Tuesday 18 November 2014

‘Abenomics’ hích vào tường (Nguyễn-Xuân Nghĩa)



Nguyễn-Xuân Nghĩa
Monday, November 17, 2014 1:44:28 PM

Thế nan giải của kinh tế Nhật

Theo định nghĩa thông dụng, nền kinh tế được gọi là suy trầm (recession) khi sản lượng giảm sút trong hai quý liên tục. Từ định nghĩa ấy, ta thường phải đợi hai tam cá nguyệt là sáu tháng thì mới có thể xác nhận rằng nền kinh tế có bị suy trầm hay không. Nhưng trước khi có thống kê chính thức thì giới hữu trách về kinh tế có thể đã dự đoán tình hình nhờ nhiều chỉ dấu khác để sớm tìm biện pháp ứng phó. Một điều kiện khác là những thống kê ấy phải có tính chất xác thực, nghĩa là tương đối đúng đắn và khả tín.



Thủ Tướng Shinzo Abe đã suy ngẫm chuyện này trước khi có tin, hôm Thứ Hai 17 vừa qua, rằng kinh tế Nhật lại bị suy trầm nữa sau khi sản lượng giảm sút 7.3% vào Quý II thì qua Quý Ba, từ Tháng Bảy đến Tháng Chín, đà tăng trưởng giảm thêm 1.7%. Cho nên ngày Thứ Ba, khi quý độc giả đọc bài này, thì ông trình bày với quốc dân dự tính của chính quyền.



Dự tính ấy được nhiều người tiên đoán vì cũng theo dõi các chỉ dấu về tình hình kinh tế Nhật.



Về kinh tế, ông Abe sẽ hoãn tăng thuế tiêu thụ (sales tax, loại thuế gián thâu đánh trên các dịch vụ mua bán theo một tô suất nhất định) cho đến mùa Thu năm tới. Về chính trị, ông có thể cho bầu cử Hạ Viện vào trung tuần tháng tới để tìm hậu thuẫn cho một chính quyền có uy tín sa sút. Chế độ dân chủ đại nghị Nhật quy định Hạ Viện là cơ chế có quyền đề cử thủ tướng căn cứ trên số phiếu của các chính đảng. Ngoài đa số áp đảo ở Thượng Viện, đảng Tự Do Dân Chủ LDP của ông Abe hiện có đa số đủ dầy tại Hạ Viện nên có thể lấy một rủi ro như vậy.



Nhưng rủi ro lớn nhất vẫn thuộc về kinh tế. Chúng ta sẽ tìm hiểu chuyện này trong viễn cảnh dài.



Kinh tế Nhật đã trải hơn hai chục năm sa sút với bảy đợt suy trầm. Năm 2010 vừa bị Trung Quốc qua mặt về sản lượng để tụt xuống hàng ba thế giới và còn bị Tầu gây sức ép về an ninh.



Lý do sâu xa và vượt qua khả năng ứng phó của từng chính quyền là nạn co dụm dân số, với tỷ lệ lão hóa cao, khiến mức tiêu thụ sút giảm và hàng họ mất giá. Trong khi đó, vì mở ra toàn cầu, kinh tế Nhật vẫn có ưu điểm là nơi đầu tư ổn định khiến thiên hạ trút tiền mua đồng Yen để tìm cơ hội kiếm lời trên thị trường Nhật. Kết hợp hai chuyện 1) dân số và tiêu thụ giảm khiến kinh tế bị giảm phát - disinflation - và 2) nội tệ lên giá dẫn tới hiện tượng giá cả trong nước sụt đều làm người dân càng tiết kiệm và đình hoãn chi tiêu để chờ khi giá hạ hơn nữa. Hoàn cảnh éo le ấy khiến doanh nghiệp Nhật điêu đứng. Ðầu tư giảm vì mức lời sụt dẫn tới việc cắt lương và mở ra vòng xoáy lẩn quẩn: lương hạ càng đánh sụt mức tiêu thụ và làm kinh tế đình trệ.



Chiếm đa số áp đảo sau cuộc bầu cử cuối Tháng Mười Hai, chính quyền của Thủ Tướng Abe áp dụng chánh sách cải cách táo bạo, được gọi là Abemomics, nhắm vào ba hướng (gọi là “ba mũi tên”). Thứ nhất là cố tình gây lạm phát qua biện pháp tăng chi để bơm tiền vào kinh tế theo cái ý... dọa nạt: hãy mua ngay đi kẻo mai này hàng lên giá. Thứ hai là cải tiến môi trường kinh doanh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bằng cách giảm thuế doanh nghiệp, khi đó thuộc loại cao nhất địa cầu. Thứ ba là cải tổ toàn bộ cơ chế kinh tế, xã hội và chính trị Nhật để tìm sức bật mới...



Kết quả ban đầu là thị trường hồ hởi, tăng cùng mức lời doanh nghiệp và chỉ số cổ phiếu tăng vọt cùng uy tín của ông Abe và đảng LDP - chưa nói gì đến thái độ gây hấn của Bắc Kinh!



Nhưng cái khó của một chính quyền dân chủ có trách nhiệm vẫn là kế toán. Tăng chi mà giảm thuế thì gây bội chi nặng hơn, khiến chính quyền phải đi vay khi mức công trái (nợ của khu vực công) đã lên tới mức kỷ lục toàn cầu. Bội chi và đi vay càng nhiều thì phân lời đi vay càng dễ tăng và mở ra một vòng luẩn quẩn khác: tốn thêm tiền trả nợ khi nhà nước vốn đang thiếu tiền.



Vì vậy, việc cải tiến môi trường kinh doanh và giảm thuế lợi tức doanh nghiệp phải đi cùng một biện pháp thuế vụ khác: tăng thuế tiêu dùng, từ 5% lên 8%, kể từ Tháng Tư vừa qua. Biện pháp tài chánh chính đáng ấy đụng vào một thực tế kinh tế là làm giảm mức tiêu thụ khiến tăng trưởng sụt, và gây phản ứng ngược về chính trị: giảm thuế cho tư doanh mà lại tăng thuế dân nghèo?



Năm 1993, Thủ Tướng Ryutaro Hashimoto đầy uy tín và tài năng cũng vấp vào thực tế đó khi tăng thuế tiêu dùng từ 3 lên 5% - và gây ra suy trầm nên sau bị thất cử. Hai chục năm sau, Thủ Tướng Abe đang tự khoanh vào chân tường với đề nghị tăng thuế suất này từ 8 lên 10%. Vì vậy, ông mới phải quyết định tạm hoãn tăng thuế, ít ra cho đến Tháng Mười năm tới.



Từ mấy ngày qua, các thị trường tài chánh đều theo dõi động thái ấy, và chờ đợi phản ứng ngắn hạn là giới đầu tư có thể rút tiền tháo chạy khiến phân lời trái phiếu sẽ tăng. Và chính phủ càng tốn thêm tiền trả lãi. Giới bình luận tại Bắc Kinh có thể nêu ra điều ấy và kết luận “tư bản Nhật đang giãy chết.” Với hàm ý rằng tư bản nhà nước của ta thì muôn năm trường trị...



Sự thật nó lại rắc rối hơn vậy.



Khoản công trái cao hơn núi Phú Sĩ của Nhật có hai đặc tính. Thứ nhất, tuyệt đại đa số là “nội trái,” yết giá bằng đồng Yen, tức là “Nhật nợ Nhật” chứ không nợ ngoại nhân. Thứ hai, đứng trên đỉnh núi này, chủ nợ lớn nhất lại là Ngân Hàng Trung Ương Nhật (Bank of Japan hay BoJ). Khi ấy ta chú ý đến một biện pháp khác do Thống Ðốc Haruhiko Kuroda vừa thông báo hôm 31 tháng trước, rằng Ngân Hàng Trung Ương sẽ lại ào ạt bơm thêm tiền qua biện pháp QE (quantitative easing, tăng mức lưu hoạt có định lượng) - khoảng 80 ngàn tỷ Yen một năm (720 tỷ Mỹ kim) - cho đến khi có kết quả là gây ra lạm phát 2%. Tháng Tư năm ngoái, ông Kuroda đã đánh võ QE, với số lượng khi ấy được coi là còn cao hơn sức bơm tiền của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ. Bây giờ, cùng với việc tạm hoãn tăng thuế, chính quyền Nhật lại mở máy bơm tiền nữa.



Vì kinh tế cũng là chính trị, ta phải diễn giải chuyện này như sau: chủ nợ của Nhật cũng là chủ nhà in giấy bạc Nhật và nhờ vậy mà còn có quyền quyết định về phân lời cao thấp theo kiểu QE quái đản ấy. Vì thế, thị trường tài chánh vẫn cứ ổn định và không bị giao động nặng - trong khi thiên hạ có rộng quyền chửi bới lung tung! Nhiều lắm, cột báo này tường thuật không kịp...



Nhưng cứ theo lời chửi ấy mà kết luận về tương lai của tư bản Nhật, có khi ta lại trật chìa.



Khi đó, cần lùi lại để nhìn nước Nhật trong trường kỳ. Người ta nghiệm thấy là trong các cường quốc có sức nặng thật thì Nhật Bản luôn luôn có cái vẻ ổn định, lầm lỳ và chịu đựng mà lãnh đạo lại dám lấy những quyết định táo bạo đến bất ngờ để thoát xác. Mà nhiều khi lại chẳng báo trước.



Thủ Tướng Shinzo Abe không thể không biết về nỗi khó khăn của xứ sở và đang nhích chân từng bước để thoát hiểm. May là ông có hai lợi thế bất ngờ. Thứ nhất là Mỹ kim lên giá mạnh so với các ngoại tệ lớn, nhất là đồng Yen.



Thứ hai chính là mối đe dọa của Bắc Kinh, cũng đang ngất ngưởng trên một núi nợ!

--------------------------------






No comments:

Post a Comment

View My Stats