Wednesday 22 October 2014

Suy nghĩ gì về chuyện đưa anh Điếu Cày sang Mỹ (Gia Minh & Mặc Lâm - RFA)





Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2014-10-22

Tù nhân chính trị Điếu Cày Nguyễn Văn Hải được trả tự do nhưng bị đưa từ nhà tù đến phi trường Nội Bài ra khỏi nước.
Những người từng một thời phải chịu cảnh tù đày vì chính kiến bất đồng với nhà nước và đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền, chống Trung Quốc xâm lược Việt Nam nói gì về điều đó?


Cảm xúc vui- buồn- ngậm ngùi

Thông tin về việc tù nhân chính trị blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị đưa từ trại giam ra sân bay Nội Bài để đáp chuyến bay đi Mỹ được những nhà hoạt động tại Việt Nam truyền đi rất nhanh. Thân nhân họ được hỏi thăm dồn dập để xác nhận.
Tuy nhiên khi nguồn tin được chính thức khẳng định thì những người quan tâm như thế đều chia xẻ một nổi vui buồn lẫn lộn.

Cựu tù nhân AnhBaSaigon Phan Thanh Hải, một trong ba người thuộc Câu lạc Bộ Nhà báo Tự do và bị ra tòa cùng với blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bày tỏ cảm xúc khi hay tin như sau:
Chúng tôi từng ở tù và biết ‘giá trị’ của một ngày tù như thế nào cho nên khi hay tin anh Hải ra tù thì tất cả chúng tôi mừng vui lắm vì khi anh ở trong tù cách đối xử khắc nghiệt dành riêng cho anh khiến mọi người thấy rất đau lòng mà không biết làm sao được.
Tất cả chúng tôi đều rất vui mừng, nhưng ngay sau cảm giác đó thì cùng có chút ngậm ngùi. Thực sự như vậy. Từ hôm qua đến hôm nay những anh em trong Câu lạc bộ cũ còn lại đây, chúng tôi nghĩ đến những người còn ở lại đặc biệt nhất là chị Tạ Phong Tần. Trong nhóm CLB Nhà báo Tự do của chúng tôi thì anh Điếu Cày cũng rất đau khổ vì không tự do ngày nào đã bị bắt lại, đó là chuyện quá dã mãn; còn chị Tạ Phong Tần thì mẹ chết trong một tình trạng quá đau đớn như vậy.


Phân tích lý do

Nhừng người quan tâm đều có nhận định về lý do vì sao mà nhà cầm quyền Hà Nội phải đưa blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải ra nước ngoài một cách vội vã như thế. Theo họ lý do vì sợ ảnh hưởng của ông này khi ra khỏi nhà tù.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, bạn tù một thời gian với blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tại trại giam có ý kiến:
Rõ ràng khi sức ép của quốc tế quá lớn, họ phải thả anh Điếu Cày; nhưng để hạn chế tác dụng của anh thì họ phải trục xuất anh ấy đi thôi. Họ sợ anh ấy, để anh ấy trong nước thì họ sợ.
Anh Điếu Cày sang bên đó thì một phần giải thoát cho anh ấy vì không đi sang bên đó anh ấy phải chịu án tù kéo dài ít nhất 10 năm nữa. Thứ hai nữa khi sang bên đó anh ấy sẽ phát huy những cái mà anh ấy không có ở Việt Nam thì sẽ làm việc tốt hơn.
Tôi nghĩ thôi đó là một cách cuối cùng, chứ không phải là cách ưu việt!

Cựu tù nhân Phan Thanh Hải cũng có trình bày:
Họ rất sợ ảnh hưởng của anh Điếu Cày vì anh là con người hành động. Tôi cứ tưởng tượng khi anh Điếu Cày về thì anh sẽ bày ra hết việc này đến việc kia để làm chứ anh ấy không muốn nghỉ ngơi. Tôi cũng đã từng nói với chị Tân, vợ anh Điếu Cày như thế. Đó là tính của anh ấy; bởi lẽ họ rất hiểu tính của anh Hải Điếu Cày nên họ buộc anh ấy phải rời khỏi đất nước chứ không để anh ấy ở trong đất nước này.


Nhận định hoạt động sắp tới của Điếu Cày

Ngay sau khi có tin chính thức tù nhân Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị đưa từ nhà tù đến sân bay đi ra nước ngoài, có ý kiến cho rằng khả năng hoạt động của ông này tại nước ngoài sẽ không được như ở trong nước.

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cũng đồng ý phần nào với ý kiến như thế:
Tất nhiên anh Điếu Cày sẽ tiếp tục con đường của anh ấy; nhưng mà theo tôi nghĩ thì hiệu quả sẽ không cao. Khi ở trong nước thì danh tiếng và môi trường hoạt động của anh Điếu Cày sẽ tốt hơn ở bên ấy. Tôi nghĩ ở bên đó anh ấy cũng hoạt động dân chủ- nhân quyền để ủng hộ anh em của chúng tôi trong nước thôi; nhưng hiệu quả không cao vì ở bên đó chúng ta đã có rất đông người, và ai cũng có vị trí của mình, cho nên tất nhiên anh Điếu Cày không thể phát huy tất cả những sở trường cũng như sở đoản của anh ấy có.

Tuy nhiên, những người từng hoạt động chung với blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải như anh Phan Thanh Hải hay cựu tù nhân lương tâm bác sỹ Nguyễn Đan Quế đều cho rằng trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay với những công cụ mạng hiện đại thì việc liên lạc giữa trong và ngoài nước không còn khó khăn như trước nữa.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế phát biểu:
Vào thời điểm này, vấn đề bùng nổ thông tin của Internet, vai trò của Internet sẽ giúp chuyện vượt qua biên giới không mấy khó khăn. Trong nước và ngoài nước không còn bị chuyện như thời trước đây. Riêng ý kiến của tôi về chuyện anh em vì chuyện này, chuyện khác, vì hoàn cảnh này, hoàn cảnh khác mà phải rời đất nước; kể cả trường hợp của Điếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, hay trước nữa như Dương Thu Hương, Trần Khải Thanh Thủy, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Đoàn Viết Hoạt và còn nhiều người nữa… tôi cho những nhân vật đó là những người đấu tranh cho cho một tương lai tốt đẹp hơn của Việt Nam, cho nhân quyền, cho dân chủ. Tôi cho họ đổi địa bàn hoạt động từ trong nước, nay hoạt động ở bên ngoài. Cùng một đường, cùng một lý tưởng thì tùy chỗ đứng, môi trường hoạt động của mỗi người vẫn có thể đóng góp cho một Việt Nam trong ương lai, trong thế giới hội nhập.

Anh Phan Thanh Hải thì tỏ ta lạc quan hơn và hy vọng Câu lạc bộ Nhà báo Tự do sẽ sớm sinh hoạt trở lại:
Hiện giờ môi trường Internet, giao tiếp về mặt thông tin, Facebook rồi các công cụ thông tin liên lạc tôi thấy rất tốt, và khả năng hạn chế hầu như không thể ngăn chặn được; cho nên chúng tôi rất hy vọng sinh hoạc Câu lạc bộ Nhà báo Tự do lại với anh Điếu Cày một cách bình thường. Chúng tôi cũng ở tư thế chuẩn bị sẽ có những sinh hoạt mang tính cách thường kỳ với anh Điếu Cày bởi vì những phương tiện như skype hay facebook cũng thuận tiện. Tôi nghĩ anh Điếu Cày sẽ có những cuộc trò chuyện và ‘quay lại’ tiếp xúc với những anh em ở trong nước vì anh có phong cách rất gần gũi không như những người khác.

Những người như cựu tù nhân Phan Thanh Hải cho rằng cách hành xử của nhà cầm quyền Hà Nội đối với blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải cho thấy thái độ thù hằn của chính quyền Hà Nội đối với những người dám công khai chính kiến, phản biện đối với những chính sách và hành xử sai trái sai trái của nhà cầm quyền vẫn chưa thay đổi.

Trong trường hợp của blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải lại có thêm yếu tố công khai chống Trung Quốc xâm lược Việt Nam.

----------------------------

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-10-21

Mặc Lâm phỏng vấn bà Dương Thị Tân

Người blogger nổi tiếng nhất Việt Nam, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, được Hoa Kỳ can thiệp và trên đường bay sang Mỹ trong tối hôm 21 tháng 10 năm 2014. Được biết ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải được giải từ nhà giam ra thẳng phi trường Nội Bài vào lúc 8 giờ tối để sau đó lên máy bay mà gia đình ông không hề được phía Việt Nam thông báo. Ngay sau khi nhận được tin này Mặc Lâm phỏng vấn bà Dương Thị Tân người vợ cũ của ông về sự ra đi bất ngờ này:

Mặc Lâm: Thưa chị, tôi rất vui mừng được báo với chị là anh  Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, chồng chị đang ngồi trên máy bay trên đường đến HongKong và sau đó sẽ chuyển đến phi trường Los Angles. Nguồn tin này chúng tôi nhận được từ bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Chị nghĩ sao sau khi nghe được tin vui này, thưa chị?
Bà Dương Thị Tân: Khi mà biết ông ấy được qua Mỹ, mừng thì chỉ một phần thôi anh ạ. Xét về khía cạnh cá nhân, khía cạnh gia đình thì cũng vui vì anh ấy thoát khỏi nơi chốn hang hùm, miệng sói; tốt cho cá nhân anh ấy.
Nhưng cái cách mà người ta để cho anh ấy ra đi thì quả tình tôi thấy rất là buồn, bức xúc. Một lời nói qua điện thoại người ta cũng không cho anh ấy gọi về nhà để mà từ biệt gia đình. Những trường hợp khác người ta còn có thân  nhân đi theo hay còn gặp gỡ thân nhân ở sân bay hay thế nào đó. Còn từ xưa đến nay, anh thấy đó, không phải một mình anh Hải đi mà họ đã mang qua Mỹ một số người mà chưa có một trường hợp nào như vậy cả. Tôi hơi buồn vì cái cách mà người ta đưa anh ấy đi.

Mặc Lâm: Thưa chị, theo như chúng tôi được biết thì cách đây vài ngày, anh Dũng con chị có nghe phong phanh về vấn đề này rồi chứ không phải hôm nay mới biết. Chị có thể giải thích từ nguồn tin nào mà  Dũng biết được điều đó không thưa chị?
Bà Dương Thị Tân: Bản thân tôi thì họ cho rằng tôi không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gì cho nên tôi cũng không được nghe thông tin gì cả. Cũng giống như 6 năm rưỡi qua tôi cũng không được phép vào thăm anh ấy. Cái cách người ta hành xử hoặc người ta thông báo hay cách người ta làm thì chẳng qua là sự phỏng đoán thôi anh ạ, không có gì là chính thức hết.
Ví dụ từ hôm thứ Bảy cho đến ngày hôm nay thì mọi người đều đồn đoán là người ta sẽ mang anh Hải ra vì họ không canh chừng ai cả. An ninh đầy khắp cả nhà tôi lẫn nhà con trai tôi ở. Họ canh giữ mẹ con tôi rất là tự nhiên đi đâu họ cũng theo. Mọi người cho rằng có thể có một động thái nào đó. Thực tế thì một tín hiệu chính thức cũng không có từ phía nào cả anh ạ.

Mặc Lâm: Vâng, theo chị trong trường hợp của anh Hải, chị có thấy nguyện vọng của anh Hải là muốn đi Mỹ không hay là anh bị bắt buộc phải đi để mà chấm dứt bản án của anh ấy, thưa chị?
Bà Dương Thị Tân: Tôi không có cơ hội gặp gỡ, cơ hội nhìn thấy cũng như là nói chuyện với anh ấy cho nên mình cũng không thể hiểu được rằng vấn đề này như thế nào. Mình không thể nói thay anh ấy được anh ạ.

Mặc Lâm: Nhưng qua những thông tin mà cháu Dũng mang về thì chị có hiểu phần nào nguyện vọng của anh ấy hay không, thưa chị?
Bà Dương Thị Tân: Không anh ạ. Anh ấy không nói gì đến vấn đề đó. Hôm tháng 8 anh có nói với mọi người là làm sinh nhật cho anh ấy.

Mặc Lâm: Dạ tất nhiên là chuyện đi Mỹ ngày hôm nay của anh Hải không riêng gì anh mà cũng là chuyện bất ngờ cho gia đình anh phải không ạ?
Bà Dương Thị Tân: Dạ vâng. Hoàn toàn bất ngờ mà còn thấy nó còn bất nhẫn nữa. Tôi cảm thấy khó chịu và bức xúc về cái cách họ đưa anh ấy ra đi kiểu này. Không một lời từ biệt, không có một động thái nào thể hiện tính nhân đạo ở trong đó. Anh em ở đây người ta cũng quá hiểu tình hình rõ ràng là sự thỏa thuận giữa hai phía chính phủ. Không phải việc ra đi này là do cá nhân anh ấy mong muốn.

Mặc Lâm: Vâng, thưa chị, chị có nghĩ rằng từ khi anh Hải bước chân ra khỏi Việt Nam thì hoàn cảnh gia đình chị có thể khá hơn: có nghĩa là chấm dứt sự sách nhiễu từ phía nhà nước vì không còn anh Hải trong tù nữa. Chị có nghĩ như vậy không?
Bà Dương Thị Tân: Tôi không nghĩ thế đâu anh ạ vì trong con mắt họ tôi là thành phần mà họ phải quan tâm cho nên không thể nào nói trước được. Từ bây giờ trở đi phải xem họ còn đối xử với gia đình tôi như thế nào đã.

Mặc Lâm: Thưa chị, khi anh Hải qua tới Mỹ rồi thì chị có nghĩ rằng sẽ nhận được sự liên lạc trực tiếp từ anh Hải và  lo cho mẹ con chị những bước tiếp theo, đó là được sum họp với anh ấy bên Mỹ hay không? Chị có nghĩ đến điều đó không?
Bà Dương Thị Tân: Nói thật với anh, thường thường cái cách mà người Mỹ đưa một người nào đó đi thì luôn luôn là kèm theo thân quyến của họ. Bản thân tôi thì tôi biết chắc rằng sự mong muốn của tôi là không có. Tôi cảm thấy bất nhẫn trong cách mà họ đưa anh Hải đi trong khi bên cạnh anh ấy còn có thân nhân. Bản thân anh ấy là một người ngồi tù dài đăng đẳng như thế vừa mới ra nhưng bước chân đi ra khỏi cánh cửa nhà tù là lên máy bay. Cái nơi đến đất lạ người xa, không có thân nhân, sự hiểu biết, cọ quẹt về thông tin, tình hình về cuộc sống đơn giản cũng không có. Đó là điều tôi bức xúc.
Còn mong muốn của bản thân tôi là để được đi ra nước ngoài thì nếu muốn tôi đã đi từ lâu lắm rồi. Thực sự, phía Hoa Kỳ họ đã đề xuất với tôi từ trước đấy rất là nhiều lần. Khi mà sự áp bức, sách nhiễu lên gia đình tôi, tôi và các con tôi ở đây quá sức khắc nghiệt thì họ có gợi ý có lẽ chúng tôi nên ra đi vì cuộc sống chúng tôi quá khó khăn như thế. Tôi không nghĩ là bỏ lại thân nhân mình ở trong chốn lao tù để đến một nơi có thể gọi là yên bình hơn được. Cho đến bây giờ thì suy nghĩ của tôi vẫn vậy thôi. Cách họ đưa anh Hải đi và không có bất cứ một sự chuẩn bị gì thì thật sự là đáng buồn.
Con tôi vừa mới cho biết là anh ấy mới gọi về là đang ở HongKong và họ đưa anh ấy đi Mỹ. Gọi được 1 phút và chỉ nói được hai, ba câu như vậy thôi.

Mặc Lâm: Vâng, xin cảm ơn chị Dương Thị Tân đã giúp cho chúng tôi hiểu rõ hơn hoàn cảnh của chị trong lúc này. Hy vọng gia đình chị sẽ sớm sum họp với nhau trên vùng đất mới. Xin cảm ơn chị.

------------------------

Thanh Phương  -  RFI
Đăng ngày 22-10-2014 Sửa đổi ngày 22-10-2014 14:34

Sau khi được trả tự do chiều tối hôm qua, 21/10/2014, nhà báo Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày đã rời Hà Nội ngay lập tức để bay sang Hoa Kỳ, nơi mà ông được những người ủng hộ đón tiếp nồng nhiệt.
Việc blogger Điếu Cày được trả tự do đã được dự báo trước từ nhiều ngày qua, nhưng ông đã được đưa sang Hoa Kỳ hôm qua mà gia đình không hề được thông báo trước. Trước khi lên máy bay, ông cũng đã không liên lạc được với gia đình.

Theo hãng tin AFP, blogger Điếu Cày cho biết đã quyết định sang Los Angeles, nơi mà ông tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh cho dân chủ và cho các tù nhân khác ở Việt Nam. Phát biểu với những người ủng hộ đến đón ông tại sân bay Los Angles, blogger Điếu Cày nói về việc ông được tự do nhờ áp lực của quốc tế:

« Đây là thông điệp hiệu quả nhất để gởi đến những anh em tù nhân còn đang ở trong nhà tù Cộng sản rằng anh em hãy tin tưởng rằng anh em không đơn độc. Ở bên ngoài vẫn có các chính phủ, các tổ chức, các bạn bè quốc vẫn luôn luôn quan tâm, ủng hộ và bảo vệ anh em. Cho nên, anh em hãy mạnh mẽ lên, hãy cố gắng lên, để xứng đáng với sự mong đợi của tất cả mọi người. Tự do cho Việt Nam. Xin cám ơn tất cả».

Phản ứng về việc chính quyền Việt Nam trả tự do cho blogger Điếu Cày, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Marie Harf hôm qua tuyên bố : « Chúng tôi hoan nghênh quyết định của chính phủ Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm này ». Nhưng bà Marie Harf một lần nữa kêu gọi Hà Nội trả tự do cho các tù chính trị khác, hy vọng là sau blogger Điếu Cày, sẽ có thêm những người khác được thả ra.

Hôm qua, tổ chức Phóng viên không biên giới, trụ sở tại Paris, cũng đã ra thông cáo bày tỏ sự vui mừng khi thấy blogger Điếu Cày được trả tự do, nhưng nhắc lại rằng hiện vẫn còn 26 nhà báo công dân bị giam giữ ở Việt Nam, quốc gia mà theo Phóng viên biên giới hiện là nhà tù giam giữ công dân mạng đứng hàng thứ ba trên thế giới.

Hà Nội trả tự do cho blogger Điếu Cày chỉ vài tuần sau khi Washington bãi bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, với lý do là đã có một số cải thiện về nhân quyền tại nước này. Nhưng khi thông báo quyết định nói trên, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã nói rõ là Washington sẽ chỉ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí khi Việt Na có thêm những tiến bộ về nhân quyền.

Là một trong những sáng lập viên “ Câu lạc bộ nhà báo tự do”, sau khi tham gia các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn biển đảo của Việt Nam vào năm 2008, blogger Điếu Cày đã bị chính quyền Hà Nội kết án 30 tháng tù với tội danh « trốn thuế ». Nhưng vừa mãn hạn tù, ông lại bị đưa ra xử và bị kết án thêm 12 năm tù với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”.

Năm ngoái, blogger Điếu Cày đã tuyệt thực tổng cộng 35 ngày để phản đối điều kiện giam giữ tồi tệ. Trước đó, vào cuối năm 2011, ông cũng đã từng tuyệt thực với lý do tương tự.

Trong những năm qua, các tổ chức nhân quyền quốc tế và một số chính phủ phương Tây đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho blogger Điếu Cày. Tháng 05/2012, chính tổng thống Mỹ Barack Obama, nhân ngày Quốc tế Tự do Báo chí, đã tuyên bố “ chúng ta không được quên những nhà báo như blogger Điếu Cày”.

Blogger Điếu Cày đã được Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo trao tặng Giải tự do báo chí vào năm 2013. Cũng vào năm ngoái, ông được Văn bút Canada trao giải “One Humnanity”.



No comments:

Post a Comment

View My Stats