Sunday 26 October 2014

Đa đảng và đối lập để làm gì? (Việt Hoàng - Thông Luận)





Được đăng ngày Chủ nhật, 26 Tháng 10 2014 14:10

Với chính quyền Việt Nam và một số không ít người thì ‘đa đảng’ là không tốt vì dễ sinh ra hỗn loạn và đảng nào cũng chỉ vì quyền lợi của mình chứ không vì quyền lợi của người dân,v.v… vì vậy cứ một đảng như ở Việt Nam cũng được?! Về phía chính quyền Việt Nam, họ ngụy biện để mong được cầm quyền suốt đời thì là đương nhiên. Đáng buồn (và cả đáng giận lẫn đáng thương) là một số người Việt Nam (trong đó có không ít người vẫn cho mình là trí thức) vì thiếu hiểu biết nên cũng nghĩ như vậy. Đâu là sự thực và là bản chất của vấn đề?

Trước hết thế nào là một đảng chính trị? Theo định nghĩa của chúng tôi, thì “một chính đảng đúng nghĩa được quan niệm như là một dụng cụ để thể hiện một tư tưởng chính trị nghiêm túc và để thực hiện một dự án chính trị đúng đắn”. Như vậy, một đảng (hay một tổ chức) chính trị là tập hợp của những người cùng chia sẻ một lý tưởng chính trị với mong muốn tham gia vào chính trường, được nắm quyền để thay đổi xã hội theo những giá trị mà tổ chức đó đề nghị và theo đuổi.

Vì sao lại xuất hiện nhiều đảng phái với nhiều khuynh hướng và đường lối khác nhau? Lý do: Xã hội vốn đa nguyên với nhiều nhóm người khác nhau và vì thế yêu cầu và đòi hỏi cũng khác nhau. Thông thường thì mỗi đảng phái sẽ đại diện cho một đường lối phát triển và cho một hay nhiều nhóm người khác nhau. Đảng phái nào chiếm được cảm tình và đồng thuận nhiều nhất từ những nhóm người khác nhau thì đảng phái đó có khả năng giành chiến thắng cao nhất. Việc đảng cộng sản suốt 69 năm qua áp đặt một mô hình chính trị duy nhất là chủ nghĩa cộng sản của Mác-Lênin lên trên 90 triệu người Việt Nam là khiên cưỡng và hoàn toàn trái với qui luật tự nhiên. Ai không tin có thể yêu cầu đảng cộng sản làm một cuộc ‘trưng cầu dân ý’ thì sẽ rõ. Một điều rất dễ thấy để nhận biết đảng cộng sản Việt Nam đang chống lại quy luật tự nhiên và đi ngược dòng lịch sử là họ thường xuyên dùng bạo lực để khuất phục các tiếng nói đối lập và khác ý kiến với họ. Nên nhớ, nền tảng tạo nên tính chính danh cho các đảng phái để được cầm quyền là nhờ vào sự thuyết phục người dân chứ không phải dùng vũ lực để khuất phục người dân. Nếu đã phải dùng đến vũ lực thì cần gì đến việc tổ chức bầu cử và nhà nước pháp trị hay tam quyền phân lập.v.v.?

Đúng là chế độ dân chủ vẫn còn khiếm khuyết, như cố thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói đại ý rằng dân chủ không phải là chế độ tuyệt hảo nhưng là chế độ ít xấu xa nhất (*). Chúng ta cũng cần biết đến một qui luật của cuộc sống: “Thực tiễn là thước đo quan trọng và duy nhất cho mọi chủ thuyết”. Rõ ràng là chế độ dân chủ tuy còn nhiều bất cập nhưng nó đã đem lại ấm no và hạnh phúc cho người dân các nước đó. Chỉ có người dân các nước độc tài như Việt Nam, Cuba mới chạy sang xin tị nạn tại các nước dân chủ chứ chưa có chuyện ngược lại bao giờ. Nếu đảng cộng sản Việt Nam cho rằng họ có công lao trời biển với đất nước và họ là sự lựa chọn duy nhất của người dân Việt Nam…Vậy sao họ không dám cạnh tranh và tham gia bầu cử công khai với các đảng phái khác? Một qui luật nữa của cuộc sống là: “Cạnh tranh tạo ra động lực phát triển, sản sinh ra đạo đức và thiết lập sự văn minh”. Các nước dân chủ vì có cạnh tranh trong mọi lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị nên đất nước của họ ngày càng phát triển. Các sản phẩm của họ ngày càng đẹp, bền, rẻ và thuận tiện cho con người khi sử dụng. Trong khi đó Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của đảng thì suốt 70 năm qua vẫn chưa sản xuất được cái ốc vít cho hãng điện thoại Samsung. Vậy đa đảng để cạnh tranh trong chính trị là có cần thiết hay không?

Nhà báo trẻ Đoan Trang rất có lý khi đặt câu hỏi rằng: “Đa đảng, có cơ chế cạnh tranh, mà đảng nào cũng chỉ lo quyền lợi của mình. Thế thì làm thế nào mà một đảng, lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, không phải cạnh tranh với ai, lại chăm lo cho dân được? Làm cách nào?”. Chúng tôi rất cám ơn Đoan Trang với loạt bài viết “Nói với mình và các bạn: Vẻ đẹp của chính trị”. Phải công nhận rằng Đoan Trang đã bỏ công nghiên cứu rất nghiêm túc về lĩnh vực chính trị và kiến thức của cô hơn rất nhiều so với những người đang giữ trọng trách lớn tại Việt Nam. Các bạn trẻ Việt Nam muốn dấn thân vào các hoạt động chính trị nên dành thì giờ để đọc các bài viết của Đoan Trang. Cách tiếp cận vấn đề của cô rất dễ hiểu và rất có chiều sâu.

Đoan Trang cũng đã trả lời cho câu hỏi mà chúng tôi nêu ra “Đảng để làm gì?”:

1.  Cung cấp nhân sự lãnh đạo cho bộ máy chính quyền.
Điều này chúng tôi đã đề cập nhiều lần. Môi trường tổ chức là môi trường gần như là bắt buộc và duy nhất để sản sinh ra các chính trị gia. Theo quan niệm hiện đại thì ‘làm chính trị’ cũng là một nghề như bao nghề khác vì vậy cũng cần phải học hỏi mới có thể làm tốt công việc đó. Thường thì ở các nước dân chủ phát triển thì chính trị gia là những người giữ chức vụ từ bộ trưởng trở lên, từ thứ trưởng trở xuống là những nhà kỹ trị, tức là những người làm chuyên môn. Muốn chính phủ làm việc có hiệu quả thì các chính trị gia phải có kiến thức về vĩ mô và ‘văn hóa tổ chức’, trong đó văn hóa tổ chức chỉ có thể học hỏi được trong môi trường của các tổ chức chính trị. Các cá nhân hoạt động chính trị mà không tham gia vào bất cứ tổ chức nào thì đó chỉ là những nhân sĩ chứ không thể nào là chính trị gia. Nhân sĩ không phải là ‘trí thức chính trị’ vì vậy các chính đảng cầm quyền trong tương lai không nên ‘hợp tác’ với các nhân sĩ. Làm chính trị là ‘phải có khả năng làm việc chung với nhiều người’ vì vậy nó không có chỗ cho các nhân sĩ.

2.  Cung cấp các giải pháp chính sách.
Đoan Trang đã giải thích rất thuyết phục và rất rõ ràng: “Các đảng đều có đường lối, cương lĩnh chính trị riêng, và đó là nền tảng để họ ban hành chính sách công. Về điểm này, có thể ví chính trị như một thị trường, mà mỗi đảng phái là một công ty cung ứng sản phẩm, sản phẩm đó là các giải pháp để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vậy.
Bên cạnh việc đưa các giải pháp chính sách ra “chào mời”, các đảng phái cũng có chức năng phản biện chính sách, nhất là đảng đối lập. Và, bạn thấy đấy, đó cũng là lý do tại sao phải đa đảng: Thị trường mà chỉ có một nhà cung cấp thì chắc chắn chất lượng sản phẩm và dịch vụ của nhà cung cấp ấy chẳng ra gì, không sớm thì muộn”.

Một đảng phái chính trị mà không có cương lĩnh chính trị, tức là một ‘giải pháp thay thế’ thì đó không phải là một chính đảng đúng nghĩa. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có đề nghị và giới thiệu một Dự Án Chính Trị như là một giải pháp thay thế cho ‘giải pháp cộng sản’. Dự Án đó là lý tưởng, đồng thuận, mục đích mà chúng tôi theo đuổi và sẽ thực thi khi chúng tôi được người người dân Việt Nam lựa chọn làm đảng cầm quyền.

3.  Làm cầu nối giữa chính quyền và người dân.
Trong một xã hội luôn có nhiều thành phần dân chúng vì thế mà nguyện vọng và đòi hỏi của các thành phần dân chúng này luôn khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Đảng phái là nơi để người dân lên tiếng và bày tỏ nguyện vọng của mình. Càng nhiều đảng đối lập thì người dân càng có nhiều tiếng nói và lựa chọn hơn. Thậm chí ngay cả các đảng cực hữu, là nơi tập trung các thành phần chống đối hung hăng nhất và họ cũng nên có người đại diện để lên tiếng và bày tỏ thái độ của mình. Nhà nước cũng có lợi khi đám người này được quản lý và dẫn dắt bởi một đảng phái thay vì để họ tự ý hành động theo ý mình. Người dân sẽ có lợi khi đa đảng vì có thể yêu cầu, đòi hỏi các đảng phái chiều theo ý nguyện của mình bằng cách hứa bỏ phiếu cho đảng nào làm đúng ý mình. Nếu đảng phái nào chỉ biết đến quyền lợi của mình mà không chú ý đến quyền lợi của người dân thì chắc chắn sẽ không được người dân lựa chọn và bỏ phiếu cho.

4.  Làm những việc tế nhị và khó khăn mà chính quyền không thể làm.
Đảng đối lập và đảng cầm quyền như là hai mặt của một tấm huy chương. Các đảng đối lập không nhất thiết phản ánh quan điểm, đường lối của chính quyền và nhà nước mà nó chỉ là ý kiến của một bộ phận người dân. Tuy nhiên trong một số trường hợp nó lại rất quan trọng. Ví dụ, trước các hành động gây hấn của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nếu chính quyền Việt Nam phản ứng quá gay gắt thì có thể sẽ gây bất lợi nhưng nếu Việt Nam có đảng đối lập mạnh thì đảng đối lập đó có thể lớn tiếng hay tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ mà chính quyền Trung Quốc không thể nào làm gì được. Ngay cả nước Mỹ cũng vậy, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ luôn ‘kẻ đấm người xoa’ trong mọi vấn đề quan hệ quốc tế. Thậm chí ngay cả tại Nga thì Putin cũng phải cần đến một nhân vật rất cực đoan là Zhirinovski, chủ tịch đảng ‘Dân chủ tự do’, một chính khách ăn nói bạt mạng và rất hung hăng để làm mềm đi hình ảnh của Putin. Sự nghiệp của ông này lên như diều gặp gió dưới thời Putin, hiện tại ông ta là phó chủ tịch Duma quốc gia Nga.

5.  Minh chứng cho một đất nước có dân chủ.
Một đất nước có dân chủ không phải là đất nước đó có chính quyền mạnh mà là có một đối lập dân chủ mạnh. Đối lập càng mạnh, càng ngang ngửa với chính quyền thì đất nước đó càng có dân chủ cao. Một chính quyền mạnh như Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên không đồng nghĩa với một đất nước có dân chủ. Những nước mà đối lập dân chủ mạnh như Mỹ, Nhật, Anh… mới là những nước dân chủ thực sự. Tuy khoảng cách giữa đảng cầm quyền và đối lập có lúc rất xa nhưng có lúc lại rất gần. Chỉ sau một đêm bầu cử là đối lập thành đảng cầm quyền và ngược lại.

Một đất nước dân chủ, thông minh là đảng cầm quyền và đối lập phải hợp tác chặt chẽ với nhau, có lúc cần phải đồng thuận với nhau trên những vấn đề quan trọng và sống còn của đất nước. Đối lập không phải là kẻ thù của chính quyền. Khi đất nước lâm vào khủng hoảng thì đối lập là người đứng ra chịu trách nhiệm và gánh vác trọng trách điều hành đất nước thay cho đảng cầm quyền. Đối lập sẽ giúp đảng cầm quyền hạ cánh an toàn trước làn sóng thịnh nộ của người dân. Trên quan điểm đó và tinh thần dân chủ đa nguyên với thái độ bao dung, hòa giải và đoàn kết Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không xem đảng cộng sản là kẻ thù mà là ‘đồng nghiệp’. Tuy vậy có những lúc chúng tôi không thể nào chấp nhận được sự thô bỉ và dốt nát của họ, ví dụ như việc nhỏ nhất là mua cho ông Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) một đôi giày trước khi trục xuất ông sang Mỹ. Hình ảnh ông ta đi đôi dép tổ ong lúc hạ cánh xuống Hoa Kỳ đã thay ngàn lời muốn nói, tố cáo bản chất phi nhân của chế độ cộng sản…

Như vậy, nhà báo Đoan Trang đã đưa ra ba chức năng của các đảng phái chính trị và chúng tôi tạm thêm hai chức năng nữa. Chắc chắn là sẽ còn nhiều các chức năng khác, nhưng với chừng đấy thôi thì độc giả cũng có thể hiểu ra một điều là “đa đảng sẽ có lợi hơn nhiều so với một đảng”. Đã đến lúc người Việt nam cần quan tâm nhiều hơn đến chính trị bằng cách dành thì giờ đọc các dự án chính trị của các đảng phái chính trị để tìm hiểu xem vị trí mỗi người sẽ đứng ở đâu trong quá trình thay đổi đó. Nếu quyền lợi của bạn vẫn chưa được đáp ứng thì bạn có thể đưa ra yêu cầu và đòi hỏi cho các đảng phái. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ mọi yêu cầu hay thắc mắc của tất cả mọi người dân Việt Nam. Chúng tôi muốn có lá phiếu và sự tín nhiệm của đa số người dân Việt Nam để có thể trở thành đảng cầm quyền trong tương lai. Khi đó chúng tôi sẽ thực thi giải pháp ‘dân chủ đa nguyên’ và chúng tôi tin rằng ‘giải pháp thay thế’ mà chúng tôi đề nghị trong Dự Án Chính Trị của mình là cần thiết và thích hợp cho đất nước và cho mọi người dân Việt Nam.

Việt Hoàng 

(*) It has been said that democracy is the worst form of government except all the others that have been tried.


Phụ lục:

“Nói với mình và các bạn”: Tại sao phải có đảng phái? (Đoan Trang)

Dưới đây là bài thứ 12 trong loạt bài “Nói với mình và các bạn: Vẻ đẹp của chính trị”. Mục đích mà loạt bài hướng tới là góp phần giúp độc giả, nhất là các bạn trẻ, hiểu hơn về chính trị. Bài này sẽ bàn về một vấn đề hết sức cụ thể, căn bản của chính trị, đó là sự cần thiết phải có các đảng phái, và hơn thế nữa, bắt buộc phải đa đảng.
Với bài viết này, bạn sẽ thấy lối nói “đảng nào thì cũng chỉ vì quyền lợi của đảng ấy thôi chứ lo gì cho dân, càng lắm đảng càng chia rẽ quần chúng” chỉ là một ngụy biện ở trình độ thấp. Nhưng trước hết chúng ta cần hiểu những khái niệm căn bản, như đảng là gì và chức năng của các đảng phái trong xã hội?


* * *

Kỳ 12

TẠI SAO PHẢI CÓ ĐẢNG PHÁI?

Hẳn là tất cả chúng ta – những người dân Việt Nam – đều từng nghe lập luận này ít nhất một lần trong đời: “Đảng nào thì cũng chỉ vì quyền lợi của đảng ấy thôi chứ lo gì cho dân, cho nên đa đảng thì chỉ tổ các đảng đấu đá, tranh giành quyền lực, làm loạn xã hội. Thà một đảng (ý nói là Đảng Cộng sản Việt Nam) mà chăm lo cho dân còn hơn”.

Không cần thông minh lắm thì chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi vặn lại: “Đa đảng, có cơ chế cạnh tranh, mà đảng nào cũng chỉ lo quyền lợi của mình. Thế thì làm thế nào mà một đảng, lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, không phải cạnh tranh với ai, lại chăm lo cho dân được? Làm cách nào?”.

Tuy nhiên, bỏ qua cách lập luận phi logic của những người ủng hộ “độc đảng”, thì cũng có thể thấy rằng những người đưa ra lý lẽ như vậy không hiểu đảng nghĩa là gì.


Đảng là gì?
 
Đố bạn biết đây là cờ của đảng nào?   (Xem chú thích ở dưới)

Một đảng chính trị được định nghĩa là một tổ chức bao gồm những cá nhân cùng nhất trí, chia sẻ với nhau những nguyên tắc, đường lối chính trị nào đó (có người gọi là “cương lĩnh”, “ý thức hệ”…) và họ cùng nhau hoạt động chính trị (xem Kỳ 3, “Tham gia chính trị là làm gì”) với mục đích nắm chính quyền và cai quản xã hội theo đường lối đó của họ.

Xin nhấn mạnh là mục đích của đảng phái là “hoạt động chính trị để tiến tới nắm chính quyền và cai quản xã hội theo đường lối của họ”. Đây chính là điểm làm nên sự khác biệt giữa đảng phái và tổ chức xã hội dân sự – lực lượng mà chính quyền, an ninh và dư luận viên ở Việt Nam hiện nay đang rất ghét vì cho là “phản động đội lốt”. Từ định nghĩa này, các bạn có thể thấy: Tổ chức dân sự có thể tham gia chính trị, tiến hành các phong trào xã hội (như Occupy Central chẳng hạn), các chiến dịch vận động (như vận động cho nhân quyền Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc), v.v. nhưng chừng nào họ không có mục đích nắm chính quyền, chừng đó họ vẫn không phải là đảng phái.

Chỉ khi nào một tổ chức, ví dụ như Hội Anh Em Dân Chủ, Phong trào Liên đới Dân Oan… theo đuổi việc giành chỗ đứng trong chính quyền, kiểm soát chính quyền, họ mới trở thành đảng phái chính trị.
Bởi vậy cho nên, nếu một đảng, ví dụ Việt Tân, nói với bạn rằng họ không có mục đích giành ngôi vị lãnh đạo đất nước, thì bạn đừng tin, vì nếu như thế họ không còn là đảng nữa. Đã là đảng, phải tham gia chính trị nhằm kiểm soát cương vị lãnh đạo, điều hành nhà nước. Họ có thể chấp nhận chia sẻ hoặc không chia sẻ quyền lãnh đạo đó với đảng khác, nhưng việc giành quyền lực chính trị luôn phải là mục đích tối hậu của mọi đảng phái.

Cũng bởi vậy, nên khi Điều 4 Hiến pháp Việt Nam quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam (…) là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”, thì mặc dù không nói trắng ra là cấm đa đảng, nhưng Điều 4 này đã nhẹ nhàng và nghiêm khắc loại bỏ sự tồn tại của tất cả các đảng khác rồi. Bởi vì chẳng có đảng nào lại không hoạt động để giành quyền lãnh đạo cả.

Thế nếu như đảng nào cũng được thành lập và vận hành nhằm theo đuổi quyền kiểm soát đất nước, thì có đúng là họ chỉ vì quyền lợi của họ mà không vì quyền lợi của dân không? SAI. Các đảng phái chính trị vốn đã ra đời từ hàng trăm năm về trước trong các xã hội tương đối tiến bộ so với thế giới lúc đó, và chúng vẫn tồn tại đến bây giờ ở đại đa số các nước trên thế giới (kể cả Trung Quốc – nước này cũng theo chế độ đa đảng dù chỉ là hình thức); điều đó ắt hẳn phải có lý do của nó.

Bà Janet Q. Nguyễn (SN 1976tại Sài Gòn), người Mỹ gốc Việt,đảng Cộng hòa, đang tranh cử làm
thượng nghị sĩ của bang California. 

Đảng làm được gì?

Các nhà nghiên cứu khoa học chính trị trên thế giới cho rằng đảng phái có nhiều chức năng:
Chức năng đầu tiên là cung cấp nhân sự lãnh đạo cho bộ máy chính quyền (thông qua cơ chế bầu cử và/hoặc chỉ định). Nói cách khác, đảng là tổ chức sản sinh ra các chính trị gia. Một trong các chức năng của một đảng chính trị là tuyển lựa/ chiêu mộ và đề cử người cho vị trí lãnh đạo các cơ quan cấp cao của nhà nước.

Bạn sẽ hỏi: Vậy các cá nhân có thể tự ứng cử vào vị trí lãnh đạo mà không cần thông qua đảng phái nào, ví dụ một bác sĩ giỏi có thể tự ứng cử vào ghế Bộ trưởng Y tế không? Câu trả lời: Tất nhiên là có, nhưng – như trong bài Tham gia chính trị là làm gì đã nói, thường thì bạn nên có tổ chức. Vì lý do đơn giản là bạn không thể tự mình làm hết mọi việc được; chuyện này lại liên quan đến một khái niệm của ngành kinh tế học, là “chi phí cơ hội”.

Nếu bạn vừa phải làm chuyên môn (y tế), vừa lo vận động tài chính, gây quỹ để làm truyền thông, quảng bá mình, vừa tiếp xúc cử tri để lấy lòng họ, lại vừa phải lo cả khoản hình ảnh (trang điểm, phục sức khi xuất hiện trước công chúng v.v.), thì cứ cho là bạn giỏi tất cả mọi việc, bạn cũng sẽ mất rất nhiều chi phí, trong đó có chi phí cơ hội. Chính vì vậy, bạn cần có tổ chức, với các nhân sự chuyên vào các công việc khác nhau, cụ thể là vào công việc mà chi phí cơ hội của họ là thấp nhất: Bạn sẽ có người của đảng lo hộ bạn khâu gây quỹ, người khác lo việc xây dựng hình ảnh cho bạn, người khác nữa làm cố vấn về chuyên môn và chính sách, v.v.

(Cũng cần nói rõ là ở Việt Nam, theo luật pháp Việt Nam, công dân không có quyền ứng cử vào cơ quan hành pháp. Nghĩa là dù bạn có là một bác sĩ vừa giỏi chuyên môn, vừa có năng lực tổ chức và quản lý, bạn cũng không thể tự ứng cử vào chức Bộ trưởng Y tế. Bạn phải được Thủ tướng (là đảng viên Cộng sản) đề cử và được Quốc hội (với 95% thành viên là đảng viên Cộng sản, 5% là đội ngũ dự bị của Đảng Cộng sản) phê chuẩn). 

Chức năng thứ hai của đảng phái là cung cấp các giải pháp chính sách. Như đã nói ở trên, các đảng đều có đường lối, cương lĩnh chính trị riêng, và đó là nền tảng để họ ban hành chính sách công. Về điểm này, có thể ví chính trị như một thị trường, mà mỗi đảng phái là một công ty cung ứng sản phẩm, sản phẩm đó là các giải pháp để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vậy.
Bên cạnh việc đưa các giải pháp chính sách ra “chào mời”, các đảng phái cũng có chức năng phản biện chính sách, nhất là đảng đối lập. Và, bạn thấy đấy, đó cũng là lý do tại sao phải đa đảng: Thị trường mà chỉ có một nhà cung cấp thì chắc chắn chất lượng sản phẩm và dịch vụ của nhà cung cấp ấy chẳng ra gì, không sớm thì muộn.

Xin nhấn mạnh chức năng phản biện chính sách này của các đảng phái: Đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, đây là điều bắt buộc phải có. Đảng Cộng sản Việt Nam, với tư cách đảng cầm quyền duy nhất, đã và đang sở hữu quá thừa đội ngũ cố vấn chuyên về minh họa chính sách, giải thích đường lối, chủ trương của đảng và nhà nước cho người dân, mà không có được lực lượng phản biện chính sách chuyên nghiệp - các đảng đối lập. 

Chức năng thứ ba của đảng phái là làm cầu nối giữa chính quyền và người dân, mà nói đúng hơn là các nhóm dân khác nhau. Diễn đạt cách khác, đảng phái chính là một cơ chế để thông qua đó, người dân lên tiếng. Trong chế độ đa đảng, tồn tại nhiều đảng đối lập, công chúng dễ dàng có tiếng nói hơn nhiều. Ít nhất, ta cũng có thể thể hiện nhu cầu và nguyện vọng bằng cách bầu cho một đảng có đường lối, chính sách đúng ý mình, và không bầu cho đảng có đường lối, chính sách trái ý mình.
Vân vân. Đảng phái chính trị còn nhiều chức năng nữa, mà chúng ta – những người chưa bao giờ sống trong chế độ dân chủ đa đảng – chưa biết và sẽ cần tìm hiểu thêm, nếu quan tâm. Nhưng từ định nghĩa và một số chức năng nói trên của một đảng phái, chúng ta có thể chắc chắn một điều, rằng:
Đa đảng không đảm bảo dân chủ. Nhưng một đảng thì chắc chắn là độc tài.

Poster của Chó Hai Đuôi (MKKP) - một tổ chứcchính trị ở Hungary hiện chưa được đăng ký chính thức
làm đảng, vì lý do tên gọi không nghiêm túc.

Khi nào đa đảng không đảm bảo dân chủ?

Những nhà nghiên cứu khoa học chính trị trên thế giới cũng cho rằng, tồn tại những thể chế đa đảng mà phi dân chủ hoặc kém dân chủ, như:

· Hệ thống đa đảng, song tất cả các đảng đều phải chịu sự lãnh đạo, quản lý của đảng cầm quyền, như trường hợp Trung Quốc: Một chế độ đa đảng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng phái nhỏ trong một mặt trận thống nhất.

· Hệ thống đa đảng, song đảng cầm quyền liên tục thắng cử, giành hết mọi lợi thế để tiếp tục tạo đà… thắng cử tiếp, đẩy các đảng khác vào thế đã yếu ngày càng yếu hơn. Những tiếng nói đối lập bị o ép nhiều bề, bị trấn áp thông qua nhiều hình thức tinh vi. Đó là trường hợp của Singapore với Đảng Nhân dân Hành động (PAP).

Lại có một loại thể chế, loại chế độ mà bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bảo là “dân chủ gấp vạn lần tư bản”, nhưng vì nó chỉ có một đảng mà suốt hàng chục năm qua không phải chịu sự cạnh tranh hay chí ít là phản biện nào, nên người viết bài này không biết làm cách nào mà nó dân chủ được. Nếu không tin, đố bạn – không phải là đảng viên cộng sản – tham gia vào chính trường trong cái thể chế đó đấy! Chưa kể, trong hệ thống chính trị ấy, nếu bạn thành lập và/hoặc tham gia một đảng nào khác ngoài Đảng Cộng sản, bạn đối mặt với nguy cơ tù tội rất cao (vi phạm Điều 79 Bộ luật Hình sự, “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, hoặc tội khủng bố, thậm chí phản quốc, v.v.).

Ở Việt Nam, hoạt động đảng phái dẫn đến tù tội. Đó là một thực tế. Dù vậy, trên lý thuyết, vẫn phải khẳng định sự cần thiết của các đảng phái chính trị trong mọi xã hội.



*Chú thích

Lá cờ vàng có ngôi sao đỏ ở trên là cờ của đảng Dân chủ thời Việt Nam Cộng hòa. Đảng này do ông Nguyễn Văn Thiệu thành lập tại Sài Gòn năm 1967 và giải tán năm 1969.




No comments:

Post a Comment

View My Stats