Wednesday 10 December 2014

Bạo Động Trắng Đen (Vũ Linh)



09/12/2014

...có lẽ biểu tình là chuyện phải có để thay đổi quan hệ trắng đen ở Mỹ, thay đổi cách sử xự của cảnh sát...

Năm 2008, dân Mỹ bầu một người da đen với một quá trình trắng tinh làm tổng thống, với một hy vọng lớn nhất: đưa nước Mỹ vào kỷ nguyên đại đoàn kết “hậu kỳ thị”. Thực tế, sáu năm sau, quan hệ trắng đen ở Mỹ đã trở về tình trạng của nửa thế kỷ trước. Dân da đen ào ào xuống đường trên cả nước đòi công lý.

Như tất cả mọi người đều đã tiên đoán, một anh cảnh sát da trắng tại Ferguson đã không bị buộc tội gì sau khi bắn chết một anh da đen. Và cũng như tất cả mọi người đã tiên đoán, dân da đen tại đây ngay sau đó đã nổi loạn, biểu tình, cướp bóc, đốt phá, kể cả nhà thờ trong khu của họ.

Tại sao lại có chuyện tất cả mọi người đã tiên đoán đúng? Chỉ vì đây là câu chuyện tái bản đi tái bản lại. Kịch bản giống hệt nhau: cảnh sát trắng bắn chết da đen, nhưng vô tội, da đen nổi loạn đốt phá cướp bóc chính dân mình. Đã xẩy ra ở Los Angeles, New York, Chicago, Miami, và không biết bao nhiêu nơi khác.

Mà sau Ferguson, vẫn còn nữa. Tuần qua, một bồi thẩm đoàn 23 người ở Nữu Ước đã quyết định không truy tố anh cảnh sát trắng Daniel Pantaleo sau khi anh và ba anh cảnh sát nữa bắt anh đen Eric Garner, kẹp cổ vật anh ta xuống đất, rồi anh ta bị nghẹt thở, chết luôn. Lý do khiến bồi thẩm đoàn không truy tố đã không được công bố, nhưng có tin là tại vì cảnh sát được quyền sử dụng bạo lực kẹp cổ vật anh Garner; chẳng may là anh Garner bị béo phì, cao máu và suyễn nên bị ngộp chết.

Điều đáng nói là cái kịch bản cổ điển đó đã xẩy ra từ cả nửa thế kỷ qua, nhưng Nhà Nước liên bang cũng như tiểu bang, Dân Chủ hay Cộng Hoà, cũng chẳng thay đổi được gì. Không hiểu là không muốn hay không thể hay không biết cách.

Ta thử nhìn xa hơn biến cố Ferguson và Nữu Ước

Sau khi anh Brown và cả anh Garner bị chết, công tố viên đưa cảnh sát ra trước đại bồi thẩm đoàn để quyết định xem cảnh sát có tội, có thể bị truy tố ra tòa hay không. Kết quả, cả hai anh cảnh sát đều không bị truy tố gì hết. Không đủ yếu tố để truy tố ra tòa.

Theo luật Mỹ, cảnh sát được bảo vệ rất kỹ vì hiển nhiên, không bảo vệ thì họ không thể thi hành nhiệm vụ được trong cái xứ mà gần như ai cũng có súng, và chẳng ai sợ cảnh sát cả. Khi cảnh sát chặn lại, tất cả mọi công dân, bất kể oan hay không, đều bắt buộc phải hợp tác, hay đúng hơn, nghe theo lệnh của cảnh sát một cách tuyệt đối. Khi bỏ chạy, cảnh sát hô đứng yên (“freeze”), là phải đứng yên, cấm nhúc nhích. Kháng cư hay tiếp tục chạy, cảnh sát có quyền dùng bạo lực, hay thậm chí bắn luôn. Đó là luật. Cảnh sát cũng bất khả xâm phạm, cấm không được đụng, đánh cảnh sát, cảnh sát có quyền bắn chết, mặc dù người đánh không có súng hay dao gì. Đó cũng là luật.

Bài học đầu tiên của hai vụ Ferguson và Nữu Ước là đừng bao giờ kháng cự cảnh sát. Đó là luật. Không quan hệ gì đến chuyện kỳ thị màu da, nghèo hay giàu, nhược tiểu hay văn minh. Và luật đó cần thiết để cảnh sát có thể duy trì an ninh trật tự công cộng trong cái xứ cao bồi này.
Dĩ nhiên dân da đen không chấp nhận quyết định của đại bồi thẩm đoàn tha bổng hai anh Brown và Garner.

Truyền thông cấp tiến cũng tiếp đổ dầu vô lửa. Chẳng hạn mô tả anh Brown như là một sinh viên gương mẫu, chuẩn bị vào đại học, tự nhiên vô cớ bị cảnh sát bắn chết. Báo chí lập lại những ca tụng anh Brown của bố mẹ anh, như một đứa trẻ to xác nhưng hiền lành không thể nào làm hại ai, hay đánh ai. Bất kể trong xóm, ai cũng biết anh Brown là xì ke, du đãng, sau khi chết, thử máu có ma túy. Bất kể cảnh sát đã có video quay cảnh trước khi đụng độ với cảnh sát, anh Brown đã vô tiệm chạp phô, lấy một hộp xì gà, xốc áo tính hành hung anh quản lý tiệm, rồi ngang nhiên đi ra tỉnh bơ. Những chuyện này thường bị lờ đi, như thể đó là những chuyện “bình thường” không đáng nói đến, phải chấp nhận vì đối với thanh niên da đen, như vậy là hiền ngoan lắm rồi. Xét cho kỹ, chính cách suy nghĩ này mới là kỳ thị. Bộ trưởng Tư Pháp Holder tỏ ý tiếc là khúc phim trong tiệm chạp phô đã bị xì ra. Nói cách khác, theo ý ông Holder, có những sự thật nên giấu cho kỹ.

Mỗi lần nhắc đến câu chuyện, báo nào cũng đăng “cảnh sát trắng bắn chết thanh niên đen không có súng” (white policeman killed young unarmed black). Một cách diễn tả với nhiều ý nghiã đằng sau.

Có ít nhất hai nhà báo cấp tiến đã viết bài cho rằng lời khai của anh cảnh sát không thể tin được, vì không thể có chuyện anh đen tay trắng dám chạy lại đánh cảnh sát có súng trong tay. Như vậy chắc họ tin chuyện anh cảnh sát có thể ngồi buồn không biết làm gì, vô cớ bắn anh đen chết để giải khuây sao?

Theo thống kê chính thức, năm 2012, có 77 cảnh sát bị giết, trong đó có 30 người da đen là thủ phạm, tức là 40% thủ phạm giết cảnh sát là dân da đen trong khi dân số da đen chỉ chưa tới 12% dân Mỹ. Chuyện dân da đen dám đánh hay giết cảnh sát có súng là chuyện bình thường ở Mỹ, chẳng có gì “không thể tin được”.
Tạp chí TIME đăng một bài bào chữa cho những bạo động tại Ferguson, cho rằng bạo động luôn luôn là mầm móng cho thay đổi xã hội. Chẳng hạn như cuộc bạo động gọi là Tea Party đã là mầm móng cho sự ra đời của Hiệp Chủng Quốc. Hai câu chuyện khác nhau xa. Cuộc nổi loạn của Tea Party (trong đó một số người ào lên tàu buôn Anh, vứt các lố trà xuống biển, không có hỏa hoạn, cướp bóc, cũng chẳng ai bị giết) xuất phát từ việc chống chính sách sưu cao thuế nặng của chính quyền thuộc địa áp dụng cho cả nước. Biến động tại Ferguson xuất phát từ một anh du đãng ăn cắp vặt đánh cảnh sát và bị bắn chết, khó có thể so sánh với cuộc đấu tranh giành độc lập của Hiệp Chủng Quốc. Cho dù là lý luận đúng, cũng không thể viết ra lúc này, vì chỉ là đổ dầu vào lửa, cổ võ cho bạo động, gây thêm đổ máu. Thái độ của TIME chẳng những phe đảng vô lối mà còn là vô trách nhiệm.

Đã vậy, lại còn những chuyên gia xách động, các mục sư Jesse Jackson và Al Sharpton, mỗi lần thấy lửa là vội đổ dầu vào để giữ tên và ảnh của mình trên các mặt báo và màn truyền hình.

Những câu chuyện này sẽ còn được nói đến rất lâu, vì đã thành biểu tượng, mang một ý nghiã rất quan trọng: xung đột trắng đen ở Mỹ vẫn còn là một vấn nạn to lớn cho nước Mỹ này, cho dù một người da đen đã được bầu làm tổng thống. Hay không chừng chính vì một người da đen được bầu làm tổng thống nên mâu thuẫn trắng đen đã bị khơi ra lại?

Phải nói ngay cho rõ: truyền thông và chính khách nói đến chuyện kỳ thị màu da –racism- một cách tổng quát. Nhưng nói vậy không chính xác, mà phải nói huỵch tẹt ra đây là xung đột trắng đen. Hiển nhiên giữa dân da trắng một bên với dân da vàng hay cả dân da nâu, không có vấn đề kỳ thị quá lớn. Hay giữa dân da đen một bên với dân da vàng và da nâu cũng chẳng có xung khắc gì quá đáng. Chỉ có vấn đề giữa dân da trắng và dân da đen thôi. Do đó, nói vấn đề kỳ thị màu da một cách chung chung là không đúng.

Ở đây không có nhu cầu nhắc lại nguồn gốc sâu xa là chuyện nô lệ của những thế kỷ trước, mà chỉ cần nhìn vào tình trạng hiện hữu.

Báo Mỹ trích dẫn thống kê cho thấy số lượng dân da đen bị cảnh sát bắt hay bắn, cũng như số lượng cảnh sát đi tuần trong các khu da đen cao hơn tỷ lệ dân số da đen rất nhiều, để chứng minh cảnh sát trắng kỳ thị, cố tình tìm bắt dân da đen nhiều hơn. Đây là một loại lý luận tréo cẳng ngỗng, lạ lùng nhất.

Tất cả những ai đã sống ở Mỹ đều biết những khu dân da đen sống đều là những khu “lộn xộn” nhất, thiếu an toàn nhất, xì ke ma túy, trộm cướp, bắn giết nhiều nhất. Theo thống kê chính thức, trong 100 người da đen bị giết, thì đã có tới 94 người bị giết bởi một người da đen khác ngay trong khu da đen. Việc cảnh sát đi tuần trong khu da đen nhiều hơn, và dân da đen bị bắt nhiều hơn là chuyện đương nhiên, chẳng liên hệ gì đến màu da, mà thật ra là điều tốt. Nếu không có cảnh sát đi tuần thường xuyên, ai biết được tình trạng an ninh trong những khu đó sẽ như thế nào. Cũng cần biết đại đa số cảnh sát đi tuần trong những khu da đen và bắt dân da đen cũng là cảnh sát da đen luôn.

Một câu chuyện cần lưu ý vì thật sự quan trọng hơn. Tất cả những ai đã có dịp đi Phi Châu, du lịch hay làm việc, đều có thể nhận thấy dân da đen Phi Châu hiền lành, lễ phép, rất ít khi cãi nhau ỏm tỏm ngoài đường, ít khi dùng những lời lẽ chửi thề, văng tục, hay đánh lộn ngoài đường. Trái lại, đại đa số ăn nói nhỏ nhẹ, rất thân thiện, vui vẻ, rất dễ kết bạn. Họ coi trọng tình bạn, rất coi trọng lễ giáo, liên hệ và vai vế gia đình, và có mức tín ngưỡng tôn giáo rất cao.

Dĩ nhiên đã có những cuộc chiến bộ lạc, giết người đẫm máu như ở Rwanda cách đây hai thập niên, hay ở Uganda và Nigeria hiện nay. Nhưng đó là vài nhóm quá khích, bị khai thác, lừa gạt bởi một vài cá nhân nhiều tham vọng quyền hành và quyền lợi.

Nói chung, dân da đen Phi Châu khác rất xa dân da đen Mỹ.

Tại sao cùng màu da, cùng gốc chủng tộc, mà hai cách sống, tính tình hoàn toàn khác biệt? Có phải do văn hoá và xã hội, do điều kiện sống, môi trường, lịch sử Mỹ đã tạo nên những con người hung hăng, coi bạo động là giải pháp cho mọi chuyện không? Nếu dân da đen ở Mỹ bớt hung hãn, sử xự tương đối ôn hòa hơn như dân da nâu hay da vàng nói chung, thì họ có được cảnh sát đối xử nhẹ tay hơn không? Người ta cũng có thể nói sự hung hãn của dân da đen chỉ là hậu quả tất yếu của những bất công, áp bức quá mức họ đã chịu từ bao thế hệ. Rồi bây giờ lại phải trực diện với sự mạnh tay của cảnh sát, và bất công của công lý Mỹ.

Nói đến cảnh sát và hệ thống công lý Mỹ thì cũng phải xét cho kỹ để khỏi thiên vị.

Công bằng mà nói, việc anh Brown đánh cảnh sát –nếu có thật- và anh Garner kháng cự là hoàn toàn trái luật, không thể khoả lấp, hay chấp nhận hay lờ đi. Mặt khác, anh cảnh sát Wilson cùng lắm cũng chỉ cần bắn một hay hai phát đạn cho anh Brown bị thương, ngã xuống là quá rồi, không có gì biện minh được việc phải bắn tới gần cả chục phát. Bắn như vậy thì quá rõ không phải chỉ để tự vệ, mà là cố tình bắn cho chết. Để rồi trước một thái độ có thể nói là “cố sát” như vậy mà vẫn được coi như vô tội, thì công lý Mỹ quả có vấn đề lớn, không chấp nhận được. Đối với anh Garner, việc gì mà phải chặn cổ họng đến ngộp thở chết, bất chấp anh Garner gào hét “tôi không thở được” vì anh bị suyễn nặng. Anh Garner chỉ có cái “tội” là bán thuốc lá lẻ trên lề đường không giấy phép. (Tác giả quên mất yếu tố là Garner bất tuân lệnh cảnh sát, không chịu tra tay vào còng).

Trong cả hai trường hợp, có người chết mà không bị đưa ra tòa, chỉ bị đưa ra trước đại bồi thẩm đoàn để quyết định xem có đủ yếu tố để đưa ra tòa hay không thôi. Và cả hai bồi thẩm đoàn đều quyết định “không đủ yếu tố” nên không truy tố ra tòa. Có người chết mà vẫn chưa đủ yếu tố để đưa ra tòa là sao? Tại nhiều tiểu bang, chỉ chạy xe quá tốc độ cũng bị ra tòa rồi, huống hồ gì có người chết. Có tội hay không, tại sao không để tòa quyết định?

Trong hai câu chuyện trên, ta có thể tranh cãi nguyên thủy tại cảnh sát da trắng thường quá mạnh tay trước hay tại dân da đen hung hãn trước? Cũng như tranh cãi con gà có trước hay quả trứng có trước. Chẳng có ích lợi gì. Vấn đề là hướng về tương lai, tìm giải pháp. Giải pháp cho dân da đen.

Giải pháp mà khối cấp tiến đề xướng vẫn là cái giải pháp đã áp dụng cả mấy chục năm nay rồi mà chẳng có kết quả gì. Trái lại là khác. Đó là những biện pháp nâng đỡ dân da đen bằng vài ưu tiên, như ưu tiên đi học, ưu tiên có việc làm, ưu tiên thăng chức, ưu tiên trúng thầu, … trong khuôn khổ cái gọi là “affirmative action”, tức là những hành động xác định bình đẳng.

Cái ý định thì đúng và tốt. Nhưng hậu quả thực tế là đưa đến tình trạng nhiều người da đen có khi chưa đủ năng lực lại loại được nhiều người da trắng có khả năng hơn, trong trường học, sở làm và ngay cả trong chính trị. Gây nên bất mãn trong giới da trắng. Ngay cả một số sinh viên da vàng cũng đã khởi kiện đại học Harvard vì kỳ thị, không nhận họ mà nhận sinh viên da đen với điểm thi thấp hơn họ.

Một tình trạng mà nhiều người gọi là kỳ thị ngược. Đưa đến câu hỏi kỳ thị dân da trắng có phải là giải pháp cho vấn nạn kỳ thị da đen không? Kỳ thị ngược để hoá giải kỳ thị xuôi?

Một giải pháp nữa của khối cấp tiến là trợ cấp. Trợ cấp dưới đủ hình thức như tiền an sinh xã hội, tiền thất nghiệp, trợ cấp đông con, Medicaid, phiếu thực phẩm, miễn thuế, v.v… Với lý luận nâng đỡ đời sống vật chất trước cho họ sống tạm được thì mới tính chuyện cải thiện những cái khác được. Có thực mới vực được đạo, như các cụ ta đã nói từ lâu lắm rồi.

Nhưng vấn đề là trợ cấp nhiều quá có biến con người thành những nô lệ mới, nô lệ của trợ cấp không? Rồi sinh ra ỷ lại, lạm dụng, ngồi không ăn trợ cấp, rồi sinh ra chuyện … nhàn cư vi bất thiện?

TT Bush 43 nhìn vào giáo dục như là căn gốc vấn đề, phải cải cách giáo dục mới thay đổi được xã hội. Ông bắt tay với một thượng nghị sĩ cấp tiến nhất, Ted Kennedy, để ra luật No Child Left Behind (Không Bỏ Lại Đứa Trẻ Nào), nhằm cải tổ tận gốc chính sách và hệ thống giáo dục tiểu và trung cấp ở Mỹ. Đại khái bắt buộc các trường và các thầy giáo phải đạt được tiêu chuẩn tối thiểu nào đó về phẩm chất giáo dục. Ra được luật, nhưng rồi cuối cùng luật cũng chẳng được áp dụng. Chỉ vì nếu áp dụng đúng luật thì sẽ có rất nhiều thầy cô bị mất việc và trường học bị đóng cửa, vì không đạt tiêu chuẩn. Do đó, các nghiệp đoàn giáo chức đã tìm đủ cách hoá giải luật để bảo vệ quyền lợi giáo chức, bất cần hậu quả trên tương lai các con em.

Trong mấy tuần qua, tại cả trăm thành phố, cả ngàn người đã biểu tình, hai tay giơ lên, miệng hô “Hands up! Dont shoot!”. Họ lập lại thái độ của anh Brown, giơ tay đầu hàng năn nỉ cảnh sát đừng bắn, để rồi vẫn bị bắn chết. Hình ảnh này có thể không đúng sự thật, nhưng dù sao, cũng mang ý nghiã biểu tượng. Biểu tượng của một người dân tay trắng, xin chịu thua, để phản ánh những bất công, áp bức mà dân da đen đang hứng chịu. Biểu tượng chống sự tàn bạo của cảnh sát Mỹ. Dĩ nhiên không thấy người biểu tình nào hô “Đừng cướp tiệm tôi! Đừng đốt nhà tôi!”.

Chưa ai biết biểu tình sẽ đi đến đâu. Chỉ biết đổ lỗi một chiều cho một bên sẽ không bao giờ là giải pháp. Một mặt, khối dân da đen phải thay đổi, mặt khác, cảnh sát và hệ thống tư pháp cũng phải thay đổi.

Sau cả mấy ngày họp hành, TT Obama đưa ra một giải pháp: bỏ 75 triệu đô ra để bắt tất cả cảnh sát phải đeo máy quay phim để mọi sự được rõ ràng. Đây là chuyện tốn tiền vô bổ, làm cho có. Trường hợp anh Garner ở Nữu Ước, được quay phim đầy đủ từ đầu đến đuôi, nhưng vẫn chẳng thay đổi được gì: vẫn là anh đen bị chết, cảnh sát trắng vô tội, và dân da đen nổi loạn kêu oan cho anh đen.

TT Obama phải trực diện và có giải pháp đối với vấn đề căn gốc là quan hệ trắng đen ở Mỹ. Đeo máy quay phim là biện pháp của các cảnh sát trưởng địa phương, không phải là chuyện của quốc trưởng lo.

Cả nước biểu tình đòi hỏi công lý phải thay đổi, có thể không công bằng với cảnh sát, nhưng đi xa hơn, có lẽ biểu tình là chuyện phải có để thay đổi quan hệ trắng đen ở Mỹ, thay đổi cách sử xự của cảnh sát, thay đổi cách dân da đen đối xử với cảnh sát, và thay đổi cách phản ứng của dân da đen, và thay đổi luôn cả hệ thống công lý Mỹ. (07-12-14)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com . Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.






No comments:

Post a Comment

View My Stats