khác có thể nghe thấy.

Ở đây thì chính phủ quản lý cái gì?” Tôi hỏi Jason. “Khi tôi nhìn quanh thì tôi chẳng thấy sự kiểm soát nào cả. Có điều gì mà tôi không hề thấy a?”

Các quán bar ở Hà Nội phải đóng cửa sớm. Gần như không có hoạt động vui chơi giải trí nào sau nửa đêm ở đây. Ở Sài Gòn, họ có thể mở cửa 24/7. Ở đây thì chúng tôi buộc phải về nhà và đi ngủ. Chúng tôi có thể đi ra đường sau nửa đêm, nhưng không thể tụ tập nếu không cảnh sát sẽ đến và yêu cầu chúng tôi về nhà.”

Cái đó được gọi là gì?” Tôi hỏi.

Chúng tôi gọi nó là luật ở thủ đô. Chỉ có ở Hà Nội thôi. Chúng tôi buộc phải giải tán sau nửa đêm.
(còn tiếp)

Nguồn: The last days of Communist Party?, The World Affair Journal.

------------------------

Michael J. Totten
Athena chuyển ngữ


Có một điều không thể chối cãi: các đồng nghiệp của tôi làm trong ngành truyền thông ở Việt Nam không thể viết về bất cứ điều gì họ muốn.

Tôi đã hỏi một nhà báo địa phương về việc hệ thống kiểm duyệt hoạt động như thế nào và xem chừng cô ấy trả lời tôi khá thành thật. Tôi sẽ không đề tên cô ấy ở đây để tránh cho cô gặp những rắc rối. Việt Nam không phải là Bắc Triều Tiên, nhưng nó cũng chưa đến mức được như Canada.
Chính phủ sở hữu mọi thứ về mặt kỹ thuật nhưng từ lâu rồi không còn quản lý trực tiếp nữa,” cô trả lời. “Thực sự tôi không chắc liệu tôi có tự do báo chí nhiều đến đâu, hay tôi tự kiểm duyệt mình quá mức ra sao bởi tôi đã quá quen với nó rồi.”

Đúng là cá không gặp nước rồi.

Không ai nói cho tôi biết xem tôi có thể và không thể viết về cái gì. Tôi chỉ tự nhận biết theo bản năng về những thứ tôi không nên viết bởi tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Các quy định không được viết hẳn ra, nhưng nó có sự thay đổi. Ví dụ, trước đây, chúng tôi không thể in từ dân chủ trong bất kỳ nội dung văn bản nào, nhưng giờ thì có. Việc chỉ trích Trung Quốc cũng vậy, nhưng giờ thì hoàn toàn bình thường.”

Điều gì sẽ xảy ra nếu cô phá luật?” Tôi hỏi.

Thì biên tập viên sẽ không duyệt nó chứ sao.” Tất nhiên là thế rồi. Những biên tập viên mới đảm nhiệm vị trí phải gặp Ban Tuyên giáo mỗi tuần một lần để nghe xem cái gì có thể và không thể viết về. “Nếu như có bài nào đó được duyệt, thì ngay sau đó họ sẽ nhận được cuộc gọi từ phía chính quyền và họ sẽ phải sửa nó.”

Nạn tham nhũng hiện đã được đưa tin tràn làn trên các phương tiện truyền thông, nhưng chỉ có những người ở cấp thấp bị điểm mặt chỉ tên, chẳng bao giờ thủ tướng hay quan chức cấp cao bị nhắc đến. “Khi báo chí nhắc đến nạn tham nhũng ở các cấp lãnh đạo cao, thì cả chính quyền nói chung sẽ bị đổ lỗi chứ không nhắc đến một ai cụ thể cả.”

Các trang mạng truyền thông xã hội không còn bị cấm nữa, nhưng vẫn bị theo dõi chặt chẽ. Nếu bạn phàn nàn về chính phủ trên Facebook thì cũng được thôi, dù chính phủ vẫn theo dõi. Nếu bạn phê phán chính phủ trong các nhóm trên Facebook, mọi chuyện có thể rắc rối hơn một chút. Và nếu bạn thực hiện nó ở ngoài đời thực và xuống đường biểu tình, thì mọi chuyện sẽ trở nên cực kỳ nghiêm trọng.

Cho dù có những hạn chế như thế, tôi vẫn cảm thấy Việt Nam thoải mái hơn so với bất kỳ quốc gia độc đảng nào mà tôi từng ghé thăm. Nó thoải mái hơn rất nhiều so với Cuba, anh em XHCN của Việt Nam. Chế độ nhà Castro bóp nghẹt mọi thứ trong khi chính quyền Việt Nam chỉ làm điều nó buộc phải làm để duy trì quyền lực, và có vẻ nghịch lý là điều này đã dẫn tới việc nới lỏng quyền kiểm soát của nó đối với đời sống của nhân dân, thay vì thắt chặt hơn.

Tunisia cũng có dáng dấp và cảm giác tương tự khi Ben Ali vẫn nắm quyền trước khi Mùa xuân Ả-rập khởi động, khi Christopher Hitchens đã láu lỉnh chỉ ra rằng “hệ thống chính quyền Tunisia kém thông minh và không dám chịu rủi ro hơn nhiều lần so với đại đa số người dân của nó”. Nếu không kể đến thể chế chính trị, thì mọi thứ đều tương đối ổn thỏa ở Tunisia khi tôi ghé thăm đất nước này lần đầu năm 2004. Nhà nước thì đúng là thối nát, nhưng xã hội tự nó cởi mở, khoan dung, thịnh vượng và phức tạp. Không có gì đáng ngạc nhiên – ít nhất là với tôi – rằng Tunisia đã chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ một cách êm thấm và không bị rơi vào tình trạng nội chiến hay sự phản ứng mạnh mẽ của chế độ độc tài như ở Syria, Libya hay Ai Cập.

Tôi có thể nhầm lẫn, nhưng tôi cảm nhận một cách mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ chuyển đổi êm thấm tương tự khi điểm kích hoạt được đạt đến. Nó đã trở nên thịnh vượng và tự do hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ. Mọi thứ đều tốt đẹp hơn, và đó là điều thường tạo ra sự chuyển đổi dân chủ thành công. Khi một lực lượng đáng kể những người trung lưu vừa vượt lên khỏi đói nghèo, họ có xu hướng thở dài nhẹ nhõm và chấp nhận với những gì đã đạt được. Nhưng khi một thế hệ mới ra đời không hề có trải nghiệm cá nhân về một quá khứ khó khăn, sự thiếu vắng tự do chính trị sẽ nặng nề hơn nhiều. Sau một thời gian dài sống trong an toàn thì ngay cả những người trung lưu lớn tuổi cũng đã bắt đầu lên tiếng đòi hỏi.

Cho dù điều gì xảy ra sau này, thì bây giờ người ta vẫn thấy rõ những điều đang xảy ra. Công dân Việt Nam và chính quyền đã đạt được một thỏa ước tạm thời: Nếu mày không động đến chúng tao, thì chúng tao sẽ không động tới mày. Đó là một tình trạng đáng buồn cho những ai có đầu óc chính trị tích cực, và nó đặc biệt đáng buồn cho những người như tôi, viết về chính trị để kiếm sống, nhưng đa số người Việt Nam trung thành với chủ nghĩa phi chính trị - tôi cho là một phần nào đó là vì họ buộc phải sống như thế, nhưng cũng bởi vì văn hóa hiện nay là quan tâm chủ yếu tới thương mại và phát triển kinh tế.

Tranh luận chính trị là trò tiêu khiển quốc gia ở phần lớn các nước Trung Đông bất chấp thực tế là rất ít người có tự do chính trị. Công dân không phải lúc nào cũng được nói về chính quyền của họ, nhưng rõ ràng họ có thể và đã nói về chính trị trong khu vực, cũng như về chính trị trong nước. Ở Trung Đông tôi cảm thấy như mình đang ở giữa một cuốn sách lịch sử đang mở ra. Ở Việt Nam cảm giác này ít hơn. Hiện tại là thời gian cho sự thay đổi, nhưng có rất ít những câu chuyện hàng ngày, ít thứ xảy ra công khai. Không có chiến tranh, không có cách mạng, và không có chủ nghĩa khủng bố.

Nhưng lịch sử còn lâu mới kết thúc ở Đông Nam Á. Trung Quốc đang gây hấn với cả khu vực. Quân đội Thái Lan lật đổ một chính quyền dân cử. Miến Điện cuối cùng đã chuyển hướng khỏi quá khứ đàn áp khốc liệt. Còn bao lâu nữa thì một điều tương tự sẽ xảy ra ở Việt Nam? Đáng ngạc nhiên là Miến Điện lại đi trước vì điểm khởi đầu của nó phải nói là thấp hơn nhiều, nhưng nếu nó có thể xảy ra ở Miến Điện thì cũng sẽ có thể xảy ra ở Hà Nội hoặc Sài Gòn.

Sự thiếu vắng những biến cố tồi tệ xảy ra và tạo ra sự thay đổi ở Việt Nam khiến công việc của tôi khó khăn hơn, nhưng một phần trong tôi không phải là phóng viên, mà là một con người bình thường, cảm thấy nó thật dễ chịu. Trung Đông có lẽ cần một khoảng thời gian nghỉ ngơi như Việt Nam đang có hiện nay. Nhưng khoảng thời gian nghỉ ngơi chắc chắn rồi sẽ qua đi. Bạn có thể cá đồng đô-la cuối cùng của mình vào điểm này.

* * *
Washington gây áp lực cho Hà Nội để đạt được những tiến bộ cụ thế thay vì nhắc đi nhắc lại về nhân quyền nói chung, điều này có lẽ sẽ mang lại hiệu quả. Các than phiền chung chúng có thể dễ dàng chối bỏ, nhưng sẽ khó hơn để bỏ qua những chỉ trích có định hướng từ những người bạn. Tiến bộ gần đây thì vẫn khiêm tốn, nhưng nếu so với thời kỳ 1970 và 1980 thì đã có thay đổi rất lớn.

Gia đình tôi đã cố gắng rời đi những năm 1970 và không thành công”, Tuong Vi Lam nói với tôi. Cô lớn lên tại Sài Gòn trong chiến tranh, và gia đình của cô đã phải đối mặt với địa ngục khi phe cộng sản dành thắng lợi. “Bố và ông tôi làm việc cho chính quyền cũ, và tôi không có cơ hội nào khi chính quyền cộng sản tới. Bố tôi phải vô trại cải tạo. Ông bị buộc phải lao động nặng nhọc trên cánh đồng. Trại được lập ra nhằm mục đích cải tạo, nhưng thực tế nó là trại lao động. Ông không bị đánh đập, nhưng nhiều người khác bị và một số còn bị giết”.

Lý do duy nhất ông bị gửi đi vào trại là vì ông đã làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Ông không phạm một tội ác nào. Chính quyền cộng sản có danh sách với tên tất cả mọi người trong đó. Ông nhận được một thông báo qua bưu điện nói ông phải đến trình diện vào một ngày nhất định”

Họ không bắt giữ ông ta?” Tôi hỏi.

Họ bắt giữ một số người khi những người được lệnh phải trình diện không quay trở lại nhà,” she said.

Tình hình miền Nam tồi tệ ra sao khi miền Bắc tiếp quản?” Tôi hỏi.

Cực kỳ tồi tệ,” cô trả lời. “Tất cả trường học đều phải đóng cửa. Dì và chú của tôi đang học đại học cũng phải bỏ dở. Họ chỉ đơn giản là không thể đến trường được nữa. Tài sản bị tịch thu và chia cho những người ở miền Bắc. Đảng Cộng sản thậm chí còn tuyên truyền trong cả sách giáo khoa toán. Họ cho đề bài kiểu như: ‘Hôm qua một chú bộ đội đã giết 3 tên lính Mỹ và hôm nay giết được 5 tên. Tổng cộng chú bộ đội đã tiêu diệt được bao nhiêu lính Mỹ?’ Hiện tại thì trong sách không còn những câu hỏi kiểu như thế nữa, nhưng họ đã làm như vậy suốt khoảng năm đến mười năm gì đó.”

Bố của cô cuối cùng cũng thoát khỏi trại cải tạo và gia đình cô đã cố lên trốn lên một chiếc thuyền nhỏ rồi chuyển sang một chiếc thuyền to hơn. Thuyền to thì người đông nên mọi người phải tự nhồi nhau vào trong khoang. Và rồi họ bị bắt.

Thế gia đình cô định đi đâu?” Tôi hỏi.

Philippines hoặc Thái Lan. Họ có các trại dành cho người tị nạn ở đó. Nhưng Mỹ mới là điểm đến cuối cùng.”

Cuối cùng cô cũng làm được điều đó và hiện cô đang sống ở Oregon.

Tại sao chính quyền lại quan tâm đến cả việc mọi người rời khỏi Việt Nam?” Tôi thắc mắc.

Bởi vì chúng tôi đang cố bỏ nước mà đi chứ sao,” cô trả lời.

Tôi biết, nhưng tại sao họ phải quan tâm đến chuyện đó? Họ có nói lý do là gì không?”

Họ chỉ nói là chúng tôi đang cố bỏ nước ra đi,” cô đáp.

Hóa ra là vậy. Bị bỏ tù chỉ vì cố trốn thoát. Cả đất nước này vô hình trung đã biến thành một nhà tù lớn. Nhà tù thực sự chỉ là tù trong tù mà thôi.

Họ không đưa ra bất kỳ lý do nào khác ư,” tôi tiếp tục, “ví dụ như buộc tội cô buôn lậu chẳng hạn? Họ chỉ nói rằng rời khỏi đất nước là phạm pháp à?”

Nếu anh cố rời khỏi đất nước, anh sẽ bị bắt, thậm chí là cả trẻ con. Một tháng một lần người thân được phép lên thăm để tiếp tế thức ăn và thuốc. Bố tôi đã bị chuyển đến trại cải tạo và bị kết án giam giữ vô thời hạn. Nhưng ông đã trốn được.”

Trốn bằng cách nào?”

Tất cả tù nhân đều phải làm việc trên cánh đồng vào ngày và quay lại nhà tù vào buổi đêm,” cô trả lời. “Một hôm khi họ đang làm việc gần một con sông, mà bố tôi thì bơi cực giỏi. Khi lính gác không chú ý, ông đã ném một tảng đá lớn xuống nước và trốn sau bụi rậm. Họ cứ nghĩ rằng bố tôi đã nhảy xuống sông nhưng thực ra ông vẫn đang nấp đi và họ thì cứ quát tháo và xả súng liên tục. Khi màn đêm buông xuống, chẳng còn ai ở đó nữa thì bố tôi mới nhảy xuống sông, bơi một mạch khoảng 7 dặm và chạy đến nhà người thân của mẹ tôi. Họ cho bố tôi ít tiền và ông đã đi xe bus về Sài Gòn. Mặc dù không thể trở về nhà nhưng ông vẫn có thể lẩn trốn giữa hàng triệu người ở thành phố này. Cuối cùng chúng tôi thoát được sang Mỹ và bố tôi đã không quay lại Việt Nam suốt 20 năm qua.”

* * *
Thành tích tôn trọng quyền con người của chính phủ Việt Nam khó có thể coi là lý tưởng, và thậm chí là không thể dung thứ nếu xét theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, nhưng chính phủ đang cải thiện dần và rõ ràng là hiện tại đã tốt hơn trước rất nhiều. Ít nhất đó cũng là điều đáng để công nhận.
Việt Nam không có nhiều tự do báo chí, nhưng sách báo và tạp chí nước ngoài vẫn bán nhan nhản. Internet cũng vậy, có đầy đủ thông tin từ mọi nơi về mọi thứ. Tất nhiên là vẫn chưa đủ - báo chí nước ngoài và các websites hiếm khi bao trùm đầy đủ các vấn đề nội địa của Việt Nam – nhưng vậy còn hơn không. Ít nhất mọi người đã có ý niệm về những gì đang diễn ra bên ngoài biên giới nước họ, không như những thân phận nô lệ tội nghiệp ở Bắc Triều Tiên.

Dù biểu tình là phạm pháp nhưng một số người vẫn xuống đường và tiến hành biểu tình theo cách nào đó. Đến lúc – không thể tránh được – sẽ có rất nhiều người lên tiếng yêu cầu sự thay đổi cùng một lúc khiến nỗi sợ hãi bị đàn áp hoàn toàn biến mất.

Không thể nói chắc, nhưng Việt Nam có lẽ chỉ cần một sự kiện, một cuộc cải cách, hay một cuộc biểu tình đông đảo để chuyển đổi sang tự do dân chủ. Khoảnh khắc then chốt của lịch sự luôn luôn không đoán trước được. Không ai có thể tiên đoán rằng công dân Mohammad Bouazizi của Tunisia sẽ tự thiêu và chính điều đó đã châm ngòi cho sự kiện Mùa Xuân Ả Rập. Chế độ độc tài có thể giữ vững sự ổn định cho đến khi nó không thể giữ nữa. Cuối cùng thì nó sẽ phải thất bại.

Thành tích nhân quyền của mỗi quốc gia trên thế giới đều được đánh giá dựa trên tiêu chuẩn như nhau. Đồng thời, việc tăng điểm cho một quốc gia vì đã có cải thiện trong vấn đề nhân quyền chỉ thực sự công bằng nếu như việc cải thiện đó là thành thật. Người ta không nên trông đợi một chế độ độc tài tự thu bàn tay quyền lực của mình lại và chuyển giao sang chế độ dân chủ kiểu Jefferson. Đấy không phải là cái cách mà lịch sử diễn ra.

Peter Peterson – cựu tù binh trong chiến tranh Việt Nam, cựu nghị sĩ đảng dân chủ của bang Florida, đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam kể từ sau chiến tranh – cũng nghĩ tương tự.

Khi còn là đại sứ,” ông ấy kể, “tôi thực sự muốn xác định được quá trình tiến bộ hơn là so sánh Việt Nam với lý tưởng một trăm phần trăm. Việt Nam đã làm tốt, và sẽ còn tốt hơn nữa. Nếu bạn vẽ đồ thị thể hiện điều đó, chắc chắn bạn sẽ thấy được sự tiến bộ.”

Hàng triệu công dân không còn chạy trốn khỏi đất nước nữa. Trại cải tạo cũng không tồn tại. Địa chủ đã hết bị hành quyết. Facebook không bị cấm. Những người bản địa giờ đã được phép nói chuyện với du khách nước ngoài. Những trang web và báo chí nước ngoài từng bị kiểm duyệt thì giờ người dân đã có thể đọc.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn có những vi phạm,” Peterson nói. “Chính phủ vẫn không chấp nhận sự phản đối và những người bất đồng chính kiến vẫn phải ẩn mình. Có quá nhiều sự kiểm duyệt, bao gồm cả việc tự kiểm duyệt. Chẳng ai muốn mình là kẻ đi đầu để bị đàn áp đầu tiên cả.”

Tuy nhiên, giờ Hoa Kỳ đã có mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, như nó đáng phải như vậy. Chiến tranh đã qua lâu rồi. Cả hai nước đều chia sẻ chung một tầm nhìn chiến lược vì Đông Nam Á, và người dân hai nước, dù đã có một khoảng thời gian trong quá khứ khá tồi tệ, vẫn quý mến nhau.
Tôi đã hỏi Peterson xem ông nghĩ quan niệm sai lầm nhất của người Mỹ về Việt Nam là gì, và tôi toàn hoàn đồng ý với câu trả lời của ông ấy.

Không chỉ người dân Mỹ mà tất cả mọi người trên thế giới đều không hề biết Việt Nam to lớn đến mức nào. Nó không chỉ là cái ổ gà trên đường mà chúng ta có thể làm ngơ. Đó là đất nước đông dân thứ 13 trên thế giới với nền kinh tế, quân sự và năng lực chiến lược cực kỳ hùng hậu. Việt Nam không đáng để bị làm ngơ nhưng thực tế nó đang bị như vậy. Nếu không cẩn thận, điểm mù của chúng ta sẽ tạo ra một khoảng trống bị lấp đầy bởi những người hoặc những thứ mà chúng ta không hề thích.”






No comments:

Post a Comment

View My Stats