Wednesday 22 October 2014

Vế thứ nhì của chiến thắng (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 21/10/2014)

Trong cuộc họp báo ngày thứ Sáu 17 tháng Mười tại Ngũ Giác Đài, đại tướng Lloyd J. Austin, tư lệnh Quân Khu Trung Ương của Hoa Kỳ nói “chiến trường còn lâu mới chấm dứt.”

Austin nói đúng, nếu ông nói về trận chiến ông đang chỉ huy để tiêu diệt lực lượng IS; nhưng ông nói không đúng, nếu ông đề cập đến trận giao tranh để giải vây thị trấn Kobani: trận đánh ngoại vi, và ngay trong thị trấn biên giới này đang nhanh chóng chấm dứt, Kobani không còn bị IS công hãm nữa; lưỡi dao găm hành quyết đã bị đánh văng ra khỏi những bàn tay đỏ máu của bọn đồ tể IS, dưới quyền chỉ huy của ông đạo Abu Bakr al-Baghdadi.

Tiếp tế thả dù đánh dấu giai đoạn chiến thắng của trận Kobani
http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/NewEditor/2014/10/21-Oct-2014/5.jpg

Tướng Austin nói với truyền thông, “Tôi không lo cho Kobani nữa, nhưng bận tâm của tôi vẫn là đánh bại IS, để tiến tới mục tiêu tối hậu, là hoàn toàn tiêu diệt chúng.”

Austin chỉ có thể đạt tới mục tiêu tối hậu “hoàn toàn tiêu diệt IS” với một điều kiện: ông hiểu bài học Kobani, nhất là hiểu 4 đặc điểm của bài học này là:

1. Chiến thắng Kobani là thành quả giao tranh trên một chiến trường gồm 2 vế -vế thứ nhất là lực lượng Nhân Dân Tự Vệ (NDTV) phòng thủ Kobani, và vế thứ nhì là hỏa lực không yểm của Hoa Kỳ; chỉ cần thiếu một trong 2 vế này, là Kobani không tránh được thảm họa thất thủ.

2. Ông thắng trận Kobani mà cả ông lẫn những chiến sĩ không quân, oanh kích, oanh tạc yểm trợ lực lượng NDTV Kobani trong suốt một tháng trời, chưa một người nào phải chạm gót xuống mặt đất Kobani. Việc không để bộ binh Hoa Kỳ nhảy vào rồi sa lầy tại Kobani, hoặc sa lầy trong bất cứ chiến trường nào là chủ trương chiến lược của tổng tư lệnh Obama; ông quan tâm đến việc bảo vệ chủ lực, hầu giữ thế chủ động trên chiến trường quốc tế, đối phó với hai đại cường Nga và Trung Cộng, lúc nào cũng sẵn sàng gây bất ổn.

3. Nhược điểm của những chiến sĩ dân phòng NDTV, là họ không thống thuộc bộ tư lệnh quân sự Kurd, nên không được quốc gia Kurd tiếp tế súng đạn hay thực phẩm; và, mặc dù nằm trên lãnh thổ Syria, cùng chia với Syria một kẻ thù chung -lực lượng IS- Kobani cũng không nhận được sự trợ chiến nào của Syria cả.

4. Không được Kurd tiếp tế, không được Syria tiếp viện, nhưng Kobani vẫn không thất thủ là nhờ 2 yếu tố: một là cư dân Kobani thấu hiểu thực tế -bỏ chạy là bị cắt đầu, chống cự là con đường còn hy vọng sống, dù hy vọng đó mong manh; và hai là lực lượng phòng thủ không bị cầm chân trong đồn bót, những cứ điểm nhỏ, tập trung thành một mục tiêu dễ pháo kích, dễ tiêu diệt.

Điều đáng lo là tướng Austin không nhìn thấu, không hiểu rõ 4 đặc điểm đưa đến chiến thắng Kobani; ông chỉ thấy góc quân sự của trận Kobani; ông nói -vẫn trong cuộc họp báo 10/17- “Nếu IS tiếp tục cung cấp những mục tiêu quan trọng như họ đã cung cấp cho chúng tôi từ một tháng nay, dĩ nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục oanh kích họ.”

Xa hay gần thì điều ông nói vẫn mang tính chất nguyện cầu; ông cầu cho ông đạo al-Baghdadi tiếp tục ngu đần đem thân xác lính IS và đem những họng liên thanh 12 ly 7 -một loại vũ khí phòng không lỗi thời- ra đối phó với bom, đạn của không quân Hoa Kỳ, một không lực hùng mạnh hơn toàn bộ không lực thế giới cộng chung lại.

Mang 4 sao trên mũ, nhưng Austin nhìn chiến trường bằng nhãn quan của một thiếu úy phi công -mong mỏi địch quân cứ tiếp tục khờ khạo, tiếp tục di chuyển công khai và ồ ạt để cung cấp mục tiêu cho anh có chỗ trút bom.
Không những tướng Austin không có quyền ngây thơ ao ước địch quân tự nguyện đưa lưng làm mục tiêu cho phi công Mỹ đánh bom, mà ông còn có bổn phận gạt bỏ mọi môi trường ngụy trang, ẩn trốn, để bắt địch xuất hiện như những mục tiêu để oanh tạc cơ, khu trục cơ Hoa Kỳ tấn công.

Austin nói vài chục phi vụ trong tuần thứ nhì của tháng Mười đã hạ sát vài trăm quân IS, và tổn thất này tạo ra tình trạng ê càng của lực lượng IS: họ không còn hung hãn trương cờ đen, chong súng phòng không lên trời, ồ ạt lái xe pickup dân sự chạy như bay trên đường phố nữa.

Tình hình yên ắng khiến vài trăm phụ nữ và trẻ em Kobani từ những trại tị nạn trên đất Thổ Nhĩ Kỳ đang khăn gói trở về Kobani.

Địa thế đồng bằng của Kobani -nằm ngay dưới chân những ngọn đồi quanh đó khiến những trận giao tranh ngoại vi và bên trong Kobani được rất nhiều khán giả -trong số có nhiều phóng viên - đứng trên đồi quan sát, và được truyền thông tường thuật rất chính xác.

Khán giả tại chỗ, và độc giả, khán, thính giả truyền thông không đồng ý với câu tuyên bố của tướng Austin là, "Mặc dù đã chiến thắng, nhưng Kobani vẫn có thể thất thủ nếu quân IS trở lại tấn công lần thứ nhì," vì họ chứng kiến tận mắt trận đánh hoặc qua những nhân chứng đó.

Không phải là một chiến lược gia, nhưng Austin vẫn là một tướng lãnh tốt trên bình diện chỉ huy chiến trường: hôm Chủ Nhật ông đã cho 3 chiếc C-130 thả xuống Kobani 27 kiện hàng bằng dù tiếp tế, trong đó có súng cá nhân, đạn, thực phẩm và dược liệu.

Ngoài 3 phi vụ tiếp tế này, Quân Khu Trung Ương của Hoa Kỳ chỉ thực hiện có 135 phi vụ oanh tạc, oanh kích để tiêu diệt quân IS tại Kobani.

Nếu chiến thắng Kobani -tương đối nhanh và dễ- được lập lại tại những thị trấn khác của Iraq, với thời gian và tổn thất tương tợ như trận Kobani, thì toàn bộ lực lượng IS sẽ bị thanh toán trong vòng nửa năm; tuy nhiên viễn ảnh đó chỉ là ảo ảnh, ngày nào tướng Austin vẫn chưa có yếu tố thứ nhì của chiến trường: sức kháng cự của địa phương bị tấn công.

Austin không có khả năng tạo ra sức kháng cự này, nhân vật chỉ huy ông -tổng tư lệnh Obama-cũng chỉ có khả năng gián tiếp, và đã tận dụng khả năng đó trong áp lực đòi thủ tướng al-Maliki từ chức.
Maliki là tín đồ Shiite, giáo phái có nhiều tín đồ tại Iraq; nhưng, trong thế cầm quyền, Maliki lại thiếu dung hòa trong chính sách tôn giáo, tạo phẫn nộ cho tín đồ Sunny, khiến nhiều người Iraq tín đồ Sunny, đổ theo ủng hộ ông Đạo al-Baghdadi

Như đa số những chiến trường "nổi dậy" khác, chiến trường Iraq được định đoạt bằng 2 vế -vế quân sự nằm trong tay Hoa Kỳ, và vế nhân sự, không nằm trong tay Hoa Kỳ.

Ngày rút quân ra khỏi Iraq, Hoa Kỳ để lại một chính phủ Shiite kỳ thị tôn giáo trong thế cầm quyền; sai lầm của thủ tướng Maliki khiến Hoa Kỳ phải trở lại để sửa sai.

Điều đáng mừng là Hoa Kỳ không trở lại với những sư đoàn bộ chiến, mà trở lại với chiến lược "không chạm gót xuống đất," và với chính lược hóa giải bất đồng tôn giáo, thể hiện bằng sự từ chức của thủ tướng al-Maliki.

Kobani không hề là bài học đầu tiên về phối hợp giữa không quân và bộ binh của các tướng lãnh Hoa Kỳ; trước đó 42 năm, họ cũng đã không yểm thành công cho 3 trận đánh ác liệt tại An Lộc, Kontum, và Quảng Trị, năm 1972.

Năm đó tổng thống Obama mới 11 tuổi, nhưng giờ này ông hiểu bài học chiến thuật đó, và đang tìm mọi cách để tạo ra vế thứ nhì -vế lực lượng bộ chiến- hầu giúp Austin chiến thắng dễ dàng hơn. (nđt)

Các tin khác





No comments:

Post a Comment

View My Stats