Sunday 13 April 2014

CÙ HUY HÀ VŨ QUA MỸ – VUI HAY BUỒN ? (NGỤY – DŨNG)




NGỤY – DŨNG
Posted on 13.04.2014

Sau khi nhận tin L/s Cù Huy Hà Vũ và vợ – bà Nguyễn Thị Dương Hà “được” nhà cầm quyền CSVN “cho” qua Mỹ một cách đột ngột bất ngờ – ngay cả người con trai ở Úc cũng không biết.

Một số bạn bè , những người đồng chí hướng đấu tranh dân chủ đều vui mừng cho Cù Huy Hà Vũ đã thoát được ngục tù CSVN đến được bến bờ tự do .

Nhưng đối với tôi – Sau khi biết được tin từ Diễn Đàn Công Luận và Dân Làm Báo – lòng tôi cảm thấy buồn nhiều cho Cù Huy Hà Vũ – vì tôi biết chắc chắn 100% cuộc đời đấu tranh dân chủ của Cù Huy Hà Vũ sẽ chấm dứt và tên tuổi của Cù Huy Hà Vũ cũng sẽ lần vào quên lãng , chưa nói đến nhiều điều hệ lụy đau buồn sẽ mang đến ở xứ người.

Chúng ta hãy nhìn về quá khứ – một Đoàn Viết Hoạt , một Nguyễn Chính Kết , một Bùi Kim Thành, một Trần Khải Thanh Thuỷ vv…hiện giờ, họ đang sống tại đất Mỹ và cuộc sống họ ra sao ? Từ ngày họ qua định cư ở Mỹ , họ đã làm được gì trong công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ ? Hay họ phải im hơi lặng tiếng để đi tìm miếng cơm, manh áo cho cuộc sống hằng ngày .

Ở Mỹ chúng ta không thể tà tà mà sống được – mỗi tháng chúng ta phải thanh toán đủ mọi thứ tiền : tiền nhà, tiền bảo hiểm xe, bảo hiểm sức khỏe, tiền điện, nước , tiền ăn uống sinh hoạt hằng ngày vv…và còn không biết bao nhiêu thứ tiền khác . Chỉ khoảng tiền nhà , nếu chúng ta chưa có tiền trả đúng thời gian quy định thì “ mời anh ra khỏi nhà” ngay . Và ở Mỹ , chúng ta cũng đừng trông cậy gì ở con cái hay người thân – Ai làm nấy ăn , tiền ai người ấy sài . Đó như là một định luật bất di, bất dịch ở đất nước Mỹ -

Từ ngày giáo sư Đoàn Viết Hoạt qua Mỹ thì sự nghiệp chính trị của ông ta như thế nào ? – Chết hẳn , tiếng nói của ông ta không còn một chút trọng lượng nào , có chăng là những lời phản đối gièm pha , chê bai – Cộng đồng người Việt ở Hải ngoại không còn xem ông là thần tượng đấu tranh như trong thời kỳ ông còn ngồi tù ở Việt Nam cùng với Bác sĩ Nguyễn Đan Quế .

Nguyễn Chính Kết, Bùi Kim Thành, Trần Khải Thanh Thuỷ thì sao ? khi họ còn ở trong nước, người Việt ở Hải ngoại rất kính nễ họ , xem họ là những nhà đấu tranh bất khuất – đã dám đương đầu chống lại tà quyền CSVN . Nhưng bây giờ với cái nhìn của người Việt hải ngoại thì Nguyễn Chính Kết chỉ là một người “ vô tích sự” đang sống nhờ vào sự bố thí của HDH ;

“ Luật sư dân oan” Bùi Kim Thành thì sao ? – Chú Chánh bịp tưởng rằng gặp được cá lớn, hí ha, hí hững trịnh trọng rước về đặt cho một chiếc ghế trong “Chính Phủ Việt Nam Tự” để lấy danh bịp thiên hạ . Sau một thời gian, Chánh bịp thấy rõ là một mụ điên nên khiêng ra bỏ ngoài “Sài Gòn nhỏ” , hiện giờ sống lang thang nhờ sự bố thí của đồng hương .

Còn Trần Khải Thanh Thuỷ thì sao ? Chẳng khác gì Bùi Kim Thành . Là đảng viên giấu mặt của đảng Việt Tân, nên khi vừa bước chân xuống phi trường San Fransico, Trần Khải Thanh Thuỷ đã được đảng Việt Tân tổ chức chào đón linh đình. Xe đón, xe đưa đi khắp mọi nơi để “ thuyết trình”. Nhưng rồi, với trình độ , kiến thức hạn chế và thiếu khả năng ăn nói trước công chúng . Trần Khải Thanh Thủy đã làm thất vọng Việt Tân ,và trái lại, Trần Khải Thanh Thủy cứ nghĩ mình là thành phần quan trọng nên đòi hỏi phải có chỗ đứng quan trọng trong đảng Việt Tân nên xãy ra bất mãn chửi bới lung tung và bỏ ra khỏi đảng .

Đó là những gì thực tế mà cộng đồng người Việt ở Hải Ngoại biết được và nhận thấy đối với những “ nhà đấu tranh” bị CSVN tống ra khỏi nước .

Như vậy, sự ra đi của Cù Huy Hà Vũ là một sự vui mừng hay là một điều buồn tủi ?

Như chúng ta đã biết – 16 con giòi trong BCT đảng CSVN đều là 16 tên thất học ngu dốt . Bằng cấp của chúng là bằng cấp “ tại chức” – bằng cấp giấy – một năm học ba, bốn lớp, nhưng thủ đọan độc hại của chúng thì không ai bằng – Bọn chúng biết rằng – Những người đấu tranh trong nước khi ra nước ngoài chắc chắn không còn đủ khả năng theo đuổi mục đích. Hơn nữa đã ra nước ngoài thì tiếng nói không còn trọng lượng và nếu không thận trọng trong lời nói, cách cư xử thì nhân phẩm dễ bị tổn thương . Vì lẽ đó nên bọn CSVN tìm đủ mọi cách để tống xuất những người đấu tranh “ khó trị” ra nước ngoài.

Khi viết những dòng chữ này , bỗng dưng tôi nhớ đến Bác sĩ Nguyễn Đan Quế – với sự kính trọng tột cùng – một con người hy sinh cả một đời cho công cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ và đã chấp nhận mọi khổ nhục ở lại Việt Nam để tiếp tục con đường đấu tranh – Hiện tại Bác sĩ Nguyễn Đan Quế vẫn còn là thần tượng đấu tranh của bao người dân Việt trong và ngoài nước vì ông đã biết – RA ĐI LÀ MẤT TẤT CẢ .

Và tôi cũng bỗng dưng nhớ đến giáo sư Đoàn Viết Hoạt – uổng cho ông , sau bao nhiêu năm tù ngục vì lý tưởng tự do, dân chủ – để rồi mai một nơi xứ người- làm thân tầm gởi – sống nhờ vào đồng tiền xã hội rồi không biết cuộc đời ngày mai sẽ ra sao ?

Và bỗng nhiên tôi cũng nghĩ đến ngày mai của Cù Huy Hà Vũ chắc chắn sẽ không còn ai nhắc nhở đến tên như một Cù Huy Hà Vũ khi còn ở Việt Nam .

NGỤY – DŨNG

------------------------

Trang web của GS Đoàn Viết Hoạt


Bài viết mới nhất của GS Đoàn Viết Hoạt

01:33:pm 25/01/14

Một trong những học giả chuyên nghiên cứu về trào lưu dân chủ hóa trên thế giới là Samuel P. Huntington (1927-2008) (*). Huntington cho rằng từ cuối thế kỷ XX đã diễn ra làn sóng dân chủ hóa thứ 3. Trong làn sóng này ông thấy có 3 phương thức dân chủ hóa đã xẩy ra trên thế giới: chuyển hóa (transformation), thay thế (replacement), và chuyển thể (transplacement) (Phạm Hồng Sơn dịch là “hóa thể” (**)). Huntington cũng nhận xét rằng khó phân biệt giữa chuyển hóa và chuyển thể, trong nhiều trường hợp có thể hiểu lẫn với nhau.

Theo tôi, Việt Nam đã và đang biến đổi theo hình thái chuyển hóa dân chủ.  Trước hết, chuyển hóa có mang ý nghĩa thay đổi, nhưng thay đổi không nhất thiết dẫn đến dân chủ. Thay đổi dẫn đến dân chủ mới là chuyển hóa dân chủ.

Ý nghĩa thứ hai của chuyển hóa dân chủ là những thay đổi dẫn đến dân chủ xẩy ra toàn diện, từ kinh tế thương mại, đến văn hóa thông tin, đến chính trị. Dù toàn diện nhưng trong tiến trình chuyển hóa, chuyển hóa kinh tế sẽ đi trước chuyển hóa văn hóa và chính trị. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp các nước kinh tế kém phát triển và có chế độ CS như Việt Nam và Trung Quốc. Đi trước bao lâu tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, ở ngay trong nước và từ ngoài nước vào.

Ý nghĩa thứ ba của chuyển hóa dân chủ là có nhiều tác nhân tác động vào tiến trình chuyển hóa. Trường hợp Việt Nam, có 3 tác nhân chính, 2 tác nhân ở ngay trong nước (ban lãnh đạo CS, các thành phần tiến bộ và dân chủ trong xã hội và trong đảng CS), và các tác nhân đến từ ngoài nước (cộng đồng quốc tế, khu vực ASEAN, TQ, và cộng đồng người Việt hải ngoại).

Trong mô thức chuyển hóa của Huntington, chính quyền là một tác nhân quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Tại Việt Nam, nếu ban lãnh đạo CS không thay đổi gì thì các tác nhân khác cũng khó có điều kiện để tác động được vào tình hình VN. Nhưng đồng thời, tình thế khách quan và các tác nhân ngoài đảng CS cũng tác động vào ban lãnh đạo CS khiến họ không thể không thay đổi, “thay đổi hay là chết”. Tình trạng “không thể không” này của ban lãnh đạo CS có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình thay đổi nói chung. Với trường hợp Việt Nam hậu Liên Xô, tác nhân quốc tế đóng vai trò không thể thiếu trong việc thúc đẩy ban lãnh đạo CS phải thay đổi, nhất là trong giai đoạn đầu – giai đoạn thay đổi về kinh tế. Sự thay đổi về kinh tế lại tạo tiền đề cho những thay đổi trong hai lãnh vực văn hóa và chính trị-xã hội, cho sự ra đời xã hội dân sự, và từ đó, cho thành phần đối lập và đối trọng văn hóa, chính trị-xã hội – tác nhân thứ hai -có điều kiện lớn mạnh lên (như hiện nay).

Cộng đồng quốc tế bao gồm nhiều thành phần, tác động khác nhau vào ban lãnh đạo CS và vào tiến trình thay đổi nói chung, như các chính phủ dân chủ, các NGO nhân quyền, các cơ quan tài chánh và thương mại quốc tế, truyền thông quốc tế… Người Việt hải ngoại tác động vào trong nước qua chính sự tồn tại và phát triển thành công của họ, và qua các cuộc vận động cho dân chủ, nhân quyền trong vị thế công dân của các quốc gia họđang sinh sống. Còn với Trung quốc, chính sách bành trường bá quyền đối với VN, vừa đặt ban lãnh đạo CSVN vào thế kẹt, vừa kích thích sự quan tâm và tham gia của giới trẻ vào các vấn đề chính trị trọng đại của đất nước, xuất phát từ lòng yêu nước.

Tại Việt Nam, tiến trình chuyển hóa dân chủ bắt đầu vào năm 1986 khi ban lãnh đạo đảng CSVN đưa ra chính sách “đổi mới” về kinh tế, chấp nhận nền kinh tế thị trường, mà lúc đầu họ gọi là nền kinh tế nhiều thành phần, và sau này là “kinh tế thị trường định hướng xhcn”. Dù gọi thế nào, điều quan trọng là kinh tế tư nhân được phục hồi và người dân lấy lại quyền kinh doanh tự do. Tự do hóa xẩy ra trong lãnh vực kinh doanh trước. Đây là bước thứ nhất trong tiến trình chuyển hóa dân chủ. Và đặc tính của bước đầu này là tự do hóa kinh tế.

Song song với việc tự do hóa kinh tế là chính sách mở cửa với quốc tế và với cộng đồng người Việt hải ngoại. Việc mở cửa với bên ngoài xẩy ra trong thời gian mạng thông tin điện tử toàn cầu phát triển. Hai yếu tố này, hội nhập quốc tế và mạng thông tin điện tử, tạo môi trường và điều kiện cho các lượng thông tin và kiến thức đa dạng từ quốc tế thâm nhập vào Việt Nam. Giới trẻ là thành phần được hưởng lợi nhiều nhờ tính năng động và sẵn sàng tiếp thu những cái mới từ ngoài vào, trong bối cảnh một xã hội còn khép kín và thiếu những luồng thông tin đa chiều. Người dân, nhất là giới trẻ, có thêm các điều kiện để tiếp cận với thế giới bên ngoài, từ du lịch, đến du học, giao thương quốc tế…

Từ chuyên môn gọi đây là “di động xã hội” (social mobility) và “di động toàn cầu” (global mobility). Tại tất cả các nước phát triển, di động xã hội đã xuất hiện từ cả trăm năm trước, và là điều kiện cần có để xã hội phát triển. Trong bối cảnh thế giới toàn cầu hiện nay có thêm điều kiện “di động toàn cầu”. Dù ban lãnh đạo CS muốn hay không, Việt Nam cũng đang tồn tại trong bối cảnh mới này, vừa di động xã hội (trong nước) vừa di động toàn cầu (với khu vực và thế giới). Đặc biệt, tính di động toàn cầu còn được tăng cường cả về lượng và chất (nội dung, tốc độ, không gian) nhờ mạng thông tin điện tửnhanh và rộng khắp, vượt qua trở ngại địa lý và tốc độ. Nhờ hai tính di động này, chuyển hóa dân chủ tại Việt Nam hiện đã tiến sang giai đoạn thứ hai, đó là chuyển hóa trong lãnh vực văn hóa, giáo dục và thông tin, mở ra một không gian tự do mới cho người dân, dù còn chế độ độc tài và đất nước còn phát triển chậm.

Những năm vừa qua, chúng ta chứng kiến những cố gắng của giới trẻ tại Việt Nam vận dụng tính di động xã hội và toàn cầu này để phát triển một không gian mạng tự do, tự do phát biểu ý kiến và tự do tập họp, dù còn trên mạng chưa xuống đất được, nhưng là một không gian cho họ và do họ, không lệ thuộc chính quyền độc tài. Ngay cả những nhà báo của nhà nước cũng tìm cách viết “lách” để thực hiện quyền thông tin tự do của mình. Cả hai khu vực truyền thông này tất nhiên đều bị an ninh tìm cách khống chế, và bắt giữ người viết khi họ thấy cần thiết. Nhưng sự xuất hiện những hoạt động nhằm giành lại quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin cho thấy chuyển hóa dân chủ đang tiến vào lãnh vực hết sức nhạy cảm, nguy hiểm cho chế độ độc tài.

Hiện nay, để ứng phó với nhu cầu đổi mới hệ thống chính trị cho phù hợp với đổi mới kinh tế, đảng CS đã thực hiện việc sửa đổi HP 1992. Đây là cơ hội để những thành phần dân chủ và tiến bộ tại Việt Nam nói lên nguyện vọng dân chủ của mình. Từ kinh tế sang văn hóa thông tin, nay cuộc vận động dân chủ đang tiến vào giai đoạn thứ 3 trong tiến trình chuyển hóa tại Việt Nam: vận động thay đổi chế độ chính trị, đòi hỏi tự do hóa các hoạt động chính trị-xã hội. Những hoạt động mang tính dân sự, của dân và cho dân, đang có điều kiện phát triển nhanh và rộng, dù phần lớn còn trên mạng, nhưng cũng đã bắt đầu có các thử nghiệm dưới đất (tập họp, thả bong bóng nhân quyền…). Đây là giai đoạn cuối cùng trong tiến trình chuyển đổi chế độ độc tài đảng trị sang chế độ dân chủ pháp trị.

Tất nhiên chuyển hóa dân chủ không dễ dàng nhất là trong giai đoạn thứ ba, giai đoạn sẽ diễn ra đột biến chính trị để mở đường cho chế độ dân chủ ra đời. Ban lãnh đao CSVN sẽ cải tiến cách đàn áp cho có vẻ “văn minh” hơn nhưng chắc chắn chưa chịu dễ dàng từ bỏ độc quyền văn hóa và chinh trị. Nhưng đòi hỏi tự do dân chủ cũng không ngừng dâng cao. Cuộc đọ sức đã bước vào giai đoạn chót. Chế độ dân chủ sẽ ra đời tại Việt Nam.

Tất nhiên đột biến chính trị thường diễn ra rất bất ngờ, như đã xẩy ra tại Liên Xô trước đây, tại các nước Bắc Phi, Trung Đông mấy năm trước, và gần đây nhất, tại Miến Điện. Nhưng có một điều chắc chắn, dân chủ hóa là xu thế thời đại, không nước nào có thể đi ngược lại, dù ban lãnh đạo độc tài cố tìm mọi cách ngăn chặn hay làm chậm lại.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, thời điểm xẩy ra đột biến chính trị dẫn đến chế độ dân chủ chắc không còn xa nữa. Chúng ta cần theo dõi sát diễn biến trong và ngoài đảng CS trong những năm tới để lượng định xem chế độ dân chủ sẽ ra đời như thế nào, ôn hòa hay bạo động, và vào thời điểm nào. Đồng thời cũng để có những hành xử vừa thích hợp hoàn cảnh, điều kiện riêng vừa thích ứng kịp thời với mọi tình huống.

24.1.2014
© Đoàn Viết Hoạt


 (*) Samuel P. Huntington. The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century. University of Oklahoma Press, 1991.



--------------------------

NHẬN ĐỊNH của nhà văn TRẦN TRUNG ĐẠO về GS ĐOÀN VIẾT HOẠT


Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Không thể ra khỏi nhà tù nếu thiếu điều kiện ra đi khỏi Việt Nam

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt bắt đầu các hoạt động chống độc tài CS ngay sau 1975 và bị tù tổng cộng gần 20 năm:

- Lần thứ nhất: Ngày 29 tháng 7 năm 1976 ông bị bắt với cáo trạng “Tuyên truyền tư tưởng phản động chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Giáo sư bị CSVN giam giữ 12 năm không bản án. Ông ra khỏi tù lần thứ nhất ngày 9 tháng 2 năm 1988.

- Lần thứ hai. Một năm sau, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt góp phần thành lập nhóm Diễn Đàn Dân Chủ và sáng lập viên của tạp chí Diễn Đàn Tự Do. Ngày 17 tháng 11 năm 1990, ông bị CSVN bắt lần thứ hai. Tòa sơ thẩm CSVN ngày 31 tháng 3 năm 1993 kết án giáo sư 20 năm tù giam. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm sau đó, giảm án xuống còn 15 năm tù giam. Năm 1993, ông bị đưa sang trại tập trung lao động khổ sai. Ngay trong tù, ông đã tổ chức hoạt động đối lập và vì vậy, ông bị đưa đi giam giữ cô lập 4 năm liền tại trại giam Thanh Cầm, Thanh Hóa.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt đối diện với chọn lựa không thể ra khỏi nhà tù nếu không chịu rời bỏ Việt Nam, nhưng ông cũng chỉ chịu rời Việt Nam khi vợ, con và nhiều bạn bè khuyên ông nên chấp nhận ra nước ngoài. Năm 1998, từ nhà tù, ông được đưa thẳng tới sân bay Nội Bài để bay sang Mỹ.

Sáng 8 tháng 4, 2014 vừa qua, phái viên Kính Hòa của RFA phỏng vấn Giáo sư Đoàn Viết Hoạt về việc Cù Huy Hà Vũ được trả tự do và tức tốc đưa sang Mỹ. Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt phát biểu:
Tôi nghĩ rằng nếu có thể thì chúng ta nên ở lại để đấu tranh. Tôi cũng muốn sớm được trở lại để đấu tranh với các bạn trong nước. Và ở ngoài này thì chúng ta phải vận động để thả ở trong nước chứ không đưa ra ngoài. Mỗi một người đi ra ngoài là mất một chiến sĩ trong nước, mà chiến sĩ ở trong nước mới là chính. Ngoài này chúng tôi chỉ hỗ trợ thôi. Khi sang ngoài này thì chúng tôi làm hết sức mình để hỗ trợ trong nước. Tất nhiên trong nước là cái chính, chúng ta phải bằng mọi giá đấu tranh để Hà nội thả anh em ra trong nước. Và phải chấp nhận những tiếng nói đối lập để đi đến dân chủ một cách ôn hòa bất bạo động.

Ông Phạm Văn Thành, một người đã từng ở tù chung với giáo sư Đoàn Viết Hoạt nhận xét trên Facebook về những lời phát biểu của giáo sư:
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt đã trả lời rất thực lòng. Với bản thân tôi, tôi luôn luôn giữ lòng kính trọng với các quyết định của ông, kể cả quyết định chấp nhận đi ra nước ngoài, một quyết định tôi biết là cực kỳ khó khăn đối với ông, người mà tôi trân trọng gọi bằng thầy xưng con ngay từ khi anh em chúng tôi đón nhóm của ông chuyển từ trại Z30D Hàm Tân vào trại Trừng Giới A20 Xuân Phước cuối năm 1993. Thời gian ở trại A20 Xuân Phước, ông là người nỗ lực không ngừng nghỉ trong mục tiêu nâng cao khả năng lý luận cho những anh em tù chính trị đã bị giam cầm quá lâu (từ 1977 /1980/1984). Vốn liếng văn hóa, chính trị, xã hội và quan hệ quốc tế của ông đã làm chúng tôi bật ngửa và đặc biệt nhất là sự can trường và ý nhị của ông. Trước sự đeo bám của an ninh trại, ông bất chấp những đớn đau sẽ đến với mình và liên tục tham dự các buổi họp nhóm với tất cả các anh em tù kỳ cựu tổ chức. Nhiều người trong nhóm (nhóm Diễn Đàn Tự Do) của ông đã phải tránh hẳn ông vì sợ sự liên lụy. Bối cảnh ấy, anh em võ biền chúng tôi mới thật sự kính phục người mà trước đó nhiều anh em có ý không phục vì ông có liên quan đến những nhóm phản đối chính quyền miền Nam VNCH trước 1975. Bối cảnh trại A20 Xuân Phước, một trại khét tiếng tàn khốc với gần hai ngàn nấm mộ số (tính đến 1994) đã giúp cho chúng tôi nhận ra giá trị thực thụ của một kẻ sĩ. Một bậc trí thức thực sự.

Về việc Giáo sư Đoàn Viết Hoạt ra đi. Cựu tù nhân chính trị Phạm Văn Thành cũng cho biết chính ông là người được giáo sư hỏi ý ngay khi ở trong tù. Hỏi ý nhiều khi không phải để nhận câu trả lời nhưng chỉ là cách để nhẹ những ưu tư đang đè nặng trong lòng.

Câu trả lời của giáo sư Đoàn Viết Hoạt và tiết lộ của một người ở tù chung nhiều năm với ông, cho chúng ta biết chọn lựa ra đi của ông là một chọn lựa khó khăn. Chọn lựa nào mà chẳng có hy sinh.

Ông ra đi mang theo một niềm tâm sự luôn chôn giấu trong lòng và tâm sự đó đã nhiều đêm làm ông trăn trở. Ông cho nhiều người thân biết khi máy bay bay lên trời cao, nhìn xuống thấy đất nước xa dần ông đã bật khóc, không cầm được nước mắt. Bởi ngày trở lại không biết đến bao giờ. Ông không bao giờ muốn rời xa quê hương nếu được tự do lựa chọn. Như ông đã chọn lựa trở về Việt Nam sau khi học xong bằng Tiến Sĩ ở Mỹ. Và sau khi CS chiếm miền nam ông cũng đã quyết định ở lại quê hương để tiếp tục chiến đấu cho lý tưởng nhân chủ mà ông đã noi theo thân phụ ông từ khi còn trẻ.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt không phải là mẫu người hoạt động theo kiểu xông xáo đó đây nhưng là một nhà giáo dục, một cựu tù nhân lương tâm phát xuất từ miền Nam, một nhà tư tưởng, học ở Mỹ nên việc hội nhập vào sinh hoạt chính trị dòng chính Mỹ cũng như tham gia vào cộng đồng Việt Nam hải ngoại không mấy trở ngại khó khăn. Không giống như nhiều người tranh đấu khác chỉ tập trung vào các hoạt động có tính cách chiến thuật, ngắn hạn, giáo sư viết sách, phân tích tình hình quốc tế, sử dụng tích cực các mối quan hệ của cá nhân ông với quốc tế, đề nghị các chiến lược dài hạn cho các phong trào đấu tranh, vì thế, vai trò của ông tại hải ngoại có thể hữu hiệu không kém, nếu không muốn nói thuận lợi hơn, vai trò của ông khi còn ở trong nước.



No comments:

Post a Comment

View My Stats