Thursday 13 November 2014

Người Việt hải ngoại và Philippines một năm sau siêu bão Hải Yến (Thanh Trúc - RFA)



Người Việt hải ngoại và Philippines một năm sau siêu bão Hải Yến

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014-11-13

Anh trưởng Hướng Đạo Võ Thành Nhân (thứ 2 từ trái)và đoàn y tế của người Việt hải ngoại cùng các em học sinh Philippines ở Tacloban. RFA

Ngày 8 tháng Mười Một năm 2013, siêu bão Haiyan, tức Hải Yến, đổ bộ vào mạn Trung Philippines, để lại sáu ngàn người chết và trên bốn triệu người lâm cảnh màn trời chiếu đất.
Khi đó, người Việt khắp nơi trên thế giới, nhất là Australia và Mỹ, đã tổ chức những buổi gây quĩ như ở Washington DC hoặc những buổi đi bộ như ở California, sau đó trao hiện kim cho đại diện ngoại giao Philippines tại những nơi họ sinh. Mặt khác, nhiều phái đoàn của người Việt hải ngoại cũng lên đường sang Philippines, tận mắt chứng kiến thảm cảnh từ siêu bão Hải Yến, tận tay giúp đỡ người dân khốn khổ ở Tacloban.



Tinh thần ơn đền nghĩa trả
Vượt lên trên tất cả mọi an ủi vật chất đó là tinh thần ơn đền nghĩa trả, người Việt hải ngoại không thể quên bao nhiêu chiếc thuyền đưa người vượt biển từ Việt Nam đã tấp vào Philippnes và được chính phủ xứ này cưu mang cho đến lúc những thuyền nhân sau cùng, dẫu có phần muộn màng, được rời đi định cư tại một quốc gia thứ ba.
Chính vì thế ngày 8 tháng Mười Một vừa qua, tròn một năm sau ngày siêu bão Hải Yến thổi qua miền Trung của Philippines, người Việt hải ngoại một lần nữa bày tỏ sự biết ơn và tấm lòng lá lành đùm lá rách đối với nạn nhân bão Hải Yến ở khu vực Tacloban.



Luật sư Trịnh Hội của tổ chức VOICE, đang có văn phòng hoạt động tại Manila, cho biết:
Hôm nay vừa kỷ niệm một năm ngày cơn bão Haiyan tàn phá nhưng cũng là ngày khánh thành trường học ở Ormoc, còn ngày mai 9 tây thì cả phái đoàn xuống Coron để tham gia khánh thành trường học ở Coron. Hiện giờ Trịnh Hội đang ở Ormoc. Trong vòng một năm vừa qua VOICE cùng các anh chị em thiện nguyện viên đã cộng tác và giúp đỡ xây dựng lại hai trường học, một ở Ormoc và một ở Coron là miền Bắc của Palawan.
Hôm nay Trịnh Hội cùng các thiện nguyện viên, đại diện báo người Việt và thầy Thích Nguyên Thảo rồi nhiều anh em khác nữa trong phái đoàn bên Washington DC qua đến đây để cùng khánh thành lại trường học, coi như chúng ta cảm ơn đất nước Phi, người dân Phi đã cưu mang người Việt tị nạn trong ba thập niên qua. Tiền này là tiền đóng góp của rất nhiều người ở Úc, ở Canada, ở Mỹ, ở Na Uy.. Hiện giờ thì rất đông người dân bản xứ, các trẻ em, cũng như đại diện chính quyền địa phương, đại diện bên Bộ Giáo Dục cũng như bên trường học. VOICE thật sự chỉ đại diện cho những cộng đồng người Việt hải ngoại để cảm ơn đất nước và dân tộc Phi thôi.



Hai trường học xây lại cho Ormoc gần thành phố chết Tacloban và Coron mạn Bắc đảo Palawan có nhiều thuyền nhân Việt tấp vào trước kia, luật sư Trịnh Hội nói tiếp, chỉ thể hiện được phần nào tấm lòng của người Việt hải ngoại hướng về Tacloban thương khó, nhưng ý nghĩa của nó thì rất lớn:
Đây là sự cảm kích như tấm plaque chúng ta để lại mà tiếng Anh ghi là “May We Shelter You Like you Have Sheltered Us In Our Time Of Need”, “Cho Chúng Tôi Che Chở Bạn Như Bạn Đã Từng Che Chở Chúng Tôi Lúc Gian Nguy”



Những anh chị em khác đến với Philippines một năm sau siêu bão Hải Yến, mà VOICE vừa nhắc tới, là đoàn y tế của Hướng Đạo Việt Nam ở Hoa Kỳ. Đây là chuyến đi mà mọi thành viên trong đoàn tự bỏ tiền túi ra để chi trả. Trở lại Tacloban một năm sau trong tư cách trưởng đoàn, anh Võ Thành Nhân, cũng là một trưởng Hướng Đạo thuộc Hội Đồng Trung Ương Hướng Đạo Việt Nam, cho biết  phái đoàn gồm ba bác sĩ đồng thời cũng là trưởng Hướng Đạo Việt Nam ở vùng Virginia như bác sĩ Đỗ Minh Thiệu, bác sĩ Nguyễn Diệu Thi, bác Sĩ Nguyễn Huy. Riêng vị bác sĩ thứ tư là ông Võ Thạnh Thời thì đến từ California.



Ngoài bốn bác sĩ, người chịu trách nhiệm phòng thuốc của đoàn y tế kỳ này là tiến sĩ Nguyễn Tiến Đạt, một trưởng Hướng Đạo dự bị :
Chúng tôi cũng có anh Võ Thiện Toàn,  anh Nguyễn Anh Tuấn, đại diện của VOICE, là những người giúp làm hồ sơ cũng như giữ lại những bệnh án của những bệnh nhân sau khi đã khám bệnh. Đó là phái đoàn của chúng tôi.



Sau nột năm trở lại, nhận xét đầu tiên của anh Võ Thành Nhân là công trình tái thiết Tacloban diễn ra quá chậm, Tacloban vẫn cần sự giúp đỡ từ bên ngoài:
Sau một năm trở lại thì chúng tôi thấy chương trình của Habitat rất hoàn bị, những chương trình xây cất của VOICE đã giúp cho những trường học mà chúng tôi nghĩ rất là thực tế, còn những công việc khác thì phải thành thật mà nói so với một năm về trước không có gì thay đổi. Một số nhà bị đỗ nát có được tôn để lợp trên mái nhà của họ nhưng cái nhà không có gì thay đổi.
Hy vọng đầu 2015 sắp tới thì chính phủ Philippines và những hội thiện nguyện lớn sẽ bỏ ra thật nhiều tiền để xây dựng lại cuộc sống của người dân trong vùng bão từ vùng Bắc Cebu tới vùng Ormoc và vùng Tacloban.



Cảnh sống nghèo nàn cơ cực của người dân Phi ở vùng bị bão tố một năm trước đến giờ khiến mọi người bồi hồi xúc động:
Nói về đời sống thì vẫn còn nghèo vẫn còn khó khăn, trường học thì nhóm của anh Trịnh Hội và quí sư quí thầy chỉ giúp được phần nào mà thôi nhưng phần lớn còn lại rất cần sự giúp đỡ của thế giới.

Phái đoàn hướng đạo của người Việt hải ngoại trước cổng trường học Duljugan. RFA

Đối với bác sĩ Nguyễn Diệu Thi, quang cảnh hoang tàn đổ nát, nhất là tại những trường tiểu học, khiến người ta có cảm giác như siêu bão Hải Yến chỉ mới rút khỏi thành phố Ormoc hay làng Pamlompon nhỏ bé không lâu:
Ảnh hưởng của bão Hải Yến vẫn còn đó, mình cảm giác được là cơn bão đó cũng không xa lắm mà như là vừa xảy ra vài tuần ahy vài tháng gì đó. Đi thăm qua mấy trường học thì thấy là mái bị sụp hết chỉ còn vài miếng gỗ. Họ lấy mấy tấm vải họ lợp để che nắng che mưa. Họ còn dùng cái khán đài của trường để làm lớp học. Còn vấn đề khác nữa là trường không có chuông, họ dùng một cái nồi bằng sắt rồi cho một em gõ để báo là lớp học bắt đầu. Hình ảnh gây ấn tượng là các em rất tội nghiệp, hy vọng những đồng hương có lòng hảo tâm của mình giúp xây lại những lớp học để các em có cơ hội làm lại cuộc sống và có một tương lai tốt hơn.

Khó khăn trở ngại
Khi chương trình đến với quí vị tối nay thì phái đoàn y tế thiện nguyện của Hướng Đạo Việt Nam phải hoàn tất trong hai ngày việc khám bệnh trên danh sách 1200 người tại Ormoc, cộng thêm khoảng hai trăm người nữa tại thị trấn Palompon phía Nam Ormoc.



Vốn là một ngôi làng nghèo và xa, Palompon dù bị siêu bão Hải Yến tàn phá không thương tiếc mà chừng như còn bị những đoàn cứu trợ quên lãng cả năm nay:
Cái khó khăn nhất gặp phải ở đây là không ngờ số người tiên đoán lúc đầu 400 thì sau đó là 800 rồi tới 1200 mà bây giờ lên đến 1400 tới 1.500 . Đó là những cái ngoài tiên liệu. Nhưng nhờ các bác sĩ đi theo sẵn sàng bỏ tiền ra để chuyến công tác thành công.
Vấn đề tài chánh khi mua thuốc ở Philippines thì chúng ta phải hiểu rằng thuốc ở Phi mắc như thuốc ở Mỹ. Mua thuốc thì dễ nhưng tiền trả có khi mắc đến mức độ mà chúng tôi nghĩ rằng kỳ sau đi công tác như vậy thì chúng tôi phải tự chở thuốc lấy từ Hoa Kỳ đến Philippines.
Riêng về tinh thần làm việc của mấy bác sĩ và quí anh chị em trong toán Medical Mission của Hướng Đạo Việt Nam , vì toàn là những người có kinh nghiệm về đời sống Hướng Đạo, chịu cực chịu khổ và sẵn sàng giúp bệnh nhân. Chúng ta được sự hợp tác của những sinh viên trẻ Philippines, họ đến với chúng ta như chúng ta đến với họ. Rất là vui khi đi công tác mà được sự hợp tác tình nghĩa trọn vẹn như vậy.



Sự chăm sóc sức khỏe cho trẻ em tại Ormoc và Palompon, một nhu cầu cần thiết, gần như là không có. Đó là nhận xét của bác sĩ Nguyễn Diệu Thi:
Thành phố Omoc, ngay tại trường tiểu học thì mỗi ngày tụi em khám cho khoảng 150 tới 180 bệnh nhân. Hôm qua, khi tới làng Palompon thì khám cho một trăm bảy mươi mấy bệnh nhân, đa số là trẻ em. Đặc biệt tới làng Palompon thì thấy các em rất tội nghiệp, đa số từ những gia đình nghèo và không có dinh dưỡng tốt. Một số em mặc dù học Lớp Bốn, Lớp Năm, Lớp Sáu nhưng mà so với các em sinh ra ở nước Mỹ thì nhìn giống như mới bốn năm tuổi thôi.
Về sức khỏe thì đa số có những bệnh như suyển, bệnh nhiễm trùng bị làm độc mà không thuốc trụ sinh để điều trị. Đa số các em có vấn đề về răng, cái đó cũng ảnh hưởng đến dinh dưỡng của các em.
Nhóm của em nhận xét là phải cần có một Dental Mission đoàn công tác nha khoa và trong tương lai hy vọng một phái đoàn nha sĩ tới lại làng Pakpmpon để giúp càn em và dạy dỗ các em giữ sức khỏe về răng.



Thoạt đầu đoàn công tác y tế chỉ chú trọng phần nhiều đến việc khám và chữa bệnh cho học sinh tại các trường tiểu học ở Ormoc và Palompon. Tuy nhiên, khi bắt tay vào việc thì mọi người mới nhận thấy một thực tế là cả người lớn ở đây cũng rất cần được khám bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe.
Được biết vào khi đoàn công tác y tế của Hướng Đạo Việt Nam vùng Đông Bắc Hoa Kỳ có mặt tại Ormoc và Palompon mạn Nam Tacloban thì đoàn của luật sư Trịnh Hội thuộc tổ chức VOICE cùng thầy Thích Nguyên Thảo đã lên thành phố Coron mạn bắc Tacloban để khánh thành một trường học thứ hai vừa được tái thiết ở đó.
Theo chương trình, đoàn công tác y tế Hướng Đạo Việt Nam, đến với nạn nhân siêu bão Hải Yến ở Tacloban từ hôm 4 tây, sẽ phải lưu lại Philippines trong 11 ngày. Từ Manila, đoàn khởi sự đến những nơi bị ảnh hưởng thiên tai một năm trước là Cebu, tiếp đến là Ormoc rồi đến Pamlompon.
Khi quay về Cebu để trở lại Manila, đoàn sẽ đi Bataan ngày 12 , tìm lại dấu tích trại tị nạn Bataan từng là chỗ nương náu một thời của những thuyền nhân Việt Nam may mắn cập bến Philippines an toàn.

Hôm nay, thứ Năm ngày 13, đoàn lên đường trở lại Hoa Kỳ với suy nghĩ và ước vọng trao gởi cho nhau mà trưởng Hướng Đạo Võ Thành Nhân chia sẻ:
Đoàn đi chuyến này giống như đi tập sự vậy, để một ngày nào đó quê hương cho phép mình trở về và mình đủ sức để làm những việc hoàn bị hơn.
Một điều là đi và thấy người Philippines họ khổ nhưng mà quê hương mình, những người Việt Nam mình, còn khổ hơn nữa. Do đó nếu sự dấn thân của mình ngày hôm nay có cực khổ đi nữa thì nó cũng là hành trang chuẩn bị và một kinh nghiệm để sau này có cơ hội về đất nước mình sẽ phục vụ thật là hữu hiệu. Đó là cái mà những người Hướng Đạo phải chuẩn bị cho mình, gọi là “be prepared” có nghĩa là ‘sắp sẵn” . Đây là một bài học rất tốt, vừa có kinh nghiệm vừa sẵn sàng phục vụ cho quê hương mình một ngày nào đó thật gần, đặc biệt những người ở vùng núi xa xôi hay những người ở những vùng đồng bằng nghèo khó.



Theo dự tính, tháng Ba năm 2015, đoàn công tác gồm các bác sĩ nha khoa sẽ quay trở lại Tacloban để khám chữa răng cũng như hướng dẫn cách bảo vệ và phòng ngừa những bệnh về răng cho cư dân Tacloban.
Câu chuyện của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay: người Việt hải ngoại một năm sau siêu bão Hải Yến ập vào Philippines, xin được kết thúc nơi đây.
Thanh Trúc kính chào và hẹn tái ngộ các bạn tối thứ Năm tuần tới.
Liên lạc góp ý với Thanh Trúc; nguyent@rfa.org

---------------------------
XEM THÊM :
Thiện Giao/Người Việt
(Tường trình từ Philippines)
Tuesday, November 11, 2014 12:46:08 PM





No comments:

Post a Comment

View My Stats