Thursday 23 October 2014

Việc trục xuất blogger Điếu Cày là bất hợp pháp? (Marianne Brown - VOA)





Marianne Brown  -  VOA
23.10.2014

HÀ NỘI— Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, một trong những nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất Việt Nam, mới đây đã được thả khỏi nhà tù và đưa sang Mỹ. Tuy việc phóng thích được nhiều người hoan nghênh, một số người đã nêu lên nghi vấn về tính chất hợp pháp của hành động này.

Nhiều người đã chào đón ông Nguyễn Văn Hải khi ông đến phi trường Los Angeles hôm thứ tư sau khi được phóng thích trước thời hạn ra khỏi một nhà tù ở Việt Nam.

Ông Hải bị tuyên án 12 năm tù vào năm 2012 vì tội gọi là “tuyên truyền chống nhà nước”, theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Hai blogger khác là Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải cũng bị tuyên án tù trong phiên xử đó.

Ông Nguyễn Văn Hải, bút danh Điếu Cày, là một trong những người viết blog chính trị nổi tiếng nhất Việt Nam. Ông viết về nạn tham nhũng trong chính quyền, vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và đã sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do.

Tuy việc ông được phóng thích nhận được sự hoan nghênh của nhiều người, Luật sư Hà Huy Sơn, người từng bào chữa cho ông, nói rằng không có cơ sở pháp lý để trục xuất ông.

Bà Phạm Thu Hằng, Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết bản án của ông Hải đã được tạm hoãn.

Anh Nguyễn Trí Dũng, con của blogger Điếu Cày, nói rằng cách thức mà chính quyền đối xử với cha anh chứng tỏ là nhà cầm quyền Việt Nam có thể hành động một cách tùy tiện đối với những người chỉ trích chính phủ.

"Cha tôi bị bỏ tù một cách bất hợp pháp. Họ không đưa cho ông bất kỳ một giấy tờ nào để cho biết lý do họ bỏ tù ông. Họ thả ông cũng với một cách thức như vậy. Điều này trên cơ bản cho thấy những gì xảy ra ở Việt Nam vào thời điểm này. Người dân có thể bị bắt bất cứ lúc nào mà chính quyền muốn bắt, với bất kỳ lý do nào."

Trước đây, vào năm 2008, ông Hải cũng đã bị tuyên án hai năm rưỡi tù giam về tội trốn thuế trong vụ án mà nhiều người cho là có động cơ chính trị. Sau khi mãn hạn ông tiếp tục bị giam để chờ điều tra.

Hoa Kỳ nằm trong số nhiều nước trên thế giới yêu cầu Việt Nam trả tự do cho blogger Điếu Cày. Các nhà quan sát cho rằng việc ông được thả là kết quả của những cuộc thương lượng với Washington về việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ ba nói rằng ông Hải chọn sang Mỹ. Tuy nhiên, con ông là anh Nguyễn Trí Dũng nói rằng không phải như vậy.

"Đó không phải là một sự chọn lựa thật sự. Nếu cha tôi chọn ở lại Việt Nam, ông ấy sẽ bị cầm tù. Họ sẽ không thả ông ra."

Anh Dũng nói thêm rằng cha anh tán thành việc này để chứng tỏ tình đoàn kết với những người tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Các tổ chức nhân quyền hoan nghênh vụ phóng thích, nhưng ông Phil Robertson, Phó Giám đốc bộ phận Á Châu của Human Rights Watch, nói rằng việc này không báo hiệu một sự thay đổi trong chính sách của Việt Nam.

Ông Robertson nói rằng “Nhiều người đọc Điếu Cày giờ đây sẽ đọc các bài blog của ông từ Mỹ, nhưng điều đó không thay đổi một sự thật là các blogger khác thế chỗ cho ông ở Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối mặt với những sự sách nhiễu và đàn áp có tính hệ thống của cảnh sát như ông đã từng đối mặt.”

Theo Human Rights Watch, Việt Nam đang giam cầm từ 150 đến 200 tù nhân chính trị. Nhà cầm quyền Hà Nội nói rằng Việt Nam không hề có tù nhân lương tâm.

-----------------------

Marianne Brown  -  VOA
07.10.2014

HÀ NỘI— Thông báo tuần trước về việc Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam đã được hoan nghênh như một bước quan trọng trong việc làm nồng ấm quan hệ giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền đã chỉ trích quyết định này. Từ Hà Nội, thông tín viên VOA Marianne Brown gửi về bài tường trình sau đây.

Mặc dầu được đưa ra chỉ vài tháng sau khi một giàn khoan dầu được hạ đặt trong vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền châm ngòi cho vụ giằng co căng thẳng giữa hai nước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng quyết định nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam không có tính cách ‘bài Trung Quốc’. Thay vì thế, Bộ cho biết quyết định này một phần nhằm đáp lại tình trạng thiếu khả năng hàng hải trong khu vực.

Tiến sĩ Ian Storey, Giảng viên kỳ cựu tại Học viện Nghiên Cứu Đông Nam Á, gọi tắt là ISEAS, ở Singapore, nói rằng quyết định này 'dứt khoát đã được thúc nhanh bởi vụ khủng hoảng giàn khoan dầu'.
“Nó nêu bật mối quan ngại ngày càng tăng của nước Mỹ về những diễn biến mới đây ở Biển Đông và nhất là về cách nhìn thái độ hung hãn của Trung Quốc có khả năng gây phương hại cho các quyền lợi của Hoa Kỳ trong vùng biển này.”

Theo ông Storey, quyết định nởi lỏng lệnh cấm vận chủ yếu mang tính tượng trưng bởi vì Việt Nam có mối quan hệ lâu nay với Nga để mua thiết bị với giá rẻ hơn nhiều.

Có tin đồn rằng Việt Nam muốn mua máy bay tuần tiễu P-3 Orion để dùng vào việc trinh sát hàng hải.
Việt Nam đã vận động Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận từ nhiều năm nay, nhưng một điều kiện Washington đề ra là cải thiện nhân quyền.

Sau đây vẫn là nhận định của ông Storey:
“Họ đã đi né tránh một phần bằng cách nói rằng Việt Nam đã cải thiện tình trạng nhân quyền mặc dầu sự cải thiện không lớn lao mấy. Thứ nhì, họ nói rằng họ sẽ cung cấp thiết bị phi sát thương để cải tiến tình trạng cảnh báo khu vực hàng hải, vì thế chúng ta không nói về tàu ngầm hay tàu chiến hoặc loại thiết bị đó, mà chỉ giúp cho Việt Nam cải thiện giám sát hàng hải trong vùng đặc khu kinh tế.”

Trong bài báo viết cho tờ Chính sách Đối ngoại, Giám đốc về Ủng hộ châu Á cho tổ chức Human Rights Watch, ông John Sifton chỉ trích quyết định dỡ cấm vận, và nói rằng nó 'làm suy yếu công tác can trường của các nhà hoạt động Việt Nam' đang tìm cách buộc Hoa Kỳ làm áp lực đòi Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền.

Ông Lê Quốc Quyết, em trai của luật sư Lê Quốc Quân, một trong các nhân vật bất đồng nổi tiếng của Việt Nam, bị tù hồi năm ngoái về tội trốn thuế, một cáo buộc mà giới chỉ trích nói là có động cơ chính trị.
“Hoa Kỳ quan ngại về nhân quyền ở Việt Nam, nhưng đó không phải là điều kiện tiên quyết (để bãi bỏ lệnh cấm vận). Họ quan ngại về nhiều vấn đề khác cũng như vấn đề nhân quyền.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từng tuyên bố Việt Nam cần phải cải thiện thành tích nhân quyền, và Washington tiếp tục đánh gia quan hệ an ninh với Hà Nội.

Ông Nguyễn Trí Dũng là con trai của blogger bất đồng chính kiến Điếu Cày, người đang thụ án tù 12 năm vì tội tuyên truyền chống nhà nước.
Tuần trước, ông Dũng nói lần đầu tiên cha ông được các giới chức Đại sứ quán Hoa Kỳ đến thăm. Cho đến giờ này, ông chỉ được phép gặp gia đình. Theo ông Dũng, đây là một dấu hiệu chính phủ Việt Nam đang cứu xét việc phóng thích cha ông.
Ông Dũng tin rằng sự kiện này có liên hệ đến việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí.
 “Tôi nghĩ nếu cha tôi được thả, thì phải có liên hệ gì đó với thoả thuận bởi vì tôi biết họ từ lâu. Ý tôi nói là chính phủ Việt Nam. Họ sẽ không làm điều gì không có lợi cho họ.”

Tuy nhiên, trong khi gia đình ông hoan nghênh khả năng đó, ông Dũng nói ông đồng ý rằng Hoa Kỳ không nên bán vũ khí cho Việt Nam trong khi thành tích về nhân quyền của Việt Nam vẫn còn yếu kém.
“Chúng ta cần phải có quyết định quan trọng như bãi bỏ Điều luật 88 về tuyên truyền chống nhà nước và Điều luật 79 về những người có hành động chống phá nhà nước, hay Điều luật 258 cấm mọi người nói chuyện trên Facebook hay Internet về nhà nước. Với những điều luật này, chính phủ có thể bắt bất cứ ai họ muốn mà không cần có lý do nào cả.”

Ông nói ông nghĩ rằng nếu cha ông được trả tự do, ông ấy sẽ không được phép ở lại Việt Nam và có phần chắc sẽ được đề nghị đi sống lưu vong ở Hoa Kỳ.

Trong khi những đồn đoán tiếp tục về loại thiết bị nào Việt Nam sẽ mua, quyết định này có phần chắc sẽ gây ra những làn sóng phản ứng trong các phe phái nội bộ ở Việt Nam trong khi một số tìm cách có quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc.

Cho đến nay, Bắc Kinh chưa đưa ra lời bình luận về quyết định đó.



No comments:

Post a Comment

View My Stats