Thursday 10 April 2014

ĐỪNG NÊN ĐÒI HỎI NGƯỜI ĐÃ HY SINH PHẢI HY SINH ĐẾN CÙNG (Nguyễn Trần Sâm)




Nguyễn Trần Sâm
10-04-2014

Sự kiện Cù Huy Hà Vũ được ra khỏi nhà tù và sang Mỹ đã làm rất nhiều người đang lo lắng cho sức khỏe của Anh thấy nhẹ người.

Tuy nhiên, ngay sau đó đã xuất hiện những bài viết phân tích những cái hay cái dở của sự việc. Và không khỏi có những sự nghi ngại rằng đã có những cuộc mặc cả, thậm chí CHHV đã vì quyền lợi riêng mà “xuống thang”, xa rời tâm điểm của cuộc đấu tranh, để lại những người từng cùng cảnh ngộ vẫn tiếp tục sống trong vòng lao lý. Phải thừa nhận rằng những sự phân tích và lo ngại đó ít nhiều có lý.
Hiện CHHV chưa muốn gặp giới truyền thông để giải đáp những thắc mắc về sự việc. Vì vậy, chúng ta càng chưa biết gì về hoạt động của Anh trong những năm tháng sắp tới.

Điều tôi muốn nói ở đây là về chính chúng ta, những người gần như ngoài cuộc hoặc “đi sau” trên con đường đấu tranh. Chúng ta vẫn hay mắc vào một trạng thái tâm lý không hay. Khi ai đó xả thân vì nghĩa, ta ca ngợi họ. Và khi thấy dường như họ mệt mỏi, muốn bỏ cuộc hoặc đi chậm lại thì ta lập tức chê bai, thậm chí lên án họ. Lúc bấy giờ, trong mắt chúng ta, họ còn không bằng những kẻ chưa hề hy sinh một chút nào quyền lợi bản thân. Và chúng ta tự cho mình cái quyền nói những điều không hay về họ.

Trong cuộc sống hàng ngày cũng có những chuyện tương tự vẫn thường xảy ra. Quý vị thấy một người cần được giúp đỡ, nếu quý vị vờ như không thấy thì sẽ không bị ai chê trách. Nhưng nếu quý vị chìa bàn tay mình ra, giúp một lần, hai lần,… cho đến khi quý vị thấy không thể giúp tiếp được nữa và dừng, chính quý vị sẽ bị coi là người không tốt.

Hồi còn làm trong cơ quan nhà nước, tôi thuộc loại hay đứng ra đấu tranh với lãnh đạo để đòi một số quyền lợi chính đáng cho đồng nghiệp. Một lần, để đòi quyền lợi cho tập thể, chúng tôi đã bàn nhau phối hợp nêu ý kiến với ban lãnh đạo cơ quan. Đến khi ra đối diện với thủ trưởng cơ quan thì chỉ mình tôi nói đúng tinh thần đã bàn bạc, khá gay gắt, còn các vị kia đều “trở cờ” hết. Sau đó tôi né tránh phải đụng độ với cấp trên, và đến khi đó thì một số vị “đồng đội” gặp không thèm nhìn tôi nữa.

Trở lại trường hợp CHHV. Chúng ta đã làm được gì cho Anh? Sau khi Anh bị bắt, vài trăm người trong chúng ta đã tham gia ký kiến nghị yêu cầu thả Anh. Nhưng đó là giải pháp khá an toàn. Thử hỏi, chúng ta có dám xuống đường biểu tình đòi thả CHHV? Chúng ta có dám chấp nhận những thiệt thòi như Anh? Tất nhiên, có những người do hoàn cảnh không thể làm như thế được, nhưng chắc chắn cũng có nhiều người lấy “hoàn cảnh” ra để làm cái cớ tự biện hộ cho mình về việc không dám noi gương Anh. Và vì thế, trong việc Anh được rời khỏi nhà tù, vai trò của chúng ta không phải là chủ đạo.

Vì vậy, mặc dù mong và tin rằng CHHV sẽ sớm về nước để tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh, tôi vẫn cho rằng chúng ta không có quyền đòi hỏi ở Anh điều đó. Và càng không nên nói những lời không hay về Anh, nếu vì một lý do nào đó mà Anh buộc phải tạm im tiếng một thời gian.

Về việc CHHV được thả, tôi cho rằng về cơ bản đó là một thắng lợi của phong trào đòi dân chủ, nhân quyền.

NGUYỄN TRẦN SÂM


No comments:

Post a Comment

View My Stats