Tuesday 9 September 2014

TRẦN ĐỨC THẢO TỪ ĐỈNH THÁP NGÀ XUỐNG ĐẤT ĐỎ (Hạ Long Bụt Sĩ)




Hạ Long Bụt Sĩ
Chủ Nhật, ngày 07 tháng 9 năm 2014

Khoảng 1959-60, giáo sư Trần Bích Lan, tức thi sĩ Nguyên Sa, ở Pháp về, ông kể : cuốn Phénoménologie et Matérialisme Dialectique-Hiện Tượng Luận và Duy vật Biện chứng- của Trần Đức Thảo là cuốn kinh điển, classique, được dùng ở Collège de France (1), hơn cả Sartre !
Thời ấy, ảnh hưởng văn học Pháp còn sâu đậm ở VN, các vị tốt nghiệp từ các trường lớn bên Pháp, như Sư Phạm Normale, Bách khoa Polytechnique, Cầu Cống Pont et Chaussée… cỡ Phạm Duy Khiêm, Hoàng Xuân Hãn, Trần Đức Thảo…được xã hội văn hiến VN tôn vinh đặc biệt như những ông Trạng tân học !

Đấy là những trường lớn-Grandes Écoles, lựa chọn sinh viên xuất sắc, thường là Tú Tài Ưu hạng, thi vào rất khó, học 3-4 năm, với 1-2 năm dự bị, đậu từ Normale ra với bằng Thạc sĩ Agrégé, được dậy học cấp Trung học. Từ Agrégé mang nghĩa Sư phạm, không phải học vị trên Tiến sĩ như nghành Y, Luật… Trần đức Thảo cũng đã ghi danh ở Sorbonne, đậu Cao học DES Triết (luận văn về Hegel), ra trường hạng đầu (2 người đồng bảng) 1943 với luận văn về Husserl. Sự lựa chọn triết học lúc đó chỉ là do tính kiêu ngạo bồng bột  của tuổi trẻ, muốn được mọi người nể phục như chính ông nói. Thật ra, nếu Toán học là vua của khoa học lý hoá thì Triết là vua của văn chương nhân văn, không có khiếu thì khó mà đạt thành, nhất là từ phương Đông sang học giới Tây phương.

Tuy mâu thuẫn với J.P.Sartre, Sartre nối Hiện sinh với Mác, Trần Đức Thảo nối Hiện tượng luận của Husserl với Duy vật Biện chứng, như thế cả hai đều đi vào Mác xít. Hai người bút chiến với nhau : Sartre và Merleau Ponty cho rằng Marx chỉ quan trọng trong lãnh vực xã hội chính trị, hiện sinh, existentialisme, mới là triết lý nhân bản chính. TĐ Thảo bắt bẻ Sartre : chính Mác- xít là triết lý nhân sinh, dẫn lối xã hội và chính trị vì Marx có luận giải về  tương quan Ý thức và Vật chất (Conscience –Matière).

Sau này, TĐThảo bỏ cả ông tổ Hiện tượng luận Husserl lẫn ông tổ Duy lý Duy tâm Hégel, vì cả hai đều mang hình thức lý tưởng duy tâm (idealistic) và yếu tố siêu hình. Cả Hussel lẫn Heidegger đều đi tới hư vô-nihilisme-,  hiện hữu đi tới chết (being unto death), TĐThảo dùng duy vật biện chứng để tìm hiểu ngọn ngành của Ý thức. Ông cho rằng phải chỉnh lý Hiện tượng học-vốn không chú trọng tới Ý thức- bằng Marx qua xã hội và lao động của con người, nghĩa là qua kinh nghiệm sống.

Năm 1973 TĐThảo ra một cuốn sách khác, khá có tiếng ở thời điểm ấy, Nghiên Cứu về Tiếng Nói và Ý thức (Recherches sur l’Origine du Langage et de la Conscience) tìm tòi tương quan sinh học và lý trí (materialist biological and cognitive) cá thể.  Ý thức là do sự phát triển của tiếng nói, mà tiếng nói thành hình qua hoạt động của con người trong những điều kiện vật chất. Trước đó, 1971 ông còn viết về Hiện tượng học Tâm Trí và nội dung đích thực của nó (The phenomenology of mind and its real content), về sau, ông còn bàn rộng thêm về Hiện Tại Sống của Husserl qua bài viết về Le Présent Vivant, thời gian tính, về chuyển động lịch sử, thay vì bản chất thường hằng trong Hiện Tượng Luận Husserl.

Trước khi mất, ông để lại ba tiểu luận cho Herman, gs Triết Western Florida University. Tiểu luận về Logic biện chứng đối lập với logic hình thức cứng đọng. Husserl đã viết Vận động của khoảnh khắc trong cái Hiện tại sống động, hiện tại sống động, cá nhân tính, trong cả sinh học khoa học, xây dựng lịch sử qua nhân tính sống thực chứ không phải lịch sử trừu tựơng. Ông triển khai Husserl và phê phán lời nói của Aristote “khoa học chỉ đề cập cái tổng quát, sự tồn tại chỉ đề cập tới cái riêng” là sai.

Sartre đi thăm Nga 1950, ra về vỡ mộng nhưng chưa dứt hẳn mộng ! TĐThảo đi xe lửa từ Nga, qua Tầu, về với VMCS 1951, tháp ngà cũng xụp đổ dần dần, ông phải đóng vai Tôn Tẫn giả điên 40 năm mới thoát chết, mà cũng là nhờ nhóm Sartre luôn thăm hỏi nên mạng sống của Thảo mới không thành cỏ dại trong Địa ngục đỏ từ 1951-1991 ! Ông vội về VN với hoài bão kháng chiến xây dựng Mác xít đúng nghĩa như ông đã học và hiểu. Nghe nói ông từng phát biểu : Các anh chẳng hiểu Mác gì cả, để tôi dậy cho ! Nhưng rồi “Chúng nó đã không tin tôi…chúng lo sợ đầu óc tôi có dịp bung ra phê phán cách mạng của chúng… ông mơ tưởng :  xây dựng ở nước ta một mô hình cách mạng hoàn chỉnh, trong sáng và nhân đạo mà cả loài người chờ đợi…(tr 83-84) 

NHỮNG PHÂN TÍCH VĂN HOÁ XÃ HỘI GIÁ TRỊ 

Con người triết gia thuần thành TĐThảo đã có những kinh nghiệm sống và để lại những nhận xét tinh tế, ông được Nguyễn Tuân dẫn ông vào thú ăn chơi một thời vang bóng : ông dự buổi hát ả đào chui với Nguyễn Tuân trên vùng núi rừng Tuyên Quang, ông giật mình : hát ả đào vừa trữ tình, vừa huyền bí thiêng liêng như của tôn giáo. Nghe mà rợn cả người, như lạc vào cõi thiên thai…tâm tư u buồn…hát opéra của Tây thì dùng sức buồng phổi dẩy làn hơi qua thanh quản để đưa nốt nhạc vọt lên chót vót như thi tài với tiếng đàn…Ả đào thì ca nương phải kiềm chế làn hơi, rồi từ từ vừa đẩy, vừa níu lại làn hơi qua họng, dể uốn nắn âm thanh qua thanh quản, làm nó uyển chuyển, luyến láy, nghẹn ngào, như than van, nức nở, để bày tỏ nỗi niềm, Nguyễn Tuân bàn giải thêm : ca trù thẩm thấu tâm can vì nó chuyên chở âm điệu nuối tiếc, tình hận, chí cả sinh bất phùng thời của những kẻ bất mãn, bất đắc chí như anh đấy… …Chúng ta là bọn Giang châu Tư mã đang bị giông bão thời cuộc đánh trôi dạt về cái bến Tầm Dương rừng rú này. Buồn lắm, thảm lắm anh ơi ! (tr 91-95)

Ông kể chuyện hồi VMCS mới tiếp thu Hà Nội 1954 : một cặp tình nhân đang ngồi ngắm trăng bên Bờ Hồ Hoàn Kiếm bị Công An tới hỏi giấy giá thú ! với  giọng nói đặc sệt các địa phương xa xôi, không mang chính giọng và chính tả (từ cách viết tới phát âm).

Ông kể : súng SKZ của Trần Đại Nghĩa (trong  nhóm sinh viên theo về VN từ 1946) chỉ thấy trên ảnh chứ không thường thấy trên trận địa (tr.281).

Rất may, sau năm 1975, hai ông CS gộc, Trần Văn Giầu và Trần Bạch Đằng đã ra Hà Nội, khẩn khoản khuyên ông vào miền Nam để sinh sống và làm việc trong những điều kiện thông thoáng hơn, tiện nghi hơn. Vào Sài gòn 1987, ông kinh ngạc, tuy chưa khóc như Dương Thu Hương, nhưng ông cũng thấy ngay sự thật, miền Nam giải phóng miền Bắc chứ không phải ngược lại ! Ông thán phục lời ca Trịnh Công Sơn, cám ơn lệnh buông súng của DVMinh vì :nó giải thoát hàng vạn thanh niên miền Bắc ra khỏi rừng núi đầy bom đạn và muỗi mòng… tôi được vào sống ở SG chịu ảnh hưởng của người Saigòn (tr.341).

Ở Sàigòn, ông được giới trí thức miền Nam tấp nập tới thăm, ông hoàn thành một tập sách nhỏ : Con người và chủ nghĩa lý luận không có con người. chỉ trích lối lý luận giáo điều xơ cứng, coi con người chỉ là dụng cụ…đưa tới bế tắc tư tưởng (tr. 219). Ông quan sát xã hội đổi mới : Đi với đồng đôla Mỹ mà không có tự do dân chủ thì chỉ có đường làm đày tớ cho nó thôi…thế lực tư bản man rợ dật dây …mặt kinh tế thì buông thả để tư bản nước ngoài tung hoành lũng đoạn.Vì tư bản nước ngoài sẽ là nguồn lực chính giúp Đảng và chế độ sống còn.  (tr.227)

Ông diễn dịch súc tích :VĂN HOÁ CHIẾN TRANH tồn đọng làm con người trở thành hung bạo hơn, gian xảo hơn, tàn nhẫn hơn trong suy nghĩ, hành động, nếp sống. Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp VN (dùng hiệp định để chuẩn bị mở rộng chiến tranh-tr.362).

NHỮNG CÂU TRIẾT LÝ THÂM THUÝ

Qua hơn 400 trang sách Trần ĐứcThảo-Những lời Trăng Trối-của Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông HK - 2014, người đọc có thể rút tỉa ra những lời nói sâu sắc của triết gia Thảo :
Khai gian (lý lịch) là làm triết gian triết dối rồi, còn gì là triết học nữa…

Nếu ai cũng thoả hiệp với dối trá và tội ác, thì dân còn hy vọng vào vào đâu, vào ai ? tr.238

Những tư tưởng đúng với lương tri, thầm nhuần thực tại đều có sức mạnh của sự thật sẽ bung nở xoá đi gian trá và bạo lực-  tr.239

Riêng tư là một bản chất, một bản năng tự nhiên- tr.173 !

Giáo dục CS như vậy là dạy cách mài con dao cho sắc chứ không dạy cách dùng con dao -tr.178

Trí tuệ là cách thay ác bằng thiện, mưu trí, mưu thần chước quỷ khác với trí tuệ. 

Đưa Triết học vào cuộc sống -tr.197

Tôi cũng bị, như cuồng vọng làm lãnh tụ của ông Cụ, cuồng vọng đi tìm một một mẫu mực cách mạng nhân bản trong sáng.

Sùng bái vì sợ hãi đã dẫn con người tới ngu tín-obscurantisme, và cuồng tín fanatisme, ..thành nô lệ cũa những tín điều hoang tưởng-tr.198

Ba cái sai sinh tử : Chọn chủ nghĩa xã hội Marx, chọn chiến tranh xoá bỏ hiệp định hoà bình, để bành trướng xh chủ nghĩa và thống nhất đất nước, chọn Mao và đảng CSTQ làm đồng minh đồng chí - tr.361

Ta đã trồng cây tư tưởng của Marx, và cho tới nay thì cây đó vẫn cho toàn quả đắng- tr.69

Không có một thứ lý luận biện chứng nào có thể chứng minh rằng một xã hội đầy đen tối, đầy dối trá, độc ác, quỷ quyệt, đầy hận thù , tranh chấp, đầy chia rẽ và tham nhũng của hôm nay sẽ đẻ ra một thế giới đại đồng chân thật, đoàn kết, thương yêu, tốt đẹp cho nhân loại …tung tích của thủ phạm đưa tới sai lầm cơ bản của cách mạng là : sự thiếu vắng của thực tế hiện tại trong lý luận- tr207.

Từ trong lâu đài của Marx, khi bước ra, họ đã trở thành ác quỷ.

Tìm tự do hạnh phúc ở nơi không có con quỷ quyền lực và con quỷ chiến tranh nó ám …phải biết rằng chỉ có con quỷ mới kiêu căng, mới vui khi làm khổ, làm nhục con người... quỷ ấy là thứ đầu óc đầy ý đồ gian xảo, hung bạo của quyền lực. Quỷ ấy là ý thức đấu tranh giai cấp, là thứ cuồng tín của bạo lực và hận thù -  Chính trị và chiến tranh cách mạng là cơ hội thao túng của quỷ (tr.342-344).

TRỞ LẠI THÁP NGÀ PARIS VỚI NHỮNG TOAN TÍNH TRIẾT HỌC LỚN !

 Có lẽ thấy ảnh hưởng của triết gia bắt đầu lan rộng, họ muốn ông đi cho khuất mắt, một ông quản giáo, Sông Trường, từ hồi ngoài Bắc, nay vào Nam, 1987, xếp đặt cho TĐThảo sang Pháp, ông cán bộ (từng làm việc cho Trường Chinh) nói một câu, có lẽ thành thật : ông ở đây mãi với lũ gà, chưa chán sao ?, anh sang Pháp đi, vì nếu anh ở lại Hà Nội hay Sài gòn thì cũng phí phạm thời gian của anh thôi…anh đi sẽ như đại bàng bay trở lại vùng trời cao, nó sẽ có thể làm được nhiều chuyện phi thường, khác với lúc nó bị nhốt trong chuồng, cho dù cái chuồng ấy tốt đẹp đến đâu nhưng vẫn phải sống với đàn gà... anh chưa chán cảnh phượng hoàng phải sống chung với đàn gà à ? đây phải chăng là lời nói rất thành thực của một quản giáo bắt đầu phản tỉnh, từng hiện diện trong buổi TĐThảo, chủ hoà, đấu với Trường Chinh (2), chủ chiến thời 1955 ( tr.234-235)

Dù cây tùng không chịu bật gốc, rút cục ông cũng trở lại Pháp năm 1991, chết bất đắc kỳ tử 1993, trong 2 năm, ông vẫn chịu sự quản chế, nhưng đại bàng trở lại vùng trời cao, đã diễn thuyết, đã suy tư, đã sám hối, cố tìm ra cách xây dựng một lâu đài triết học, phá tan Tâm Hégel với Vật Marx, nhằm mang lại hạnh phúc cho nhân loại hoà bình khai phóng…

Đấy là đề tài triết học biện chứng nặng nề, phức tạp, xin dành cho bài sau.

BÀI SAU : Từ Tập Đại Thành Lý Đông A tới lâu đài điên đảo tưởng Trần Đức Thảo.

Chú Thích
1- Collège de France : một trường hậu Đại học ở Paris dành cho trí thức chuyên gia ưu tú, do Francois I thành lập 1529.
2- Khoảng 1964, sửa soạn đánh miền Nam, TĐThảo được gặp HCM để trình bày về vấn đề Chiến –Hoà. TĐThảo chủ hoà, HCM mặt cau có quay đi (tr.289), TBThư Trường Chinh điềm tĩnh hơn, ông ta chủ chiến nhưng ngồi nghe TĐThảo trình bày (1955-56 ? sau CCRĐất- tr 309) bất năng khuất : Nông thôn bao vây thành thị, chiến tranh, cải cách ruộng đất…là phương pháp lưu manh hoá và côn đồ hoá nông thôn (tr 310), Trường Chinh, khác với Tào Tháo và còn giữ chút nền văn hoá sông Hồng, cám ơn TĐThảo đã dịch tập Đề Cương Văn Hoá, khi ra về, thấy TĐThảo đi bộ, ông còn  xuống mời TĐThảo lên xe đưa tới tận nhà Hàng Chuối.

------------------------------------------------

02:32:am 07/09/14



No comments:

Post a Comment

View My Stats