Sunday 23 November 2014

‘Tê liệt sân bay’: Không thể là sự cố kỹ thuật (Huy Thịnh - Tiền Phong)



Huy Thịnh
06:25 ngày 23 tháng 11 năm 2014
.
TP - Trao đổi với Tiền Phong vào ngày 22/11, TS Nguyễn Bách Phúc, chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TPHCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử- Tin học EEI cho rằng vụ trung tâm kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh mất điện hàng giờ vào trưa 20/11 không phải là sự cố kỹ thuật.
.
Sân bay Tân Sơn Nhất.
.
Ông Phúc nói, đây là một sự cố hàng không đặc biệt nghiêm trọng, hy hữu. Các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ để khắc phục, tránh tái diễn trong thời gian tới. 
.
Cơ sở nào để khẳng định sự việc đáng tiếc vừa qua không phải là sự cố kỹ thuật?
.
Cung cấp điện cho trung tâm điều khiển không lưu trên thực tế không phải ba mà có tới bốn nguồn, gồm nguồn chính, nguồn dự phòng từ lưới điện quốc gia, động cơ điện và bộ lưu điện UPS. Trung tâm kiểm soát không lưu là đối tượng được ngành điện xếp vào diện hộ tiêu thụ loại 1, bao giờ cũng có hai đường dây, hai nguồn cung cấp điện từ điện lưới quốc gia. Nguồn thứ nhất bị sự cố, gián đoạn việc cung cấp điện thì nguồn thứ hai lập tức hoạt động. Việc chuyển đổi giữa hai nguồn nói trên hoàn toàn tự động. Cái này có trong hợp đồng giữa cơ quan quản lý trung tâm kiểm soát không lưu và ngành điện, nếu không có, ngành điện sẽ bị phạt rất nặng. 

Chẳng hạn doanh nghiệp luyện thép cũng được xếp vào hộ tiêu thụ loại 1, bao giờ cũng có hai nguồn, đề phòng trường hợp việc cung cấp điện bị gián đoạn khiến nguyên liệu trong lò bị đông cứng, phải đập bỏ lò, thiệt hại rất lớn. Vì vậy, khó có khả năng cả hai nguồn từ điện lưới quốc gia đều gặp sự cố.
.
Nhưng thưa ông, Cục Hàng không Việt Nam đã thông tin chính thức nguyên nhân là do các thiết bị tích điện trong bộ lưu điện UPS cung cấp cho trung tâm kiểm soát không lưu gặp sự cố, gây mất điện?
.
Giả sử cho rằng cả hai nguồn cung cấp điện từ điện lưới đều mất thì nguồn cung cấp thứ ba là động cơ diezen sẽ lập tức hoạt động, đảm bảo việc cung cấp điện cho trung tâm kiểm soát không lưu. Quy trình này hoàn toàn tự động, không cần mất nhiều thời gian. Các nhà hàng, khách sạn, thậm chí một chung cư hạng trung bình tại TPHCM cũng được thiết kế như vậy để đề phòng mất điện đột ngột, cư dân bị kẹt trong thang máy sẽ gặp nguy hiểm, huống hồ đây lại là trung tâm điều khiển không lưu cho một sân bay lớn. 

Nguồn thứ tư là hệ thống tích điện UPS. Bình thường, UPS nạp và lưu điện từ điện lưới. Khi hệ thống mất điện đột ngột thì UPS tự động chuyển sang chế độ cung cấp điện, đảm bảo hoạt động trong một thời gian. UPS không phải là thứ gì quá cao siêu. Nhà tôi cũng xài UPS cho mấy cái máy vi tính, đề phòng cúp điện đột ngột, dữ liệu vừa cập nhật trên máy sẽ không bị mất. Trung tâm điều khiển không lưu sử dụng điện năng không nhiều. Những nhà máy tiêu thụ điện gấp nhiều lần còn sử dụng UPS.

Nếu đã sử dụng đến UPS cũng có nghĩa là cả ba nguồn kia đã bị hỏng. Nếu tính cả USP thì cả bốn nguồn cung cấp điện đều gặp sự cố. Làm kỹ thuật điện từ 53 năm nay, tôi khẳng định chưa bao giờ có chuyện như vậy, kể cả trên thực tế hay lý thuyết. Càng kỳ lạ hơn là sự cố mất điện vừa qua xử lý rất đơn giản nhưng không hiểu sao phải mất đến hơn một giờ.
.
Cảm ơn ông.
.
----------------------------
.


KD: Sự cố này thật là kinh khủng. Vì hình như trên thế giới, chưa bao giờ xảy ra chuyện này. Cứ hình dung lúc đó trên trời có hàng trăm máy bay phụ thuộc vào mạng lưới điều hành không lưu này.

-------------------

Trong cuộc họp báo khẩn về sự cố mất điện tại trung tâm kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh (ACC/HCM) ngày 20.11, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam – Lại Xuân Thanh cho biết đây là sự cố cực kỳ nghiêm trọng và chưa thể tính hết được tổn thất.

Trao đổi với báo chí chiều 21.11, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Hàng không cho biết, lúc 11h5′ ngày 20.11, Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC HCM) bị gián đoạn hệ thống cấp điện cho thiết bị điều hành bay trong khi điện lưới vẫn có dẫn đến mất năng lực điều hành bay trong 35 phút.

Ông Thanh thông tin, bình thường nguồn điện cấp vào mạng lưới điều hành đều thông qua 3 hệ thống lưu điện. Khi mất một hệ thống thì hai nguồn khác sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, vào trưa 20.11, một hệ thống lưu điện UPS bị hỏng và sau đó đã lây sang cả 3 hệ thống UPS khiến tê liệt toàn bộ mạng lưới điều hành không lưu.

Đây là sự cố kỹ thuật nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. Chúng tôi đã có 3 UPS, 3 máy nổ để dự phòng mất điện lưới song vẫn bị mất điện. Sự cố này là cảnh tỉnh rất lớn”, ông Thanh khẳng định.

Sự cố này đã gây ra tình huống vô cùng nghiêm trọng bởi khi đó có 54 máy bay đang hoạt động trong vùng trời TP HCM, trong đó 8 máy bay đã nằm trong vùng chuẩn bị hạ cánh. Ngoài ra, trong thời gian mất điện đã có 92 máy bay bay vào vùng trời. Trong khi đó, Tân Sơn Nhất không có khả năng tiếp nhận máy bay, ảnh hưởng các chuyến bay chuẩn bị cất cánh đến TP HCM.

Khi xảy ra sự cố, AACC HCM đã thực hiện phương án ứng phó không lưu, thiết lập cấp điện trực tiếp từ nguồn máy nổ không qua hệ thống UPS để khôi phục nguồn điện, dùng tín hiệu radar của Đài chỉ huy Tân Sơn Nhất để điều hành 8 chuyến bay hạ cánh an toàn tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cùng với đó, Trung tâm liên hệ với các vùng thông báo bay (vùng FIR) lân cận để hạn chế các chuyến bay có kế hoạch bay vào vùng trời TP HCM. Trong quá trình xử lý đã không xảy ra uy hiếp an toàn bay.

Hiện Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Tổng công ty quản lý bay Việt Nam tạm thời đình chỉ nhân viên kỹ thuật, Kíp trưởng kíp trực nguồn điện để phục vụ công tác điều tra sự cố. Cục Hàng không cũng đã thành lập đoàn điều tra sự cố để tổ chức xác minh, điều tra, làm rõ nguyên nhân, đề xuất các biện pháp để đảm bảo an toàn hoạt động bay, hiện Cục đang tập trung giải quyết các vấn đề về kỹ thuật còn mức độ thiệt hại sẽ yêu cầu làm rõ và báo cáo trước ngày 29.11″, ông Thanh cho biết thêm.

Trước câu hỏi về việc bồi thường cho các hãng hàng không và hành khách bị thiệt hại ngày 20.11, ông Lại Xuân Thanh cho biết trong những sự cố bất khả kháng như thế này, hàng không thế giới không đặt ra vấn đề bồi thường của cơ quan quản lý bay. Tuy nhiên, nếu do có người cố ý phá hoại thì là vấn đề khác. Còn với hành khách bị thiệt hại do chậm hủy chuyến thì các hãng hàng không sẽ hỗ trợ theo đúng quy định hàng không.

Trong cuộc họp báo, ông Thanh liên tục khẳng định an toàn hàng không luôn là ưu tiên số 1, sống còn của ngành hàng không và đảm bảo an toàn, đảm bảo kỹ thuật là yếu tố đầu tiên của chất lượng dịch vụ cũng như nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận trong thời gian qua đã xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng liên quan đến vấn đề an toàn hàng không.

Khi được hỏi về sự cố máy bay HVN1376 (máy bay Airbus A321) của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) suýt đụng trực thăng quân sự vào ngày 29.10, ông Thanh cho biết ngay sau khi sự cố xảy ra, Cục hàng không và các đơn vị liên quan đã họp khẩn và cùng tiến hành điều tra nguyên nhân cũng như khắc phục sự cố.

Đại diện Cục hàng không nhận định đây là sự cố về vi phạm phân cách tối thiểu giữa hai đường bay.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do lỗi phối hợp, hiệp đồng bay hành không với quân sự của kíp trực điều hành đó, lỗi của kiểm soát viên hiệp đồng trong việc canh nghe huấn luyện của các kiểm soát viên điều hành bay.

Kiểm soát viên hiệp đồng đã nhận lỗi này và đây là vi phạm khoảng cách tối thiểu giữa 2 máy bay chứ không phải là suýt đâm nhau như một số thông tin đã đưa.

Cũng theo Đại tá Hà Đức Tuế, Trưởng phòng điều hành quản lý bay – Quân chủng phòng không không quân thông tin thì toàn bộ kế hoạch bay liên quan đến máy bay huấn luyện quân sự tại sân bay Tân Sơn Nhất đều được xây dựng từ trước và có thông báo chi tiết đến các cơ quan liên quan. Một số thông tin cho rằng đã kết luận lỗi của sự cố này là do chỉ huy bay quân sự khi được thông tin nhưng tại cuộc họp ngày 21.11, có thể khẳng định là không có cơ sở và chưa phát hiện lỗi của chỉ huy bay quân sự. Các bên đang tiếp tục cùng cơ quan quân sự thành lập tổ điều tra để điều tra chính xác nguyên nhân sự cố để có xử lý nghiêm.


Nguồn :




No comments:

Post a Comment

View My Stats