Friday 10 October 2014

Ebola: Hiểm họa vô hình (Tin tổng hợp)





on October 10, 2014 1:25 AM

Tin một nữ trợ y bị nhiễm virus Ebola tại bệnh viện Carlos III, Madrid Tây Ban Nha đã làm rung động cả thế giới. Nhiệm vụ của bà là săn sóc hai bệnh nhân Ebola được di chuyển từ Phi Châu về Tây Ban Nha. Tất cả những ai đã có tiếp xúc với bà đều bị giữ cách ly… ngoại trừ con chó cưng của khổ chủ thì bị giết bỏ. Các thí nghiệm tại Gabon, Phi Châu trước đây, cho biết sự hiện diện của kháng thể chống Ebola trong máu chó đồng nghĩa là loài vật nầy có thể đã bị nhiễm virus Ebola …
Các tổ chức bảo vệ thú vật đã cực lực phản đối phán quyết của tòa án cho phép việc trợ tử con vật, nhưng vô ích.

VIDEO CNN: Spain ramps up Ebola response; Norwegian tests positive in Sierra Leone
http://edition.cnn.com/2014/10/07/world/europe/ebolaspain/index.html?hpt=hp_t2

Từ thuở khai thiên lập địa, thú và người đã có một mối liên hệ rất mật thiết với nhau.
Thú giúp chúng ta trong việc đồng áng cũng như trong việc chuyển vận được dễ dàng. Sữa, trứng và thịt đã nuôi sống con người. Da và len giúp chúng ta có những bộ quần áo để che nắng che sương.
Thú cũng được sử dụng trong lãnh vực y khoa để tìm ra những dược phẩm mới cũng như để sản xuất ra những bộ phận ghép dùng cho con người. Một vài loài súc vật như chó, mèo và ngựa còn được xem như những bạn đồng hành rất gần gũi với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.
Trong bối cảnh này, một số mầm bệnh từ thú có thể lây nhiễm và gây bệnh cho chúng ta. Khoa học gọi những bệnh này bằng một cái tên chung là zoonoses.

Có tất cả bao nhiêu zoonoses trên thế giới?
Theo tài liệu thì có vào khoảng 150 zoonoses. Đa số đều là bệnh nhẹ, nhưng cũng có một số bệnh rất nguy hiểm có thể làm chết người.
Còn nhớ vào năm 1918, cả thế giới đã kinh hoàng trước sự bộc phát nhanh chóng và khốc liệt của dịch cúm Tây Ban Nha (grippe espagnole) do một sous type H1N1 gậy ra. Dịch bệnh xuất phát từ loài heo và đã gieo chết chóc cho khắp cả thế giới. Có lối trên 20 triệu người đã bỏ mạng vào thời đó.
Gần đây hơn một số zoonoses rất nguy hiểm cũng đã trở thành đề tài thời sự của báo chí, chẳng hạn như các bệnh Bò điên BSE, các bệnh sốt xuất huyết Ebola và Marburg virus, truyền lây từ việc ăn thịt khỉ bên Phi châu và bệnh liệt kháng (AIDS, Sida) từ hơn 20 năm nay đã giết hại hằng triệu người trên thế giới. Có giả thuyết nói rằng mầm bệnh liệt kháng do một loại retrovirus gây ra và (từ một loài khỉ Phi Châu) ngẩu biến và vượt hàng rào chủng loại để lây nhiễm cho người?

Vượt hàng rào chủng loại là gì (specie barrier crossing)?
Đặc tính chung thường thấy ở virus là chúng chỉ lây nhiễm những ký chủ tự nhiên (natural host) trong cùng chung một nhóm mà thôi. Ít thấy hơn, chúng cũng có thể lây nhiễm lan tỏa (spillover infection) những ký chủ trung gian (alternative host).
Rất hiếm thấy việc virus có khả năng phát triển hữu hiệu trong một ký chủ mới mà trước đó không được cảm ứng hoặc tiếp xúc với mầm bệnh.
Các sang nhượng (transfers) đó bao gồm, hoặc việc gia tăng sự tiếp xúc, hoặc thụ đắc những biến đổi (variations) giúp virus vượt qua các rào cản (barriers) để lây nhiễm ký chủ mới. Trong những trường hợp nầy, dịch bệnh tàn khốc có thể bộc phát ra.
Các giai đoạn trong việc sang nhượng virus vào ký chủ mới bao gồm:
- việc tiếp xúc giữa virus và ký chủ (host)
- gây cảm nhiểm (infection) ở những con bệnh đầu tiên
- đồng thời dịch bệnh (outbreak) trở nên trầm trọng thêm lên,
- và sự sản sinh ra trong ký chủ ban đầu hay ký chủ mới những biến thể siêu vi (viral variants) có khả năng sản sinh và bành trướng một cách hữu hiệu trong những cá thể (individual) của một tâp thể (populaion) ký chủ mới

Bệnh sốt xuất huyết Ebola là bệnh gì?
Tên mới của Bệnh Ebola là EVD (Ebola virus disease) hay tên cũ là Bệnh sốt xuất huyết Ebola là EHF (Ebola haemorrhagic fever ). Đây là một bệnh cảm nhiễm rất hiếm ở người và các loài khỉ vùng Phi châu.
Các chủng virus Ebola dữ thường xuất hiện tại Phi châu, trong khi chủng hiền đã được thấy báo cáo nhiễm cho loài heo tại Philippines (2008).
Ebola là bệnh chết người. Tử vong rất cao có thể lên tới 90%. Không có vaccin, không có liệu pháp chữa trị hữu hiệu. Chỉ có thể làm trị liệu trợ giúp supportive treatment mà thôi.
Người ta rất lo sợ virus Ebola có thể trở thành một vũ khí khủng bố sinh học (bioterrorisme)
*Ebola virus và Marburg virus-
Ebola và Marburg là 2 virus anh em họ với nhau.
Theo WHO, Ebolavirus tuộc họ Filoviridae (Filovirus). Tên của virus xuất phát từ tên của con sông chảy ngang qua thành phố Yambuku thuộc Congo- Chính tại nơi đây virus Ebolavirus được định danh đầu tiên vào năm 1976.

Chi Ebolavirus là 1 trong 3 chi của họ Filoviridae, cùng với chi (genus) Marburgvirus và chi Cuevavirus.
Ebolavirus có 5 loài (species):
- Bundibugyo ebolavirus (BDBV)
- Zaire ebolavirus (EBOV)
- Reston ebolavirus (RESTV)
- Sudan ebolavirus (SUDV)
- Tai Forest ebolavirus (TAFV).

BDBV, EBOV và SUDV gây dịch bệnh quan trọng và chết người tại Phi châu.
RESTV và TAFV không quan trọng. RESTV được thấy xuất hiện tại Philippines và Trung Quốc nhưng không có báo cáo tử vong.
Bệnh Ebola có thể được truyền lây từ khỉ và loài dơi ăn trái (fruit bats) thuộc họ Ptéropodidae tại Châu Phi.
Bệnh thường xảy ra lác đác (sporadic) tại vùng Phi châu, nơi mà người dân thường có thói quen ăn thịt rừng (viande de brousse).
Theo Tổ chức y tế thế giới WHO tính đến cuối tháng 9/2014, có trên 6000 người bị nhiễm Ebola tại Tây Phi châu và có gần 3000 người chết.
Người bị nhiễm từ thú vật hoang dã và sau đó người truyền lây cho người.
Dơi ăn trái thuộc họ Pteropodidae có thể xem là ổ chứa tự nhiên của virus Ebola
Virus Ebola có thể truyền lây từ người nầy sang người khác. Triệu chứng bao gồm sốt, nhức đầu, bần thần, kiệt sức, xuất huyết trầm trọng mũi, miệng, ruột, lỗ tai, mắt, ói mửa, suy nội tạng và chết.

Nhiễm từ thú qua người
- Người có thể bị nhiễm virus Ebola qua việc tiếp xúc với thú bệnh. Máu, tiết vật, phân, nước tiểu của thú bệnh rất nguy hiểm.

Nhiễm từ người sang người
- Qua việc săn sóc bệnh nhân, chôn cất…
- Không thấy có báo cáo virus Ebola lây truyền qua vết chích của côn trùng.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để chữa bệnh Ebola.
Tại Pháp, 3 loại thuốc ngoại quốc (Mỹ và Canada) đang còn trong vòng thí nghiệm, được đặc cách cho phép đem ra sử dụng để điều trị nhân viên Y tế (Bs, Y tá, Medecins sans frontière…):
- Zmapp: là một hổn hợp huyết thanh chứa cùng một lúc 3 loại kháng thể đơn dòng (anticorps monoclonaux), nghĩa là những phân tử tác động một cách chuyên biệt trên phân tử khác và giúp nó bị tiêu diệt bỡi hệ miễn dịch. Đây là một loại thuốc cho thấy nhiều hứa hẹn nhất
- TKM-110-802
- Favipiravir (T-705)
Thông thường, việc trị liệu chủ yếu là cách ly, tiếp dịch truyền nhằm cân bằng chất điện giải trong cơ thể, duy trì oxy, huyết áp và ngừa nhiễm trùng.
Theo Gs Dereck Gatherer thuộc Lancaster University, Anh Quốc, bệnh Ebola do virus gây nên và chúng biến đổi không ngừng nên rất khó tìm ra được chất diệt siêu vi (antiviral) thích hợp. Nếu có tìm ra được vaccin thì cũng không chắc là loại thuốc chủng nầy có thể còn hữu hiệu trong thời gian lâu dài.
Được biết Virus Ebola thuôc họ family Filoviridae vả có 5 loài (species). Virus Ebola vô cùng nguy hiểm gây 90% tử vong. Hiện nay chỉ thấy xuất hiện tại một số vùng bên Tây Phi Châu. Việc khảo cứu và sản xuất vaccin Ebola đòi hỏi một cơ sở cực kỳ tân tiến và an toàn cấp 4 (Biosafety Level 4 Laboratory)

Zoonoses gây bệnh bằng cách nào?
Máu, nước bọt, phân, nước tiểu, tiết vật, da, lông, thịt, sữa và trứng của súc vật đều có thể là nguồn lây nhiễm cho con người. Thời tiết, khí hậu và điều kiện thiên nhiên cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự xuất hiện của một zoonose…
Có những bệnh chỉ tác hại ở các vùng nhiệt đới nóng và ẩm, nhưng cũng có bệnh chỉ thấy xảy ra ở vùng ôn đới mà thôi. Sâu bọ côn trùng, ruồi, muỗi, ve, bọ chét và chim chóc đều có thể là trung gian (vecteur) đem mầm bệnh từ thú sang lây nhiễm cho người.
Mật độ thú quá cao trong một vùng nhất định nào đó, việc khai phá rừng bừa bãi và sự lưu thông chuyển vận quá dễ dàng đều là những yếu tố thuận lợi để một zoonose có thể xuất hiện nhanh chóng.
Cuối cùng là cách sinh sống của con người, chẳng hạn như sống chung chạ với gia súc, tập quán ăn uống, như ăn thịt sống, gỏi cá sống, thịt tái, bò tái chanh, uống máu rắn, tiết canh, nem và saucisse khô, v.v… cũng có thể dự phần không nhỏ vào sự xuất hiện của bệnh tật.

Ebola, ác mộng của thế giới
Với cái chết vừa qua tại Dallas, Tx của ông Thomas Duncan, một du khách đến từ Liberia, Hoa kỳ đã thật sự hốt hoảng.
Được biết du khách nầy khi đến Mỹ đã không có biểu lộ một triệu chứng nào cả. Sau đó anh ta mới ngã bệnh và được chữa trị tích cực bỡi các bác sĩ tài ba sử dụng các phương tiện y tế tiên tiến nhứt của Hoa Kỳ… nhưng cũng không thoát khỏi.
Bs Michael Osterholm, chuyên về y tế công cộng, giám đốc trung tâm nghiên cứu bệnh học tại University of Minnesota đã nghĩ xa hơn. “Hiện giờ thì Ebola chỉ lây nhiễm qua ngõ tiếp xúc với máu và chất ói mửa, nhưng biết chừng đâu một lúc nào đó virus Ebola ngẩu biến bất tử, thay đổi cách lây nhiễm qua ngõ hô hấp (từ tiết vật bắn ra trong các cơn ho…) và lúc đó dịch Ebola sẽ trở thành ác mộng thật sự của nhân loại”. Ông Bs nầy đưa ra giả thuyết trên càng làm cho nỗi lo sợ Ebola trong dân chúng càng gia tăng thêm.
Hoa kỳ hốt hoảng nên kể mấy ngày qua, 5 phi trường lớn tại Mỹ đã áp dụng biện pháp tích cực đối với các du khách đến từ vùng Tây Phi châu. Họ phải trả lời một số câu hỏi liên quan với bệnh Ebola cũng như phải bị rà xét coi co dấu hiệu sốt nóng hay không… Đó là các phi trường:
- New York J F Kennedy, Washington Dulles Int., Newark Liberty Int, New Jersey, Chicago Ohare Int., và Hartsfield Jackson Atlanta.
Video: http://kxan.com/2014/10/08/us-to-screen-travelers-for-ebola-at-5-airports/

Kết luận
Cũng may là đa số bệnh của thú vật ít khi lây nhiễm đến chúng ta. Tuy vậy, gần đây một số virus đặc thù của các bệnh ở thú đã làm cho các nhà khoa học hết sức lo ngại bởi lẽ chúng rất khó bị tiêu diệt được cũng như chúng có khả năng ngẫu biến (mutation) và thích nghi dễ dàng vào môi trường mới và từ đó sẽ vượt hàng rào chủng loại (barrière d’espèce) để lây nhiễm sang cho người.
Zoonoses càng ngày càng gây nhiều lo sợ cho cộng đồng nhân loại!.
Phương pháp chăn nuôi công nghiệp, rất thâm canh với quá nhiều súc vật trên những diện tích nhỏ hẹp đã tạo nên điều kiện cho bệnh tật dễ phát triển ra.
Sự khai phá rừng một cách quy mô và bừa bãi đã làm cho thú vật mất môi trường sống, bắt buộc chúng phải lân la về những nơi đông dân cư để tìm thức ăn và đồng thời cũng truyền lây bệnh cho con người.
Ngoài ra, ngày nay sự phát triển và bành trướng quá nhanh của ngành giao thông vận tải đã giúp việc chuyển vận người và vật được dễ dàng hơn và nhờ đó mà mầm bệnh có thể theo du khách và hàng hóa đi chu du khắp thế giới một cách nhanh chóng và dễ dàng…
Phải chăng sự bộc phát của zoonoses là cái giá mà con người phải trả cho các tiến bộ khoa học mà chúng ta đang thụ hưởng?

Nguyễn Thượng Chánh, DVM


Đọc thêm
- B.W.J. Mahy (1) & C.C. Brown- Emerging zoonoses: crossing the species barrier
http://www.oie.int/doc/ged/d9285.pdf
- Cross-Species Virus Transmission and the Emergence of New Epidemic Diseases
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2546865/
- Cross-Species Virus Transmission and the Emergence of New Epidemic Diseases
http://mmbr.asm.org/content/72/3/457.short
- WHO- Scientists embrace the “One World” approach
http://www.who.int/bulletin/volumes/89/12/11-031211/en/index.html
- Trois traitements expérimentaux contre Ebola autorisés en France
http://www.lemonde.fr/planete/article/2014/09/19/trois-traitements-experimentaux-contre-ebola-autorises-en-france_4491055_3244.html
Bs Thú y Nguyễn Thượng Chánh
- Ebola, Phải Chăng Đây Là Cái Giá Con Người Phải Trả
http://vietbao.com/a224926/ebola-phai-chang-day-la-cai-gia-con-nguoi-phai-tra
- Sốt Xuất Huyết Ebola, Ác Mộng Của Nhân Loại
http://vietbao.com/a224855/sot-xuat-huyet-ebola-ac-mong-cua-nhan-loai
Montreal, 9 oct 2014

--------------------------------

on October 7, 2014 11:46 PM

Những người mắc HIV có thể sống nhiều năm nếu được dùng thuốc, nhưng bất cứ trường hợp nào tiếp xúc với người nhiễm Ebola thì gần như nhận bản án tử.

Không giống các loại virus khác như viêm gan A, B, C… có thể ở trong cơ thể người nhiễm suốt 15 năm mà không có bất cứ triệu chứng nào, virus Ebola với triệu chứng bao gồm xuất huyết ở miệng và hậu môn, có thể giết chết nạn nhân chỉ trong vài ngày.

Một giáo sư dịch tễ học và khoa học sức khỏe cộng đồng tại Đại học Ilorin, bang Kwara (Nigeria), Tanimola Akande, miêu tả virus Ebola – loại virus đang tàn phá Guinea, Sierra Leone, Liberia và làm chết một y tá ở Nigeria, là thách thức lớn nhất đối với sức khỏe của các tiểu vùng hiện nay. Akande nói rằng cơ chế lan truyền bệnh là một lý do chính khiến Ebola thành loại virus nguy hiểm nhất. “Ebola không có cách chữa không phải là lý do nó nguy hiểm. HIV cũng chưa có cách chữa nhưng nó chưa giết hết các nạn nhân nếu biết kiểm soát đúng cách. Ebola nguy hiểm hơn vì nó rất dễ nhiễm. Nó nằm trong tất cả các dịch cơ thể của người nhiễm bệnh và lây lan thông qua nước bọt, máu, mồ hôi, tinh trùng, chất thải, các mô cơ thể. Nó có thể bị nhiễm từ việc chạm vào các bề mặt người nhiễm bệnh từng đụng vào”, ông nói. Ngoài ra, vật chủ tự nhiên của Ebola là dơi quạ ăn trái, tinh tinh và các động vật rừng khác được nhiều người dùng làm thức ăn hằng ngày. Bạn có thể nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc với máu của động vật nhiễm bệnh. Bất cứ loại virus nào có thể nhiễm qua thức ăn đều tiềm ẩn lấy đi nhiều sinh mạng. Bệnh do virus Ebola còn rất khó nhận biết triệu chứng vì nó gần giống với các bệnh thông thường khác như sốt rét, sốt xuất huyết, sốt thương hàn… Nhiều nhân viên y tế có thể đã tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm bệnh này mà không biết. “Khi một bệnh nhân tới bệnh viện và kể các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ… bác sĩ có thể không đeo găng tay hay bảo hộ lúc điều trị cho họ và bạn nhiễm bệnh trước khi biết nó là Ebola”, bác sĩ Akande nói. Để ngăn chặn việc truyền bệnh, Akande khuyến cáo người Nigeria ngừng ăn thịt cũng như rửa sạch tay và trái cây trước khi ăn. Ông cũng khuyên các nhân viên y tế luôn mặc đồ bảo hộ khi khám và điều trị cho bệnh nhân. Con người từng sợ hãi trước HIV/AIDS, nhưng Ebola còn nguy hiểm hơn HIV/AIDS. Những người mắc HIV có thể sống nhiều năm nếu được dùng thuốc nhưng bất cứ trường hợp nào tiếp xúc với người nhiễm Ebola thì gần như nhận bản án tử vì virus này không có văcxin và thuốc phòng. Cách tốt nhất có thể làm chỉ là cố gắng giảm nhẹ bệnh.

5 lý do virus Ebola nguy hiểm hơn các virus khác:

- Tỷ lệ sống sót thấp: Cơ hội sống sót gần như bằng 0, đặc biệt ở châu Phi. Nó giết 90% số người nhiễm. Cái chết là chắc chắn nếu bệnh nhân bị chảy máu. Gây chảy máu là “thương hiệu” của Ebola. Từ quan điểm y tế, bất cứ ai nhiễm bệnh này đều nên bị cách ly – để đợi cái chết. Nó giết người nhanh hơn AIDS và gây kịch tính không kém. Người chết không thể được chôn theo cách thông thường vì bệnh nhân còn sống hay đã chết đều có khả năng truyền bệnh.

- Hầu như không có cách chữa: Hiện nay chưa có thuốc hay biện pháp điều trị hoặc văcxin để ngừa bệnh. Có 4 loại virus khác nhau gây bệnh này. Có một vài loại thuốc cho các bệnh nhân HIV/AIDS để giúp họ kéo dài sự sống và có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Cách điều trị được dùng cho bệnh Ebola chỉ là để người bệnh ra đi đỡ đau đớn và thanh thản hơn. Thuốc kháng virus không có giá trị gì.

- Rất dễ lây: HIV/AIDS lây qua tiếp xúc máu hay quan hệ tình dục, Ebola chỉ cần tiếp xúc với cơ thể nhiễm bệnh. Nguy cơ nhiễm HIV cao nhất là ở người bán dâm và đồng tính nam, còn người có nguy cơ nhiễm Ebola cao nhất lại là nhân viên y tế, người thân và bạn bè của người bệnh. Thợ săn khỉ, dơi và những người hay ăn thịt cũng cần cẩn thận.

- Bạn không có cách cụ thể nào để bảo vệ chính mình: Có vài cách để ngừa HIV/AIDS. Cũng có một số cách để phòng bệnh sốt rét nhưng không có cách nào cụ thể, rõ ràng để ngăn ngừa Ebola. Bạn được khuyên là rửa sạch tay thường xuyên với xà phòng và nước, tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh (và các chất tiết, máu của họ), tránh tiếp xúc với những người đã tiếp xúc với người bệnh. Tất cả cách phòng bệnh chỉ bằng việc vệ sinh.
Có 5 tuýp virus Ebola. Loại gây dịch hiện nay (Zaire ebolavirus) gây tử vong cho gần 80% trường hợp mắc. Một trong những lý do chính khiến virus Ebola đặc biệt nguy hiểm là chúng dường như có khả năng tránh được hệ thống miễn dịch của con người. Trong số các vấn đề khác, tế bào bạch cầu từ hệ thống miễn dịch thường thường chết dần chết mòn ở các bệnh nhân Ebola. Nếu cơ thể hoàn toàn không thể kháng cự, virus sẽ tiếp tục tấn công rộng hơn. Yếu tố xã hội và chính trị cũng góp phần vào thảm họa Ebola hiện tại. Đây là lần đầu dịch Ebola lớn bùng phát ở Tây Phi, nhiều nhân viên y tế ở khu vực này chưa từng có kinh nghiệm hay được đào tạo cách bảo vệ chính mình hay chăm sóc bệnh nhân. Ngoài ra, người dân ở các nước này có xu hướng di chuyển nhiều hơn vùng Trung Phi (nơi hay có dịch xảy ra), khiến virus phân tán về mặt địa lý và gây khó khăn cho việc theo dõi những người có thể đã nhiễm bệnh. Trong khi đó, kỳ thị xã hội và sự nhận thức kém có thể khiến nhiều người không đi khám chữa (thậm chí cố tránh né). Một số người tiếp xúc trực tiếp với xác bệnh nhân khi tổ chức đám tang hoặc chuẩn bị cho việc chôn cất cũng có thể làm lây lan bệnh, một bài xã luận trên tạp chí y học Lancet cho hay. Theo tờ New York Times, ở các nước đang có dịch, một số người lo ngại các nhân viên y tế đã gây ra Ebola và đã đe dọa họ bằng dao, đá… hay dùng thái độ thù địch bao vây xe của y, bác sĩ… Nhóm nhân đạo Các bác sĩ không biên giới cũng ghi nhận 12 làng ở Guinea có Ebola nhưng không an toàn cho nhân viên y tế. Ở Sierra Leone, nổ ra cuộc biểu tình chống lại một bệnh viện khiến cảnh sát phải sử dụng tới hơi cay. Đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Liberia cho thấy, vấn đề theo dõi sự tiếp xúc của bệnh nhân với người khác cũng gặp khó khăn vì tồn tại sự kháng cự, bất hợp tác trong cộng đồng. Không có đủ các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý dữ liệu yếu, chỉ đạo và phối hợp kém cũng làm dịch thêm nặng nề. Sự đáng lo ngại của dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi không chỉ vì số lượng nhiều người mắc nhất và nguy hiểm nhất mà còn bởi nhiều nhân viên y tế đã mất mạng khi chăm sóc người bệnh. Đến nay, theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), số nhân viên y tế chết trong dịch Ebola là 60 người. Ở đợt dịch lớn thứ hai trong lịch sử, xảy ra năm 1976 tại Zaire, chỉ có 11 nhân viên y tế chết. Đó là ổ dịch đầu tiên trong lịch sử, khi các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan virus còn chưa được thiết lập.

Các lý do khiến nhiều y bác sĩ chết trong đợt dịch lần này:

- Năm 1976, số người chết là 280 trong tổng số 138 trường hợp được báo cáo. Năm 2014 đã có 729 người chết trong số 1.323 trường hợp ghi nhận. Như vậy, con số tử vong do Ebola năm 2014 cao gấp hơn 4 lần năm 1976.

- Khu vực địa lý phân tán rộng hơn: Trước đây dịch chỉ xảy ra ở một khu vực xa xôi. Hiện nay, Ebola đã phát tán ở cả thành thị và nông thôn các nước Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria. Vì vậy số người bị ảnh hưởng lớn hơn hẳn và vì thế tỷ lệ nhân viên y tế chịu tác động đáng buồn cũng cao hơn.

- Thiếu trang thiết bị y tế: Các nhân viên y tế được khuyên phải đeo mặt nạ, kính, áo choàng, găng tay khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm Ebola. Nhưng vấn đề là y bác sĩ làm việc tại các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những người làm việc ở các nước nghèo nhất trên trái đất – nơi dịch đang diễn ra – không phải lúc nào cũng được tiếp cận với các đồ bảo hộ lao động này. Bởi thế, họ có thể bị lây và chết. Trong số các trường hợp y bác sĩ đã chết không có người nào từ nước ngoài. Các tổ chức cứu trợ nước ngoài như Tổ chức bác sĩ không biên giới áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt cho tất cả các nhân viên nên không bị tổn thất người nào. Ngay cả khi các nhân viên y tế ở những nước có dịch được phòng ngừa và trang bị đầy đủ từ lúc Ebola bắt đầu thì họ vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Ở thời điểm đó, các y bác sĩ không biết virus chết người này ẩn náu trong những bệnh nhân của họ, đặc biệt là những người có biểu hiện bệnh chỉ như cảm cúm thông thường.

Những điều nên biết về dịch Ebola: Virus Ebola gây ra bệnh hiện nay đã được biết đến trước đó và không có thay đổi đáng kể, so với khi được phát hiện lần đầu năm 1976. Một số loại virus có thể thay đổi đáng kể qua các năm, bao gồm virus cúm và virus SARS. Trong trường hợp này, các chuyên gia y tế dự phòng luôn xem xét xem có gì biến đổi với cơ chế tấn công khác của virus không. Nhưng Ebola không nằm trong số này. Không thể xác định ai có thể mắc Ebola từ cách đơn giản như đi chung máy bay hay ở một không gian công cộng với người mắc bệnh. Bởi vì Ebola không lưu thông trong không khí như virus cúm hay các bệnh đường hô hấp khác. Để mắc Ebola, bạn phải tiếp xúc với dịch cơ thể (như mồ hôi, chất nôn, máu, nước tiểu, tinh dịch) của người bệnh, cả còn sống và đã chết. Ebola có thể sống trên một bề mặt ít nhất 7 ngày, bạn có thể tiếp xúc với mầm bệnh nếu chạm vào giường hay các đồ dùng có chứa dịch từ cơ thể người bệnh. Sau đó, bạn có thể đưa virus vào cơ thể khi chạm tay vào đồ ăn và ăn. Người mắc Ebola nhìn chung không lây bệnh cho đến khi họ phát bệnh: Khi có các triệu chứng bệnh như sốt, đau người hay nôn mửa, người mắc Ebola có thể truyền bệnh. Không có chuyện người lành mang mầm bệnh và lây bệnh cho người khác. Tuy nhiên, các dấu hiệu bệnh sớm khó phân biệt, thường giống các bệnh khác như cúm và tiêu chảy. Một số triệu chứng phổ biến hơn của Ebola như chảy máu từ các lỗ hở trên cơ thể thường không xảy ra cho đến giai đoạn sau và đôi khi không có.

Người mắc Ebola có thể sống sót: Dịch Ebola hiện tại có tỷ lệ sống khoảng 40% và chăm sóc y tế tốt có thể giúp bệnh nhân vượt qua bệnh.

Dịch hiện nay trở nên tồi tệ vì nó xảy ra ở nơi có cơ sở y tế nghèo nàn. Những nước ở tâm dịch – Guinea, Liberia, Sierra Leone nằm trong số những nước nghèo nhất thế giới. Bình quân GDP trên đầu người của cả ba nước thấp hơn Haiti. Trang trải cho chăm sóc sức khỏe rất nhỏ, trong khoảng 40 USD – 100 USD mỗi người một năm. Cơ sở hạ tầng y tế yếu, vì thế không ngạc nhiên khi có báo cáo cho thấy nhân viên y tế mất niềm tin và sợ hãi, thậm chí trốn chạy khi dịch bùng phát. Bởi thế, rất nhiều công việc chống lại Ebola ở Tây Phi đã dồn lên vai các tổ chức phi chính phủ như Bác sĩ không biên giới.

Ebola có thể bùng lên ở các nước ngẫu nhiên nhưng không có nghĩa là thảm họa: Tỷ lệ du lịch quốc tế cao gần đây có thể khiến dịch Ebola truyền từ quốc gia này sang quốc gia khác theo đường di chuyển của con người. Nhưng nó không có nghĩa là dịch sẽ bùng nổ tiếp ở địa điểm mới. Điều này phụ thuộc vào việc hệ thống y tế dự phòng tại đó đã chuẩn bị đối phó với dịch như thế nào. Chẳng hạn, trong khi Trung Đông đã có hàng trăm ca nhiễm virus MERS chết người, hai người đã mang virus này vào Mỹ vào tháng 5 nhưng họ không hề làm lây lan ra và dịch không xảy ra ở Mỹ.

----------------------------

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Thursday, October 09, 2014 1:51:22 PM



No comments:

Post a Comment

View My Stats