Sunday 26 October 2014

Jean Tirole, Nobel kinh tế 2014 (PGS. Nguyễn Mạnh Hùng)





PGS. Nguyễn Mạnh Hùng, Trường Kinh Tế Toulouse (TSE)
Trung tâm nghiên cứu kinh tế, quản trị và môi trường Việt Nam  (VCREME)
20/06/2014

Giải Nobel kinh tế năm 2014 vừa được trao cho Jean Tirole, giáo sư trường Trường Kinh tế Toulouse (Toulouse School of Economics, TSE) cho những đóng góp của ông về phân tích thị trường không hoàn hảo và cách thức quản lý-điều tiết loại thị trường này. Đóng góp của Jean Tirole đã có ảnh hưởng lớn cho sự phát triển lý thuyết và ứng dụng về môn tổ chức ngành (industrial organization), một chuyên ngành hẹp của kinh tế vi mô. Trong bản tin này, VCREME xin trân trọng giới thiệu sơ lược về giáo sư Jean  Tirole  và một số kết quả chính trong nghiên cứu của ông.

Thành phố Toulouse tổ chức lễ mừng giáo sư Jean Tirole được trao Nobel Kinh tế – Quảng trường Capitole, Toulouse

Jean Tirole sinh năm 1953 ở Troyes (Aube) trong một gia đình có bố là bác sỹ sản khoa và mẹ là giáo viên văn học. Năm 21 tuổi, ông đến Paris theo học ở Trường Bách khoa (École Polytechnique) nơi ông đã mài dũa kiến thức Toán học và Kinh tế của mình. Jean Tirole nhận bằng kỹ sư Trường bách khoa Paris năm 1976 và Trường cầu-đường quốc gia (École Nationale des Ponts et Chaussées) năm 1978, trước khi lên đường du học tại Hoa Kỳ, nơi ông lấy bằng tiến sĩ Kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào năm 1981  dưới sự hướng dẫn của giáo sư Eric Maskin (Nobel kinh tế năm 2007).

Nhanh chóng nắm bắt thành công sau khi tốt nghiệp, từ năm 1984 đến năm 1992, ông giảng dạy  và trở thành giáo sư ở MIT, một ngôi trường tập trung nhiều nhà kinh tế hàng đầu thế giới trong đó có Paul Samuelson (Nobel kinh tế năm 1970). Đã có một bước ngoặt lớn vào năm 1991, trong một kỳ nghỉ quan trọng, Jean Tirole đến Toulouse để hoàn thành một cuốn sách cùng với đồng nghiệp rất nổi tiếng : giáo sư Jean-Jacques Laffont.  Từ năm 1992, cùng với Jean-Jacques Laffont, họ lập nên một nhóm nghiên cứu  Toán học và Kinh tế định lượng (Research Group in Mathematical and Quantitative Economics, GREMAQ) trong một đơn vị nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) và trường Đại học Toulouse I. Từ đó, Jean Tirole chuyển về làm việc trong nhóm nghiên cứu này nhưng vẫn giữ một vị trí giáo sư  thỉnh giảng ở MIT. Năm 2004, Jean-Jacques Laffont  qua đời, Jean Tirole và các đồng nghiệp đã kêu gọi đầu tư thành lập Qũy Jean-Jacques Laffont (Foundation Jean-Jacques Laffont). Đây chính là cơ sở cho sự ra đời trường TSE năm 2006. Hiện tại TSE trở thành  một trung tâm nghiên cứu và giảng dạy kinh tế hàng đầu ở Châu Âu, nơi  Jean Tirole đang nắm giữ vị trí chủ tịch. Jean Tirole hiện cũng đang là chủ tịch Viện nghiên cứu cao cấp Toulouse (IAST) được thành lập vào năm 2011. Ngoài nhiều giải thưởng danh giá trong sự nghiệp, năm 2007, ông được nhận huy vàng của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Tính đến nay, Jean Tirole là kinh tế gia người Pháp thứ 3, (sau Gérard Debreu năm 1983 và Maurice Allais năm 1988), dành được giải thưởng Nobel kinh tế. Jean-Charles Rochet, một giáo sư có tiếng của TSE đã đánh giá về Jean Tirole như sau ” …một trí thông minh hiếm có, không những khả năng phát minh, mà còn để duy trì và cấu tạo nên một số lượng đáng kinh ngạc các công trình khoa học… “.

Thật vậy, Jean Tirole là tác giả của khoảng 200 bài báo trên những tạp chí hàng đầu về Kinh tế và Tài chính (xem CV Tirole). Năm 2013, tạp chí danh tiếng  Review of Economics Studies đã bầu chọn một bài báo của ông: Intrinsic and Extrinsic Motivation, đồng tác giả với Roland Bénabou, là một trong 11 bài báo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử 80 năm hình thành của tạp chí. Jean Tirole là tác giả của 11 cuốn sách  tham khảo, bao gồm nhiều cuốn kinh điển như: The Theory of Industrial Organization (1988), A Theory of Incentives in Regulation and Procurement (1993) với Jean-Jacques Laffont, Game Theory (1991) với Drew Fudenberg, Theory of Corporate Finance (2006). Jean Tirole từng là chủ tịch hội kinh tế lượng (the Econometric Society) năm 1988 và chủ tịch hiệp hội kinh tế Châu Âu năm 2001.

Jean Tirole đã có nhiều đóng góp quan trọng trong các nghiên cứu  về khoa học kinh tế, khoa học chính trị, xã hội học và tâm lý học. Lãnh vực đóng góp chính mà Ủy ban xem xét Nobel đã trao giải thưởng cho ông là về quyền lực thị trường và cách thức quản lý của nhà nước (Market power and Regulation). Cùng với Jean-Jacques Laffont, ông nghiên cứu về những thị trường quyền lực, thông thường là những công ty công nghiệp tài chính  lớn mạnh, nơi họ có thị trường độc quyền hoặc độc quyền nhóm (oligopoly).  Nếu không có sự quản lý của nhà nước (regulator) để chống độc quyền, công ty này  có thể tạo ra những kết quả không mong muốn về mặt xã hội, chẳng hạn như định giá sản phẩm/dịch vụ một cách quá cao, hoặc hình thành những doanh nghiệp  chỉ tồn tại bằng việc ngăn chặn sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp mới, hiệu quả hơn. Trong các khu vực này, ông nói “độc quyền có thể bẫy người tiêu dùng ở mức giá cao hơn hoặc dịch vụ kém”.

Vấn đề phức tạp của những mô hình này chủ yếu là do sự hiện diện của thông tin phi đối xứng (asymmetric information). Các công ty nắm rõ thông tin về điều kiện và chi phí sản xuất hơn các cơ quan giám sát nhà nước. Tình hình còn phức tạp hơn khi một số các công ty muốn thông đồng độc quyền nắm giữ thị trường trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước cần phải ngăn chặn thỏa thuận ngầm giữa chúng.  Yếu tố tâm lý của các bên tham gia cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong kiểu mô hình này, nó giống như trò chơi “mèo vờn chuột” . Thêm vào đó, mô hình của ông còn chứa rất nhiều vấn đề khác của nền kinh tế, ví dụ như chính sách quản lý cạnh tranh (competition policy) và vai trò của các cuộc chạy đua nghiên cứu và phát triển (R&D) trong việc duy trì vị thế, chiếm lĩnh thị phần, và ngăn chặn đối thủ tiềm năng tham gia chiếm lĩnh thị trường ngành. Jean Tirole cũng đã quan tâm đến mô hình kinh doanh  “hai mặt” của doanh nghiệp cho  hai loại khách hàng khác nhau và đề xuất biện pháp quản lý đối phó với độc quyền nhóm.  Sử dụng chủ yếu công cụ Toán học, lý thuyết trò chơi và lý thuyết thông tin, Jean Tirole đề xuất các mô hình để xác định và phân tích  những tình huống này.
Thông thường, công trình của các giải Nobel kinh tế rất khó áp  dụng trực tiếp vào những vấn đề đời sống xã hội hàng ngày. Tuy nhiên, các công trình của Jean Tirole có tính ứng dụng rất cao. Năm 2003, cùng với Olivier Blanchard, Jean Tirole đã có một  nghiên cứu  về bảo vệ việc làm và thủ tục sa thải. Họ đã đề xuất mức thuế  dựa trên tỷ lệ sa thải nhân viên của công ty để điều chỉnh các khoản đóng góp bảo hiểm thất nghiệp. Hiện nay ở Pháp việc sa thải người có hợp đồng dài hạn CDI (contrat à durée indéterminée)  rất phức tạp. Với hợp đồng ngắn hạn CDD (contrat à durée déterminée) thì các công ty sẽ không gặp trở ngại trong vấn đề sa thải, nhưng người làm việc sống trong một hoàn cảnh bất an. Nghiên cứu của Blanchard/Tirole đề xuất để loại bỏ hai loại hình thức hợp đồng CDD và CDI và thay thế bằng một hợp đồng lao động dài hạn duy nhất với việc tăng dần các quyền của người lao động dựa theo thâm niên nhưng thủ tục sa thải đơn giản hơn nhằm mục đích trao quyền cho doanh nghiệp. Ngày 24/10/2014, thủ tướng Pháp ông Manuel Valls đã công khai ủng hộ về đề xuất này của Jean Tirole.

Từ năm 2008, ông thường xuyên viết về  khủng hoảng tài chính và điều tiết  ngân hàng. Những công trình nghiên cứu của Jean Tirole  đã có ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách điều tiết của nhà nước. Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp, Christian Noyer, cho biết các công trình của Tirole là một công cụ hữu ích trong suốt thời gian chống chọi với khủng hoảng tài chính, giúp tìm ra giải pháp điều tiết các tập đoàn tài chính.

Trong phương pháp tiếp cận nghiên cứu, Jean Tirole sử dụng nhiều cộng cụ lý thuyết mới, đặc biệt là trong thiết kế thể chế (mechanism design), lý thuyết hợp đồng (contract theory), lý thuyết thông tin (information theory) và lý thuyết trò chơi (game theory). Cuốn sách Lý thuyết trò chơi (1991) của Fudenberg và  Tirole  hiện nay vẫn được xem là cuốn  giáo khoa toàn diện nhất về game theory cho chương trình đào tạo sau đại học. Cùng với Bengt Holmström, Jean Tirole đã có một số đóng góp trong việc phân tích những ảnh hưởng của thanh khoản trên thị trường tài chính trung gian. Tirole cũng đã có những đóng góp cơ bản cho lý thuyết về bong bóng tài sản (Asset Bubbles). Ông  chứng minh rằng bong bóng đầu cơ hoàn toàn không thể tồn tại nếu thị trường là  hoàn hảo và lựa chọn của khách hàng là duy lý. Hơn nữa, nếu thị trường là không hoàn hảo, thì bong bóng hợp lý không những  có thể tồn tại, mà còn thực hiện một chức năng hữu ích. Trong lãnh vực tài chính doanh nghiệp, ngoài các bài báo xuất bản trên các tạp chí,  ông đã xuất bản cuốn sách Tài chính doanh nghiệp (2006) một tài liệu tham khảo  chuẩn  được sử dụng trong các khóa học của công ty tài chính và chương trình  sau đại học của các trường đại học trên thế giới. Trong lãnh vực Kinh tế hành vi (Behavioral economics), Jean Tirole đã mở rộng những hành vi cơ bản về động cơ và niềm tin. Chẳng hạn ngoài sự duy lý (rational) và ích kỷ (selfish), ông nghiên cứu tính bao dung vị tha (altruism) và động cơ xây dựng hình ảnh (image motives). Trong lãnh vực Kinh tế môi trường, Tirole cũng đã đóng góp những nghiên cứu quan trọng về mức ô nhiễm cho phép và thuế Pigou.

Tóm lại, Jean Tirole đã làm nên một cuộc cách mạng trên lĩnh vực phân tích kinh tế cho việc quản lý, điều tiết  một số thị trường lớn như công nghiệp mạng, viễn thông, điện, đường sắt, khí đốt,tài chính và  ngân hàng. Nghiên cứu Jean Tirole được đặc trưng bởi sự tôn trọng đặc thù của các thị trường khác nhau và sử dụng khéo léo các phương pháp phân tích mới trong khoa học kinh tế. Ông  đưa ra những phân tích sâu sắc về bản chất của đối thủ cạnh tranh không hoàn hảo dựa trên hợp đồng  trong điều kiện thông tin phi đối xứng. Kết quả nghiên cứu đã được ông cấu trúc trong một khuôn khổ thống nhất phục vụ cho giảng dạy, tư vấn chính sách, và phát triển nghiên cứu.

Giáo sư Jean Tirole và ba bạn học viên VCREME tại trường ĐH Kinh tế Toulouse

Ghi chú:
Tác giả bài viết là PGS. Nguyễn Mạnh Hùng, hiện đang là  giảng viên Trường Kinh Tế Toulouse (TSE),  giám đốc điều hành trung tâm VCREME. Từ năm 2012 đến nay, đã có 10 học viên của VCREME được giới thiệu sang TSE du học. Đã có 4 bạn hoàn thành chương trình thạc sỹ 
Lưu Hồng Nhung, VCREME khóa 1
Nguyễn Ngọc Minh, VCREME khóa 1
Nguyễn Thị Hương, VCREME khóa 1
Nguyễn Thị Lan Anh, VCREME khóa 2
và 6 bạn hiện đang du học :
 Trịnh Thị Hường, VCREME khóa 7
Nguyễn Đạt Anh, VCREME khóa 6
Nguyễn Thùy Dung, VCREME khóa 6
Đào Hương Giang, VCREME khóa 6
Nguyễn Phi Hùng, VCREME khóa 5
Trần  Huyền, VCREME khóa 3

Information




No comments:

Post a Comment

View My Stats