Tuesday 9 September 2014

MỘT BỨC TRANH THU NHỎ CỦA GIỚI CẦM BÚT VIỆT NAM TẠI ÚC (Nguyễn Hưng Quốc)




02.09.2014

Sinh năm 1943 tại Quảng Trị, 17 tuổi vào Nam, học trường Mỹ nghệ Thực hành Bình Dương trong bốn năm (1960-64), Lê Văn Tài đi vào thế giới hội hoạ rất sớm. Chưa tốt nghiệp, anh đã tham gia một số cuộc triển lãm hội hoạ ở Sài Gòn. Vừa tốt nghiệp, năm 1964, anh ra Huế, ghi danh học dự bị trường Cao đẳng Mỹ thuật. Nhưng phần lớn thời giờ của anh không phải dành cho việc học. Mà là việc vẽ. Lúc ấy, anh đã được xem là một trong những hoạ sĩ trẻ tài hoa, có một số khám phá về kỹ thuật được giới nghệ sĩ chú ý và ưa thích (1), thường xuyên có tranh triển lãm tại Huế, lúc một mình, lúc với các hoạ sĩ khác, kể cả Đinh Cường, lúc ấy đang dạy học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật và đã nổi tiếng trong cả nước. Đầu năm 1968, trong biến cố Mậu Thân, anh bị cộng sản bắt, đưa lên rừng, sung vào bộ đội. Theo lời kể của một người từng gặp Lê Văn Tài ở Hà Nội trước năm 1975, “Nửa năm bắt anh tham gia lao động tăng gia sản xuất, chặt nứa làm lán trại, người ta cũng thấy chán, anh được gửi ra Bắc cho mấy cơ quan văn nghệ quản lý. Chẳng cơ quan nào muốn nhận, anh thành một người vô gia cư, không nghề nghiệp, không một xu dính túi, không một ai quen biết ở đất Hà Nội. Cô Ngọc Trai (2) với tình đồng hương Huế đã đón anh về nuôi ăn ở và xoay xở tìm việc cho anh: vẽ minh hoạ báo, làm bìa sách, vẽ chân dung...” (3) Năm 1975, chiến tranh chấm dứt, Lê Văn Tài về sống ở Đà Nẵng. Vẫn là một tên lính quèn, làm việc trong lãnh vực văn nghệ. Rồi anh có vợ và có con. Thấy không thể thở được trong cái không khí chật chội tù túng ngột ngạt về cả chính trị lẫn văn nghệ như vậy, anh vượt biên. Năm 1981, sau 48 ngày lênh đênh trên biển cả, anh đến được trại tị nạn Hong Kong. Bốn năm sau, anh được định cư tại Úc.
Ở Úc, ngoài việc đi học lại (tiếng Anh, hội hoạ và cuối cùng, Cử nhân Văn khoa ở trường Footscray Institute of Technology – sau, đổi thành Victoria University), anh lại vẽ. Anh có hàng chục cuộc triển lãm tại Úc. Lúc một mình. Lúc với nhiều người khác. Tiến sĩ Annette Van den Bosch, một nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam thuộc đại học Monash, Melbourne, cho Lê Văn Tài là một hoạ sĩ-thi sĩ, chuyên vẽ những biểu tượng và những giấc mơ, khác hẳn tranh của các hoạ sĩ khác tại Úc (4). Nhà nghiên cứu Merrill Findlay xem Lê Văn Tài là một khối nguyên hợp (syncreticism), một phức thể đa văn hoá (multicultural complexity), quy tụ nhiều nguồn ảnh hưởng khác nhau, từ Việt Nam đến Chiêm Thành, từ dân gian đến hiện đại và cả hậu hiện đại, bởi vậy, các hình tượng anh sử dụng thường phong phú và phức tạp đến mức không thể nằm lọt hẳn vào một khung tự sự nào cả. Chỉ có một điều bà chắc chắn: nghệ thuật của anh là nghệ thuật Úc hoàn toàn dù giới nghệ thuật chính mạch Úc có nhìn nhận điều đó hay không (5).
Điều đặc biệt là ở Úc, ngoài việc vẽ, Lê Văn Tài còn làm thơ. Lại là thơ tiếng Anh, hơn nữa, là thơ tiếng Anh hay. Trong số các nhà thơ người Việt thuộc thế hệ thứ nhất hiện sống tại Úc, anh là người đầu tiên có thơ được đăng tải trên các tạp chí văn học và các tuyển tập thơ có uy tín nhất của Úc (6). Năm 1989, bài thơ “Separated Lover” của anh được Bộ Nghệ Thuật tiểu bang Victoria chọn in trên các poster lớn, dựng ở các ga xe lửa để mọi người thưởng thức trong chiến dịch đem thơ đến với quần chúng. Năm 1987, anh tự xuất bản tập thơ tiếng Anh đầu tay, Empty Arms Surrounded by Warm Breath với lời giới thiệu của giáo sư Desmond Cahill tại trường Phillip Institute of Technology (sau nhập vào trường RMIT). Mười năm sau, tập thơ tiếng Anh thứ hai của anh, Waiting the Waterfall Falls, được trường Victoria University xuất bản, sau đó, được sử dụng như một tài liệu tham khảo trong khá nhiều môn học liên quan đến văn học Á châu và văn học di dân nói chung. Giáo sư John McLaren, trong lời giới thiệu, cho Lê Văn Tài, khi di cư sang Úc, đã mang cả quê hương theo với anh, hơn nữa, anh còn mở rộng quê hương ấy ra, làm cho mọi người Úc đều biến thành những thành viên trong gia đình của anh: thơ anh, do đó, vừa mang dấu ấn riêng vừa có tính phổ quát rất cao. Ivor Indyk, chủ nhiệm của Heat, một tạp chí văn học nổi tiếng ở Úc, khen đó là một tập thơ hay, ở đó, thơ và thơ cụ thể kết hợp hài hoà với nhau.
Robert Harris, trên tạp chí Overland, xem Lê Văn Tài là một nhà thơ quý giá có nhiều cống hiến cho nền văn học Úc (7). Tiến sĩ Mark Stevenson, hiện dạy ngành Á châu học tại Victoria University, nhận định về tranh và thơ Lê Văn Tài trên báo The Age ở Melbourne như sau:
Hãy tìm đến với Lê Văn Tài, nhà thơ kiêm hoạ sĩ Úc gốc Việt. Cũng như tất cả những tác phẩm nghệ thuật sáng giá, tranh và thơ của ông sẽ làm thay đổi cách nhìn và cách đọc của bạn. Lê Văn Tài là một con người vùng vẫy giữa hai bờ, đứng chênh vênh giữa hình tượng và văn bản, giữa bầu trời và mặt đất, để mang màu đen và màu trắng vào nhau. Ông viết và vẽ những hình ảnh đẹp rợn người. […]
Trong thơ của ông, ông phát ngôn như một sinh vật lạ lùng hiện ra trùng điệp trên những tấm bố vẽ của ông, đó là “con chim di cư”. Ông gieo những hạt mầm từ Việt Nam lên lãnh thổ của chúng ta. Ngôn ngữ của ông tạo nên một sự giao thoa giữa hai quê hương khi ông mở một lộ trình giữa tiếng Anh và tiếng Việt.
Đây là lối hành văn chín muồi và đầy trực cảm của một nghệ sĩ đã bám chặt vào nghiệp viết. Ngôn từ và hình ảnh, ngôn từ và động thái, không lúc nào ngừng di chuyển. Những bài thơ cụ thể vượt ra khỏi thể loại của chúng bởi vì những hình thái mà chúng tạo ra không chỉ đứng yên một chỗ mà lại khiến cho ngôn ngữ chuyển động, xoay mòng (8).
Lê Văn Tài chỉ thực sự bắt đầu làm thơ bằng tiếng Việt từ khi tạp chí Việt ra đời vào năm 1998, tức gần 40 năm sau ngày anh hoàn tất những tác phẩm hội hoạ đầu tiên và hơn 10 năm sau ngày anh có những bài thơ tiếng Anh được xuất bản. Từ đó đến nay, hầu như anh chỉ làm thơ toàn bằng tiếng Việt.
Sinh năm 1953, vượt biên và định cư tại Úc năm 1978, Lê Nguyên Tịnh làm thơ rất sớm, từ những năm đầu tiên của trung học. Tại Úc, anh say sưa hoạt động cộng đồng một thời gian dài đồng thời anh cũng say sưa làm thơ khá nhiều. Thơ anh thường xuyên xuất hiện trên các tờ báo ở Mỹ và ở Úc. Anh đã xuất bản hai tập thơ riêng, Quế Hương (2010) và Dấu chân của gió (2012). Giữa hai tập là một sự chuyển biến ngoạn mục: Quế Hương gồm 87 bài, trong đó, chỉ có năm bài thơ tự do; trong khi đó, tập Dấu chân của gió gồm 99 bài, chỉ toàn là thơ tự do. Không phải chỉ là sự thay đổi về thể thơ mà còn là một sự thay đổi rõ rệt về giọng điệu và cảm xúc: Trước, ngân nga một cách nhẹ nhàng; sau, hơi thơ rắn, cô đúc và, có lúc mạnh mẽ.
Trước, thiên về tình cảm; sau, nặng những thao thức đầy trí tuệ. Tôi rất thích các chuyển biến trong thơ Lê Nguyên Tịnh. Không phải ai cũng có thể tự thay đổi, tự vượt qua chính mình một cách quyết liệt như vậy. Tại sao có sự chuyển hướng như thế? Tôi ngờ là có ảnh hưởng từ việc dịch thơ. Thời gian Lê Nguyên Tịnh chuyển sang thơ tự do cũng là thời gian anh dịch thơ khá nhiều. Anh dịch Nâzim Hikemet, Pablo Neruda, Octavio Paz và Sylvia Plath. Từ việc dịch thơ, anh tiến thêm một bước nữa: sáng tác một số bài thơ bằng tiếng Anh, được đăng tải trên Saturday The Age tại Melbourne. Ngoài ra, có thể có vai trò của Tiền Vệ: Thời gian anh chuyển hướng sang tác cũng là thời gian anh xuất hiện liên tục trên tờ báo mạng Tiền Vệ.
Nếu Lê Văn Tài chủ yếu là một hoạ sĩ, Hoàng Ngọc-Tuấn chủ yếu là một nhạc sĩ. Sinh năm 1956 tại Nha Trang, ngay từ lúc 17, 18 tuổi, anh đã sáng tác nhiều ca khúc cho đến bây giờ, gần 40 năm sau, vẫn được bạn bè và giới am hiểu về âm nhạc Việt Nam ghi nhớ và yêu thích dù chúng chưa bao giờ được xuất bản ở đâu cả. Nhưng con đường âm nhạc của anh bị trắc trở khá lâu. Từ năm 1975, lúc miền Nam bị sụp đổ đến năm 1983, lúc anh vượt biên được sang Phi Luật Tân, thời gian anh ở tù và trốn tránh nhiều hơn thời gian ở nhà.
Chuyến vượt biên đầu tiên của anh là vào năm 1977. Thất bại. Sau đó, giữa năm 1978, anh vượt biên tiếp và lại thất bại, nhưng lần thất bại này thê thảm hơn: anh bị bắt và ở tù gần một năm. Được trả tự do, anh lại vượt biên, lại bị bắt và lại bị ở tù thêm ba năm rưỡi nữa. Xen kẽ giữa hai lần ở tù vì vượt biên ấy là mấy lần ở tù ngắn vì “tội” cư trú bất hợp pháp (không có hộ khẩu). Cuối cùng, may, năm 1983, anh đi thoát, đến được Manila, và mấy tháng sau, được định cư tại Úc.
Chính ở Úc, anh mới có điều kiện quay lại với âm nhạc một cách chuyên chú và có hệ thống hơn. Ở University of New England và sau đó, ở University of New South Wales, ngoài triết học và sư phạm, các ngành chính của anh bao giờ cũng là âm nhạc: từ dân tộc nhạc học (ethnomusiology) đến nhạc Tây phương. Học xong, anh đi dạy. Cũng vẫn về âm nhạc. Trong cái gọi là âm nhạc ấy, hoạt động của anh bao trùm một không gian rất rộng: Anh vừa sáng tác vừa trình diễn. Anh sáng tác cả ca khúc lẫn nhạc hoà tấu với hàng trăm tác phẩm; một số được chọn trình tấu trong các cuộc thi guitar quốc tế. Anh còn là một nghệ sĩ biểu diễn, thường trình tấu guitar tại các đại hội âm nhạc hiện đại. Chưa hết. Anh còn là một người hoạt động tích cực trong lãnh vực sân khấu, lúc với tư cách kịch tác gia, lúc với tư cách khúc tác gia và lúc khác, trong tư cách diễn viên.
Trong “Lời nói đầu” cuốn Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết, xuất bản năm 2002 (9), Hoàng Ngọc-Tuấn cho biết, trong lãnh vực nghệ thuật, các đam mê chính của anh được sắp theo thứ tự: âm nhạc, kịch nghệ và văn chương. Trước năm 1998, anh chỉ tham gia vào sinh hoạt văn học một cách hoạ hoằn, chủ yếu tập trung trong hai năm, từ 1987 đến 1988, lúc anh và một số bạn bè làm tờ Tập Họp (ra được ba số), được tạp chí Văn Học ở California khen ngợi là một “tập san văn chương đặc sắc nhất của giới trẻ hải ngoại từ trước tới nay, phong phú về nội dung, cẩn thận mỹ thuật về hình thức” (10). Rồi thôi. Sau đó, theo lời anh, anh chỉ “ngồi bên lề, chủ yếu làm một độc giả, […] cứ đọc mãi văn chương Việt Nam và quốc tế, mà không biết rồi sẽ làm gì.” Giống như trường hợp Lê Văn Tài kể trên, với Hoàng Ngọc-Tuấn, mọi chuyện thay đổi từ khi tạp chí Việt ra đời vào năm 1998: Anh hứng thú lao vào văn học một cách say mê. Anh vừa sáng tác vừa viết nghiên cứu và dịch thuật. Chỉ trong vòng hơn hai năm, số bài tiểu luận của anh đã đủ để in thành một cuốn sách dày cộm trên 600 trang, rất bề thế và công phu, được xem là một dấu mốc trong cuộc hành trình tiếp cận văn học Tây phương của giới cầm bút Việt Nam, trong cũng như ngoài nước.
(Còn tiếp một kỳ)

***

Chú thích:
1.Huỳnh Hữu Uỷ, “Nghệ thuật tạo hình Sài Gòn trước 1975”, Hợp Lưu số 10 (4&5/1993), tr. 133.
2.Tức nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Trai, vợ giáo sư Nguyễn Hồng Phong (có thời làm Viện trưởng Viện sử học Hà Nội).
3.Trong bài “Điều nuối tiếc nhất…”, không thấy ghi tên tác giả: http://yume.vn/news/sang-tac/ban-tron-van-nghe/dieu-nuoi-tiec-nhat.35A9EF2D.html
4.http://adm.monash.edu/records-archives/archives/memo-archive/2004-2007/stories/20050504/vietnam.html
5.http://merrillfindlay.com/?page_id=1486
6.Ví dụ, trong cuốn Sharing Fruit, an Anthology of Asian and Australian Writing do Erica Manh biên tập và được Curriculum Corporation xuất bản năm 1998, được sử dụng như một tài liệu tham khảo về văn học Úc và Á châu cho học sinh tại Úc, chỉ có ba tác giả Việt Nam được chọn: Bảo Ninh (một trích đoạn trong bản dịch cuốn Nỗi buồn chiến tranh), Phạm Thị Hoài (một trích đoạn từ bản dịch cuốn Thiên sứ) và bài thơ “A cow wears the hat, it was me” của Lê Văn Tài. Trong cuốn này, Lê Văn Tài được giới thiệu là “một nhà thơ và một nghệ sĩ tạo hình tài năng, một người Việt Nam đến tị nạn tại Úc từ năm 1984. Ông đã xuất bản hai tập thơ bằng tiếng Anh và thường xuyên triển lãm hội hoạ và điêu khắc. Hiện ông đang sống tại Melbourne.” (tr. 165)
7.In ở bìa sau cuốn Waiting the Waterfall Falls (1997).
8.Mark Stevenson, “Le Van Tai and the Living Page: Review of Waiting the Waterfall Falls”, The Age, ngày 15.3.1997; bản dịch tiếng Việt của Hoàng Ngọc-Tuấn. In lại trong cuốn Thơ Lê Văn Tài do Nguyễn Hưng Quốc biên tập và giới thiệu (Văn Mới & Tiền Vệ xuất bản, 2013), tr. 447-451.
9.Do nhà Văn Nghệ xuất bản tại California.
10.“Thư Toà soạn”, Văn Học số 41 (số đặc biệt: Giới thiệu những cây bút trẻ ở Úc), tháng 6, 1989, tr. 1.

Ý kiến

******

07.09.2014

Giống Hoàng Ngọc-Tuấn, Võ Quốc Linh cũng sinh tại Nha Trang (năm 1959). Và cũng giống Hoàng Ngọc-Tuấn, Võ Quốc Linh cũng trải qua vô số nhà tù (chủ yếu vì “tội” vượt biên và không có hộ khẩu), trong đó có nhiều nhà tù chung với Hoàng Ngọc-Tuấn. Trước, trong và ngoài nhà tù, Võ Quốc Linh làm rất nhiều thơ, nhưng lại cũng giống Hoàng Ngọc-Tuấn, lúc còn ở trong nước, anh không gửi thơ đăng ở đâu cả, vậy mà, lạ, thơ anh vẫn được nhiều bạn bè ghi nhớ. Anh chỉ thực sự xuất bản thơ khi anh đã sang tị nạn tại Úc (1986), thoạt đầu, trên Tập Họp, và sau, trên Việt cũng như Tiền Vệ. Giữa các tờ báo này, chỉ có một thay đổi nhỏ: Trước, anh chỉ làm thơ; sau, ngoài việc làm thơ, anh còn viết bút ký, trong đó, bài “Nhớ Lê Thành Nhơn” (1) và “Lê Văn Tài giữa cõi vô trú xứ” (2) được nhiều người ưa thích.
Nếu Lê Văn Tài đến với văn học từ hội hoạ, Hoàng Ngọc-Tuấn từ âm nhạc, Nguyễn Minh Quân (sinh năm 1960) lại đến với văn học từ khoa học. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa ở Việt Nam năm 1984, Nguyễn Minh Quân sang Úc năm 1990. Ở Úc, sau khi thi lại bằng hành nghề bác sĩ Y khoa, anh nhận được học bổng nên chuyển sang học Hoá học và tốt nghiệp Tiến sĩ năm 1996. Được giữ lại làm việc ở trường Victoria University, ngoài một số giờ đứng lớp, cả ngày anh lui cui trong phòng thí nghiệm. Sự ra đời của Việt làm thức dậy ở anh một niềm đam mê từ lâu bị đè nén: anh bèn quay sang viết về văn học; trong văn học, anh chọn một góc cạnh khá hiểm hóc: lý thuyết; trong lý thuyết, anh nhảy thẳng vào một khu vực còn rất mới mẻ, thậm chí, rất xa lạ với đại đa số giới nghiên cứu Việt Nam: chủ nghĩa hậu hiện đại và giải kiến tạo (deconstruction). Những bài viết về lý thuyết văn học rõ ràng, mạch lạc và sâu sắc của anh được đăng đi đăng lại ở Việt Nam, như là những tài liệu quý báu hiếm hoi về lý thuyết văn học đương đại đối với giới cầm bút trong nước.
Trẻ hơn Nguyễn Minh Quân một tuổi, Chim Hải ra đời tại Phan Rí, lớn lên, làm kế toán ở Phan Thiết, rồi vượt biên đến đảo Bidong, Malaysia năm 1983; hai năm sau, sang định cư tại Úc. Trong hai năm ở Bidong, Chim Hải làm thơ khá nhiều. Những bài thơ ấy, thoạt đầu, được đăng trên các tờ báo trên đảo; sau, trên các tuần báo tại Úc, và cuối cùng, được in thành tập với nhan đề Vần thơ cho anh (1988). Sau đó, vừa học vừa đi làm việc để sinh sống, chị vẫn tiếp tục làm thơ, đăng ở nhiều nơi; nhưng khi tham gia trên Việt, chị xuất hiện với một phong cách khác: về hình thức, tự do; về ngôn ngữ, gân guốc; về cảm xúc, có độ nén rất cao; và về nghệ thuật, thành thực mà nói, hay hơn hẳn.
Trong khi tất cả những người trên đều sinh ở miền Nam, Tạ Duy Bình ra đời tại Hà Nội (năm 1964 - trên giấy tờ ghi 1967). Ở Hà Nội, anh học kịch câm tại Nhà hát Tuổi trẻ, sau đó, trở thành diễn viên kịch câm. Năm 1988, nhân chuyến đi tham dự Liên hoan quốc tế những người viết kịch trẻ tại Canberra, anh quyết định xin tị nạn tại Úc. Ở Úc, anh tham gia vào một số ban kịch, rồi, năm 1995, cùng Bruce Keller, thành lập Citymoon Theatre, ở đó, anh vừa viết kịch bản vừa làm đạo diễn và làm cả diễn viên. Tốt nghiệp Thạc sĩ về Sân khấu tại Đại học Wollongong, Tạ Duy Bình có hai kịch bản bằng tiếng Anh được xuất bản: “Conversations with Charlie” in trong số đặc biệt về “Diaspora: Negotiating Asian-Australia” của tạp chí Journal of Australian Studies & Australian Cultural History do trường Đại học Queensland xuất bản (2000) và “Monkey Mother” in trong cuốn Three Plays by Asian Australians do Don Batchelor biên tập (Playlab xuất bản tại Brisbane năm 2000). Một vở kịch khác của anh, Yellow is Not Yellow, hoàn thành với sự tài trợ của Western Sydney Artists Fellowship Award năm 2005, đã được trình diễn thử nghiệm năm 2010 tại Riverside Theatre, Parramatta, Sydney (3). Tạ Duy Bình chỉ bắt đầu làm thơ từ năm 1999, và hầu như chỉ đăng trên tạp chí Việt, và sau đó, trên Tiền Vệ.
Lúc Lê Văn Tài đã thành danh như một hoạ sĩ ở Huế, Nguyễn Hoàng Văn mới ra đời (năm 1965), và mười năm sau, lúc anh bộ đội Lê Văn Tài về Đà Nẵng, Nguyễn Hoàng Văn vẫn còn lơ ngơ ở một trường tiểu học nhỏ xíu ở Hội An. Năm 1989, anh vượt biên, đến được Hong Kong, và năm 1994, được sang Úc định cư. Tại Úc, anh ghi danh học tại trường Victoria University, chuyên ngành về Ngoại thương và Á châu học. Đang là sinh viên, anh viết bài thường xuyên cho một số tờ báo Việt ngữ ở Sydney vừa để thoả mãn nhu cầu viết lách vừa như một sinh kế. Chủ yếu là bình luận thời sự. Khi tạp chí Việt ra đời, anh tham gia ngay từ số 2. Ngòi bút anh cũng chuyển hướng: từ chuyện xã hội và chính trị sang lãnh vực văn học và văn hoá. Anh viết nhanh và viết nhiều, đến năm 2002, lúc Việt đình bản, anh đã đủ bài để in hẳn thành một cuốn sách, cuốn Văn hoá, giới tính và văn học, với một phong cách được khen ngợi là “thông minh một cách tinh quái” (4).
Nguyễn Hoàng Tranh ra đời một năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc (1976) tại một làng quê hẻo lánh ở Tuy Hoà. Năm 14 tuổi, anh cùng với mẹ và chị em sang Úc đoàn tụ với người cha đã vượt biên từ hơn 10 năm trước. Tại Úc, sau khi học xong trung học, anh vào đại học, học về Kinh tế và Luật, sau đó, tốt nghiệp, trở thành luật sư; và sau đó nữa, trở thành giám đốc một công ty luật khá thành đạt ở Sydney.
Ngay từ lúc còn là học sinh và sinh viên, Nguyễn Hoàng Tranh đã làm thơ. Nhưng cũng giống như trường hợp của Lê Văn Tài và Hoàng Ngọc-Tuấn, tạp chí Việt đã mang đến cho anh một sự thay đổi có tính đột biến. Anh vất bỏ cả hàng mấy chục bài thơ sáng tác lúc trước. Anh hầu như biến thành một người khác. Với một phong cách khác. Và hay. Anh được mời vào Ban biên tập tạp chí Việt. Từ đó, anh viết rất nhiều. Chỉ trong vòng mấy năm, anh xuất bản hai tập thơ: Thở (2003) và Chữ (2005).
Sinh năm 1982, Phan Quỳnh Trâm trẻ hơn Nguyễn Hoàng Tranh sáu tuổi và sang Úc cũng muộn hơn, lúc đã 18 tuổi. Nhưng cũng giống như Nguyễn Hoàng Tranh, ở đại học, chị học một ngành rất xa văn chương: Khoa học điện toán; sau đó, đi làm trong lãnh vực truyền thông và ngân hàng. Giống Hoàng Ngọc-Tuấn, đam mê đầu tiên của Phan Quỳnh Trâm là ở âm nhạc. Chính Tiền Vệ đã lôi cuốn chị vào thế giới văn chương với tư cách một người cầm bút. Khác Nguyễn Hoàng Tranh, Phan Quỳnh Trâm không những viết bằng tiếng Việt mà còn viết cả bằng tiếng Anh; không những sáng tác mà còn dịch thuật.
Cùng thế hệ với Phan Quỳnh Trâm, Tú Trinh (sinh năm 1983), chỉ mới sang Úc từ năm 2008, sau khi đã tốt nghiệp đại học (ngành Ngữ Văn) và làm việc (trong ngành truyền thông); hơn nữa, đã có một số bài thơ được đăng tải trên báo chí ở Việt Nam (chủ yếu là báo Mực TímTuổi Trẻ). Sang Úc, chị học Thạc sĩ về Truyền thông; sau đó, làm việc trong chương trình Việt ngữ của đài SBS. Trong thời gian đi học cũng như khi đi làm, chị vẫn viết, thoạt đầu, chỉ giới hạn trong sáng tác, và ở sáng tác, chỉ tập trung vào một thể loại: thơ; nhưng sau, cũng giống Phan Quỳnh Trâm, chị mở rộng sang một lãnh vực khác: dịch thuật; và một thế giới khác: làm thơ bằng tiếng Anh, dù một cách hoạ hoằn.
Ở trên là phác hoạ chân dung của một số người cầm bút Việt Nam tại Úc. Ngoài họ, ở Úc, có cả hàng trăm người cầm bút; trong số đó, chỉ giới hạn trong phạm vi văn học, cũng có đến vài chục người viết khá thường xuyên và ít nhiều có tên tuổi. Tuy nhiên, tôi chỉ chọn một số người đủ để minh họa cho tính chất đa dạng của các cây bút Việt Nam hiện đang sống tại Úc. Đa dạng về phái tính, tuổi tác, nghề nghiệp, địa phương lúc còn ở Việt Nam, thời điểm sang Úc định cư cũng như về thể loại họ ưa thích. Điểm chung duy nhất của họ là : Họ đến, hoặc thực sự đến, với văn học từ tạp chí Việt và/hoặc Tiền Vệ. Có thể nói Việt Tiền Vệ là hai điểm xuất phát hoặc tập hợp chính của giới cầm bút Việt Nam tại Úc.
Nếu nhìn rộng ra những người từng ít nhiều cộng tác với tạp chí Việt và Tiền Vệ, chúng ta dễ dàng nhận thấy họ có mấy đặc điểm chính:
Thứ nhất, về tuổi tác, giới cầm bút Việt Nam ở Úc khá trẻ. Chỉ có bốn người trưởng thành trước 1975: Huy Tưởng, Lê Văn Tài, Trần Đình Lương và Đông Phương. Nhìn rộng hơn, bên ngoài ViệtTiền Vệ, chúng ta cũng có thể thấy một số người khác nữa. Trong cuốn Văn học miền Nam, Tổng quan, nhà văn Võ Phiến có liệt kê danh sách và tiểu sử của 374 người cầm bút ở miền Nam trong giai đoạn từ 1954 đến 1975 (5). Trong số đó, chỉ có bốn người định cư tại Úc: Đoàn Nhật Tấn, Thiếu Mai, ký giả Lô-răng Phan Lạc Phúc và Lệ Hằng (6). Đoàn Nhật Tấn chỉ là một nhà giáo, chỉ viết sách về giáo dục; Thiếu Mai, vốn viết rất ít và viết cũng không hay, hơn nữa, ngay từ trước 1975, đã ngưng cầm bút từ lâu. Chỉ có Phan Lạc Phúc và Lệ Hằng là có thể được xem là nhà văn. Nhưng văn của Lệ Hằng khá bình dân, còn văn của Phan Lạc Phúc lại nặng về báo chí. Thành ra, có thể nói, văn học Việt Nam tại Úc hoàn toàn thiếu vắng những đại thụ hay cổ thụ từ trước. Điều này khiến văn học tại Úc khác hẳn văn học tại Mỹ, Pháp hay Canada. Ở các quốc gia ấy, một thời gian khá dài, chính những người cầm bút đã nổi tiếng trước 1975 đóng vai trò đầu đàn, nắm giữ những tờ báo văn học có uy tín nhất, như ở tờ Văn Học Nghệ Thuật là Võ Phiến và Lê Tất Điều; ở tờ Văn Học là Nguyễn Mộng Giác; ở tờ Văn là Mai Thảo và sau đó, Nguyễn Xuân Hoàng. Chỉ mãi đến đầu thập niên 1990, với tờ Hợp Lưu của Khánh Trường và tờ Tạp chí Thơ của Khế Iêm, mới thấy xuất hiện một lớp chủ bút trẻ hơn. Nhưng dù trẻ, họ cũng vẫn là những người đã trưởng thành trước 1975. Điều ấy khiến Nguyễn Mộng Giác, ngay từ cuối thập niên 1990, đã lên tiếng báo động về tình trạng mà ông gọi là “lão hoá” trong sinh hoạt văn học (7).
Ở Úc, không có “lão” và cũng không bị “lão hoá”. Các thế hệ kế tiếp nhau khá liên tục. Trong số các cây bút tham gia trên tờ ViệtTiền Vệ, có một số người sinh trong thập niên 1940 (Huy Tưởng (8), Trần Đình Lương, Đông Phương và Lê Văn Tài), thập niên 1950 (Thường Quán, Uyên Nguyên, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc, Võ Quốc Linh, Lê Nguyên Tịnh); một số người khác trong thập niên 1960 (Vi Hoà, Chim Hải, Lê Trung Tự, Hoàng Ngọc Trâm, Nguyễn Hoàng Văn, Nguyễn Minh Quân, Tạ Duy Bình), thập niên 1970 (Nguyễn Hoàng Tranh, Hoàng Ngọc Thư), hoặc thập niên 1980 (Phan Quỳnh Trâm, Tú Trinh), và thậm chí, thập niên 1990 (Trần Tịnh Danh).
Thứ hai, do tính chất đa thế hệ ấy, giới cầm bút không ngừng được tiếp máu. Sau khi Việt bị đình bản (cuối năm 2001), một số người cầm bút bỗng dưng biến mất: Nguyễn Minh Quân, Vi Hoà, Phạm Miên Tưởng, Đông Phương; một số khác viết ít hẳn: Uyên Nguyên, Võ Quốc Linh, Chim Hải (9), Trần Đình Lương. Nhưng ngay sau đó lại xuất hiện một lớp khác: Nguyễn Hoàng Tranh, Đinh Hồng Nghi và Hoàng Ngọc Thư. Khi ba người vừa kể bị khựng lại, lại xuất hiện ào ạt một lớp mới với những Phan Quỳnh Trâm, Tú Trinh, Lê Nguyên Tịnh, Lê Trung Tự, Hoàng Ngọc Trâm và gần đây nhất, Trần Tịnh Danh.
Thứ ba, một số khá đông hoạt động trên nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau: Ngoài tư cách nhà văn hay nhà thơ, Lê Văn Tài còn là hoạ sĩ, Bạt Xứ còn là nhiếp ảnh gia, Trần Đình Lương còn là nhiếp ảnh gia và họa sĩ, Hoàng Ngọc-Tuấn còn là nhạc sĩ, Tạ Duy Bình còn là kịch tác gia, đạo diễn và diễn viên sân khấu.
Thứ tư, số người hoạt động trên hai ngôn ngữ, hoặc dưới hình thức dịch thuật hoặc dưới hình thức sáng tác song ngữ, vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh, cũng nhiều: Hoàng Ngọc-Tuấn, Thường Quán, Lê Văn Tài, Trần Đình Lương, Nguyễn Minh Quân, Lê Nguyên Tịnh, Phan Quỳnh Trâm, Tú Trinh, Hoàng Ngọc Trâm, Tạ Duy Bình, Lê Trung Tự, Trần Tịnh Danh, Lê Liễu Chi…
Thứ năm, họ bao quát khá nhiều lãnh vực trong văn học. Về nghiên cứu, phê bình và lý luận văn học, có Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Hoàng Văn. Thuộc thế hệ trẻ hơn, Phan Quỳnh Trâm, ngoài việc làm thơ và dịch thuật, cũng viết một số bài có tính chất lý luận văn học. Về truyện, có Hoàng Ngọc-Tuấn, Hoàng Ngọc Thư, Nguyễn Như Núi, Trần Tất Đạt. Về kịch, có Tạ Duy Bình. Về thơ là nhiều nhất, gồm hầu hết những người còn lại.
Cuối cùng, dù viết nhiều hay ít, hầu như tất cả những người trên đều có một đặc điểm giống nhau: khao khát với cái mới. Mới so với mặt bằng văn học tiếng Việt. Và mới cả với chính họ nữa.
Khát vọng đối với cái mới ấy thể hiện trên ba lãnh vực: dịch thuật, phê bình / lý luận và sáng tác.

***
Chú thích:
1.    Có thể đọc trên Tiền Vệ: http://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=60
2.    Nguyễn Hưng Quốc (biên tập) (2013), Thơ Lê Văn Tài, California: Văn Mới, tr. 426-434.
3.    Xem phần giới thiệu vở kịch trên Tiền Vệ: http://tienve.org/home/stage/viewStage.do?action=viewArtwork&artworkId=4937
4.    Nguyễn Hưng Quốc, “Lời giới thiệu”, in trong cuốn Văn hoá, giới tính và văn học (Văn Mới, California, 2004), tr. 9-11.
5.    Nhà xuất bản Văn Nghệ (California), in lần thứ ba, năm 2000.
6.    Huy Tưởng cũng đã xuất bản và nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975 nhưng vì anh sang Úc muộn (năm 2010) và từ lúc sang Úc, không viết lách được gì nữa nên không tính trong số này.
7.    Nguyễn Mộng Giác, “Tình trạng lão hoá trong sinh hoạt văn học”, tạp chí Văn Học (California) số 153-4 (1&2/1999), tr. 4-10.
8.    Tất cả các bài thơ Huy Tưởng đăng trên ViệtTiền Vệ, cho đến nay – tháng 9/2013) đều được sáng tác lúc còn ở Việt Nam.
9.    Từ cuối năm 2012, Chim Hải bắt đầu làm thơ lại khá nhiều.


* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Ý kiến



No comments:

Post a Comment

View My Stats