Monday 3 November 2014

Những chỗ bị kiểm duyệt sửa đổi và cắt bỏ trong bản dịch cuốn “Điệp viên Z21. Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ” của Thomas A. Bass0 (pro&contra)





pro&contra
Tháng 11 3, 2014

pro&contra – Trong bản đối chiếu toàn văn bản dịch cuốn Điệp viên Z21. Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ của Thomas A. Bass (Đỗ Tuấn Kiệt dịch, Nhã Nam và Hồng Đức xuất bản, Hà Nội tháng Ba 2014) với bản trọn vẹn do Bùi Xuân Bách hiệu đính và bổ sung, các kí hiệu được dùng như sau:

Những chỗ bị cắt do kiểm duyệt được bổ sung trong ngoặc vuông bằng chữ đậm màu đỏ.

Những chỗ bị sửa đổi do kiểm duyệt được hiệu đính trong ngoặc vuông bằng chữ màu đỏ.

Những chỗ dịch thiếu chính xác nhưng không nhất thiết do kiểm duyệt được hiệu đính trong ngoặc vuông bằng chữ màu xanh.

Phần Chỉ mục (Index) rất sơ lược so với bản gốc, hoặc thiếu hẳn, hoặc rút gọn, hoặc lược bỏ, hoặc gộp nhiều mục tra cứu, nên không thể so sánh được.

Sau đây là một đoạn ví dụ:

[Thậm chí cả những sĩ quan quân đội cao cấp như đại tá Bùi Tín cũng không biết câu chuyện về Phạm Xuân Ẩn. Trên cương vị Phó Tổng Biên tập tờ báo của quân đội miền Bắc Việt Nam, ông Tín đi trên một chiếc xe tăng đến Dinh Độc lập ngày 30 tháng Tư năm 1975. Sau khi chấp nhận sự đầu hàng của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, ông Bùi Tín ngồi xuống bên chiếc bàn Tổng thống để viết bài cho tờ báo của mình. Giống như hầu hết những nhà báo mới đến Sài Gòn, việc tiếp theo ông làm là đi tìm Phạm Xuân Ẩn. Như Bùi Tín nhớ lại: “Vào buổi sáng ngày mồng 1 tháng Năm, tôi đi tìm Phạm Xuân Ẩn ở văn phòng của ông ấy tại khách sạn Continental Palace. Lúc đó tôi hoàn toàn không biết ông ấy là một điệp viên. Tất cả những gì ông ấy kể với tôi là ông ấy làm phóng viên thường trú cho tờ Time-Life. Ông ấy giới thiệu tôi với tất cả phóng viên trong thành phố, và tôi giúp họ gửi bài viết của mình ra nước ngoài. Ba tháng sau khi chiến tranh kết thúc, tôi vẫn không biết rằng Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên.]

Lẽ ra Phạm Xuân Ẩn đã theo gia đình mình sang Washingtonvà tiếp tục hoạt động tình báo, nhưng nhiệm vụ này đã bị dừng lại vào phút chót. [Những thông tin về sự tranh giành quyền lực đối với Phạm Xuân Ẩn – giữa những chỉ huy tình báo quân sự muốn phái ông sang Mỹ và những lãnh đạo kín đáo trong Bộ Chính trị – chỉ được tiết lộ với Bùi Tín khi chính phủ Việt Nam xúc tiến việc hồi hương cho vợ và các con của Phạm Xuân Ẩn.] Lẫn trong làn sóng những người di tản khỏi đất nước, gia đình của Phạm Xuân Ẩn phải mất cả năm trời cố tìm cách quay trở lại Việt Nam thông qua một tuyến đường lòng vòng đi qua Paris, Mátxcơva, và Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Bình, người bạn thời thơ ấu của Phạm Xuân Ẩn, cuối cùng cũng đưa được họ về nhà. Gia đình của Phạm Xuân Ẩn đã phải trú ngụ suốt bốn tháng liền ở hành lang Đại sứ quán Việt Nam tại Paris, bị đẩy qua đẩy lại giữa những cơ quan tình báo và an ninh [cạnh tranh nhau] của Việt Nam, cho đến một hôm bà Bình bắt gặp họ đang ngồi ở đó. Tại thời điểm đó Việt Nam có hai đại sứ quán, một của những người cộng sản và một của Đại sứ Nguyễn Thị Bình, đại diện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau công việc của mình trên cương vị người đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam [Mặt trận Dân tộc Giải phóng] tại Hiệp định Paris, sứ mệnh ngoại giao cuối cùng của bà Nguyễn Thị Bình là bố trí đưa gia đình Phạm Xuân Ẩn trở về nước an toàn.

Với tư cách là người cuối cùng còn ở lại văn phòng của Time tại Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn nghiễm nhiên trở thành trưởng đại diện. Tên của ông vẫn xuất hiện trên Time cho đến ngày 3 tháng 5 năm 1976. Ông trả lời các yêu cầu và gửi phản ánh trong suốt một năm sau khi Sài Gòn sụp đổ, nhưng càng ngày ông càng viết ít hơn, [khi tấm lưới xám xịt của bộ máy an ninh Nhà nước chụp xuống thành phố. “Sau năm 1975, Sài Gòn biến thành HoChiMinhgrad,” ông nói. “Họ cắt bỏ máy điện tín và bắt buộc mọi bài viết phải chuyển qua bưu điện. Họ gạch bỏ chỗ này, gạch bỏ chỗ kia. Chế độ kiểm duyệt khắt khe đến nỗi chẳng khác nào cái thời của Graham Green. Tôi không gửi nhiều bài vì tôi không biết phải luồn lách kiểm duyệt như thế nào. Tất cả những gì họ muốn là tuyên truyền cho chế độ mới, thế là tôi suốt ngày đi xem chọi gà chọi cá.”]

Thông báo chính thức đầu tiên về lòng trung thành trong thời chiến tranh của Phạm Xuân Ẩn được đưa ra tháng 12 năm 1976, khi ông bay ra Hà Nội với tư cách đại biểu quân đội tại Đại hội Đảng lần thứ 4. Những bạn bè thấy ông đi khắp Hà Nội trong bộ quân phục màu xanh thẫm mà ông mặc lần đầu tiên trong đời, đều sững sờ trước sự biến đổi của Phạm Xuân Ẩn từ một nhà báo thành một anh hùng ngực đầy huân chương. “Rất nhiều VC ở miềnNam ngạc nhiên khi họ thấy tôi,” Phạm Xuân Ẩn nói. “Họ tưởng CIA đã bỏ tôi ở lại.”

Nguyễn Khải, nhà văn Việt Nam nổi tiếng, người về sau viết một cuốn tiểu thuyết về Phạm Xuân Ẩn, là một trong những người như vậy. “Anh thuộc về cách mạng!” ông thốt lên. “Tôi thuộc về tất cả,” Phạm Xuân Ẩn trả lời. “Người Pháp, người Mỹ, và bây giờ là cả cách mạng nữa.”

Khi hàng trăm nghìn người Việt Nam biến vào trong các nhà tù và trại lao động, Phạm Xuân Ẩn cũng được cử tới nơi mà ông vẫn gọi đùa là “trại cải tạo”. Tháng 8 năm 1978, ông được cử tham gia khóa bồi dưỡng mười tháng ở Học viện Chính trị Nguyễn Ái Quốc tại Hà Nội. Đây là một khóa bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Marx cho những cán bộ cấp cao. “Tôi đã sống quá lâu trong lòng địch,” ông nói. “Họ cử tôi tới đó để tái chế.”

Luôn là một học viên kém, Phạm Xuân Ẩn hoàn thành khóa học ở vị trí gần bét lớp. “Họ không ưa kiểu nói đùa của tôi,” ông nói về những người miền Bắc khó đăm đăm đang cố dạy ông thứ tiếng Việt “mới” đầy những từ ngữ chính trị mượn của Trung Quốc. Phạm Xuân Ẩn trải qua những cơn mưa lạnh thấu xương của mùa đông Hà Nội, ngủ trên cái giường gỗ với một tấm chăn bông. “Tôi mặc một cái áo bông Trung Quốc khiến tôi nhìn cứ như xác ướp. Tôi hỏi xin một cái áo khoác Nga nhưng vẫn thấy rét như thường, thế là tôi quay lại và hỏi xin một chiếc áo khoác 111 độ. “Làm gì có cái đó?”, [Đó là cái gì?] ông giám đốc học viện hỏi. “Ba cô gái,” tôi nói, “một người ngủ bên phải tôi, một người ngủ bên trái, và một người ngủ bên trên.”

“Họ hoàn toàn không ưa tôi tí nào,” Phạm Xuân Ẩn nói về những giảng viên bồi dưỡng chính trị của mình. “Nhưng tôi chưa phạm sai lầm nào nghiêm trọng đến mức bị kỷ luật cả  [bị mang ra bắn cả].”

Phạm Xuân Ẩn bị đẩy vào tình trạng đóng băng về chính trị cả một thập kỷ. Ông bị hạn chế [cấm] gặp gỡ những đồng nghiệp người Mỹ trước đây đến thăm Việt Nam, và xuất hiện nhiều lời đồn đoán về việc tại sao ông bị an trí một nơi. Ông quá thân thiết với người Mỹ, quá hiểu biết, và quá rành chính trị phương Tây. Ông đã để cho trùm mật thám Trần Kim Tuyến trốn thoát. Ông từ chối vạch mặt những đồng nghiệp Việt Nam từng làm việc cho CIA. Có lẽ, như người ta nghe thấy Phạm Xuân Ẩn phàn nàn, cộng sản coi ông như một rentier (chủ tô), người thu tiền của những nông dân sống trên đất của mình.

Trong thời gian đó, ông vẫn đang lặng lẽ chờ thời, chờ cho bầu không khí chống Mỹ thay đổi thì Việt Nam lại tiếp tục tham gia vào những cuộc chiến [tiếp tục những cuộc chiến khác, chống lại Khmer đỏ tại Campuchia và đồng minh Trung Quôc của nó.] Ngày 15 tháng 1 năm 1976, ông được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – danh hiệu quân đội cao quý nhất của ViệtNam. Đến năm 1978 ông là trung tá, đến năm 1981 là thượng tá, và đến năm 1984 thì lên đại tá. Năm 1990, khi vẫn phục vụ trên cương vị một sĩ quan đang công tác, ông đã được thăng quân hàm cấp tướng.

Khi nhìn ra Sài Gòn qua cánh cổng ngôi biệt thự nơi ông ở, Phạm Xuân Ẩn vẫn chưa thấy dấu hiệu của thiên đường [thiên đường cộng sản].

*


*
Trong bảng liệt kê sau đây, chúng tôi chỉ đối chiếu những chỗ bị sửa đổi và cắt bỏ rõ ràng do kiểm duyệt; các sửa đổi có thể vì những lí do khác, không nhất thiết do kiểm duyệt, không được đưa vào danh sách này. Những chỗ bị cắt được in đậm.


-----------------------

Bài liên quan:


NGUỒN :
                        http://www.procontra.asia/?p=5572
Thomas A. Bass - Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam  (1)
                          http://www.procontra.asia/?p=5586
Thomas A. Bass - Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam  (2)
                          http://www.procontra.asia/?p=5617
Thomas A. Bass – Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam  (3)
                          http://www.procontra.asia/?p=5639
                          http://www.procontra.asia/?p=5648
Thomas A. Bass – Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam (Toàn bài trong bản PDF)







No comments:

Post a Comment

View My Stats