Saturday 19 April 2014

TRÒ CHUYỆN VỚI POSTMASTER GỐC VIỆT ĐẦU TIÊN CỦA BƯU ĐIỆN MỸ (Linh Nguyễn - Người Việt)




Linh Nguyễn/Người Việt
Wednesday, April 16, 2014 7:56:40 PM

WESTMINSTER, California (NV) - Làm việc trong ngành bưu điện, một thời là giấc mơ của nhiều người tị nạn Việt Nam, nhưng không ai có thể ngờ, gần 40 năm sau, anh Anthony Lê là người Việt đầu tiên trở thành một “Postmaster” Bưu Điện trên toàn quốc Hoa Kỳ.

Anthony Lê, quản trị viên (Postmaster) Bưu Điện Hoa Kỳ tại Los Angeles. (Hình: Anthony Lê cung cấp)

“Sau 17 năm làm việc trong ngành bưu điện, phải nói là một sự tình cờ, tôi xin làm bán thời gian khi đại diện Bưu Điện Hoa Kỳ (USPS) vào tuyển nhân viên tại trường Cal State Fullerton (CSUF) khóa mùa Hè. Khi ấy tôi vừa tốt nghiệp trung học và chỉ mong có việc làm để kiếm tiền đi học,” anh Anthony Lê nói với phóng viên nhật báo Người Việt.

Anh kể: “Công việc khi ấy gọi là 'PTF' (part time flexible) tôi cứ nghĩ là việc tạm thời, ai ngờ sau khóa Hè, họ tiếp tục sắp xếp cho tôi đi làm như thường. Tôi giải thích rằng tuần sau đó là tôi đi học lại rồi. Họ nói học thì cứ học. Công việc PTF là của tôi suốt đời. Người sếp giải thích cho tôi rằng vừa làm, vừa học, sau bốn năm lương còn cao hơn kỹ sư thì học kỹ sư làm gì. Thế là tôi giữ công việc bưu điện.”
Anh cho biết: “Ngày xưa muốn làm cho USPS phải thi rất khó. Tôi thi đậu và làm thêm ba tháng. Sếp khen tôi làm giỏi. Tôi bắt đầu từ công việc người phát thư (Carrier) trong suốt 5 năm. Năm 1997, tôi tốt nghiệp cử nhân đại học CSUF môn Quản Trị Kinh Doanh. Sau đó, năm 2004 tôi tốt nghiệp cao học quản trị kinh doanh (MBA) đại học University of Phoenix, và được lên chức cai (Supervisor) trông coi gần 60 nhân viên. Sau đó ba năm tôi được đề cử làm Quản Lý Trạm (Customer Service Station Manager) ở Irvine, có 150 nhân viên.”

Anh giải thích một thành phố có từ ba đến bốn trạm bưu điện. Thí dụ bưu điện trên đường Golden West ở Westminster là một trạm.

Anh kể tiếp, sau chức quản lý trạm, anh được đề cử làm “OIC” (Office-in-charge), có nghĩa là xử lý thường vụ Quản Trị Viên Bưu Điện Hoa Kỳ (Postmaster), chịu trách nhiệm bưu điện trong bảy thành phố trong thời gian bốn năm. Trước đó anh hoàn tất tám lớp quản trị cao cấp của bưu điện mỗi lớp trung bình dài sáu tháng và thăng chức làm Postmaster vào Tháng Mười Một, 2013.

Sau khi được thăng chức, anh coi bưu điện của ba thành phố, gồm Venice Beach, Marina Del Rey và Playa Del Rey thuộc Los Angeles County, có 275 nhân viên, trong đó chỉ có năm hay sáu người Việt Nam.

Người Postmaster trẻ, gốc Việt, cho biết thêm: “Trách nhiệm của tôi là mỗi ngày lo quản trị ngân sách để đừng bị thiếu hụt; số lượng thư từ phải được giao trong ngày; kiểm soát thư từ đi xa phải được đưa tới phi trường cho đúng giờ; quản lý nhân viên; và phải lên kế hoạch và sắp xếp thời khóa biểu cho hợp với mục tiêu đề ra của bưu điện trung ương tại Washington, D.C.”

Anh nói thư được chia làm hai loại, loại gần phải bỏ lên xe tải và số thư đi xa phải chia thành tiểu bang và kịp đưa ra phi trường. Anh nói vụ xe tải chở thư ở Brea bốc cháy gần đây là trên đường đi ra phi trường Ontario.

“Công việc ngành bưu điện tuy vất vả nhưng về quyền lợi và lương bổng thì rất tốt. Chẳng hạn lương của một Postmaster, mức lương EAS từ 12-24," anh nói.

“Hiện nay mức lương tôi là EAS 23. Về quỹ hưu trí thì USPS có chương trình TSR (Thrift Saving Program) tương tự như 401-K tại các công ty tư nhân. Phần USPS cho đến 5% của số tiền nhân viên ký thác,” người quản trị viên trẻ nói.

Anh giải thích rằng: “Ngành bưu điện Hoa Kỳ đứng đầu là một tổng quản trị bưu điện (Postmaster General), phục vụ tại trụ sở chính ở Washington D.C. Dưới ông là các phó chủ tịch vùng, thí dụ như vùng Pacific Area, gồm các tiểu bang Nevada, Arizona, Hawaii, Utah... Dưới các vị này là các quản lý quận (District Manager), thí dụ như Los Angeles, Sierra Coastal. Dưới cấp quận là Postmaster như tôi, trách nhiệm nhiều thành phố.

Trước sự thành công của người gốc Việt cùng ngành, anh An Trần hiện làm việc tại sở bưu điện Los Angeles, chia sẻ: “Đây là một chức vụ quan trọng trong ngành bưu điện mà thế hệ của tôi và anh chị em trẻ trong ngành bưu điện đều mong ước. Chúng tôi vô cùng hãnh diện về anh Anthony Lê.”

Ông Henry Nguyễn, 55 tuổi, cư dân Stanton, phục vụ 10 năm cho bưu điện Hoa Kỳ, cho biết: “Khá vất vả mới lên được tới chức Postmaster vì phải qua nhiều lớp huấn luyện. Người Việt may lắm chỉ lên tới chức quản lý vì áp lực qua nhiều. Đó là chưa kể phe cánh và cả sự kỳ thị cũng có.”

Một nhân viên làm việc ở Bưu Điện Bolsa, Westminster, giấu tên, nói: “Tôi không thích nhức đầu. Làm ở đây trên 20 năm cùng công việc này là được rồi!”

Nói về mình, anh Anthony Lê cho biết anh 40 tuổi, sinh sống cùng vợ và một con trai 10 tuổi ở Westminster. Anh là con trai út trong gia đình, qua Mỹ năm 1990, gồm cha mẹ và ba anh chị em, định cư theo diện HO. Thân phụ là cựu trung tá Lê Như Hùng, một cựu sĩ quan phục vụ Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, xuất thân khóa 14 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

---
Liên lạc tác giả:
LinhNguyen@nguoi-viet.com


No comments:

Post a Comment

View My Stats