Monday 10 November 2014

HÃY TỪ BỎ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI (Nguyễn Thiện Nhân - Việt Nam Thời Báo)



Nguyễn Thiện Nhân
Tác giả gửi

Bằng lương tâm và sự suy xét từ lý trí, tôi ý thức mình phải mở miệng kêu lên rằng: HÃY TỪ BỎ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI! Đó là một bước cần thiết để mở lối thoát cho dân tộc Việt Nam.



Soi xét lý thuyết

Một bộ sách giáo dục chính trị đồ sộ đề cao CNCS, công kích Chủ nghĩa tư bản (CNTB) được đưa vào dạy chính thức cho sinh viên đại học. Bộ sách này gồm 3 giáo trình:

- Triết học Mác-Lênin (NXB Chính trị, biên soạn 2004, dày 670 trang).

- Kinh tế chính trị Mác-Lênin (NXB Chính trị, biên soạn 2004, dày 673 trang).

- Chủ nghĩa xã hội khoa học (NXB Chính trị, biên soạn 2004, dày 555 trang).

Ông Mác (Karl Marx) và những người viết ra CNCS đã nghiên cứu và phát hiện những quy luật khách quan trong tự nhiên, xã hội, khoa học-kỹ thuật… Các ông đưa những kiến thức đó vào chủ thuyết của mình. Tôi cho rằng hầu hết những sự việc, hiện tượng đã xảy ra và đang xảy ra thì các ông viết khá thuyết phục. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất thì các ông đã sai, rất sai!

Chủ nghĩa Mác-Lenin đã dự đoán sai hình thái kinh tế xã hội.

Theo chủ nghĩa Mác-Lenin thì trong lịch sử loài người đã sẽ tuần tự xuất hiện 5 hình thái kinh tế xã hội từ thấp đến cao:

+ Hình thái kinh tế-xã hội cộng sản nguyên thủy (công xã nguyên thủy).

+ Hình thái kinh tế-xã hội chiếm hữu nô lệ.

+ Hình thái kinh tế-xã hội phong kiến.

+ Hình thái kinh tế-xã hội chủ nghĩa tư bản.

+ Hình thái kinh tế-xã hội chủ nghĩa cộng sản.

Bốn hình thái đầu các ông phân tích và đánh giá đúng thực tế. Song hình thái thứ năm là hình thái mà các ông dự đoán ra và quyết tâm xây dựng lại sai lầm nghiêm trọng.

Chủ nghĩa cộng sản bất khả thi. Tôi xin phân tích và chứng minh lập luận của mình:

Theo từ điển học sinh do NXB Giáo Dục 1971: Chủ nghĩa cộng sản (CNCS) là “Học thuyết chủ trương xây dựng một chế độ xã hội trong đó mọi điều kiện vật chất cần thiết cho sự sản xuất như ruộng đất, nhà máy, hầm mỏ,…đều là của chung của xã hội; mọi người đều lao động và cùng làm cùng hưởng, làm tùy sức hưởng theo sự cần dùng; trong xã hội không còn giai cấp, không còn nhà nước, do đó không còn áp bức bóc lột giữa người và người nữa”.

Thứ nhất, tư liệu sản xuất (TLSX) mà của chung của xã hội thì đặt nó ở đâu, do ai quản lý? Chắc chắn TLSX sẽ được phân bố ở những đơn vị sản xuất (doanh nghiệp và HTX), một đơn vị sản xuất chắc chắn sẽ có ban lãnh đạo, đứng đầu là người thủ trưởng. Chao ôi, những người quản lý điều hành TLSX lại không phải là những người sở hữu TLSX thì họ sẽ làm gì chúng? Người sở hữu (toàn dân) lại là chung chung, dân đâu có cách nào để giám sát tài sản của mình khi tài sản đó đang nằm trong tay cũng như được định đoạt bởi kẻ khác. Vì vậy tài sản của dân (TLSX) chắc chắn sẽ bị tham ô, tham nhũng, bị xâu xé, chia chác bởi những quan tham.

Thứ hai: xét cụm từ “làm tùy sức hưởng theo sự cần dùng”, sức lao động của mỗi con người là khác nhau, có người khả năng lao động của họ gấp đôi gấp ba thậm chí gấp mười người khác, họ có sẵn sàng đem sức mình ra làm hết mình để những người làm ít hơn hưởng hay sao? Tệ hại hơn, những kẻ khả năng lao động kém họ cũng chẳng làm hết sức mình bởi dù họ làm ít hay nhiều họ cũng được hưởng theo sự cần dùng! Sự cần dùng ư? Lòng tham của con người thì dùng bao nhiêu mới đủ?! Hậu quả cuối cùng là năng suất tụt giảm thê thảm, hoặc chí ít nó chẳng bao giờ tăng và sự bất công sinh sôi nảy nở. Đó cũng là nguyên nhân làm cho nền kinh tế lụn bại dẫn đến đói nghèo và lạc hậu.

Và tất nhiên, hiền tài bị thui chột, sức sáng tạo bị chôn vùi. Mọi thứ đều phải duy trì ở mức cân bằng thấp nhất. Và rồi mức cân bằng thấp nhất ấy cũng không tồn tại được lâu.

Như vậy, con đường CNCS là không tưởng!

Trở lại bộ sách Giáo dục chính trị đại học gồm 3 quyển nêu trên, trong những quyển sách này có quá nhiều ngôn từ ‘tự khẳng định’ lập đi lập lại như “vĩ đại”, “cao cả”, “đúng đắn”, “chân chính”, “tất yếu”, “trong sáng”, “khoa học”…. Tư duy của sách rất phiến diện, thiếu khách quan, đả kích CNTB bằng những lý luận áp đặt, quy chụp, phủ lấp, ích kỷ và khuyến khích bạo động. Trong khi không đi sâu vào tính khả thi hay bất khả thi của nó. Những ai từng đọc sẽ biết, nghĩ lại thấy thật ngán ngẫm, thật vô bổ, lãng phí thời gian của sinh viên, tiêu tốn tiền bạc của phụ huynh và ngân sách nhà nước.



Ngộ nhận về “người nghèo” trong CNTB

Trên báo QĐND ngày 16.9.2014 đăng bài viết “Niềm tin của một dân tộc không thể là sự "ảo tưởng" của tác giả mang danh PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng. Bài này có đoạn: “Những bất công, nghèo khổ vẫn đầy rẫy trong lòng xã hội tư bản hiện đại. Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ năm 2010, ở Mỹ có tới 46,2 triệu người (chiếm 15,2% dân số) thuộc diện nghèo, mức cao nhất trong 20 năm qua. Theo Hãng Bloomberg, tài sản của 300 người giàu nhất thế giới năm 2013 đã tăng 524 tỷ USD, nâng tổng giá trị tài sản của họ lên 3.700 tỷ USD. Ở Mỹ, số người nghèo đói và không bảo hiểm y tế là hơn 38,8 triệu người; ở I-ta-li-a, giai đoạn 2005-2012, tỷ lệ người nghèo tăng gấp đôi và hiện có khoảng 4,8 triệu người nghèo đói. Tổ chức Oxfam cảnh báo, đến năm 2025, Liên minh châu Âu (EU) sẽ có thêm 25 triệu người nghèo đói... Những điều trên đã nói lên một cách rõ ràng tính chất ăn bám, bóc lột của CNTB”.

Báo QĐND dẫn số liệu về người người nghèo nước Mỹ mà giấu đi chuẩn nghèo của Mỹ sẽ dễ gây ngộ nhận, hiểu sai về thực trạng nước Mỹ.

Nếu áp dụng chuẩn nghèo của VN vào Mỹ thì nước Mỹ sẽ cơ bản không còn người nghèo. Ngược lại, nếu áp dụng chuẩn nghèo của Mỹ vào VN thì đa số người dân VN đều nghèo cả! Thật vậy, theo chuẩn nghèo ở Mỹ năm 2014 thì một gia đình 4 người có thu nhập khoảng 40trđ/tháng trở xuống được gọi là nghèo. Rõ ràng, ở VN thu nhập như vậy là giàu có rồi.

Mặt khác, Mỹ đặt ra chuẩn nghèo như vậy nhằm tìm ra được 46,2 triệu người nghèo là để trợ cấp cho họ đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt thông qua các chương trình (phiếu thực phẩm, y tế, tiền mặt...). Nếu cộng thêm khoản trợ cấp của chính phủ thì người nghèo ở Mỹ có mức sống rất cao với thu nhập lên đến con số mà cả người có mức sống khá ở VN cũng hằng mơ ước.

Vì Đảng CSVN thông qua hệ thống truyền thông độc quyền sử dụng số liệu thống kê của Mỹ để gây ngộ nhận cho người đọc nên tôi muốn ghi chi tiết ra đây những con số để bạn đọc hiểu về thực chất vấn đề.

Chuẩn nghèo của một hộ 4 nhân khẩu ở Mỹ các năm 1980, 1990 và 2000 quy định bằng 8.415 ; 13.359 ; 17.603 USD/năm ; năm 2012 là 23.050 USD/năm. Năm 2014 chuẩn nghèo của Mỹ cho một hộ gồm 4 nhân khẩu là 23.850 USD/năm quy ra 1.987,5USD/ tháng. Những thành phố phồn hoa hơn thì chuẩn nghèo cũng cao hơn.

Chuẩn nghèo với hộ độc thân ở Mỹ năm 2012 là thu nhập 11.170 USD/năm hoặc 931 USD/tháng (ở bang Hawaii và Alaska là 12.860 và 13.970 USD/năm), tương đương gần 20 triệu VNĐ mỗi tháng. Chuẩn nghèo với hộ độc thân ở Mỹ năm 2014 là 11.670 USD/năm hoặc 973 USD/tháng

Còn chuẩn nghèo của Trung Quốc là 1.500 Nhân dân tệ, tương đương 225USD/ tháng tức là thua khoảng 9 lần so với Mỹ. Còn ở VN thì 4,8 triệu đồng/năm ở nông thôn và 6 triệu đồng/năm ở thành thị. Vì vậy chỉ nhìn vào số lượng người nghèo mà đánh giá thì quả là một so sánh khập khiễng.

Một khi chuẩn nghèo tăng thì dĩ nhiên tỷ lệ người Mỹ nghèo sẽ tăng theo: năm 2009 là 14,3%, năm 2010 là 15,1%.

Các số liệu lấy từ các báo cáo chính thức của Chính phủ Mỹ cho thấy: Hiện nay 80% các hộ nghèo có sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, 92% hộ nghèo có lò vi sóng. Gần ba phần tư các gia đình nghèo có ô tô con hoặc xe tải và 31% có ít nhất 2 xe. Khoảng hai phần ba có truyền hình cáp hoặc truyền hình vệ tinh. Hai phần ba có ít nhất một máy DVD và 70% có VCR. Một nửa số hộ nghèo có máy tính cá nhân; 1 phần 7 có ít nhất 2 máy tính. Hơn một nửa hộ nghèo (hộ có con ) sở hữu một hệ thống video game, chẳng hạn một Xbox hoặc PlayStation. 43% hộ có kết nối Internet. Một phần ba có ti-vi màn hình rộng plasma hoặc LCD. Một phần tư có máy ghi hình video số, thí dụ TiVo.

Ở các nước TBCN phát triển khác, tình hình cũng tương tự. Thảo nào, người VN cứ ước mong xuất ngoại để được làm thuê làm mướn ở xứ người!



Đến phong trào “chiếm giữ phố Wall”

Những người biểu tình “chiếm giữ phố Wall” đưa ra số liệu thống kê để đòi công bằng: "những người giàu có - vốn chỉ chiếm 1% dân số nhưng lại nắm giữ hơn 42% tổng tài sản của toàn nước Mỹ". Số liệu này lập tức bị hệ thống báo chí độc quyền của Đảng chộp lấy để tuyên truyền nhằm tô vẽ mâu thuẫn nội tại của nước Mỹ.

Người nghèo ở Mỹ và các nước CNTB phát triển có mức sống hơn hẳn mức sống trung bình của người dân Việt Nam. Đó là thực tế.

Muốn nền kinh tế phát triển với chất lượng sản phẩm tốt, giá thành tối ưu thì phải xây dựng nền kinh tế thị trường với những chuẩn mực được qui định bằng hệ thống luật pháp. Những doanh nhân phải tổ chức sản xuất thông qua những tập đoàn/công ty/doanh nghiệp, họ cần có vốn (tư bản) để làm điều này. Sự tích tụ vốn vào một phần dân số hợp lý là cần thiết để tổ chức sản xuất hiệu quả trong điều kiện cạnh tranh. Một phần dân số hợp lý có nghĩa là nó không được quá ít người như thời kỳ đầu của CNTB gây nên sự độc quyền và nạn bóc lột sức lao động. 1% dân số Mỹ tương đương hơn 3 triệu người, là con số chấp nhận được, nó không quá ít. Số lượng 3 triệu người này giữ một nửa vốn của nước Mỹ. Tương ứng, nước Mỹ cũng có hàng triệu doanh nghiệp.

Những tỷ phú ở Mỹ nắm giữ số tài sản lớn là những người đầu tư ở các tập đoàn, sản phẩm các tập đoàn này sản xuất ra một phần bán trong nước, một phần xuất khẩu. Các tập đoàn này còn đầu tư vốn ra nước ngoài. Vì vậy, tài sản của họ kiếm được từ cả trong nước lẫn nước ngoài. Sự giàu có của họ đóng góp vào sự thịnh vượng chung của nước Mỹ.

Số tiền mà các tỷ phú tư bản bỏ ra làm từ thiện, làm công ích không nhỏ. Thử hỏi, những quan chức ở VN giàu lên nhờ quyền thế đã bỏ ra bao nhiêu tiền để làm từ thiện hay công ích?

99% dân số Mỹ còn lại sở hữu 58% tài sản, nhưng tất cả người Mỹ đều hưởng chung khối tài sản và dịch vụ công. Không kể những tài sản không phải do lao động tạo ra, khối tài sản công ở Mỹ không nhỏ, gồm hệ thống đường xá, cầu cảng, trụ sở công, công viên, trang thiết bị và vũ khí quân sự... (Ở Mỹ có 5 triệu km đường xá, tổng chiều dài của hệ thống đường sắt Mỹ bằng 1/2 khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng).

Tất cả công dân các nước CNTB được hưởng những giá trị vô hình như môi trường trong sạch, chuẩn mực sản phẩm được chính phủ quản lý tốt đảm bảo người dân không ăn phải thực phẩm độc hại như ở VN và Trung Quốc; sự bảo vệ phụ nữ, trẻ em và người già ở mức cao; chế độ an sinh tốt đảm bảo cuộc sống người nghèo và tàn tật...



Con đường Việt Nam

Việc Nam và Trung Quốc là 2 trong số ít các quốc gia cộng sản hiện nay.

Sau khi đeo đuổi nền kinh tế XHCN kiểu tập trung bao cấp, cả VN và Trung Quốc đã sa lầy do năng suất thấp và chất lượng sản phẩm kém. Trung Quốc liền chuyển sang thừa nhận kinh tế tư nhân và xây dựng kinh tế thị trường, bắt đầu từ 1978, khi ông Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền. Cần nói thêm, năm 1966, trong Cách mạng văn hóa, Đặng Tiểu Bình bị phê phán nặng nề là "tên số hai trong Đảng đi theo chủ nghĩa tư bản", rồi bị cách tuột hết mọi chức vụ. Khi Mao Trạch Đông chết và ‘bè lũ 4 tên’ bị lật đổ, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền. Từ đó, TQ không còn là quốc gia thuần cộng sản. Trước khi theo TQ, Việt Nam bám theo Liên Xô, đến 1986 Liên Xô suy yếu, VN sa lầy và bế tắc nên thừa nhận kinh tế tư nhân. Năm 1990, VN và TQ ký Mật ước Thành Đô, từ đó VN rập khuôn và bị lệ thuộc TQ về chính trị và kinh tế.

Tuy nhiên, VN vẫn chủ trương lấy nền kinh tế nhà nước làm chủ đạo và muốn dùng hệ thống DNNN để tác động mạnh vào thị trường.

Với 30 năm, những quốc gia được mệnh danh ‘những con hổ Châu Á’ đã làm nên một thành tích phát triển vượt bậc và đáng ngưỡng mộ như Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan... Nhưng VN sau hơn 30 năm vẫn ngập ngụa trong nợ nần và sự kém phát triển về khoa học kỹ thuật lẫn chất lượng sản phẩm. Sau khi đổi mới 1986, sự tăng trưởng kinh tế của VN vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ, kết quả là nền kinh tế VN phát triển vay mượn và không bền vững, bị phụ thuộc nước ngoài nhất là Trung Quốc.

Hệ thống DNNN hoạt động kém hiệu quả, năng suất thấp, lãng phí tiền ngân sách, tham ô tham nhũng đến mức đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Nhưng Đảng thông qua hệ thống độc quyền truyền thông vẫn bao biện rằng nền kinh kinh tế VN tăng trưởng cao. Cần phân biệt giữa tăng trưởng và phát triển. Hãy nhìn vào những giá trị tích lũy để lại cho thế hệ sau để đo sự phát triển, một quốc gia phát triển phải bao gồm những yếu tố như môi trường sạch đẹp, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm công nghiệp cao và được quản lý hiệu quả, an toàn thực phẩm, nguồn lực tài nguyên thiên nhiên được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, các công trình hạ tầng đáp ứng yêu cầu có giá trị thẩm mỹ và chất lượng cao... Nhưng VN vẫn chỉ chú ý đến tăng trưởng GDP và kéo lê những giá trị khác, điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống xã hội hiện tại và thế hệ tương lai.

Đảng chịu trách nhiệm như thế nào về những tổn thất nặng nề của nền kinh tế? Ai đền cho dân khi Đảng lãnh đạo kém cỏi? Mọi thứ nhân dân cúi đầu lãnh chịu, còn Đảng vẫn rêu rao rằng đã lãnh đạo nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ai kiểm soát và chế tài Đảng?

Việt Nam vừa chấm dứt hình thái kinh tế-xã hội phong kiến chưa được 100 năm, và tất yếu phải bước vào hình thái kinh tế - xã hội CNTB. Còn hình thái kinh tế - xã hội CNCS chỉ là dự đoán sai lầm, đã được thế giới văn minh khẳng định từ lý luận đến thực tiễn. Dứt bỏ CNCS bất khả thi để đi đúng hướng là trách nhiệm của những nhà lãnh đạo đất nước.

Chủ nghĩa cộng sản hay Chủ nghĩa Mac-Lenin có giá trị kích động bạo lực quần chúng chống lại giai cấp thống trị tàn bạo thời CNTB sơ khai. Thời nay, đúng sai đã rõ ràng.

Nền kinh tế thị trường cạnh tranh với một thể chế dân chủ sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ông PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng đã không còn liêm sỉ khi ấu trĩ bảo vệ cái không còn phù hợp, phải chăng ông còn mơ tưởng cái thế giới đại đồng?

Con đường phát triển đất nước phải do nhân dân định đoạt. Hãy để trí thức cùng bất cứ người dân nào được quyền họp lại cùng nhau để thảo luận tình hình đất nước và đưa ra công luận ý kiến của mình. Hãy cho nhân dân có cơ hội và phương tiện cất lên tiếng nói độc lập và khách quan.

Tôi biết tôi đã viết một nội dung đụng đến xương sống của chế độ. Đất nước đang dần chìm trong vấn nạn lớn. Giặc Trung cộng đang tận dụng ý thức hệ cộng sản để cướp biển đảo Việt Nam. Tôi tâm niệm cái gì có lợi cho dân tộc, cho đất nước thì phải cố gắng làm hết sức mình. Nếu Đảng CSVN kết tội tôi, tôi xin chuyển lời đến chính phủ các nước trên thế giới hỏi xem tôi có được quyền viết như thế hay không? Và rằng Đảng CSVN có tuân thủ những công ước và thỏa thuận với quốc tế hay không?

Bằng lương tâm và sự suy xét từ lý trí, tôi ý thức rằng mình phải mở miệng kêu lên rằng: HÃY TỪ BỎ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI!. Đó là một bước cần thiết để mở lối thoát cho dân tộc Việt Nam.

*
*

Nguyễn Thiện Nhân
* Tác giả gửi bài cho VNTB

Một con đường mà cái đích không lượng định được khi nào sẽ tới thì giống như ta đi về phía cuối chân trời để tìm nơi tiếp giáp giữa bầu trời và trái đất! Cả dân tộc VN đang được dẫn dắt đi trên con đường như thế, lúc đầu họ đi trong sự hồ hởi, về sau họ hoang mang mang lo lắng không biết đi về đâu nhưng vẫn lầm lũi bước theo sự khẳng định “sẽ tới” của những nhà lãnh đạo.

Chủ nghĩa xã hội (CNXH) được cho là giai đoạn đầu của Chủ nghĩa cộng sản (CNCS). Cả CNXH và CNCS cho đến nay chưa hề trở thành thực tiễn, nó chỉ là một chủ nghĩa mà một số quốc gia muốn xây dựng! Đa số các quốc gia cộng sản đã thất bại trong công cuộc xây dựng to tác này, đó là Liên Xô và các nước Đông Âu.

Đảng CSVN cho rằng “Thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới”. Năm 2013, ông TBT đảng CSVN-Nguyễn Phú Trọng phát biểu mơ hồ rằng “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”!

Nếu là một đảng có trách nhiệm thì phải định lượng thời gian và đưa ra lộ trình rõ ràng cho đường lối của mình trong công cuộc xây dựng CNXH chứ không thể chỉ định tính chung chung như thế được.
Trong phát triển kinh tế, đảng CSVN đưa ra chủ trương rất mù mờ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong một buổi nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vào cuối năm 2013, về câu hỏi “thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?”, ông nói: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”!

Đến nay, đảng CSVN vẫn xem chủ nghĩa Mac-Lenin là đúng đắn và lãnh đạo đất nước đi theo chủ nghĩa này. Đồng thời bắt buộc các trường đại học và cao đẳng phải dạy cho sinh viên bộ môn Chủ nghĩa Mac-Lenin; tệ hại hơn, ngoài những nội dung nguyên bản và diễn giải, ban biên soạn còn ‘viết thêm’ xen vào rải rác trong bộ sách khiến cho những cuốn sách dài lê thê, đầy những câu từ tự khẳng định và ca ngợi không đáng có.

Mac (Karl Marx) sinh ra và lớn lên trong thế kỷ XIX, thời kỳ này chế độ phong kiến vẫn còn hiện hữu ở nhiều nước. Cả Mac(1818-1883) và Lenin (1870-1924) đều sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chưa nổ ra cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại như chất bán dẫn, tia laser, năng lượng hạt nhân, chất phóng xạ, máy tính điện tử…và tất nhiên thời ấy chưa có điện thoại di động, internet! Nói như thế để thấy rằng không có gì ngạc nhiên khi học thuyết Mac-Lenin có những khiếm khuyết rất lớn mà đến cuối thế kỷ XX nhân loại mới có thể nhìn thấy rõ ràng.


Không thể nói tư bản “bóc lột” công nhân bằng giá trị thặng dư

Chủ nghĩa Mac-Lenin tuyên bố đấu tranh vì lợi ích giai cấp công nhân. Chủ nghĩa Mac-lenin cho rằng bản chất của kinh tế tư bản là bóc lột và cho rằng nhà tư bản bóc lột sức lao động của công nhân thông qua giá trị thặng dư.

Chủ nghĩa Mac-Lenin cho rằng T’ = T + m (trong đó m là giá trị thặng dư) và mức độ bóc lột được đo bằng công thức: m’ = m/v

Ngày nay, nếu đem cho những nhà chuyên môn độc lập phân tích đánh giá thì sẽ thấy phần (tiền) bóc lột không thể đo bằng giá trị thặng dư, nói cách khác phần bóc lột của nhà tư bản (nếu có) chỉ là một phần của giá trị thặng dư.

Theo tôi, nếu đặt phần bóc lột là e thì e = m – u (e ≤ m), trong đó u là giá trị tổng hợp những yếu tố mà nhà tư bản được hưởng một cách chính đáng như tổ chức sản xuất-quản lý điều hành, phát minh sáng chế khoa học, khả năng ứng dụng phát minh sáng chế khoa học, bí quyết công nghệ, tổ chức hệ thống phân phối, rủi ro…Nếu xét ở một doanh nghiệp cụ thể thì ngoài những yếu tố này, u còn gồm cả thiết kế mẫu mã hàng hóa, thương hiệu doanh nghiệp, khả năng dự đoán thị trường, thông tin riêng có…

Những người cộng sản vẫn ấu trĩ phủ nhận những giá trị chính đáng của nhà tư bản và xem phần bóc lột sức lao động là toàn bộ giá trị thặng dư, gồm cả giá trị cấu thành trong u. Xét từng yếu tố cụ thể:

+ Công nhân không thể tự tổ chức (và quản lý điều hành) sản xuất, bởi chỉ rất ít người có khả năng tổ chức sản xuất. Nếu nhà tư bản thuê người tổ chức giúp mình thì họ đã phải trả lương, lương này đã rất cao so với công nhân trực tiếp sản xuất, nếu nói nhà tư bản bóc lột thì họ chỉ bóc lột người tổ chức sản xuất cho mình chứ không phải bóc lột công nhân. Những người tổ chức sản xuất thuê đã được trả lương hậu hĩnh còn gì!

+ Nhà tư bản mua phát minh sáng chế (hoặc họ thuê người nghiên cứu ra), họ đã phải trả tiền. Nhà tư bản bóc lột (nếu có) thì bóc lột người phát minh sáng chế chứ đâu có bóc lột công nhân! Ngày nay, chính phủ các nước tư bản phát triển đều cố gắng bảo vệ quyền lợi của người phát minh sáng chế khoa học (tác quyền) bằng hệ thống luật pháp và khả năng thực thi pháp luật nghiêm khắc của họ. Việc này chính quyền các nước tư bản phát triển làm tốt gấp trăm lần các chính quyền cộng sản.

+ Bí quyết công nghệ của một doanh nghiệp làm sao có thể nói là do bóc lột? Bí quyết của công ty bia heineken, nước giải khát coca cola… trị giá hàng tỷ USD, không thể nói đó là của công nhân được. Nếu có bóc lột thì chắc chắn không phải là bóc lột công nhân.

+ Cũng như tổ chức sản xuất, việc tổ chức hệ thống phân phối tốt cũng làm nên giá trị thặng dư của doanh nghiệp, và chắc chắn không phải là bóc lột công nhân.

+ Mỗi doanh nghiệp phải tự chịu rủi ro khi bỏ vốn ra kinh doanh, rất nhiều rủi ro chực chờ và khó đoán trước được như thiên tai, chiến tranh, cháy nổ, bất ổn, bị cướp, bị trộm, bị hư hỏng, tai nạn, khủng hoảng kinh tế, dự toán sai… Hiện nay, ngay cả trong điều kiện bình thường, số doanh nghiệp lỗ lã cũng đã chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Khi khủng hoảng xảy ra, có khi đến quá nửa doanh nghiệp phải chịu lỗ lã và một loạt phải phá sản vì không còn sức chịu đựng, chủ doanh nghiệp phải chịu mất vốn. Chỉ trong 8 tháng của năm 2014, VN có 44.500 doanh nhiệp phá sản/giải thể chiếm 10% tổng số doanh nghiệp trong cả nước.



Trên đây là nhìn từ góc độ giá trị thặng dư. Còn nhìn từ góc độ lợi nhuận thì sao? Cũng tương tự như giá trị thặng dư, xét trên phạm vi toàn xã hội, tổng số lợi nhuận luôn ngang bằng tổng số giá trị thặng dư. Nếu xét chi tiết thì:

+ Nếu cung = cầu thì: giá cả = giá trị, lợi nhuận = giá trị thặng dư

+ Nếu cung < cầu thì: giá cả > giá trị, lợi nhuận > giá trị thặng dư

+ Nếu cung > cầu thì: giá cả < giá trị, lợi nhuận < giá trị thặng dư

Mac-Lenin đo mức độ bóc lột bằng công thức m’ = m/v (với v là tư bản khả biến). Hiện nay, tỷ suất lợi nhuận bình quân giảm nhiều so với những thế kỷ trước. Nếu áp dụng công thức tính mức độ bóc lột thì rất ngộ nghĩnh, một doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận 7%/năm có thể bị ‘mang tiếng’ là bóc lột đến 200%! hoặc cao hơn nữa!! Vắt óc suy nghĩ, bỏ vốn chịu rủi ro, bỏ công tổ chức sản xuất và điều hành doanh nghiệp một năm lời được 7% mà không đáng hay sao? Ngoài ra nhà tư bản còn đóng góp vào ngân sách và tạo việc làm cho công nhân giúp nền kinh tế phát triển, quốc gia hùng mạnh.

Sự bóc lột của nhà tư bản không đáng trách bằng nạn tham nhũng của quan chức VN. Quan chức VN không bỏ vốn, không tốn công, chỉ ký là có % tiền lót tay, có bao thư bỏ túi. GS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính của Học viện hành chính Quốc gia nói về thực trạng tham nhũng thực tế trong các dự án ở VN: “Qua nhiệm kỳ, vị nào cũng cố chạy cho mình vài dự án. Có dự án kiểu gì cũng được cắt 10-20%. Cho nên trước đã phá nhiều công trình như trạm máy kéo, nhà văn hóa… thấy rằng phá không biết bao nhiêu tiền của nhân dân”. Tổn thất từ tham nhũng không phải bằng số tiền tham nhũng mà nó cao gấp mấy lần do những hệ lụy của tham nhũng để lại.

Trước đây, hầu hết các nước cộng sản đều sai lầm khi phủ nhận kinh tế tư nhân, diệt tư sản. Sai lầm ấy vừa kéo lùi sự phát triển kinh tế vừa gây thảm họa về nhân quyền, những người bất đồng chính kiến đã bị giết, tù tội, trù dập, khinh khi trong các xã hội ‘chuyên chính’ của cộng sản.
Ngày nay, các nước cộng sản đang vẫn tiếp tục sai lầm khi cố níu giữ hệ thống DNNN thông qua chủ trương “kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo”. Hậu quả là các DNNN làm ăn kém hiệu quả, lãng phí vốn, xảy ra tham nhũng, bị rơi vào nhóm các quốc gia tham nhũng cao nhất thế giới…

Đảng CSVN một mặt vinh danh doanh nhân làm ăn giỏi, mặt khác lại than phiền họ bóc lột. Chiếu theo chủ nghĩa Mac-Lenin thì doanh nhân càng làm ăn giỏi thì càng bóc lột nhiều. Thế đấy, bóc lột nhiều lại được vinh danh, kể cũng lạ!


Xóa bỏ bóc lột sức lao động công nhân bằng cách nào?

Mac-Lenin đã thừa nhận hình thái kinh tế TBCN là hình thái KT-XH kế tiếp, liền sau hình thái KT-XH phong kiến. Thay vì đấu tranh để hạn chế mặt trái của CNTB thì Mac-Lenin lại chủ trương thành lập cái gọi là “đảng cộng sản” để “lãnh đạo” công nhân xóa bỏ CNTB, xây dựng CNXH! Tệ hơn, Lenin còn cho rằng một số quốc gia có thể “rút ngắn”, bỏ qua giai đoạn CNTB để tiến lên CNXH!

Nếu thành lập “đảng cộng sản” để cạnh tranh bình đẳng với các đảng phái khác thì không có gì đáng trách. Nhưng thực tế, cộng sản luôn có xu hướng tập quyền, chủ trương “chuyên chính”, từ đó dẫn đến vấn nạn độc tài cộng sản với một đảng duy nhất độc quyền lãnh đạo.

Tờ Tạp chí cộng sản của đảng CSVN viết rằng “chừng nào xã hội hiện đại vẫn là chế độ tư bản thì mọi quyền lực chi phối vẫn thuộc về giai cấp nào nắm giữ tư bản, đó là giai cấp tư sản chứ không có gì thay đổi. Giai cấp tư sản vẫn là giai cấp thống trị”. Nhận định này hết sức ấu trĩ với cái nhìn hẹp hòi, phiến diện. Thực tế phát triển của các nước tư bản trái ngược với nhận định này. Hiện nay, tại các nước tư bản phát triển, quyền lực đã hình thành thế kiềng ba chân “nhà tư bản-chính quyền-nhân dân”. Ở các nước tư bản phát triển, qua quá trình đấu tranh, nhân dân đã có trong tay công cụ làm chủ đất nước: thứ nhất, nhân dân được bầu cử trực tiếp nguyên thủ quốc gia gắn với sự cạnh tranh chính trị đa nguyên đa đảng, từ đó người dân được chọn lựa người lãnh đạo đất nước mình, thứ hai người dân được phép biểu tình bất bạo động kèm theo những quyền khác như quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận… tạo nên một sức mạnh lớn lao trong dân chúng mà bất cứ chính phủ nào cũng phải khuất phục. Các nhà tư bản chỉ là một lực lượng có tiền, họ chỉ có một phần quyền lực chứ không phải là “mọi quyền lực chi phối”. Nhìn vào chính quyền của tổng thống Obama hiện nay mà xem, không phải mọi quyền lực đều bị giai cấp nắm giữ tư bản chi phối đâu nhé!

Hoàn toàn có thể xây dựng một quốc gia tư bản phát triển giàu mạnh, an sinh tốt, đời sống người lao động nâng cao và mức độ bóc lột không đáng kể. Để đạt được điều đó, phải hội đủ 3 điều kiện:

- Thể chế chính trị đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, bầu cử tự do, nhân quyền được tôn trọng
- Thị trường cạnh tranh tự do (thị trường hàng hóa, thị trường lao động…)
- Công đoàn hoạt động độc lập

Sự cạnh tranh tự do trên thị trường lao động của hàng triệu doanh nghiệp trong một quốc gia đã giúp nâng cao tiền lương tối đa, giảm thiểu sự bóc lột sức lao động, tiến đến đưa bóc lột tiệm cận con số 0.

Ở Việt Nam, công ty phải chịu nhiều tiêu cực phí, bị quan chức chính quyền nhũng nhiễu, thủ tục hành chính phiền hà, cạnh tranh không lành mạnh, thực thi pháp luật yếu kém, phe nhóm lợi ích tung hoành… khiến doanh nghiệp tốn thêm chi phí và phải trả lương thấp hơn để bù lại những tổn thất đó. Hiện nay, lương công nhân ở VN rất thấp, nó thấp hơn mức mà công nhân đáng lẽ được hưởng, không phải do “bóc lột” mà do những tổn thất từ thể chế mang lại.

Công đoàn hoạt động độc lập là công đoàn đảm đương nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của công nhân, không chịu chi phối bất cứ đảng phái chính trị nào. Lãnh đạo công đoàn phải do chính công nhân bầu ra, công đoàn hoàn toàn có thể tổ chức đình công để đòi quyền lợi cho công nhân khi chủ không đáp ứng yêu cầu chính đáng của họ.

Các nước tư bản lấy kinh tế tư hữu làm nền tảng và lợi nhuận là động lực để phát triển kinh tế. Việt Nam xây dựng CNXH lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, lãnh đạo DNNN lo tìm cách tư lợi bất chính, bỏ túi riêng hơn là chăm lo cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Hiện nay, ở VN kinh tế khó khăn, khủng hoảng ngân sách, lương công nhân không đủ nuôi sống gia đình… Cải cách thể chế đang là vấn đề bức thiết.


Kết luận

Các nước ở Châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore là những nước tư bản thành công điển hình với mô hình phát triển TBCN mà VN cần phải nghiêm túc nhìn nhận và học tập… CNTB phát triển đúng theo quy luật vận động của xã hội loài người. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đang đi theo con đường CNTB và là xu thế toàn cầu không thể đảo ngược. Những mặt trái của nền kinh tế tư bản cạnh tranh tự do cùng với những hạn chế của thể chế đa nguyên đa đảng, chúng ta hoàn toàn có thể có biện pháp điều tiết hoặc khắc chế mà không cần đến CNXH hay CNCS.

Chủ nghĩa cộng sản bất khả thi, chỉ mới ở giai đoạn quá độ lên CNXH đã gây rất nhiều tổn thất và đẩy VN vào con đường bế tắc. Chấp nhận đau đớn để từ bỏ CNXH, xây dựng thể chế đa nguyên đa đảng cạnh tranh cả về chính trị lẫn kinh tế, chúng ta sẽ xây dựng được đất nước giàu mạnh, văn minh và dân chủ. Trong lâu dài, nền kinh tế giàu mạnh là một trong những điều kiện không thể thiếu để giữ vững chủ quyền biên giới cũng như biển đảo của Việt Nam.



Xem lại: Hãy từ bỏ Chủ nghĩa xã hội – Phần I
http://www.ijavn.org/2014/09/hay-tu-bo-chu-nghia-xa-hoi-phan-1.html


Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, không mang tính đại diện cho Việt Nam Thời Báo

----------------------------

Công an Bình Dương hỏi gì và không nói gì với Nguyễn Thiện Nhân? 9-25-2014








No comments:

Post a Comment

View My Stats