Sunday 13 April 2014

QUỐC PHÒNG TRUNG QUỐC : NGÂN SÁCH GIA TĂNG, KHẢ NĂNG HẠN CHẾ (Thanh Phương - RFI)




Thanh Phương  -  RFI
Thứ bảy 12 Tháng Tư 2014

Có trong tay quân đội lớn nhất thế giới, Trung Quốc hiện đã bỏ xa láng giềng Nhật Bản nếu tính về số chiến hạm, phi cơ và chi tiêu quân sự, nhưng theo các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua, 11/04/2014, Bắc Kinh thừa biết rằng trong trường hợp có xung đột trong lúc này, họ sẽ khó mà giành chiến thắng.

Vào lúc mà hai cường quốc đang đối đầu với nhau trên vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong tuần này, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã lần lượt viếng thăm Tokyo và Bắc Kinh và đã đề cập đến những căng thẳng khu vực này. 

Ông Chuck Hagel đã nhắc lại sự yểm trợ kiên quyết của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản, và đã có những trao đổi gay gắt với các tướng lãnh Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã cảnh cáo Bắc Kinh là không nên có bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm giải quyết tranh chấp lãnh hải. Các tướng lãnh chế độ Bắc Kinh đáp lại rằng chủ quyền của Trung Quốc trên bán đảo Senkaku/Điếu Ngư là « không thể thương lượng được ». 

Mặc dù có những lời lẽ hiếu chiến như vậy và tuy đã tăng hơn 12% ngân sách quân sự cho năm 2014, nhưng theo các nhà phân tích, Bắc Kinh chưa thật sự sẵn sàng cho bất cứ một cuộc xung đột nào, dù là cố tình gây ra hay không. 

Ông Arthur Ding, một chuyên gia quân sự ở Đài Loan, nói với hãng tin AFP rằng bộ tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc phải rất thận trọng trước khi quyết định tung ra bất cứ một chiến dịch quân sự nào. Theo ông Arthur Ding, cho dù không dựa vào liên minh phòng thủ với Washington và vào « lá chắn » của Mỹ, quân đội Nhật Bản hiện giờ có lợi thế hơn Trung Quốc về mặt huấn luyện và thiết bị quân sự. 

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS công bố tháng Hai vừa qua, về mặt số lượng thì quân đội của Bắc Kinh qua mặt Tokyo trong hầu như toàn bộ các lĩnh vực. 

Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc tính đến năm ngoái có khoảng 2,3 triệu quân, trong khi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chỉ có gần 250 ngàn quân. Theo thống kê của IISS, phía Trung Quốc có đến hơn 2500 máy bay, trong khi Nhật chỉ có 630 chiếc để bảo vệ không phận.

Trên biển, Trung Quốc hiện có đến 66 tàu ngầm chiến đấu, áp đảo con số 18 tàu ngầm của Nhật. Nếu đụng độ trên bộ thì con số 6.840 xe tăng của Trung Quốc đè bẹp dễ dàng 777 xe tăng của Nhật. Về ngân sách quân sự thì trong năm 2013, Trung Quốc chi ra đến 112 tỷ đôla, vượt xa con số 51 tỷ của Nhật. 

Nhưng viện IISS lưu ý rằng Trung Quốc hiện vẫn còn nhiều điểm yếu, như thiếu kinh nghiệm chiến đấu, tinh thần binh sĩ và chất lượng huấn luyện chưa biết như thế nào, trình độ sĩ quan chỉ huy còn yếu kém. Báo cáo của IISS nhấn mạnh, trên nhiều mặt, quân đội Trung Quốc xét về chất lượng có trình độ thấp hơn các quân đội có công nghệ tiên tiến hơn trong khu vực, như Hàn Quốc và Nhật Bản, và vẫn còn thua xa Hoa Kỳ. 

Hơn nữa, hiện giờ Washington vẫn duy trì một lực lượng khoảng 50 ngàn quân trên bán đảo Triều Tiên và tại nhiều căn cứ chiến lược, trong đó có căn cứ Okinawa, chỉ cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có một giờ bay. Sự hiện diện của lực lượng này vẫn mang tính răn đe đối với Trung Quốc. 

Nhưng theo các chuyên gia, tuy chính phủ Bắc Kinh còn tỏ ra thận trọng, họ cũng đã biểu lộ rõ mưu đồ chiến lược. Chuyên gia quân sự Nhật Kazuhisa Ogawa cho biết là Trung Quốc đưa các tàu phi quân sự đến vùng tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư chính là để thăm dò phản ứng của Nhật và Mỹ, một cách để khẳng định chủ quyền, nhưng không đi quá xa. Có lẽ họ muốn làm đúng theo Binh Pháp Tôn Tử : Chiến lược thắng lợi trọn vẹn nhất là : « Không cần đánh mà khuất phục được kẻ địch ».

-------------------------------

Mai Vân  -  RFI
Thứ bảy 12 Tháng Tư 2014

Vào sáng nay, 12/04/2014, theo một kịch bản quen thuộc, ba chiếc tàu tuần duyên Trung Quốc lại xâm nhập vào vùng biển thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm dưới quyền kiểm soát của Tokyo. Theo lực lượng tuần duyên Nhật Bản, các chiếc tàu Trung Quốc đã tiến vào vùng lãnh hải 12 hải lý của một trong những hòn đảo ở vùng Senkaku, lưu lại trong khu vực đó trong khoảng hai tiếng đồng hồ trước khi bỏ đi.

Đây là sự cố mới nhất trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền Nhật-Trung về chủ quyền tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Tàu và máy bay Trung Quốc vẫn thường xuyên tiến vào khu vực quần đảo này từ khi chính quyền Tokyo quốc hữu hóa một số đảo vào tháng Chín năm 2012. 
Các mối quan ngại về khả năng xảy ra xung đột võ trang tại nơi này đã dặc biệt gia tăng từ tháng Mười một năm ngoái 2013, sau khi Trung Quốc đơn phương áp đặt một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông, bao trùm cả khu vực Senkaku/Điêu ngư, và bắt buộc các phi cơ bay qua khu vực này phải khai báo trước cho Trung Quốc. 

Quyết định của Trung Quốc đã khiến Mỹ bất bình vì điều đó có nguy cơ dẫn đến những sự cố đáng tiếc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã hội đàm với đồng nhiệm Nhật Bản Itsunori Onodera vào tuần trước, và đã lưu ý Trung Quốc là phải tránh những hành động đơn phương nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản hoặc với các nước châu Á khác. 

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vào thứ Ba vừa qua đã phản ứng, một mặt khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh, một mặt khác xác định rằng Trung Quốc sẽ không có hành động đầu tiên để "khuấy động rắc rối" trong vấn đề tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng.



No comments:

Post a Comment

View My Stats