Monday 10 November 2014

Tránh Né Công Kích: Thêm Một Đe Dọa Nhắm Vào Tự Do Ngôn Luận (John O' Sullivan)



Tránh Né Công Kích: Thêm Một Đe Dọa Nhắm Vào Tự Do Ngôn Luận

John O' Sullivan 
Lê Hiền dịch/ Quê Choa  
10-11-2014

Hoa Kỳ và Anh Quốc từ lâu đã tự coi mình là chuẩn mực của tự do ngôn luận. Liệu truyền thống đáng tự hào này có thể tiếp tục tồn tại không khi có ý kiến cho rằng những phát biểu “gây tổn thương” không còn đáng được bênh vực.

Vào ngày 14 tháng 2, 1989, tôi tham gia nhóm chủ trì thảo luận về tự do báo chí của tạp chí Columbia Journalism Review, một người trong số cử tọa đề cập với chúng tôi về sắc lệnh tôn giáo của giáo chủ Ayatollah Ruhollah Khomeini, khép tội phỉ báng đối với nhà văn Salman Rushdie. [Người đó hỏi] Chúng tôi nghĩ gì về chuyện này? Tôi nhớ rõ là lúc đó, chúng tôi trong số chủ toạ, đã không làm gì để đến mức phải xấu hổ. Những điều chúng tôi đáp lại lúc đó hầu hết đều đúng đắn – theo hướng bênh vực cho quyền tự do suy nghĩ và sáng tạo.

Tuy nhiên, phán quyết tử hình của lãnh đạo tối cao Iran là rất hão huyền -- như kiểu chuyển một lời đe dọa từ thành phố Qom thời trung cổ của Iran đến cho khu Bloomsbury hiện đại của thành London -- và chúng tôi không đặt phán quyết đó ở mức nghiêm túc tương xứng. Tôi nhớ lại, lạy thánh Alas, là mình đã đưa một lời đùa cợt tệ hại liên quan đến lý thuyết deconstructionism trong văn học [trường phái phê bình văn học do Jacques Derrida đưa ra trong những năm 1960s xét lại những giá trị truyền thống về sự thật và bản sắc.].

Các đồng nghiệp của tôi, mặc dù nhạy bén hơn tôi, đã tỏ ra bối rối và miễn cưỡng khi nghe về án lệnh của giáo chủ Iran. Nó có thật không? Hay chỉ là hậu quả của một câu dịch thuật nhầm lẫn?

Chúng tôi sau đó được biết rõ rằng án lệnh là có thật. Giới văn học, truyền thông và chính khách đã đồng lòng ủng hộ Rushdie. Ông ấy trở thành người hùng của tự do ngôn luận và là biểu tượng của truyền thống tự do Phương Tây -- dẫu rằng hơi mờ nhạt trong thời hậu thuộc địa. Rushdie hiển nhiên đã phải trốn tránh sau hàng rào bảo vệ an ninh trong nhiều năm.

Dần dần, khi không chỉ cuộc sống của Rushdie, mà mạng sống của các chủ bút, biên tập viên và các phiên dịch của ông cũng bị đe dọa, thì sự ủng hộ đối với ông trong giới văn chương cũng thưa đi.

Người trí thức nhạy cảm nay đã nhận ra rằng trong một thế giới đa văn hóa, sự tôn trọng người khác cũng có nghĩa là hiểu các truyền thống của họ; mà những truyền thống này thường khắc nghiệt hơn các truyền thống của chúng ta. Tự do ngôn luận chỉ là một giá trị, vâng…, nếu đem đặt bên cạnh nhiều các giá trị khác. Từ đó xuất hiện và lây lan nỗi sợ hãi, sự hèn nhát, lẫn nhiều dạng biện bạch.

Hai mươi lăm năm qua đi, chúng ta nay có thể nhìn lại một loạt các sự kiện tương tự: chẳng hạn các cuộc nổi loạn chống lại người theo đạo Cơ Đốc tại Nigeria năm 2002 làm thiệt mạng hơn 200 người, chỉ vì một tờ báo lá cải địa phương hài hước đề xuất rằng các thí sinh cuộc thi Hoa Hậu Thế Giới sẽ là những cô dâu phù hợp cho thánh Muhammad. Năm 2004, nhà làm phim người Hà Lan Theo Van Gogh bị giết vì làm bộ phim “Submission” trong đó có cảnh nhiều đoạn trong Thánh kinh Quran được in trên thân thể những phụ nữ. Các cuộc nổi dậy tại Đan Mạch và khắp Trung Đông vào năm 2005 đáp trả việc một tạp chí Đan Mạch xuất bản tranh biếm họa thánh Muhammad; những đe dọa ám sát gửi đến chính trị gia người Hà Lan Geert Wilders vì trong bộ phim “Fitna” của ông có cảnh các đoạn trong kinh Quran xen lẫn với các clip về thánh chiến Hồi Giáo bạo lực. Các biến cố nói trên thực sự đe dọa tự do ngôn luận. Chúng -- bản thân là mối nguy – nay trực tiếp gây hoang mang trong dân chúng, trong số các tổ chức cá nhân, và tạo cớ cho các chính phủ hạn chế tự do báo chí. Về lâu dài, các biến cố này [có tác dụng] khuyến khích các cá nhân dù không quan tâm tới đạo Hồi -- từ những người giàu có đến nhóm thiểu số bất đồng chính kiến, hay các chính trị gia dân chủ -- bắt tay vào cưỡng ép, buộc đối thủ của họ phải im lặng. Chẳng có tờ báo nào đăng tải những tranh biếm họa về Muhammad, mặc dù câu chuyện về chúng đã phổ biến rộng rãi trên truyền thông quốc tế trong nhiều tuần. Truyền Thông Đại Học Yale (Yale University Press) thì đã chơi trội bằng cách cho đăng một nghiên cứu về sự kiện gây tranh cãi vào năm 2009, tuy nhiên đã không cho đăng các hình mình họa sẵn có.

Phương cách các chính phủ đối xử với những người bị đe dọa vì bày tỏ quan điểm phản đối cũng tồi tệ chẳng kém so với cách thức họ đối xử với những kẻ công kích họ. Cơ quan pháp luật của Hà Lan đã liên tiếp tìm cách truy tố ông Wilders, dù không thành công, khép tội ông đã “kích động lòng hận thù” bằng bộ phim của mình.

Wilders đã bị cấm nhập cảnh vào nước Anh trong một thời gian ngắn. Vào năm 2006, Chính quyền [của Thủ Tướng] Tony Blair thông qua Đạo Luật về Hận Thù Tôn Giáo và Sắc Tộc – một loại luật “chống báng bổ,” bề ngoài nhằm bảo vệ các tôn giáo khỏi các hành vi mang tính đe dọa, nhưng nó thường được hiểu là có mục đích hạn chế những chỉ trích thù địch nhằm vào đạo Hồi.

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã bắt đầu mở đối thoại với 56 nước thuộc Tổ chức Đại Hội Hồi Giáo (Organization of the Islamic Conference -- OIC), một tổ chức đang xây dựng một đạo luật quốc tế ngăn cấm phỉ báng đạo Hồi.

Năm 2011, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã phát biểu với OIC rằng ngay cả khi Tu Chính Án Số Một không cho phép Hoa Kỳ cản trở tự do ngôn luận, chính phủ Mỹ vẫn có thể “dùng một vài phương pháp kiểu cũ như tạo áp lực cộng đồng hoặc bêu riếu [những kẻ báng bổ], để khiến cho họ thấy là chẳng ai bênh vực những điều tồi tệ mà họ gây ra.”

Phải thừa nhận là rất khó vạch ranh giới rõ ràng giữa việc chỉ trích niềm tin Hồi Giáo và sự công kích nhằm vào những người theo đạo Hồi, mang trong mình niềm tin đó. Nến bạn phê phán một niềm tin nào đó là vô lý, thì có nghĩa là các bạn đang ngầm coi những người mang niềm tin đó là những tên ngốc nhẹ dạ cả tin. Các tín đồ Cơ Đốc phải chịu đựng rõ nét sự xúc phạm vào đức tin của họ từ các nhà văn như Richard Dawkins và Sam Harris. Và họ nên chịu đựng như vậy. Nếu bạn không thể chịu được áp lực, đừng nghe những bài thuyết pháp xui xẻo của những kẻ vô thần.

Lắng nghe các chỉ trích nhằm vào những gì bản thân mình tin tưởng, và học hỏi về niềm tin của những người khác, chính là những bài học trường đời trong một xã hội đa tín ngưỡng.

Ngăn cản các thảo luận mở rộng đồng nghĩa với việc giam cầm tất cả các tín đồ -- bao gồm cả giới vô thần -- trong các thiên kiến thiếu cân nhắc.

Quyền được đối diện với sự công kích – còn gọi là mặt sau của tự do ngôn luận -- vì thế cũng là một quyền thực sự; nếu không có nó thì sẽ không có cả niềm tin thực sự lẫn khả năng nghi vấn chân thực.

Không phải chỉ có vài người Hồi Giáo muốn tìm kiếm sự an ủi giả tạo thông qua việc kiểm duyệt các chính kiến bất đồng. Hoàn toàn không chỉ có những người đó. Giới đồng tính, Công Giáo, giới nữ quyền, những người yêu nước, những kẻ chuyên quyền ngoại quốc, các nhà hoạt động sắc tộc -- hay các tổ chức tự nhận đang hỗ trợ cho nhóm người nói trên – hiện cũng bênh vực quyền lợi của họ bằng cách phê phán người khác thông qua tòa án, các cơ quan lập pháp, và các diễn đàn công cộng.

Đạo luật chống mạ lỵ của nước Anh -- từ lâu đã là một hệ thống đầy tai tiếng vì cho phép người giàu dập tắt các xì căng đan liên quan đến họ -- hiện tại đang được nhân bản ở Châu Âu và Mỹ. Vào năm 2014, Tòa Án Công Lý Châu Âu tạo ra “quyền được lãng quên,” cho phép những ai đó có quá khứ xấu xa -- ví dụ một kẻ lừa đảo, một chính trị gia thất bại, hay một người chống phá đạo Hồi, -- được giúp xóa khỏi internet vĩnh viễn các tội trạng, hành vi xấu xa đáng xấu hổ… liên quan đến họ. Các công cụ tìm kiếm trên mạng sau đó sẽ không thể tìm ra thông tin liên quan đến quá khứ của những người này.

Điều này làm sao có thể xảy ra tại đất nước của Tu Chính Án Thứ Nhất được? Có thể chứ, nhưng không giống hẳn hoàn toàn. Vụ nhà khí hậu học Michael Mann kiện bình luận viên Mark Steyn của tạp chí National review (nơi tôi làm việc) và viện Doanh Nghiệp (Cạnh Tranh Competitive Enterprise Institute) -- về tội mạ lỵ do đã chỉ trích dự báo nhiệt độ của ông ta -- đã thực sự đe dọa tự do ngôn luận và tự do tranh cãi khoa học. Ngay cả khi vụ kiện này được phân xử với phần thắng thuộc về những người chỉ trích Mann, những người thắng cuộc cũng đã mất nhiều thời gian và tiền bạc. “Quá trình theo đuổi vụ kiện giống như một hình phạt vậy,” ông Steyn đã nhận xét như vậy khi nói về các phiên xử. Bản thân quá trình vụ kiện sẽ có tác dụng làm nhụt chí các nhà chỉ trích trong tương lai.

Phái bảo thủ cũng không hề vô tội trong vấn đề này. Trong những năm gần đây, các cuộc tấn công của họ vào tự do bày tỏ chính kiến tại Mỹ nói chung xảy ra chỉ vì những sự bực bội rất tầm thường nhắm vào dạng nghệ thuật mang tính khiêu khích, ví dụ như triển lãm “cảm giác” tại bảo tàng Brooklyn vào năm 1999, hay như gần đây là vở diễn “ cái chết của Klinghoffer” tại nhà hát New York’s Metropolitan Opera.

Tại Anh, Bộ trưởng Nội vụ phái Bảo Thủ, bà Theresa May, từ lâu đã khước từ các nổ lực để cải cách một đạo luận chung vốn hạn chế ngôn luận -- một đạo luật mà cảnh sát thường thực thi với sự sốt sắng khác thường và chẳng hề có sự cân nhắc nào. Các hành động của cảnh sát -- như bắt giữ người biểu tình chỉ vì ngươì này hỏi “ có phải con ngựa của ông là đồng tính không?”; buộc tội một fan bóng đá say rượu chỉ vì đã tweet một phát biểu mang tính phân biệt chủng tộc nhắm vào một cầu thủ; triệu tập một thanh niên ra tòa vì anh làm một áp phích mô tả Scientology là một giáo phái; hay bắt một người biểu tình đạo Hồi vì người này đốt Hoa Anh Túc đỏ tưởng niệm chiến sĩ trận vong.

Theo luật mới của Anh, một người Cơ Đốc Giáo Phúc Âm đã bị phạt vi cảnh vì cầm bảng hiệu có dòng chữ “Ngăn chặn Đồng Tính Nam, Ngăn Chặn Đồng Tính Nữ”. Anh ta như vậy vẫn còn là may. Một tòa án nhân quyền tại Canada áp đặt lệnh cấm đối với một mục sư -- trọn đời cấm rao giảng về chủ đề đồng tính, sau khi ông làm chuyện tương tự như ở Anh. Tại cả hai nước, hạn chế tự do ngôn luận đã được giảm bớt kể từ đó, nhưng sự nhượng bộ còn rất khiêm tốn. Tòa Án Tối Cao Canada đã cho thấy rõ mong muốn duy trì đầy đủ thể chế mới về tự do ngôn luận.

Sự xói mòn của tự do ngôn luận thể hiện trên cả hai mặt xã hội và luật pháp. Trước những năm 1960, những lập luận về kiểm duyệt thường tập trung vào vấn đề đạo đức tính dục, tranh ảnh khiêu dâm, và chủ đề [văn hoá] tục tĩu. Người kiểm duyệt thường được mô tả như những kẻ bảo thủ dốt nát, những bà cô già khó tính. Tự do bày tỏ quan điểm chinh trị, lúc đó lại được tất cả xem là không bị xâm phạm. Khi những hạn chế luật pháp đối với vấn đề thuần phong mỹ tục mất đi, thì tự do ngôn luận chính trị lại bắt đầu bị tấn công từ những nhóm kiểm duyệt khác như các quản lý ở trường đại học, các nhóm sắc tộc bất bình, và những người ủng hộ đồng tính nam và nữ.

Nhóm kiểm duyệt mới này thúc đẩy những lập luận chẳng hạn cho rằng “tự do ngôn luận không bao giờ nên là cái cớ cho phân biệt chủng tộc.” Những lập luận đó là cốt lõi của cách nêu vấn đề [tự do ngôn luận] cũng như cách làm cho vấn đề trở nên rắm rối khó hiểu. Nguyên tắc của tự do ngôn luận là không biện minh bênh vực cũng như không hoàn toàn chống lại sự chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tuy nhiên, tự do ngôn luận là nguyên tắc duy nhất cho phép chúng ta nhận định một phát biểu cụ thể nào đó có mang tính phân biệt hay không. Vì thế lập luận của người kiểm duyệt nên được đảo ngược rằng: “các cáo buộc phân biệt chủng tộc không bao giờ là cớ để ngăn cấm tự do ngôn luận.”

Tuy nhiên, những cơ sở pháp lý hạn hẹp nhằm hạn chế tự do ngôn luận cũng đã thay đổi. Kể từ thế kỷ 18, các lý do pháp lý cơ bản nhằm hạn chế phát biểu chính trị hay việc phát hành văn hoá phẩm bao gồm: khả năng kích động gây hại trực tiếp, đe dọa an ninh quốc gia, trật tự công cộng và dung túng phỉ báng. [Trạng thái] Cảm xúc thường không nằm trong diện bị xem xét (dù là đôi khi chủ đề này bị xem xét, nhưng dưới các tiêu chí khác)

Ngày nay, trạng thái cảm xúc ngày càng được đưa ra làm lý do biện hộ cho việc hạn chế tự do ngôn luận. Một lập luận được sử dụng, đặc biệt trong trường đại học, cho rằng “từ ngữ thật sự gây tổn thương.” Vì thế, các trường đại học, quốc hội, tòa án, và nhiều tổ chức quốc tế can thiệp một cách bừa bãi để hạn chế các phát biểu mang tính công kích và gây tổn thương, dẫn đến những hậu quả được mô tả như trên. Trong môi trường thông tin mới, các phát biểu gây tổn thương thường phần nhiều là các phát biểu chính trị, hơn là những phát ngôn dung tục.

Định nghĩa về biểu đạt chính trị cũng đã thay đổi. Tòa án Tối Cao Hoa Kỳ đã mở rộng định nghĩa này để bao gồm các hành vi chẳng hạn như nhảy múa khỏa thân. Quan tòa bảo thủ như ông Robert Bork quá cố đã có một vài phát hiện rất khôi hài rằng theo luật của tòa án, sinh viên không thể cầu nguyện hợp pháp trước trận đấu bóng đá, nhưng họ có thể nhảy múa khỏa thân, trừ phi khi nhảy họ quấn khăn -- vì quấn khăn có thể lại bị cho là muốn ám chỉ đến khăn che mặt Salome thiêng liêng.

Vẫn còn bất đồng rõ nét về việc coi hành động nào là loại biểu đạt mang tính công kích nhưng đáng được bảo vệ [trong khuôn khổ tự do ngôn luận.] Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt vào năm 1989, tòa án Tối Cao [Mỹ] phán rằng đốt cờ Mỹ nằm trong số những hành động đó. Nếu người dân chấp nhận khái niệm biểu đạt ý kiến không thông qua lời nói [chỉ bằng hành động], thì rất khó phản đối phán quyết của toà. Đốt cờ Mỹ, dù là đáng ghét, chỉ là một tuyên bố phản đối sức mạnh và tính hợp pháp của Hoa Kỳ.

Phán quyết của tòa án trong trường hợp này là đỉnh cao của tự do ngọn luận thời kỳ hậu chiến tranh Việt Nam. Nhưng xin cập nhật một vấn đề tương tự của ngày hôm nay: đốt kinh Quran cũng là cách bày tỏ quan điểm chính trị. Liệu các quan toà ngày nay có dám đưa ra được phán quyết giống như kết luận mà những người tiền nhiệm của họ đã làm đối với vấn đề đốt cờ Mỹ. Liệu việc chính phủ Mỹ hiện đang thảo luận luật quốc tế về vấn đề phỉ báng với các quốc gia đạo Hồi có dám nói với tòa rằng đốt kinh Quran cũng là hành vi cần được bảo vệ? Chắc là khó.

Chúng ta biết là chính phủ Anh ngày nay sẽ không làm điều đó. Đốt một hoa Anh túc tưởng niệm ngày chiến sĩ trận vong tại Anh tương đương như là hành động đốt cờ. Bà May, bộ trưởng bộ nội vụ với mục đích bảo vệ luật pháp nghiêm ngặt của Anh đã lẳng lặng không đồng ý với cách làm của Hoa Kỳ. Bà giải thích rằng “cần phải thận trọng tạo sự cân bằng giữa việc bảo vệ truyền thống đáng tự hào của tự do ngôn luận và hành động chống lại những cá nhân đã gây bức xúc rộng rãi trong xã hội.” Phân tích từ ngữ một cách rạc ròi, phát biểu trên thừa nhận rằng truyền thống đáng tự hào của nước Anh về tự do ngôn luận thực sự đã không còn được bảo vệ. Có nghĩa là theo đó, các phát biểu xúc phạm các nhóm người cụ thể nào đó -- mặc dù khác với các phát biểu trực tiếp gây ra hay đe dọa bạo lực -- sẽ bị kiểm duyệt và trừng phạt.

Một vài năm gần đây, nhà văn trường phái tự do Michael Kinsley mô tả sự khác biệt trong thái độ người dân đối với tự do ngôn luận tại Anh và Mỹ như sau: “Trong một quốc gia như Anh Quốc, sự bảo vệ về pháp lý dành cho ngôn luận yếu hơn của chúng ta, nhưng sự bảo vệ từ xã hội lại mạnh hơn. Nước Anh không có Tu Chính Án Thứ Nhất, nhưng họ có lớp da dày dặn hơn và có khả năng chấp nhận các loại thiên kiến lập dị lớn hơn.

Ngày nay, tại cả Anh và Mỹ sự bảo vệ cho tự do ngôn luận từ cả hai mặt pháp luật và xã hội đã trở nên yếu hơn. Trong năm nay, qui định chính thức dành cho đối tượng báo chí đã được đưa vào luật pháp Anh. Đây là lần đâu tiên có chuyện như vậy tính từ thế kỷ 18, khi mà bồi thẩm đoàn tại tòa vô hiệu hóa các truy tố nhằm vào báo chí. Qui định mới này nhận được sự ủng hộ không những của các đảng phái chính trị mà của cả từ phía công chúng.

Tại Hoa kỳ, vụ án Mann V. Steyn -- chưa kể tới giả thuyết liên quan đến việc đốt kinh Quran -- vẫn chưa có phát quyết. Phe Dân Chủ tại thượng viện đang tìm cách hạn chế tự do ngôn luận chính trị bằng cách hạn chế khoản tiền chi để quảng bá quyền đó. Trong lãnh vực tư nhân, các công ty Hoa Kỳ cho vào danh sách đen các nhân viên đã bày tỏ ý kiến hay đã tài trợ những ngôn luận và hành động “không hợp thời trang.” Nói tóm lại, một thứ văn hóa công cộng từng có thời rất được tự do giờ đây đang trở nên “ tiến bộ” hơn theo kiểu một thứ chủ nghĩa tự do không có cam kết hành động nhằm đảm bảo tự do.

Hoa Kỳ và Anh đã từ lâu quen cho mình là các nước tự do. Nếu nét đặc thù này yếu đi thì sẽ ảnh hưởng tức khắc đến tự do ngôn luận; rồi tiếp tục sẽ có những nạn nhân khác.

Ông O’Sullivan là giám đốc viện [nghiên cứu] Danube tại Budapest và là nghiên cứu sinh cao cấp của Viện National Review Institute tại New York

Nguồn:

Người dịch gửi Quê Choa






No comments:

Post a Comment

View My Stats