Friday 24 October 2014

Patrick Modiano vào bản dịch của Dương Tường thì... cũng chết (Hà Thúc Lang - Tiền Vệ)





16.10.2014

Nhân dịp Hàn lâm viện Thụy Điển trao giải Nobel văn chương cho tiểu thuyết gia người Pháp Patrick Modiano, tôi có đôi dòng nhận xét về một số tác phẩm của ông đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Trước tiên là bản dịch Phố những cửa hiệu u tối do dịch giả Dương Tường đảm nhiệm. Xin chú ý, đây là tác phẩm đã mang lại cho Modiano giải Goncourt năm 1978.
Kết quả sơ bộ của 34 trang đầu, tôi đã nhặt ra khoảng 68 câu có lỗi, tương đương với gần 90 lỗi. Tôi nói là “sơ bộ” vì nếu có thời gian và kiên nhẫn hơn, tôi tin là sẽ còn tìm thấy nhiều hơn nữa.
Thêm một nhật xét có lẽ cũng không thừa: văn phong của Patrick Modiano nổi tiếng là ngắn gọn, trong trẻo, nhuần nhuyễn; ấy vậy mà vào tay ông Dương Tường thì nó biến thành khá dài dòng và đôi khi có cảm giác bí bách như không biết diễn đạt thế nào, có thể một phần do dịch giả không nắm vững mạch chuyện.
Hy vọng rằng nhà xuất bản nào có ý định tái bản “Phố những cửa hiệu u tối” sẽ tiếp tục tìm lỗi, nhặt sạn, và nhất là sẽ trân trọng văn phong của tác giả .

-------------------------------------
1. “Tôi không là gì. Chỉ là một cái bóng sáng , chiều hôm ấy ...” (trang 10) (Je ne suis rien. Rien qu’une silhouette claire , ce soir-là ).
Đây là câu đầu tiên của tiểu thuyết. Lạ thật, sai ngay từ câu đầu, một câu rất dễ hiểu. Xin hỏi “một cái bóng sáng” có nghĩa là gì?
- “Clair” nghĩa là “nhạt”
- “soir” nghĩa là “tối”, chứ sao lại “chiều”? Hơn nữa, trước lúc đó mấy tiếng đã là “đêm xuống” (trang 13) (il faisait nuit).
Tóm lại câu này phải được dịch như sau:
“Tôi không là gì. Chỉ là một cái bóng nhàn nhạt , tối hôm ấy ...”
-------------------------------------
2. “một người đàn ông thấp bé, da nâu ” (trang 10) (un petit homme brun )
“Brun” ở đây là chỉ màu tóc chứ không chỉ màu da. Ông Dương Tường dịch thành “da nâu” là sai hoàn toàn.
Câu này phải dịch là: “một người đàn ông thấp tóc nâu ”.
-------------------------------------
3. “Chiều hôm ấy, cô ta sắp đến với một người đàn ông khác, cũng da nâu, mặt húp híp, ở một khách sạn phố Vital” (trang 10) (L’après-midi, elle allait rejoindre un autre petit homme brun au visage bouffi, dans un hôtel meublé de la rue Vital)
Trong một câu ngắn và đơn giản như vậy mà ông Dương Tường làm 5 lỗi:
- “l’après-midi” trong trường hợp này là để chỉ thói quen, phải dịch là “các buổi chiều” chứ không phải là “chiều hôm ấy”.
- “allait rejoindre” phải dịch là “đều đến gặp” (hành động được lăp lại) chứ không phải là “sắp đến với”.
- “un autre petit homme brun au visage bouffi” mà dịch là “một người đàn ông khác, cũng da nâu, mặt húp híp” thì thiếu mất tính từ “petit” (thấp bé), và vì vậy mà làm hỏng ý hài hước của tác giả (người tình của cô ta giống hệt chồng cô ta – cũng thấp bé , tóc nâu, mặt húp híp).
- Ông Dường Tường vẫn lại không hiểu “brun” là “tóc nâu” chứ không phải “da nâu”.
- “un hôtel meublé ” mà dịch là “khách sạn” thì thiếu hẳn từ “meublé” có nghĩa là “có đồ đạc”. Người tình của cô ta ở trong một khách sạn được trang bị đầy đủ đồ đạc, hẳn là vì để ở lâu dài, thế nên chiều nào cô ta cũng tới đó.
Tóm lại, câu trên phải được dịch là:
“Các buổi chiều, cô ta đều đến gặp một người đàn ông khác, cũng thấp bé, tóc nâu, mặt húp híp, tại một khách sạn có đồ đạc ở phố Vital”
-------------------------------------
4. “đôi mắt to trong sáng của ông  nhìn đắm trong khoảng không” (trang 10) (Ses gros yeux clairs étaient perdus dans la vague)
Câu này có 2 lỗi:
- Hình như ông Dương Tường không hiểu ý nghĩa của tính từ “clair” nên liên tục dịch sai. “Clair” ở đây là “nhạt màu”.
- “perdu” là “chìm đắm” chứ không phải “nhìn đắm”. Ở đây, mắt nhân vật không “nhìn” gì cả.
Câu trên phải dịch là: “đôi mắt to nhạt màu của ông chìm đắm trong khoảng không”
-------------------------------------
5. “tủ sách quí nhất, ly kì nhất” (trang11) (la plus précieuse, la plus émouvante bibliothèque)
- “émouvant” có nghĩa là “cảm động”, “gây xúc động” không hiểu sao ông Dương Tường dịch thành “ly kì”?
Câu trên phải dịch là: “tủ sách quí nhất, cảm động nhất”.
-------------------------------------
6. “Thỉnh thoảng, tôi sẽ trở lại Paris và trụ sở hãng sẽ là nơi ghé chân của tôi” (trang 12) (Je reviendrai de temps en temps à Paris et l’Agence sera mon pied-à-terre).
“ Pied-à-terre” không phải là “ nơi ghé chân ” mà là “ chỗ ở ” (khi đến một nơi khác)
Câu trên phải dịch như sau: “Thỉnh thoảng tôi sẽ trở lại Paris và trụ sở Hãng sẽ là chỗ ở của tôi”.
-------------------------------------
7. “Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp cho khách hàng cái mà Hutte gọi là “ tình báo thời lưu ” (trang 12) (Notre rôle était de fournir aux clients ce que Hutte appelait des “ renseignements mondains ”)
“Renseignements mondains” mà ông Dương Tường dịch thành “tình báo thời lưu” thì sai cả 2 từ và khiến câu vô nghĩa: “cung cấp tình báo thời lưu” nghĩa là gì?
- “renseignements” ở đây có nghĩa là “thông tin”, “tình hình”.
- “mondain” ở đây có nghĩa “giới ăn chơi có tiền”.
Tóm lại, câu trên phải được dịch là:
“Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp cho khách hàng cái mà Hutte gọi là “ thông tin của giới ăn chơi có tiền” .
-------------------------------------
8. “trong nội bộ “ giới xã giao ” (trang 12) (entre “ gens du monde ”).
Chính vì hiểu sai nghĩa của từ “mondain” ở câu trên mà ông Dương Tường đã dịch sai từ “monde” ở câu này. “Monde” ở đây cũng có nghĩa như “mondain”, một bên là danh từ, một bên là tính từ. Mà tôi cũng chịu không hiểu “giới xã giao” là giới gì?
Câu này phải được dịch như sau: “giữa đám thời thượng ”.
-------------------------------------
9. “sau khi uống một ngụm ” (trang 14) (après avoir bu une gorgée de fine à l’eau ).
Có lẽ do không hiểu nghĩa của cụm từ “ fine à l’eau” (cô nhắc pha) nên ông Dương Tường không dịch, chỉ viết lấp lửng “một ngụm”. Như vậy là không làm đúng trách nhiệm của dịch giả.
-------------------------------------
10. “hắn đứng sau quầy, vận thường phục ” (trang 16) (il se tenait derrière le comptoir en costume de ville ).
- “costume de ville” ( com-lê, cà vạt ) mà ông Dương Tường dịch thành “ thường phục ” thì không chính xác chút nào.
-------------------------------------
11. “Trước khi ra khỏi nhà , hắn đóng mạnh cầu dao điện” (trang 17) (Avant de sortir , il a baissé, d’un mouvement sec, la manette d’un compteur électrique).
Trời đất, câu trên chính ông Dương Tường vừa dịch “ở tiệm bar phố Anatole-Lò-Rèn”, mà bây giờ lại “ra khỏi nhà”! Có lẽ ông Dương Tường không hiểu đoạn này: nhân vật chính được Paul (chủ một tiệm bar) hẹn đến gặp tại tiệm, và do hôm đó là tối thứ Tư, tiệm nghỉ, nên Paul đóng cửa tiệm và đi cùng nhân vật chính. Có vẻ như ông Dương Tường không nắm được tình tiết câu chuyện!
Tóm lại, câu này phải dịch là: “Trước khi ra khỏi tiệm bar , hắn đóng mạnh cầu dao điện”.
Nhân đây, cũng nói thêm rằng “Anatole de la Forge” là một nhân vật lịch sử của nước Pháp. Do vậy, phố mang tên ông ta phải để nguyên, không nên dịch thành phố “Anatole-Lò-Rèn”! Thử tưởng tượng phố Nguyễn Huệ giờ dịch sang tiếng Pháp là “rue Nguyen Lys” thì có ngây ngô không?
Trong khi đó, tên của quán cà phê “Hortensias” (trang 13) (có nghĩa là “hoa cẩm tú cầu”) thì ông Dương Tường lại không dịch. Có thể do không biết nghĩa của từ đó?
-------------------------------------
12. “Phòng ăn của cửa hàng rộng rãi” (trang 19) (La salle du restaurant était vaste).
Trời đất, “ quán ăn ” (la salle du restaurant) rõ ràng giấy trắng mực đen như vậy mà ông Dương Tường dịch thành “ phòng ăn của cửa hàng ”. Cửa hàng nào mới được? Cửa hàng nào mà có cả phòng ăn? Hơn nữa, ngay trước đó, nhân vật Paul cũng nói rằng sẽ đưa nhân vật chính tới gặp một người bạn “trông coi một quán ăn”.
Tóm lại, câu này phải dịch là “quán ăn rộng rãi”.
-------------------------------------
13. “Một bàn bày ba suất ăn trưa kê sẵn” (trang 18) (Une table de trois couverts était dressée).
- “Couvert” có nghĩa là một bộ đồ ăn gồm dĩa, dao và thìa. Đó là một từ quá thông dụng. Ông Dương Tường đã không biết lại còn tự biên tự diễn thành “suất ăn trưa”! Lạ thật, khách đến buổi tối lại được mời ăn trưa! Mà chỉ ngay sau đó, nhân vật cũng nói: “Tôi đã chuẩn bị một bữa tối giản dị, không bày vẽ, mời các ông” (trang 20).
Ngay dịch giả còn hiểu lờ mờ thế này, thì độc giả biết đâu mà lần.
Tóm lại, câu trên phải được dịch như sau: “Kê sẵn một bàn với ba bộ đồ ăn ”
-------------------------------------
14. “Heurteur bắt đầu ăn món thịt băm nhồi gà ” (trang21) (Heurteur avait entamé sa galantine )
- “Món thịt băm nhồi gà” là cái gì vậy trời? thịt đã băm mà còn nhồi được gà? Galantine là thịt đông và không nhất thiết là thịt gà.
Câu trên phải được dịch như sau: “Heurteur bắt đầu ăn món thịt đông ”.
-------------------------------------
15. “Heurteur (...) thỉnh thoảng lại phóng về chúng tôi một tia nhìn sắc nhọn” (trang 21) (Heurteur (...) me jetait, de temps en temps, un regard aigu).
Sao lạ vậy: “me” nghĩa là “tôi” mà ông Dương Tường dịch thành “chúng tôi” thì không những sai mà còn chứng tỏ ông ấy dịch nhưng không hiểu lắm: “tôi” (nhân vật chính) mới là người cần được Heurteur nhìn để nhận dạng, chứ Paul thì Heurteur quen thân từ hai chục năm nay rồi!
-------------------------------------
16. “Da hắn cũng nâu nâu ” (trang 21) (il était brun ).
Ông Dương tường vẫn nhầm “brun” (tóc nâu) thành da nâu. Nếu hiểu văn hóa Pháp hay phương Tây nói chung thì biết là họ rất chú ý đến màu tóc và hiếm khi nói tới màu da.
-------------------------------------
17. “Heurteur dán vào một cái nhìn càng lúc càng da diết ” (trang 22) (Heurteur me fixait d’un regard de plus en plus intense )
- Rõ ràng có chữ “me” (nghĩa là “tôi”) ở đây mà ông Dương Tường lại không dịch khiến câu bị cụt, độc giả tiếng Việt không hiểu “dán vào một cái nhìn” vào ai, hay cái gì?
- “intense” mà dịch là “da diết” thì kinh dị thật! Ở đây, mục đích nhìn là để nhận dạng thì “da diết” làm sao?
Tóm lại, câu này phải dịch là: “Heurteur càng lúc càng nhìn tôi chằm chặp ”.
-------------------------------------
18. “Gã giơ tay lên và sững người như muốn níu giữa một cái gì có nguy cơ tan biến mất lúc nào ” (trang 22/23) (comme s’il voulait retenir quelque chose qui risquait de se dissiper d’un instant à l’autre ).
- Modiano nổi tiếng với văn phong trong sáng, không bao giờ có từ thừa. Thế mà câu văn tiếng Việt thì bị ông Dương Tường biến thành “níu giữa”, là cái gì vậy? rồi cụm từ “tan biến mất ” cũng quá dài dòng.
- “ d’un instant à l’autre ” nghĩa là “ cực nhanh ”, chứ không phải là “ lúc nào ” như ông Dương Tường dịch.
Tóm lại, câu trên phải được dịch như sau: “Gã giơ tay lên và sững người như muốn níu một cái gì đang có nguy cơ tan biến”. 
-------------------------------------
19. “ Y nở một nụ cười đắc thắng” (trang23) ( Il avait un sourrire triomphal)
Nhân vật Heurteur vừa ở câu trên được ông Dương Tường gọi là “ gã ”, giờ lại thành “ y” !!!
-------------------------------------
20. “Chúng tôi đã đoạn tuyệt với những niên đại ” (trang 26) (Nous sommes brouillés avec les dates )
- “Bouiller avec les dates” có nghĩa là “không nhớ được ngày tháng”. Chắc ông Dương Tường nhầm “brouiller” với “se brouiller” nên mới dịch đại thành “đoạn tuyệt với những niên đại”.
-------------------------------------
21. “bà Marie de Resen đã qua đời ngày 25 tháng 10, thọ 82 tuổi ” (trang 27) (le décès de Marie de Resen, survenu le 25 octobre dans sa quatre-vingt-douzième année).
Không hiểu ông Dương Tường nhìn thế nào mà 92 tuổi thành 82 tuổi!!!
-------------------------------------
22. “Lễ tang theo nghi thức tôn giáo sẽ cử hành vào ngày 5 tháng 11 tại nhà thờ của nghĩa trang de Sainte-Geneviève-des-Bois” (La cérémonie religieuse, suivie de l'inhumation au cimetière de Sainte-Geneviève-des-Bois, aura lieu le 4 novembre à 16 heures en la chapelle du cimetière).
Ông Dương Tường dịch thiếu 1 ý quan trọng, đó là lễ mai táng tại nghĩa địa .
Câu này phải dịch đầy đủ là: “Tang lễ tôn giáo, sau đó là mai táng tại nghĩa địa Sainte-Geneviève-des-Bois, sẽ được cử hành vào ngày 5 tháng 11 tại nhà thờ của nghĩa địa).
-------------------------------------
23. “Y đứng dậy và chìa tay ra cho chúng tôi /- Xin lỗi... Tôi đưa các ông ra cửa, nhưng tôi còn phải làm sổ sách kế toán”. (Il s'était levé et nous tendait la main / - Excusez-moi... Je vous mets à la porte mais j'ai encore de la comptabilité à faire...).
Cụm từ “Je vous mets à la porte” không phải là “Tôi đưa các ông ra cửa” như ông Dương Tường dịch, mà là “Tôi tống các ông ra cửa”.
Câu này phải dịch như sau: “Y đứng dậy và chìa tay ra cho chúng tôi /- Xin lỗi... Các ông về nhé, tôi còn phải làm sổ sách kế toán”.
Vả lại, như ta thấy, người nói câu này đã chìa tay ra để ra hiệu cho khách về, chứ không có ý định đưa khách ra cửa như ông Dương Tường hiểu.
-------------------------------------
24. “một ông già to béo, đầu hói trụi, với những túi hùm hụp dưới cặp mắt xếch kiểu Mông Cổ” (trang 31) (un vieil homme corpulent, le crâne complètement chauve, de grosses poches sous des yeux bridés de Mongol)
Trời đất, dưới mắt nào mà lại có “túi hùm hụp”? “poches sous les yeux” có nghĩa là bọng mắt , thường có nguyên nhân từ tuổi già hoặc mất ngủ.
Câu trên, theo tôi, phải được dịch như sau: “một ông già to béo, đầu hói trụi, mắt xếch kiểu Mông Cổ có bọng to ”.
-------------------------------------
25. “Người cha có dáng công tử bột...” (trang 31) (le père, l'apparence d'un bellâtre...) “Bellâtre” không phải là “công tử bột”.
Câu này phải dịch như sau: “Người cha, vẻ ngoài rất làm dáng...”
-------------------------------------
26. “Chiếc tắc-xi vẫn nổ máy (...) Một cửa sổ mở hé” (trang 32) (Le moteur du taxi marchait (...) L'une des portières était entrouverte).
Không hiểu “Một cửa sổ” ở đây nghĩa là gì? Cửa sổ nhà ai?
Câu này đơn giản như sau: “Một cửa xe mở hé”.
-------------------------------------
27. “Gã gọi một ổ xăng-đuých và vừa ăn thật lực vừa nhìn tôi bằng con mắt rầu rầu ” (trang 33) (Il a commandé un sandwich aux rillettes et il le mangeait consciencieusement en me fixant d'un œil morne ).
- Dịch “il le mangeait consciencieusement” là “ăn thật lực” thì sai hòan toàn.
- “ Morne ” mà dịch là “rầu rầu” cũng sai, vì nhân vật (tài xế tắc xi) không có một biểu hiện nào của sự buồn.
Câu này phải dịch như sau: “Gã gọi một ổ xăng-đuých thịt và vừa nhai cẩn thận vừa nhìn tôi bằng con mắt vô hồn ”.
-------------------------------------
28. “tôi không dám ngắt quãng trong khi hắn đọc” (trang 34) (Je n'osais pas interrompre sa lecture)
“Ngắt quãng trong khi hắn đọc” là cái gì vậy trời?
Câu này phải dịch như sau: “tôi không dám ngắt việc đọc của hắn ”.
-------------------------------------
29. “Hai cha con mặc đồ xám có sọc đi từ tốp này sang tốp khác như một cặp khiêu vũ giúp vui ở tửu điếm đi từ bàn này sang bàn khác” (trang35) (Le père et le fils, dans leurs costumes gris à rayures, allaient de groupe en groupe, comme deux danseurs mondains de table en table)
Trời đất, “deux danseurs mondains” mà là “ cặp khiêu vũ giúp vui ở tửu điếm ”? Ngoài ra, cha và con trai cũng khó trở thành một “ cặp ”. Vả lại, tác giả có sử dụng từ “couple” đâu mà ông Dương Tường tự ý dịch thành “một cặp”!
“Danseur mondain” không phải là nhảy biểu diễn giúp vui mà có nhiệm vụ nhảy với những khách nữ đến quán một mình.
Ngoài ra, “ costume ” trong tiếng Pháp nghĩa là “ com-lê ” chứ không phải là “ đồ ” chung chung như ông Dương Tường hiểu.
Câu trên, theo tôi, phải được dịch như sau: “Hai cha con mặc com-lê xám kẻ sọc đi từ tốp này sang tốp khác như hai vũ công đi tới từng bàn”.
-------------------------------------
30. Ví dụ 18: “Mặt y hơi bệu, trán hói nhưng mũi còn khá mạnh mẽ và dáng đầu có vẻ rất quí phái” (trang 36) (Son visage était un peu empâté, son front dégarni, mais le nez assez fort et le port de tête me semblaient d’une grande noblesse)
- Cứ thấy “fort” mà dịch máy móc thành “mạnh”? Mà “mũi mạnh mẽ” là mũi thế nào vậy? “ Le nez assez fort ” có nghĩa là “ mũi khá to” .
- Cứ thấy “tête” mà dịch ngay thành “đầu”? “ Le port de tête ” không phải là “dáng đầu” mà là “ dáng người ”.
- Ngoài ra, ông Dương Tường còn quên mất từ “me” (có nghĩa là “tôi”), nên câu văn tiếng Việt không chính xác: “ me semblaient ” có nghĩa là “ tôi thấy có vẻ ”.
Tóm lại, câu này phải dịch như sau: “Mặt y hơi bệu, trán hói nhưng mũi khá to và dáng người tôi thấy có vẻ rất quí phái”.
-------------------------------------
31. “ Máy nổ vẫn chạy và gã ngồi ở tay lái..” (trang 36) ( Le moteur marchait toujours et il était assis au volant)
“Moteur” mà dịch ngay thành “máy nổ” là sai, không hiểu máy nổ nào ở đây. “Moteur” trong câu này nghĩa là mô-tơ của xe hơi.
Câu này phải dịch như sau: “ Mô-tơ vẫn nổ và gã ngồi ở tay lái”.
-------------------------------------
32. “Hai cửa xe chúng tôi đứng sát cạnh nhau trước một hàng đinh ngang đường . Y lơ đãng đưa mắt nhìn tôi...” (trang 38) (Nos deux voitures se retrouvèrent côte à côte devant un passage clouté . Il me jeta un regard distrait)
“Clou” nghĩa là “đinh”. Rồi “passage clouté” mà nhắm mắt dịch thành “hàng đinh ngang đường” thì sai trầm trọng và vô nghĩa. Chẳng lẽ giữa đường lại có một “hàng đinh”? Vậy mà “y” cũng không giật mình mà còn “lơ đãng đưa mắt nhìn tôi”!!!
“ Passage clouté ” có nghĩa là “ lối giành cho người đi bộ ”, được đánh dấu bằng những vạch ngang màu trắng trên đường.
Câu trên phải được dịch như sau: “Hai xe chúng tôi đứng sát nhau trước lối giành cho người đi bộ . Y lơ đãng đưa mắt nhìn tôi...
-------------------------------------
33. “Chúng tôi lên một thang máy bằng gỗ có cửa hai cánh với hàng rào sắt ” (Nous prîmes un ascenseur de bois avec une porte à double battant munie d'un grillage )
- “Thang máy có cửa hai cánh với hàng rào sắt” là cái gì vậy trời? Cửa của thang máy có hàng rào? Dịch mà ngây ngô vậy thì độc giả tưởng tác giả chập mạch và nước Pháp phải ngốc lắm mới trao Goncourt cho một tác giả như vậy.
“ Grillage ” có nghĩa là “ lưới sắt ”. Cửa thang máy có lưới sắt để bảo vệ người sử dụng thang máy.
Câu trên, theo tôi, phải dịch như sau: “Chúng tôi lên một thang máy bằng gỗ với cửa hai cánh có lưới sắt ”
-------------------------------------
34. “Đối tượng: Orlow, Galina (...) Quốc tịch : vô tổ chức ” (trang 52) (Objet: ORLOW, Galina (...) Nationalité : apatride ).
Trời đất, “quốc tịch: vô tổ chức” là quốc tịch chi vậy? Câu này thộc loại câu ngớ ngẩn nhất mà tôi từng được nghe.
“ Apatride ” có nghĩa là “ không có quốc tịch ” hay “vô quốc tịch”.
Câu trên phải được dịch như sau: “Đối tượng: Orlow, Galina (...) Quốc tịch : vô quốc tịch ”.
-------------------------------------
35. “Bàn tiệc của đại công tước Boris ở một cuộc hội lớn ở lâu đài Basque” (trang 44) (La table du grand duc Boris à un gala du Château-Basque”).
- “Château-Basque” ở đây là tên một tiệm ăn Nga ở thành phố Biarritzcủa Pháp, mở năm 1923, chuyên phục vụ giới quí tộc Nga lưu vong. Ông Dương Tường có lẽ không hiểu nên thấy từ “château” dịch vội thành “lâu đài”, khiến độc giả tiếng Việt ngỡ các nhân vật đang dự tiệc ở lâu đài (chứ không phải trong tiệm ăn ).
- Ngoài ra: gala mà ông Dương Tường dịch là “ cuộc hội lớn” thì chữ “cuộc” quá thừa. Nên chú ý là trong nguyên bản, tác giả rất cẩn thận với chữ nghĩa.
-------------------------------------
36. “Và những khuôn mặt nở hoa kia trên tấm ảnh” (trang 44) (Et cette floraison de visages sur la photo).
- “Floraison” ở đây không liên quan gì tới hoa, mà phải dịch theo nghĩa bóng là: ”chi chít những khuôn mặt”.
-------------------------------------
37. “một phụ nữ tóc vàng rơm, mắt rất trong sáng ” (trang 44) (une jeune femme blonde aux yeux très clairs )
- Ông Dương Tường lại vẫn không hiểu nghĩa của tính từ “clair”.
Câu trên phải dịch như sau: “một phụ nữ tóc vàng, mắt màu rất nhạt ”. 
-------------------------------------
38. “Một bộ ria thanh lịch ” (trang 45) (une moustache fine )
- Trời đất, “une moustache fine” phải dịch là “một hàng ria rất mảnh ” chứ không phải “một bộ ria thanh lịch” như ông Dương Tường!!!
-------------------------------------
39. “Gay Orlow ư? tôi chắc cô ấy chết rồi / - Chết rồi? / -Hình như thế. Tôi có gặp bà ta hai, ba lần... Tôi chỉ quen cô ta gọi là...” (trang 49) (- Gay Orlow? Je crois qu' elle est morte. /- Morte. / Il me semble. J'ai dû la rencontrer deux ou trois fois... Je la connaissais à peine...)
Cùng một phụ nữ, trong cùng một đoạn ngắn, do cùng một người nói, thế mà vừa được gọi là “cô ấy” lại thành ngay “bà ta”, rồi lại thành tiếp “cô ta”!!! Thế này quá là đánh đố độc giả tiếng Việt!!!
-------------------------------------
40. “Một lần nữa tôi lại chiếm lĩnh vị trí trước cửa nhà thờ Nga, nhưng trên vỉa hè đối diện” (trang 34) (De nouveau, je me suis posté devant l’église russe mais sur le trottoir opposé).
- “ Se poster ” ở đây rõ ràng có nghĩa là “ đứng rình ” mà ông Dương Tường lại dịch thành “ chiếm lĩnh vị trí” , quá cầu kỳ mà lại sai.
Câu trên phải dịch như sau: “Một lần nữa, tôi đứng rình trước cửa nhà thờ Nga).
-------------------------------------
41. “Thật cứ như một cái sân chơi của một tỉnh lẻ” (trang 35) (On aurait dit la cour de récréation d’une école de province).
- Ông Dương Tường dịch thế nào mà quên mất từ “école” (trường học) khiến câu sai nghĩa. “ Sân trường giờ ra chơi ” khác hẳn “ sân chơi ” chứ nhỉ?
-------------------------------------
42. “Hay một học sinh trường Kiếm Đồng ?” (trang 35) (Ou quelque ancien élève de l’école des Pages )
- “école des Pages” trong tiếng Pháp có nghĩa là “ trường Cận vệ ”. Không hiểu lý do nào mà ông Dương Tường dịch thành trường “trường Kiếm Đồng” khiến nó mất hẳn nghĩa.
-------------------------------------
43. “Y bật một cái đèn có chao... và nó tạo một tiêu điểm sáng dịu” (trang 41) (Il avait allumé une lampe à abat-jour... et cela faisait un foyer de lumière douce).
Trong tiếng Pháp, tác giả viết rõ ràng là “un foyer de lumière” có nghĩa là “một khối sáng” mà ông Dương Tường dịch thành “một tiểu điểm sáng”! Hơn nữa, nếu hình dung thì cũng thấy là cả một cái đèn có chao không thể chỉ tạo ra “một tiêu điểm sáng”!
Tóm lại, câu này dịch là: “Y bật một cái đèn có chao... và nó tạo một khối sáng dịu”.
-------------------------------------
44. “khóa chặt cánh cửa gỗ đồ sộ ” (trang 17) (fermé la porte de bois massif )
- Ông Dương Tường dịch sai từ “massif”. Đây là tính từ bổ nghĩa cho từ “bois” ngay trước đó và do vậy mà cũng đẻ ở giống đực. “Bois massif” nghĩa là gỗ khối nguyên chất. Ông Dương Tường nhầm là từ “massif” là tính từ bổ nghĩa cho từ “porte” (cửa) nên dịch thành “đồ sộ”, điều này không thể xảy ra vì tính từ “massif” ở giống đực, còn danh từ “porte” (cửa) ở giống cái.
Tóm lại, câu này phải dịch như sau: “khóa cánh cửa bằng gỗ khối nguyên chất ”.
-------------------------------------
45. “Lần nào, hắn cũng gặp Jean Heurteur (...) thành thử họ cặp kè với nhau suốt trong khoảng hai mươi năm nay” (trang 18) (Chaque fois, il retrouvait Jean Heurteur (...) de sorte qu’ils avaient formé un tandem pendant une vingtaine d’années”
- Verbe “retrouver” ở đây không có nghĩa là “gặp” như ông Dương Tường dịch, mà phải hiểu là “ làm cùng ”, thì mới giải thích được ý sau: “thành thử họ cặp kè với nhau suốt trong khoảng hai mươi năm nay”. Chứ chỉ “gặp” không thì khó có thể nói là “cặp kè”. Và ngay trong đoạn sau đó, hai nhân vật này cũng ôn lại tất cả những nơi họ từng cùng làm với nhau.
Tóm lại, câu này phải dịch là, Mỗi lần chuyển việc, hắn đều làm cùng Jean Heurteur.
-------------------------------------
46. “Ra rồi, nhưng còn đang nói chuyện với những người khác” (trang 36) (si, mais il bavarde avec d’autres personnes).
- Động từ “ bavarder ” không phải là ”nói chuyện” mà là “ ba hoa ”, như thế mới làm tăng sự căng thẳng của nhân vật chính khi phải đứng rình mà không biết người mình đang mất công theo dõi có đúng mà người mình cần tìm hay không. Ngoài ra còn chưa kể đến hóa đơn tắc xi sẽ ngất ngưởng vì trong suốt khoảng thời gian đó, tài xế vẫn để công tơ quay.
-------------------------------------
47. “cái âm sắc trầm hơn các giọng khác có phải là tiếng Stioppa không nhỉ?” (trang 37) (ce timbre plus grave et plus cuivré que les autres, était-ce celui de la voix de Stioppa?)
Trong câu này, ông Dương Tường dịch sai một từ (grave) và dịch thiếu một từ (cuivré):
- “grave” ở đây (để chỉ giọng nói) có nghĩa là “ồm” chứ không phải “trầm”. Giọng ồm, với người Pháp, là giọng đặc trưng của đàn ông.
- “cuivré” là tính từ của “cuivre” (đồng). Giọng “cuivré” là giọng âm vang như những đồ vật làm từ đồng.
Tóm lại, câu này phải dịch là: “âm sắc ồm và vang hơn các giọng khác có phải là giọng của Stioppa không nhỉ?”
-------------------------------------
48. “Tôi chạy về tới chiếc tắc xi, gieo mình lên ghế xe ” (trang 37) (Je courus jussqu’au taxi, me jetai sur la banquette ).
- Ông Dương Tường lại dùng thừa 2 chữ (“tới” và “chiếc”)
- “Banquette” ở đây có nghĩa chính xác là “ghế sau” (chứ không phải “ghế” thôi). Như vậy có lẽ hợp với hoàn cảnh hơn: nhân vật chính thuê tắc xi đuổi (lén) theo một xe khác thì không nên ngồi ghế trước để tránh lộ diện. Hơn nữa, ngay trang bên cạnh, có câu “tôi cúi về phía gã tài xế tắc xi” thì càng chứng tỏ là “tôi” ngồi ghế sau.
Tóm lại, câu này nên dịch là: “Tôi chạy về tắc xi, gieo mình lên ghế sau .”
-------------------------------------
Ngoài những lỗi dịch sai hoàn toàn, bản dịch của ông Dương Tường còn khá nhiều sạn, hoặc do nhìn A hóa B, hoặc vì vụng về, làm hỏng văn phong của nguyên bản. Sau đây là một số ví dụ:
-------------------------------------
49. “chuyến tàu 22 giờ 55 ” (trang 12) (mon train est à 20 h 55 )
Không hiểu sao, nguyên bản ghi rõ là 20 giờ 55, ông Dương Tường lại nhìn 22 giờ 55?
-------------------------------------
50. “tường màu xanh đã lợt” (trang 13) (des murs d'un beige déteint)
Trời đất, “beige” thì tiếng Việt cũng là “màu be”, ông Dương Tường lại dịch thành “màu xanh”?
-------------------------------------
51. “C.M Hutte. Điều tra chuyện riêng” (trang 13) (C.M.Hutte. Enquêtes privées)
“Enquêtes privées” mà ông Dương Tường dịch là “điều tra chuyện riêng” thì thật là vụng về. Câu trên phải dịch là “C.M Hutte. Thám tử tư”.
-------------------------------------
52. “cái bà cụ rất cao niên mà họ vừa làm lễ cầu hôn cho” (trang 34) (cette très vieille dame pour laquelle on célébrait l'office)
- Trời đất, “cầu hồn” thì viết thành “cầu hôn”. “Cầu hôn cho một bà cụ rất cao niên” thì quả là nực cười quá thể!!!
-------------------------------------
53. “ chúng tôi nhận thấy...” (trang 35) ( je remarquais...)
- “je” trong tiếng Pháp nghĩa là “ tôi ” chứ “chúng tôi” làm sao được?
-------------------------------------
54. “dạo ấy, tôi mới mười tuổi ...” (trang 42) (J'avais quinze ans à l'époque)
Trời đất, “ quinze ” nghĩa là “ mười lăm ” mà ông Dương Tường biến thành “ mười ”! Nhân vật này đang kể những gì xảy ra lúc mười lăm tuổi. Mười lăm tuổi thì trí nhớ khác hẳn mười tuổi. Nên nhầm số như vậy cũng ảnh hưởng đến câu chuyện.
-------------------------------------
55. “hai người đàn ông giống như nhau ” (trang 31).
- Theo tôi, chữ “như” ở đây là không cần thiết.
-------------------------------------
56. “Một khách hàng đêm nào cũng về rất muộn, hồi chúng mình còn làm ở khách sạn Castille” (trang 28) (Un client qui rentrait tous les soirs très tard quand nous travaillions à l'hôtel Castille).
Từ “client” mà ở đây ông Dương Tường dịch thành “khách hàng” là không chuẩn. Không ai nói “khách hàng” của khách sạn cả.
-------------------------------------
57. “- Nhanh lên... thẳng tắp ... trước nhà thờ Nga..” (trang 37) (- Vite... tout droit ... devant l'église russe...).
Vì đây là yêu cầu của khách hàng với tài xế tắc xi, theo tôi, nên được dịch như sau: “-Nhanh lên - chạy thẳng – đến trước nhà thờ Nga”.
-------------------------------------
58. “những khu nhà vô tính cách ” (trang 38) (d’immeubles impersonnels)
Câu này, theo tôi, phải được dịch như sau: “những khu nhà tầm thường vô vị ” (immeubles impersonnels)
-------------------------------------
59. “muốn qua khung cửa thông hai phòng, cả y lẫn tôi đều thừa một cái đầu ” (trang 41) (lui et moi, nous avions une tête de trop pour franchir l'embrasure de la porte de communication).
- “thừa một cái đầu” là một cách diễn đạt hết sức vụng về. Và cả câu của ông Dương Tường thật là quá lòng thòng.
Theo tôi, câu này phải dịch như sau: “cửa thông hai phòng đều chỉ thấp đến cổ cả y lẫn tôi”.
-------------------------------------
60. “y  đưa ra tờ báo cho tôi” (trang 26) (il me tendit le journal)
Theo tôi, ông Dương Tường thừa chữ “ra” ở đây. Khiến câu văn nặng nề.
-------------------------------------
61. “Phải, nhìn ông tôi nhớ đến một khách hàng. Tầm vóc ông ” (trang 22) (Mais oui, ça me rappelle un client. Votre taille ...)
- “ Taille ” ở đây phải dịch là “ cùng chiều cao với ông ” chứ không phải là “tầm vóc ông”.
-------------------------------------
62. “một hàng hiên trông ra một con hồ ” (trang 19) (une véranda qui dominait un étang ”
- “  un étang ” là “ một hồ nhỏ ”, ông Dương Tường dịch thành “một con hồ” nghe rất thô, chưa kể nếu đọc nhanh tưởng “một con hổ”.
-------------------------------------
63. “nàng mặc áo dài xanh nhạt” (trang 24) (elle portait une robe bleu pâle).
Từ “ robe ” (có nghĩ là “ váy” hay “ áo đầm ”) mà ông Dương Tường dịch vô tội vạ thành “áo dài” khiến độc giả có thể hiểu lầm “nàng” là một phụ nữ ... Việt Nam!!!
-------------------------------------
64. “Còn bọn kia nữa, với cuộc truy hoan của họ ...” (trang 28) (Et les autres , avec leur partouze...)
“Bọn kia” mà chuyển thành “của họ” thì tiếng Việt có vẻ không ổn lắm?
Để bảo đảm sự ngắn gọn của ngôn ngữ nói như trong nguyên bản, theo tôi, nên dịch là: “Bọn kia lại còn truy hoan nữa chứ...”.
-------------------------------------
65. “ Anh ta ở đâu nhỉ? Tôi nhìn quanh và tôi quyết định đi quanh quẩn khối nhà kiếm anh ta .
Tôi nhìn thấy gã trong một quán cà phê ngay gần đấy, Phố Chardon-Lagache. Gã ngồi ở một bàn, trước một vại bia”.
Từ câu này sang câu kia, mà “anh ta” biến thành “gã”!!! Thử hỏi đây là một hay hai nhân vật khác nhau?
-------------------------------------
66. “Ông không sợ người ta đánh cắp mất chiếc tắc xi của mình à?” (trang 33) (Vous n’avez pas peur qu’on vole votre taxi ?)
- Câu tiếng Việt của ông Dương Tường có quá nhiều từ thừa: “người ta”, “của mình”, “đánh cắp mất” (đã “ đánh cắp ” lại còn “ mất ”)!
Câu này, theo tôi, đơn giản như sau: “ Ông không sợ bị ăn cắp tắc xi à ?”
- Ngoài ra, còn không ít lần ông Dương Tường sử dụng từ ngữ thừa. Một ví dụ ngay sau đó: “hắn ngồi vào tay lái chiếc tắc xi của mình ” (trang 34), hay ở trang 36: “cắm cúi đọc tờ báo màu xanh kem của mình ”. Sự thừa thãi này gây cảm giác tác giả mới học viết văn, chứ không phải nhà văn được giải Goncourt!
-------------------------------------
67. “Còn tôi thì nhìn gã to con, tóc vàng rơm , mắt xanh , da trắng mịn ấy đọc tờ báo màu lục” (trang 34). (Et moi, je regardais ce gros blond aux yeux bleus et à la peau blanche lire son journal vert).
- “Blond” trong tiếng Pháp có nghĩa là “tóc vàng”, “peau blanche” có nghĩa là “da trắng”. Không hiểu lý do gì mà ông Dương Tường tự tiện thêm thành “tóc vàng rơm ”,  ”da trắng mịn ”. Và để nói về một tài xế tắc-xi!!! Chính vì vậy mà làm hỏng nhịp của câu và ý đồ của tác giả: Modiano muốn miêu tả một người đàn ông có vẻ ngoài điển hình Âu: tóc vàng, mắt xanh, da trắng.
Tóm lại, câu trên phải dịch là: “Còn tôi thì nhìn gã to con, tóc vàng, mắt xanh, da trắng ấy đọc một tờ báo màu lục”.
-------------------------------------
68. “chao đèn màu hồng cá” (trang 40) (abat-jour rose saumon)
- “rose saumon” đơn giản là màu cá hồi, một từ thông dụng trong tiếng Pháp, mà ông Dương Tường dịch thành “màu hồng cá”, đâm rất khó hiểu: màu hồng cá chưa chắc đã là màu cá hồi, vì có cả cá hồng (màu hoàn toàn khác với màu của cá hồi)!
Tôi nghĩ là ông Dương Tường nên tôn trọng tác giả hơn. Từ ngữ của Modiano rõ ràng, sáng sủa thì khi dịch sang tiếng Việt cũng nên tìm những từ tương đương.

-------------------------------

Bài liên quan:
18.08.2012
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Như đã biết, xung quanh cuốn Lolita bản dịch Dương Tường là một loạt cái tên dịch giả “lừng danh” tham gia hiệu đính biên tập như Trần Tiễn Cao Đăng, Phạm Anh Tuấn, Cao Việt Dũng, Đào Tuấn Ảnh. Nhân vật cuối cùng trong danh sách này còn kiểm tra cả bản tiếng Nga, vậy mà để ông Dương Tường dịch ngớ ngẩn ngay câu đầu tiên của chương 1... (...)

15.08.2012
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Lolita tái bản được phát hành ngày 14/07/2012, tức là sau khi ông Dương Tường nhập viện 5 ngày. Lẽ nào ông Dương Tường lại không biết việc Nhã Nam đang/sẽ “tái bản có sửa chữa” Lolita? Ông có được tự tay sửa “dăm chục chỗ” như ông đã yêu cầu không? Chẳng lẽ Nhã Nam lại dám coi thường ông đến mức “qua mặt” ông sao?... (...)




No comments:

Post a Comment

View My Stats