Thursday 11 September 2014

"VƯƠNG QUỐC ANH THỐNG NHẤT" HẾT THỐNG NHẤT ? (Hùng Tâm/Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, September 10, 2014 2:20:33 PM

Một khi xứ Scotland quyết định ly khai khỏi vương quốc Anh

Ngày 18 này, xứ Scotland sẽ trưng cầu ý dân để quyết định là có còn ở trong vương quốc Anh thống nhất hay không.

Tuần qua, các cuộc thăm dò cho thấy là lần đầu tiên mà đa số - dù rất nhỏ - lại quyết định giành lại quyền độc lập sau 307 năm sát nhập vào vương quốc ngày nay được gọi là United Kingdom of Great Britain and North Ireland, hay United Kingdom of Britain. Nếu điều này mà xảy ra, ngày 24 tháng 3 năm 2016, nước Anh sẽ mất một mảng, Âu Châu có thêm một nước, và lãnh thêm nhiều vấn đề. Toàn cầu sẽ bị chấn động. “Hồ sơ Người Việt” sẽ tìm hiểu về chuyện này.

UK = England + Scotland + Wales + Northern Ireland

Trong giải túc cầu FIFA năm nay, nếu chú ý một chút, ta thấy đội banh của Anh có lá cờ hơi lạ: màu trắng, ở giữa là chữ thập đỏ. Ðấy là cờ của nước England. chứ không lá quốc kỳ đã có từ năm 1801 mà ta quen gọi là Union Jack hay Union Flag của vương quốc United Kingdom, với màu xanh đậm, ở giữa có hai chữ thập đỏ viền trắng, là biểu tượng tôn giáo của ba nước thành viên vào thời ấy.

Chi tiết đó, dân mộ điệu thể thao không cần biết!

Về chính trị, nước Anh là sự kết hợp từ lịch sử của 1) Great Britain (hải đảo lớn nhất, bên trong có ba quốc gia là England, Scotland, Wales) với 2) Northern Ireland là góc Ðông Bắc của đảo Ireland. Với dân số hơn 64 triệu, vương quốc Anh là cường quốc Âu Châu, xưa kia là đế quốc đã cai trị một phần ba thế giới. Ngày nay, bỗng dưng ngay trong đảo Great Britain, xứ Scotland (tên Hán Việt xa xưa là Tô Cách Lan) đòi ly khai để thành một quốc gia độc lập với dân số hơn năm triệu.

Lý do ban đầu có thể là vì tính toán kinh tế nhỏ nhoi, nhưng hậu quả sẽ vượt qua chính trị, trở thành nguy cơ phân hóa toàn cầu.

Từ lịch sử, sau khi ký Hiệp Ước Thống Nhất năm 1707, ba vương quốc nhỏ là England, Scotland và Wales đã nhập làm một. Nhưng bên trong, một số dân tại Scotland (gọi là Scots) vẫn ấm ức rằng mình bị vương quốc England sát nhập.

Tới cuối thể kỷ 20, vào năm 1999, giới dân cử Scotland tranh đấu để Quốc Hội của vương quốc thống nhất tại điện Westminster trong thủ đô London phải cho Scotland một quy chế đặc biệt là Quốc Hội Scotland tại điện Holyrood trong thủ phủ Edinburgh có một số thẩm quyền địa phương.

Ðiều nhỏ nhặt ấy chưa đáng quan tâm vì nước Anh và cả thế giới đang có những chấn động mới sau khi Liên Xô tan rã...

Ðầu năm 2011, một chính đảng Scotland là đảng Scottish National Party ra tranh cử tại địa phương với chủ trương là tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định về quyền độc lập. Chuyện bất ngờ là đảng này lại thắng lớn trong Quốc Hội Scotland. Nguyên do sâu xa là nhiều người Scotland không mấy hài lòng về quyền lợi kinh tế của họ và đòi hỏi nhiều hơn.

Một cách cụ thể, họ nghĩ là dân Scotland phải có phần hơn với tài nguyên năng lượng, là dầu thô tại Bắc Hải North Sea và khí đốt trong hải phận Scotland, sẽ quản lý việc khai thác hữu hiệu hơn. Và nhờ đó lập ra một quỹ an sinh cho dân cư được hưởng sau này, tương tự như quỹ phúc lợi của xứ Norway, Na Uy.

Khái niệm về chủ quyền (“dân Scotland phải có thẩm quyền về đời sống của mình”) trở thành điều hấp dẫn trong khi lãnh đạo của nhiều chính đàng khác tại Scotland và cả vương quốc lại coi thường. Khi ấy, Chính quyền liên hiệp của Thủ Tướng David Cameron của Ðảng Bảo Thủ với Ðảng Tự Do và Ðảng Lao Ðộng Anh còn tiến hành chánh sách cải cách nhằm giảm bội chi ngân sách và phúc lợi xã hội để phục hồi kinh tế. Chi tiết ít ai để ý là ngân sách địa phương của Scotland bị thâm hụt nặng vì nguồn thu về năng lượng giảm sút mà công chi lại tăng.

Sự xoay chuyển trái chiều, giữa yêu cầu chấn chỉnh của cả vương quốc với đòi hỏi cục bộ của Scotland, đã đào sâu dị biệt về nhận thức và khiến trào lưu ly khai tại Scotland có thêm lực đẩy.

Hôm Mùng Bảy vừa qua, lần đầu tiên các cuộc khảo sát dân ý cho thấy là phong trào ly khai do Ðảng Scottish National Party lãnh đạo có thể thắng trong cuộc trưng cầu sắp tới, với hậu thuẫn của cánh tả tại Scotland.

Gồm bốn mảng thống nhất, vương quốc này có thể mất mảng Scotland.

Những câu hỏi chưa giải đáp

Cuộc trưng cầu dân ý chỉ nêu câu hỏi là “Scotland có quyền độc lập hay không.” Nếu trả lời “không” thì Scotland tiếp tục chia sẻ tương lai với một tập thể lớn hơn, có khi sau những điều chỉnh mà đôi bên cùng thỏa thuận. Nếu họ trả lời “có” thì dân Scots sẽ “làm chủ cuộc sống của mình.”

Sau đó, chi tiết của tiến trình độc lập mới là ẩn số.

Nhiều nhân vật nổi tiếng đã nhảy vào cuộc tranh luận. Không kể giới chính trị thì các nghệ sĩ như Paul McCartney, David Bowie, Kate Moss hay J.K. Rowling (tác giả loạt truyện về Harry Potter), v.v... công khai kêu gọi tinh thần thống nhất. Ngược lại, các tài tử Sean Connery, Brian Cox, Alan Cuming hoặc danh hài Frankie Boyle thì vận động ly khai. Nữ hoàng Anh Elizabeth II thì giữ lập trường vô tư của hoàng gia và không nêu ý kiến là có hay không. Trong giả thuyết ly khai, bà vẫn có thể là quốc trưởng tượng trưng của một nước Scotland, như của Canada và Úc.

Nhưng vấn đề không thuộc phạm vi tượng trưng như vậy.

Trước hết, vì hiến pháp vương quốc Anh không có điều khoản nào về trường hợp ly khai này cho nên chưa ai biết được lộ trình sắp tới sẽ là những gì. Cả một hải đảo trôi vào vùng nước lạ. Nếu phe độc lập mà thắng thì từ nay đến tháng 3 năm 2016, Quốc Hội Scotland tại Edinburgh phải thương thảo với Quốc Hội của vương quốc tại London thủ tục chia chác. Cái gì vẫn thuộc tập thể UK, cái gì thì thuộc phạm vi quyết định, và gánh vác, của Scotland?

Những “cái gì” ở đây bao trùm lên rất nhiều lãnh vực.

Như ngân sách là số chi và thu về tài nguyên; như hối đoái tức là quy chế đồng tiền sử dụng; hay quân sự, gồm có phương tiện bảo vệ, kể cả vũ khí hạch tâm; ngoại giao, như vị trí của Scotland trong Liên Hiệp Âu Châu - sẽ phải xếp hàng để xin gia nhập như mọi xứ độc lập khác; hoặc an ninh, nếu Scotland không muốn có vũ khí hạch tâm thì còn là thành viên trong Minh nước NATO phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương hay chăng?...

Một cách khác để duyệt lại danh sách các vấn đề cần cứu xét và bàn thảo là 1) rà soát xem vương quốc Anh sẽ mất những gì sau khi Scotland ly khai, 2) Scotland sẽ được những gì, rồi phải cáng đáng những gì sau khi trở thành một nước độc lập?

Một thí dụ là đồng Anh kim (Sterling hay Pound) sẽ mất giá nặng, có thể tới 15 hay 20%, và mất vị trí là một ngoại tệ sáng giá bên cạnh đồng Mỹ kim, đồng Euro và đồng Yen. London cũng mất tư thế là một trung tâm tài chánh lớn của thế giới. Và kinh tế Anh lại trôi vào nạn suy thoái, trong một Liên Âu chưa ra khỏi khủng hoảng.

Ðổi lại, chưa chắc ngân sách tự trị của Scotland đã có thể quân bình nhờ đòi thêm dầu khí, nhiều phần thì sẽ khủng hoảng. Giá trị của trái phiếu Scotland sẽ tuột dốc và tiền lời đi vay tăng vọt. Khi ấy, dân chúng xứ này có quyền xin... tái gia nhập vương quốc hay chăng?

Mà vấn đề không chỉ có vậy!

Hậu quả toàn cầu

Sau nhiều thế kỷ chinh chiến liên miên giữa các nước - lần cuối là năm 1945 khi Thế Chiến II kết thúc - các nước Âu Châu mặc nhiên chấp nhận một quy tắc ít tệ nhất, là “không vẽ lại biên giới.” Ðiều ấy có nghĩa là dân xứ này có thể sống trong lãnh thổ hay khu vực sinh hoạt của xứ khác. Thà vậy còn hơn vẽ lại bản đồ và gây thêm mâu thuẫn hay xung đột.

Khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt năm 1991 với sự tan rã của Liên Xô, nguyên tắc ấy mất dần giá trị vì nhiều quốc gia thuộc liên bang Xô Viết cũ đã giành lại quyền độc lập, trở thành các nước Cộng Hòa, bên trong có nhiều sắc dân thiểu số. Nhưng dù sao, trong 20 năm liền, chuyện ly khai chẳng gây chấn động. Như nước Tiệp Khắc Czechoslovakia có cuộc “ly dị êm thắm” khi Cộng Hòa Tiệp ra đời bên cạnh nước Slovakia. Ngay cả khi Kosovo giành lại độc lập với hậu thuẫn của Tây phương sau năm 1990, người ta vẫn có lý do giảm khinh là vì cư dân bị Serbia đàn áp.

Các nước đều cố duy trì tinh thần cũ là đừng xé bản đồ và đào sâu mâu thuẫn sắc tộc.

Bây giờ, khi liên bang Nga quay trở lại và đòi xé bản đồ Ukraine qua hành động xâm lăng trắng trợn thì Scotland lại gây vấn đề vì một lý do chính đáng: “chúng tôi phải có quyền tự quyết!”

Lý do này khiến bảy triệu rưỡi người dân tại khu vực Catalonia bao trùm lên bốn tỉnh của Tây Ban Nha cũng có thể đòi độc lập, với thủ đô mới tại Barcelona. Từ hai năm nay, phong trào ly khai đã manh nha và nay có thêm trớn từ Scotland khiến dân Basque tại Tây Ban Nha sẽ nghĩ lại về lẽ hợp tan!

Cũng tại Âu Châu ở ven bờ Ðịa Trung Hải, dân đảo Corse có thể nhân danh một tiền lệ mới tinh là quyền ly khai của Scotland mà đòi ra khỏi Cộng Hòa Pháp. Ở giữa Tây Âu, nước Bỉ từng bị rung chuyển vì dị biệt đào sâu giữa dân Wallons gần Pháp và dân Flamand gần Hòa Lan. Tại sao ta không xé chiếu ngồi riêng? Giữa Ðông Âu, thiểu số người Hung sống tại Romania và một phần của lãnh thổ Tiệp Khắc cũ cũng có thể đòi xé chiếu và sát nhập vào xứ Hungary...

Ra khỏi Âu Châu, ta kể ra không hết các trường hợp đòi quyền tự trị rất chính đáng này tại Ấn Ðộ, Trung Quốc, liên bang Nga hay Phi Châu. Nếu giải pháp ôn hòa của nước nhỏ, như Tây Tạng hay Scotland, lại không được nước lớn chấp nhận thì người dân có thể nghĩ đến bạo lực, như ở Tân Cương - hay Trung Ðông, với lực lượng xưng danh nhà nước Hồi giáo....

Kết luận ở đây là gì?

Vì cuộc trưng cầu dân ý nêu câu hỏi quá đơn giản là “Có/Không,” cử tri Scotland có thể đánh sụp vương quốc, gây khủng hoảng cho cả Liên Âu và khối NATO, trong khi xứ Scotland tuột hạng thành tiểu nhược quốc.

Và thế giới sẽ bị chấn động tới rợn mình!

--------------------------

BBC
Cập nhật: 13:52 GMT - thứ ba, 9 tháng 9, 2014

Lãnh đạo các đảng chính tại Anh đến Scotland để vận động người dân bỏ phiếu ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh.

Trưng cầu dân ý sẽ diễn ra ngày 18/9 tại Scotland về việc đòi độc lập.

Thủ tướng Anh David Cameron và lãnh đạo đảng Lao động đối lập Ed Miliband sẽ bỏ cuộc đối đầu hàng tuần của họ tại nghị viện.
Họ sẽ bay đến miền bắc hôm thứ Tư để gặp cử tri Scotland.

Phó Thủ tướng Nick Clegg, là lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, cũng sẽ đến Scotland.

Trong tuyên bố chung, ba người nói: “Nhiều điều chia rẽ chúng tôi, nhưng có một điều chúng tôi đồng tình: Vương quốc Anh tốt hơn là nên ở lại cùng nhau.”

Trong khi đó, Thủ hiến Scotland Alex Salmond nói chiến dịch vận động cho Scotland ở lại đang “run sợ”.


Các bài liên quan :





No comments:

Post a Comment

View My Stats