Tuesday 11 November 2014

Nguyễn Văn Linh và ngày bức tường Bá Linh bị sụp đổ (Nguyễn Văn Tuấn)



Nguyễn Văn Tuấn
Monday, November 10, 2014

Hôm nay là ngày kỉ niệm 25 năm ngày bức tường Bá Linh bị sụp đổ. Sự kiện này có thể xem như là một trong chuỗi sự kiện dẫn đến sự giải phóng toàn bộ các nước Đông Âu khỏi chế độ cộng sản. Bắt đầu từ Ba Lan, phong trào lan tràn sang Hungary, Đức, Bulgaria, Tiệp Khắc, và Lỗ Ma Ni. Đọc lại cuốn "Bên thắng cuộc" của Huy Đức thấy giới lãnh đạo VN lúc đó hoang mang. Tổng bí thư lúc đó là ông Nguyễn Văn Linh tìm cách xung phong “Cứu chủ nghĩa xã hội”. Đọc những đoạn Huy Đức mô tả ông đi công cáng bên Đông Âu mà tội nghiệp cho ông vì sự thiếu thông tin và suy nghĩ kiểu bi hài của kẻ thấp cổ bé họng.



Ông Linh dĩ nhiên là không ưa Gorbachev. Ông gọi Gorbachev là kẻ cơ hội nhất hành tinh:

"Tháng 10-1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tới Berlin dự lễ kỷ niệm bốn mươi năm ngày thành lập Nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Theo ông Lê Đăng Doanh: Quyết định đi dự 40 năm Quốc Khánh CHDC Đức là quyết định trực tiếp của cá nhân anh Linh. Anh Linh đã bàn với Bộ Chính trị về việc phải triệu tập một Hội nghị các Đảng Cộng Sản và Công nhân quốc tế để cứu phong trào cộng sản, chống chủ nghĩa cơ hội. Anh sang Berlin là để gặp các đồng chí để bàn về việc ấy và gặp Gorbachev. Trong một cuộc họp, anh Linh nhận xét: Gorbachev là kẻ cơ hội nhất hành tinh này”.

Ngày 4/10/1989, ông Linh và đoàn tuỳ tùng bay từ Hà Nội sang Đông Đức, với hãng hàng không Interflug. Hãng này chỉ dành cho ông Linh hạng ghế business class, còn các thành viên khác thì ngồi ghế hạng phổ thông. Một thái độ xem thường đoàn VN rõ ràng. Sự khinh thường còn thể hiện ngay khi đến Đức, buổi đón tiếp diễn ra đơn giản. Huy Đức viết:

"Một lễ đón đơn giản được tổ chức tại sân bay Berlin-Schronefeld rồi sau đó đoàn về khách sạn. …. Trong suốt chuyến thăm chính thức ấy, phía CHDC Đức không thu xếp cho ông Linh một buổi gặp chính thức nào với Honecker hay một nhà lãnh đạo khác. Thế nhưng, điều đó đã không làm ông Nguyễn Văn Linh từ bỏ ý đồ đóng vai trò trung tâm cứu nguy chủ nghĩa xã hội.

Đến nơi ở của các nhà lãnh đạo khác mới thấy cách đối xử của Erich Honecker với ông Nguyễn Văn Linh. … Trong khi ông Linh chỉ được xếp một phòng đôi lớn hơn phòng các thành viên khác trong đoàn một chút thì chỗ ở của Ceausesscu là một khu vực gồm nhiều phòngÔng Linh và tùy tùng phải đi qua một sảnh lớn nơi có một đội cận vệ 12 người bồng tiểu liên AK báng gập đứng chào. Ceaucesscu đã để ông Linh phải ngồi chờ rất lâu. Ông Linh nói: “Mày liên hệ thế nào mà giờ không thấy nó”. Tôi bảo: “Tính thằng này nó hình thức thế”. Một lúc sau thì Ceausesscu ra, chính ông ta lại là người tỏ ra hăng hái ủng hộ sáng kiến của ông Nguyễn Văn Linh nhất. Ceausesscu thậm chí còn đòi để Rumani đăng cai. Tuy nhiên, cả Ceausesscu và các nhà lãnh đạo cộng sản khác đều nói với ông Linh: “Vấn đề là ông kia, nếu ông ấy không đồng ý thì rất khó”. “Ông kia” đề cập ở đây là Gorbachev."

Nhưng ông Linh không để ý, hay có để ý mà vẫn quyết tâm cứu XHCN. Hai ngày sau, ông Linh:

"Trong ngày 6-10-1989, giữa Berlin rét mướt, ông Nguyễn Văn Linh đã tìm gặp các nhà lãnh đạo cộng sản đến dự lễ quốc khánh để thảo luận về một sáng kiến mà ông đưa ra: triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Ông Linh nói: “Phe ta đang diễn biến phức tạp. Hơn bao giờ hết, đòi hỏi quốc tế vô sản phải siết chặt hàng ngũ. Đảng Cộng sản Việt Nam thấy nên có một hội nghị để thống nhất tư tưởng và hành động, tăng cường tình đoàn kết”.

Đa số các đảng cộng sản làm ngơ đề nghị của ông Linh, chỉ có Batmunkho Tổng Bí thư Mông Cổ, Phó Thủ Tướng Hernandez của Cuba, Tổng Bí thư Ceaucescu của Rumania, Tổng Bí thư Đảng vừa thất cử của Ba Lan Jaruzelski, Chủ tịch Đảng Cộng Sản Tây Đức (DKP) Herbert Mies là chấp nhận gặpChỉ có Helbert Mies, lãnh tụ của một đảng không cầm quyền và Phó thủ tướng Cuba Hernandez là tự tới nơi ông Linh ở. Theo ông Lê Đăng Doanh, những người khác chỉ tiếp ông Nguyễn Văn Linh tại phòng riêng của họ."

Cuộc đối thoại với Gorbachev

Sau nhiều lần bị cho "leo cây" (một thái độ khinh thường nữa), cuối cùng thì Gorbachev cũng ban cho ông Linh một ân huệ: được diện kiến ông ấy. Đọc đoạn Gorbachev gặp ông Linh, chúng ta sẽ thấy chua chát vì Gorbachev khinh thường ông Linh ra mặt, thậm chí có lúc còn đừa cợt như với đứa con nít!

"Cuộc gặp Gorbachev dự kiến diễn ra lúc 10:30 sáng 8-10-1989, nhưng chờ đến mười một giờ cũng không thấy văn phòng ông ta gọi lại. Ông Linh rất sốt ruột. Theo ông Lê Đăng Doanh: Trong khi đó, sáng ngủ dậy, bệnh ông Linh càng nặng thêm. Khi ăn cơm, ông kêu tôi ra ngoài vì không muốn tôi chứng kiến cảnh ông ăn rất chật vật. Hàm bên trái của ông Linh cứng lại. Ông phải nhai ở phía bên phải sau đó dùng hai ngón tay đẩy thức ăn vào họng, chiêu một ngụm nước mới nuốt được.

Cuộc gặp Gorbachev được lùi lại 2:30 rồi 5:30 chiều cùng ngày. Gorbachev, khi ấy vẫn là nhà lãnh đạo của cả phe xã hội chủ nghĩa, được bố trí ở trong một tòa lâu đài. Nhưng, cuộc tiếp tổng bí thư Việt Nam đã không diễn ra trong phòng khách riêng mà ở ngay một phòng rộng mênh mông vừa dùng cho một tiệc chiêu đãi lớn, thức ăn thừa còn bề bộn trên các bàn. Nhân viên dọn một góc, kê bàn để Gorbachev tiếp ông Nguyễn Văn Linh. Gorbachev ra đón ông Linh ở sảnh và khi cửa xe mở, ông cúi đầu nói: “Kẻ cơ hội nhất hành tinh kính chào đồng chí Nguyễn Văn Linh”.

Dù đang bệnh, ông Nguyễn Văn Linh vẫn trình bày rất nhiệt tình, nhưng theo ông Lê Đăng Doanh: Sáng kiến nào của ông Linh cũng được Gorbachev khen là “rất tốt” nhưng chỉ là những lời khen xã giao. Ông Linh nói: “Tôi đã gặp một số đảng cộng sản anh em. Trong tình hình này, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn đồng chí đứng ra triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế”. Gorbachev liền giơ hai tay lên tươi cười: “Ý này hay nhỉ. Để xem! Để xem! Rất tiếc là giờ tôi đang nhiều việc quá!”. Ông Linh trân trọng mời Gorbachev đến thăm Việt Nam. Gorbachev lại kêu lên: “Hay quá nhỉ! Cám ơn! Cám ơn! Nhưng, tôi đang có nhiều lời mời quá mà chưa biết thu xếp cái nào trước”.

Cuối cùng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề cập đến truyền thống viện trợ của Liên xô và khi ông đề nghị Liên Xô tiếp tục giúp đỡ cho Kế Hoạch 5 năm 1990-1995 của Việt Nam thì Gorbachev xua tay. Không còn xã giao, lịch sự như phần trên nữa, Gorbachev nói: “Khó khăn lắm, khó khăn lắm, các đồng chí Việt Nam tự lo thôi”. Theo ông Lê Đăng Doanh: Thế nhưng, ngày hôm sau, báo Nhân Dân và Pravda đều đưa tin về cuộc gặp diễn ra trong “tình hữu nghị thắm thiết”."

Đọc đoạn này, nếu là lãnh đạo thứ thiệt, chẳng ai chịu nổi thái độ khinh miệt của ông Gorbachev. Người ta khinh mình như thế, mà mình chẳng có thái độ gì đáng để nói là có sự tự trọng. Mà, cũng phải thôi, vì chẳng biết thế giới bên ngoài biến chuyển ra sao, và vẫn sống trong cái khối thông tin tuyên truyền do bộ máy cung cấp, nên chẳng biết được người ta suy nghĩ gì. Ông Nguyễn Mạnh Cầm nhận xét rằng “Nhận thức của một số đồng chí trong Bộ chính trị lúc bấy giờ không theo kịp những thay đổi của tình hình thế giới”. Nếu thế thì tại sao không có ai cố vấn cho các ông ấy để không làm nhục quốc thể?

[Trích tiếp]
Tối 8-10-1989, từ lâu đài của Gorbachev trở về, ông Nguyễn Văn Linh không dự chiêu đãi của Honecker mà đi thẳng vào bệnh viện Chính phủ ở Berlin-Buch. Ông được điều trị tại “Station 7” – nơi dành riêng cho Bộ Chính trị của CHDC Đức – mỗi khu cho một bệnh nhân có nhiều phòng cạnh nhau cho tuỳ tùng đi theo cùng ở. Trong “Station 7” được trang bị truyền hình có thể bắt được các kênh phát đi từ Tây Đức. Thời gian đó, hàng trăm nghìn người dân Đông Đức đã đổ xuống đường phố Leipzig và Đông Berlin đòi phế truất Honecker.

Ngày 9-11-1989, biên giới giữa Đông và Tây Đức được mở ra. Ngày 10-11-1989, người dân bắt đầu phá bỏ bức tường Berlin. Vài tháng sau, chế độ cộng sản ở Đông Đức sụp đổ. Cũng trong ngày 10-11-1989, Todor Zhivkov cũng bị phế truất sau ba mươi năm trị vì ở Bulgaria. Tại Praha, người dân đổ ra đường yêu cầu Husak từ chức. Alexander Dubcek, người bị Liên Xô bắt giữ hồi “Mùa xuân 1968” bắt đầu xuất hiện cùng với đoàn người biểu tình. Một tháng sau đó Husak từ chức. Ngày 29-12-1989, Vaclav Havel, được bầu làm tổng thống đầu tiên của Tiệp khắc.


Ở Rumani, chế độ của nhà độc tài Ceausescu đã phải sụp đổ trong một cuộc biểu tình đẫm máu. Lực lượng an ninh Rumani tấn công những người biểu tình trong khi quân đội ủng hộ dân chúng. Hàng trăm người dân bị giết chết. Chỉ hơn một tháng rưỡi sau khi tán đồng với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tổ chức một hội nghị quốc tế cứu vãn phe xã hội chủ nghĩa, ngày 25-12-1989, Tổng bí thư Nicole Ceausescu và vợ ông đã bị những người biểu tình đem ra xử bắn. [Hết trích]


Posted by Tuan Nguyen at 12:08 AM


2 comments:


Minh Hải said...
Đọc bài này mới thấy ông Đại biểu quốc hội Hồ Quốc Việt với phát biểu về "phong trào cộng sản và công nhân quốc tế" trên truyền hình cho cả nước xem vẫn chưa phải là kẻ hoang tưởng lắm. Hoặc gần đây ông Nguyễn Phú Trọng cũng bị phía Brazil hủy chuyến thăm và trở về Việt Nam sớm hơn dự định sau khi phát biểu quá hăng hái bên Cuba. Thôi nào các bác, bên châu Âu, cái nôi của phong trào này, họ đã từ bỏ nó từ lâu rồi.
November 10, 2014 at 5:57 AM

Huynh Hai said...
Thời kỳ dài trước khi Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ, ngày nào bộ máy tuyên truyền của đảng CSVN cũng ra rả những lời tâng bốc, nịnh hót LX không ngượng miệng. Trước hành động của NVL giáo sư tự hỏi "Nếu thế thì tại sao không có ai cố vấn cho các ông ấy để không làm nhục quốc thể?" Các ông ấy có nhiều cố vấn chứ, nhưng một cố vấn đúng nghĩa thì hoặc là tự bỏ đi với tâm trạng của một nhạc sĩ gãy đàn bên tai trâu, hoặc bị tống đi như trường hợp Nguyễn Cơ Thạch, người tiền nhiệm của Nguyễn Mạnh Cầm. Với não trạng cứu phe XHCN như vậy, người ta sẽ không khó hiểu lắm khi các nhà lãnh đạo VN đã tự đưa đầu vào cái thòng lọng mà Trung Quốc đã hồ hỡi giăng ra ở Thành Đô.
November 10, 2014 at 3:33 PM


 




No comments:

Post a Comment

View My Stats