Saturday 6 December 2014

Mạn đàm về chữ Nôm với Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm (Nguyên Huy/Người Việt)



Nguyên Huy/Người Việt
Friday, December 05, 2014 4:26:35PM

Quang cảnh buổi mạn đàm chữ Nôm với Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) - Câu Lạc Bộ Chữ Nôm thuộc Viện Việt Học, Westminster, vừa có buổi mạn đàm với Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm, giáo sư phụ trách lớp học chữ Nôm của viện, vào sáng Chủ Nhật, 30 Tháng Mười Một.
Trước những người tham dự gồm học viên của lớp chữ Nôm và những người nghiên cứu tham khảo về loại chữ này, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm đã giới thiệu một công trình của ông, nghiên cứu và viết ra chữ quốc ngữ vở tuồng Ðường Chinh Tây, một vở tuồng rất quen thuộc với người dân Việt trước đây qua những nhân vật Phàn Lê Huê, Tiết Nhân Quý, v.v...Vở tuồng này được viết và in ra tiếng Việt có kèm theo bản chữ Nôm.
Giáo Sư Sâm cho biết ông soạn thảo lại vở tuồng này từ chữ Nôm trong kho tàng văn học Việt Nam thấy được rất nhiều lý thú mà các bản tuồng khác dịch từ chữ Hán trước đó không có. Ông cũng kể có nhiều chữ đã không dùng từ lâu, đến nay phải tra cứu tìm hiểu rất khó khăn. Thứ đến là trong bản chữ Nôm không có những phần nói lối nhiều trước khi vào chuyện.
Sau phần giới thiệu tổng quát, ông bày tỏ: “Mong anh em đóng góp ý kiến, những phản bác về tác phẩm này nhưng nên phản bác dựa trên văn bản chứ không nên chỉ trích vô căn cứ.”
Giáo sư cũng kể đến những cái hay, cái khác biệt giữa hai truyện lừng danh của Trung Hoa là Tây Du Ký và Ðường Chinh Tây. Cả hai truyện này đã đi vào văn học dân gian Việt Nam qua nhiều thế kỷ.
Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm là giáo sư duy nhất phụ trách lớp học chữ Nôm của Viện Việt Học. Trong buổi khai giảng vào đầu Tháng Năm, 2013, ông có phát biểu: “Lý do tôi mở lớp này là vì khi hiểu chữ Nôm, chúng ta sẽ yêu người Việt và cộng đồng người Việt tị nạn nhiều hơn.”
Qua nhiều buổi học và diễn giảng, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm đã cho biết về nguồn gốc chữ Nôm, xuất hiện từ khi nào, những giả thuyết về nguồn gốc ấy. Nay thì ai cũng cho rằng văn bản đầu tiên xuất hiện bằng chữ Nôm là bài “Văn Tế Cá Sấu” của Nguyễn Thuyên sau được vua nhà Trần cho đổi tên là Hàn Thuyên lấy họ của danh sĩ Hàn Dũ bên Trung Hoa. Giáo Sư Sâm cho biết bản văn này “hiện không còn thấy lưu giữ mà mãi sau này mới có một bản văn phổ biến nhưng nhiều học giả nghiên cứu thấy có nhiều phần là giả mạo vì văn phong quá mới mẻ và chữ nghĩa có chỗ không thích nghi.”

Giáo sư cũng đề cập đến một giả thuyết khác nữa là chữ Nôm có từ thời xa hơn nữa vào thế kỷ thứ 8 khi sử sách chép có vị vua xưng danh là Bố Cái Ðại Vương. Chữ Bố Cái hoàn toàn là chữ Nôm, là tiếng nói của người Việt (Bố là cha, Cái là mẹ).
Hầu hết các học giả chuyên nghiên cứu về chữ Nôm cả trong lẫn ngoài nước đều cho rằng: “Chữ Nôm là chữ của người Việt Nam từ thời cổ. Nó được tạo ra từ chữ Hán để ghi âm tiếng Việt giống như chữ của dân tộc Triều Tiên, dân tộc Nhật khi các nơi này bị Hán thuộc. Nhưng có điều rất hay là tuy từ chữ Hán mà ra nhưng người Hán (Trung Hoa) lại không đọc được và cũng không hiểu được. Nên chúng ta tìm hiểu chữ Nôm chính là chúng ta tìm về nguồn cội để hiểu về những sinh hoạt của tổ tiên chúng ta.”
Cũng theo các nhà nghiên cứu về chữ Nôm thì hiện đã thu thập được cả chục ngàn sách vở tài liệu viết bằng ngôn ngữ này, đề cập đến đủ mọi lãnh vực từ văn chương đến lịch sử, tử vi, y học, phong thủy, gia phả, v.v... Nếu không tìm hiểu tra cứu thì chúng ta sẽ rất khiếm khuyết khi đề cập tới dân tộc Việt Nam.

Vẫn theo Giáo Sư Sâm thì “học chữ Nôm không khó vì nó là tiếng mẹ đẻ nhưng viết chữ Nôm mới là vấn đề cần phải nhớ và suy luận nhiều.”

Anh Steve Phan, một học viên rất say mê chữ Nôm. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Anh Steve Phan, một học viên của lớp chữ Nôm từ ngày đầu, có mặt trong buổi mạn đàm, kể: “Em theo học chữ Nôm với thầy Sâm tới nay đã qua phần học chữ và đang đến phần văn bản. Buổi mạn đàm hôm nay cũng là nằm trong chương trình học. Chúng em sẽ cùng thầy thảo luận về nhiều vấn đề trong văn chương chữ Nôm.”

Các tham dự viên khác như cựu Ðại Tá Trần Ngọc Thông, các ông Quang Nguyễn, Nguyễn Tiến Dũng đều là những người đã bỏ công nghiên cứu về chữ Nôm, đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến trong buổi mạn đàm này.

Quý độc giả cần biết thêm chi tiết về lớp học chữ Nôm của Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm có thể liên lạc (714) 775-2050, email: info@viethoc.com, địa chỉ 15355 Brookhurst St., Ste. #222, Westminster, CA 92683.




No comments:

Post a Comment

View My Stats