Friday 11 April 2014

VŨ KHÍ KHÍ ĐỐT CỦA PUTIN : LỢI BẤT CẬP HẠI (Tú ANh - RFI)




Tú Anh  -  RFI
Thứ sáu 11 Tháng Tư 2014

Để khuynh đảo Ukraina và gây sức ép với Liên Hiệp Châu Âu, Tổng thống Nga có trong tay vũ khí nhiên liệu lợi hại. Thứ năm 10/04/2014, đích thân Vladimir Putin đe dọa là sẽ ngưng bán khí đốt cho Ukraina và Châu Âu nếu Bruxelles không mở túi tiền « chia bớt gánh nặng năng lượng » cho… Nga, một diễn biến mới làm khủng hoảng nghiêm trọng thêm. Tuy nhiên, liệu Nga có dám thực hiện ?

Hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin dọa sẽ ngưng bán khí đốt cho Ukraina và châu Âu nếu Bruxelles không giúp Kiev trả hàng tỷ đô la nợ tiền khí đốt. Ngay lập tức, từ Washington, trong bản thông cáo chung công bố cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Mỹ Barack Obama đáp trả là nếu chủ nhân điện Kremli tiếp tục có hành động leo thang tại Ukraina thì Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ đưa ra thêm một loạt biện pháp trừng phạt mới.

Ukraina đang nợ Nga khoảng 2,2 tỷ đôla tiền khí đốt nhưng ngân khố của Kiev gần như cạn kiệt. Nếu Nga thực hiện lời đe dọa ngưng bán khí đốt cho châu Âu thì sẽ gây ra một cuộc « chiến tranh khí đốt » như đã xảy ra vào năm 2006 và 2009 khi tập đoàn khí đốt Nga Gazprom bất ngờ tăng giá.


« Kinh tế Nga khập khểnh… »

Tuy nhiên theo AFP, có nhiều lý do bắt buộc Putin không thực hiện lời đe dọa này. Hôm thứ Tư, chính phủ Nga triệu tập một cuộc họp về « quan hệ năng lượng với Ukraina ». Tin đồn được loan ra là tập đoàn nhà nước Gazprom sẽ cắt đường ống dẫn « ngay tức khắc ». Nhưng hôm sau, ông Putin có vẻ hạ hỏa. Ông ra lệnh cho Gazprom chờ thương lượng và kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu góp sức thêm tiền trợ giúp cho Ukraina trả nợ.

Tại sao Nga hé mở cánh cửa đàm phán trong khi chính quyền thân Tây phương tại Kiev chọn thái độ đối đầu, dứt khoát không trả phần tiền còn lại và không chấp nhận giá mới tăng đến 80% ?

Theo phân tích của giới chuyên gia năng lượng thì Nga thấy ván cờ khá rủi ro. Thứ nhất là vũ khí « cắt khí đốt » không còn hiêu nghiệm như lần trước. Khác với tình hình 2006 và 2009, Nga tung đòn áp lực vào giữa mùa đông, lần này châu Âu đã bước vào mùa xuân và có đến 9 tháng trước mặt để chuẩn bị. Mùa đông vừa qua thời tiết lại khá ấm áp nên trữ lượng khí đốt tồn kho còn nhiều. Trên thực tế, châu Âu chỉ mua của Nga có 20% nhu cầu và rút kinh nghiệm khủng hoảng 2006, 2009, tây Âu tăng nhập khẩu từ Bắc Âu, Algéri …

Theo chuyên gia Litlit Gevorgyan, do kinh tế Nga hiện nay đang khập khểnh, chính quyền Matx cơva rất cần nguồn ngoại tệ, cần bán khí đốt cho châu Âu.

Thứ hai, Kiev không sợ Nga cúp « ga » vì Washington và Bruxelles hứa cung cấp khí đốt, mua của Nga với giá rẻ, từ đường trung chuyển khác qua Belarus.

Chuyên gia Alexei Malachenko của trung tâm nghiên cứu Carnegie nhận định « lần khủng hoảng này, Ukraina được khí đốt từ Trung Âu cung cấp và sẽ nhanh chóng giúp Kiev sớm thoát khỏi lệ thuộc vào khí đốt của Nga.


« Trung Quốc ép giá …. »

Trong trường hợp mất thị trường Ukraina, liệu Nga có thể chuyển sang Trung Quốc ? Theo chuyên gia Alexei Malachenko, Nga biết nếu chỉ chơi với Bắc Kinh thì sẽ bị thiệt hại vì bị ép giá. Từ nhiều năm nay, tập đoàn Gazprom thương lượng với Trung Quốc một thỏa thuận xuất khẩu khí đốt. Sau khi vất vã giải quyết được phần « kỹ thuật » tức là lộ trình, khối lượng… Nga đụng phải một chướng ngại mà cho đến nay vẫn chưa vượt qua : đó là giá cả, Bắc Kinh đòi giá thấp hơn giá thị trường.

Theo giới phân tích của Ngân hàng Merrill Lynch Hoa Kỳ, Nga không thể nào bỏ thị trường Ukraina trước khi cuộc đàm phán giá cả với Trung Quốc kết thúc.

Trên Vedomosti, nhật báo kinh tế duy nhất không bị chế độ kiểm soát, chuyên gia Natalia Mitrova nhận định : Hiện nay là Nga không còn hy vọng gia tăng thị phần năng lượng ở châu Âu và các nước lân bang trong CEI (Cộng đồng các quốc gia độc lập, thành viên ủa Liên Xô cũ). Vấn đề là « Trung Quốc là một bạn hàng khó tính và sẽ lợi dụng thời cơ để buộc Nga nhượng bộ thêm ».



No comments:

Post a Comment

View My Stats