Sunday 6 April 2014

THÁNG TƯ, TƯỞNG NIỆM (Trần Khải)




06/04/201400:00:00

Tháng 4-1975, Miền Nam sụp đổ. Đất nước thống nhất, và một cuộc trả thù đã diễn ra ở tầm mức rộng lớn kéo dài nhiều thập niên. Hàng trăm ngàn quân cán chính VNCH bị đẩy vào trại tù cải tạo, trại giam, công trường lao động... trong khi nhiều gia đình bị đẩy vào các khu kinh tế mới, rừng sâu nước độc, và họ và con em trở thành những công dân hạng 3, hạng 4.

Nhiều vị Tướng lãnh, sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa tự sát. Và cả những chiến binh cũng tự sát.

Tự sát vì nắm quân mà không giữ được thành đã nhiều lần ghi trong sử Việt Nam.

Cụ Phan Thanh Giản năm 1867, mất ba tỉnh Miền Tây về tay quân Pháp, đã tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 4 tháng 8 năm 1867. Đó là thời chống Pháp.

Wikipedia ghi lại:

“Ngày 20 tháng 6 năm 1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long (vốn đã được trao trả triều đình Huế ngày 25 tháng 5 năm 1863), yêu cầu ông gửi mật thư cho thủ thành An Giang và Hà Tiên buông súng đầu hàng. Trước sức mạnh áp đảo của Pháp về mặt quân sự, biết thế không thể giữ nổi, nên để tránh đổ máu vô ích, Phan Thanh Giản đã quyết định trao thành, không kháng cự, với yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho dân chúng. Thế là chỉ trong 5 ngày (20-24 tháng 6 năm 1867), Pháp chiếm gọn ba tỉnh miền Tây không tốn một viên đạn. Sau khi thành mất ông tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 4 tháng 8 năm 1867, hưởng thọ 72 tuổi.

Đền thờ Phan Thanh Giản hiện ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre. Và từ rất lâu, nhân dân ở vùng núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang vẫn coi ông là một vị thần Thành Hoàng. Ngoài ra ông còn được thờ tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long.”(hết trích)

Trước đó nhiều thập niên, là một cuộc nội chiến, giữa quân nhà Nguyễn và quân Tây Sơn. Khi thành Bình Định thất thủ, cụ Võ Tánh tự thiêu, cụ Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự sát.

Năm 1801, khi đại quân chúa Nguyễn rút về Gia Định, thành Bình Định được giao cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu trấn giữ. Thành Bình Định ngay sau đó bị đại quân Tây Sơn, dưới quyền chỉ huy huy của Thái Phó Trần Quang Diệu và tướng Võ Văn Dũng đến bao vây. Trần Quang Diệu sai đắp lũy chung quanh thành và chia quân vây bốn mặt, Võ Văn Dũng thì đôn đốc thủy quân phòng giữ cửa Thị Nại. Cuộc bao vây kéo dài đến 14 tháng.

Sách sử kể lại, theo Tự Điển Bách Khoa Mở:

“Trong thành binh sĩ lâu ngày thiếu lương thực, có người khuyên Võ Tánh nên vượt vòng vây trốn thoát, nhưng ông cương quyết ở lại "Không thể được. Ta phụng mạng giữ thành này, nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình, thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng?". Ông sau đó cho người trao cho Trần Quang Diệu một bức thư, xin tha chết cho quân sĩ trong thành. Ông sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào, rồi châm ngòi tự vẫn. Tiếp theo, Ngô Tùng Châu cũng dùng thuốc độc tự vẫn. Đó là ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu, tức vào ngày 7 tháng 7 năm 1801.”(hết trích)

Và trước đó nhiều thế kỷ, vào thế kỷ thứ 13, danh tướng nhà Trần là Trần Bình Trọng, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông, cũng đã chọn cách tuẫn tiết.

Tự Điển Bách Khoa ghi rằng:

“Tháng 1 năm 1285, 50 vạn quân Nguyên-Mông do Trấn Nam Vương Thoát Hoan, con trai của Hoàng đế nhà Nguyên Hốt Tất Liệt, cầm đầu chia quân làm hai cánh tấn công xâm lược Đại Việt. Quân Nguyên Mông là đạo quân cực kỳ thiện chiến, nhanh chóng chiếm ưu thế tuyệt đối trước quân Đại Việt, ít hơn và không quen chiến trận. Sau thất bại trong vài trận đánh mở màn, tổng tư lệnh quân Đại Việt, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quyết định lui quân về giữ Vạn Kiếp (nay thuộc vùng Vạn Yên, Chí Linh, Hải Dương). Sau đó, quân Đại Việt lui về Thăng Long, nhưng cũng không giữ được trước sức tấn công ồ ạt của quân Nguyên.

Hưng Đạo Vương quyết định rút khỏi Thăng Long, lui về Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định). Trần Bình Trọng được Hưng Đạo Vương và hai vua Trần giao cho một nhiệm vụ nặng nề: giữ vùng Đà Mạc - Thiên Mạc, ngăn chặn và cầm chân quân Nguyên, đảm bảo cho bộ chỉ huy quân kháng chiến rút lui an toàn và bí mật, không để lại dấu vết.

Tư lệnh quân Nguyên là Thoát Hoan đặc biệt ưu tiên cho cánh quân truy đuổi này với hai đạo cả thủy lẫn bộ đều do những tướng giỏi, hữu thừa Khoan Triệt và tả thừa Lý Hằng cùng Ô Mã Nhi, chỉ huy, đều dùng quân khinh kỵ và thuyền nhẹ để truy đuổi bằng được hai vua Trần.

Trần Bình Trọng đã tổ chức cuộc đánh chặn ngay tại bãi Thiên Mạc. Do sự chênh lệch quá lớn về quân số, Trần Bình Trọng bị bắt, nhưng trận đánh là một thắng lợi cực kỳ quan trọng về mặt chiến lược với cuộc kháng chiến khi kể từ đó, quân Nguyên hoàn toàn mất dấu bộ chỉ huy kháng chiến.

Sau khi bắt được Trần Bình Trọng, tướng Nguyên tìm mọi cách để khai thác thông tin, dọa nạt, dụ dỗ ông. Tuy nhiên, Trần Bình Trọng kiên quyết không khuất phục. Khi được hỏi có muốn làm vương đất bắc không, Trần Bình Trọng khẳng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi.”

Đó là một trong những câu nói nổi tiếng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm cũng như lịch sử Việt Nam nói chung, trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc Việt. Không thể khuất phục được Trần Bình Trọng, quân Nguyên buộc phải giết ông.”


Lúc đó là năm 1285. Năm đó, Tướng Trần Bình Trọng mới 26 tuổi.

Năm 1975, quân lực VNCH có 5 vị Tướng và nhiều quân cán chính tự sát khi Miền Nam thất thủ.

Theo trang TVVN.org, sau đây là danh sách sưu tập được bởi một cựu SVSQ khoá 3/73 Thủ Đức.

“Danh sách các quân nhân Quân Lực VNCH đã tự sát trong những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa như sau:

HỌ TÊN - Cấp bậc - Chức vụ - Đơn vị - Ngày tự sát

1- Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, cựu tư lệnh Quân Đoàn II 30/4/1975

2- Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân Đoàn IV 30/4/1975

3- Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, tư lệnh phó Quân Đoàn IV 30/4/1975

4- Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, tướng tư lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh 30/4/1975

5- Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh 30/4/1975

6- Đại Tá Nguyễn Hữu Thông, trung đoàn trưởng 42 Bộ Binh, Sư Đoàn 22 Bộ Binh- khóa 16 Đà Lat. 31/3/1975 tự sát tại Quy Nhơn

7- Đại Tá Lê Câu, trung đoàn trưởng 47 Bộ Binh, Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Tự sát ngày 10/3/1975

8- Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn (bào đệ của Trung Tướng Lê Nguyên Khang). 30/4/1975

9- Thiếu Tá Không Quân Nguyễn Gia Tập, đặc trách khu trục tại Bộ Tư Lệnh KQ. Tự sát 30/4/75 tại BTLKQ

10- Trung Tá Nguyễn Văn Long CSQG 30/4/1975 tự sát tại công trường Lam Sơn, Sài Gòn

11- Trung Tá Nguyễn Đình Chi Phụ Tá Chánh sở 3 ANQĐ - Cục An Ninh Quân Đội. Tự sát 30/4/1975 tại Cục An Ninh

12- Trung Tá Phạm Đức Lợi, phụ tá Trưởng Khối Không Ảnh P2/ Bộ TTM 30/4/1975

13- Trung Tá Vũ Đình Duy, trưởng Đoàn 66 Đà Lạt 30/4/1975

14- Trung Tá Nguyễn Văn Hoàn, trưởng Đoàn 67 Phòng 2 Bộ Tổng Tham mưu. Tự sát ngày 30/4/1975

15- Hải Quân Trung Tá Hà Ngọc Lương, Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang. Tự sát ngày 28/4/1975 cùng vợ, 2 con và cháu (bằng súng)

16- Thiếu Tá Đặng Sỹ Vĩnh, trưởng Ban Binh Địa P2 Bộ TTM, sau biệt phái qua Cảnh Sát 30/4/1975 tự sát cùng vợ và 7 con

17- Thiếu Tá Mã Thành Liên (Nghĩa), tiểu đoàn trưởng 411ĐP, TK Bạc Liêu- khoá 10 Đà Lạt. 30/4/1975 tự sát cùng vợ

18- Thiếu Tá Lương Bông, phó ty An Ninh Quân Đội Cần Thơ- Phong Dinh. Tự sát ngày 30/4/1975

19- Thiếu Tá Trần Thế Anh, đơn vị 101. Tự sát ngày 30/4/75

20- Đại Úy Vũ Khắc Cẩn, Ban 3, Tiểu Khu Quảng Ngãi. Tự sát 30/4/1975

21- Đại Úy Tạ Hữu Di, tiểu đoàn phó 211 Pháo Binh Chương Thiện. Tự sát 30/4/1975

22- Trung Úy CSQG Nguyễn Văn Cảnh, trưởng cuộc Vân Đồn, Q.8. Tự sát ngày 30/4/1975

23- Chuẩn Úy Đỗ Công Chính, TĐ 12 Nhảy Dù. Tự sát ngày 30/4/1975 tại cầu Phan Thanh Giản

24- Trung Sĩ Trần Minh , gác Bộ Tổng Tham Mưu. Tự Sát 30/4/1975

25- Thiếu Tá Đỗ Văn Phát, quận trưởng Thạnh Trị Ba Xuyên 1/5/1975

26- Thiếu Tá Nguyễn Văn Phúc, tiểu đoàn trưởng, Tiểu Khu Hậu Nghĩa 29/4/1975

27- Trung Tá Phạm Thế Phiệt 30/4/1975

28- Trung Tá Nguyễn Xuân Trân, Khoá 5 Thủ Đức, Ban Ước Tình Tình Báo P2 /Bộ TTM. Tự sát ngày 1/5/75

29- Trung Tá Phạm Đức Lợi, Phòng 2 Bộ TTM, khóa 5 Thủ Đức, học giả, nhà văn, thơ, soạn kịch…bút danh: Phạm Việt Châu, cựu giảng viên SNQĐ, trưởng phái đoàn VNCH thực hiện HĐ Paris tại Hà Nội. Tự sát tại nhà riêng ngày 5/5/1975

30- Đại Úy Nguyễn Văn Hựu, trưởng Ban Văn Khố P2/Bộ TTM. Tự sát sáng 30/4/75 tại P2/Bộ TTM

31- Thiếu Úy Nguyễn Phụng, CS đặc biệt, 30/4/1975 tại Thanh Đa, Sài Gòn

32- Thiếu Úy Nhảy Dù Huỳnh Văn Thái, khoá 5/69 Thủ Đức. 30/4/1975 tự sát tập thể cùng 7 lính Nhảy Dù tại Ngã 6 Chợ Lớn.

33- Trung Úy Đặng Trần Vinh (con của Thiếu Tá Đặng Sĩ Vinh), P2 BTTM. Tự sát cùng vợ con 30/4/1975

34- Trung Úy Nghiêm Viết Thảo, An Ninh Quân Đội, khóa 1/70 Thủ Đức. Tự sát 30/4/1975 tại Kiến Hòa

35- Thiếu Úy Nguyễn Thanh Quan (Quan Đen), phi công PĐ 110 Quan Sát (khóa 72). Tự sát chiều 30/4/1975

36- Hồ Chí Tâm B2, TĐ 490 ĐP (Mãnh Sư) TK Ba Xuyên (Cà Mau). Tự sát bằng súng M16 trưa 30/4/1975 tại Đầm Cùn, Cà Mau

37- Thượng Sĩ Phạm Xuân Thanh, trường Truyền Tin Vũng Tàu. Tự sát ngày 30/4/1975 tại Vũng Tàu

38- Thượng Sĩ Bùi Quang Bộ, trường Truyền Tin Vũng Tàu. Tự sát ngày 30/4/1975 cùng gia đình 9 người tại Vũng Tàu

Danh sách này do một cựu SVSQ khoá 3/73 Thủ Đức sưu tầm từ những tư liệu không được đầy đủ, cần có một cơ quan nào đó làm việc cập nhật bản danh sách các anh hùng của QLVNCH để được đầy đủ và chính xác nhằm lưu danh cho hậu thế.” (hết trích)

Xin thành kính tưởng niệm. Và trân trọng thành kính vinh danh.


2 comments:

  1. Chiến thắng 30/4 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Suốt 30 năm kể từ ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cả dân tộc bền bỉ, kiên cường chiến đấu hy sinh để đi tới thắng lợi trọn vẹn “đánh cho Mỹ cút, nguỵ nhào”, “Bắc Nam sum họp”…

    Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của nội lực bền bỉ, kiên cường của dân tộc Việt Nam, của truyền thống văn hoá Việt Nam, của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, đồng thời là sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước XHCN anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ.
    tháng tư đem lại cho chúng ta một cuộc sống mới.

    ReplyDelete
  2. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã toàn thắng. Miền Nam nước ta đã hoàn toàn giải phóng. Trong 55 ngày đêm chiến đấu dồn dập và thần tốc, anh dũng và táo bạo, quân và dân ta đã đập tan hoàn toàn bộ máy chiến tranh khổng lồ và hiện đại của quân ngụy đông tới 1.351.000 tên, được xếp vào loại mạnh nhất ở Đông Nam á, đã xóa bỏ hoàn toàn bộ máy ngụy quyền từ trung ương tới cơ sở mà Mỹ đã dày công gây dựng và nuôi dưỡng từ hơn hai chục năm nay. Chế độ thực dân mới đã hoàn toàn bị sụp đổ. Tổng tiến công và nỗi dậy mùa Xuân 1975 đã đập tan toàn bộ lực lượng quân sự địch.
    Đây là ngày để chúng ta tự hào về đất nước, về dân tộc chúng ta

    ReplyDelete

View My Stats