Wednesday 9 April 2014

ẢNH HƯỞNG UKRAINA SANG ĐÔNG Á (Đoàn Hưng Quốc)




09.04.2014

Các nước Đông Á quan sát rất kỹ tình hình Ukraine vì những ảnh hưởng gián tiếp đến biển Đông. Có những điểm tương đồng như sau:

Ukraine không nằm trong NATO nên Tây Phương không có lý do – và cũng không muốn can thiệp quân sự đối đầu với nước Nga tại quốc gia này. Hiện Việt Nam cũng nằm trong tình trạng tương tự không có hiệp định phòng thủ với các nước khác nên giả sử bị tiến chiếm biển đảo thì quốc tế dù có bênh vực cũng không thể trực tiếp can thiệp.

Nhưng ngay cả các quốc gia trong liên minh quân sự cũng chưa phải được bảo đảm 100%:
Các nước Đông Âu như Tiệp Khắc, Ba Lan dù quan ngại nhưng vẫn tin tưởng rằng Nga không dám xâm lấn vì họ đã lọt vào vào khu vực an ninh cốt lõi của Hoa Kỳ và Tây Phương. Nhưng ngược lại các nước vùng Baltic gồm Estonia và Latvia dù thuộc về NATO nhưng vô cùng lo sợ bị Nga gây xáo trộn để tạo ra cớ đe dọa: một mặt cộng đồng người gốc Nga tại các quốc gia này rất đông đến 30% dân số không khác vùng Đông Ukraine, mặt khác do vị trí địa lý cô lập nên không chắc đủ quan trọng cho Tây Phương đánh đổi các quyền lợi chiến lược tối hậu nhằm bảo đảm an ninh trong vùng này.

Dựa trên nhận xét nói trên, có dấu hiệu cho thấy Nhật sẽ thúc giục Hoa Kỳ chính thức đứng về phía họ nếu xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc. Mỹ-Nhật đã có hiệp ước phòng thủ hổ tương nhưng Hoa Kỳ vẫn còn mập mờ với lời tuyên bố không đứng về phía bên nào trong các tranh chấp lãnh hải. Đến nay lập trường phải được khẳng định nên Tokyo đòi hỏi Tổng Thống Obama xác nhận làn ranh đỏ trong lần công du sắp tới sang Đông Á.

Tương tự như vậy Philippines có thể yêu cầu Hoa Kỳ sẽ can thiệp trong trường hợp Trung Quốc gậm nhấm thêm một vài hòn đảo của họ theo đúng tinh thần của hiệp định quốc phòng Mỹ-Phi.

Ngược lại Mỹ cũng sẽ đòi hỏi Nhật và Nam Hàn phải hoà hoãn để không gây cản trở cho chính sách chuyển trục, và sẽ yêu cầu Mã – Phi tạo điều kiện thuận tiện hơn cho sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Biển Đông.

Nhật sẽ yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp khí đốt như Mỹ đang chuẩn bị xuất cảng năng lượng nhằm giúp Âu Châu thoát khỏi lệ thuộc vào nước Nga.

Nhật đã nới lỏng chính sách và có thể bán vũ khí cho Phi, Mã Lai và Việt Nam trong khi NATO sẽ hổ trợ huấn luyện cho quân đội Ukraine.

Nói tóm lại, trong lúc Mỹ chưa muốn xác định làn ranh đỏ ngăn cản Trung Quốc thì chính các đồng minh Nhật-Phi sẽ đòi hỏi Hoa Kỳ bài tỏ lập trường rỏ rệt tại Biển Đông như là một bảo đảm rằng Mỹ sẽ không thể quay lưng khỏi Thái Bình Dương trong hoàn cảnh Âu Châu sôi động trở lại. Bù lại Hoa Kỳ sẽ yêu cầu các đồng minh Âu-Á chia xẻ gánh nặng để có được bảo đảm này từ Hoa Thịnh Đốn.

Những tháng sắp tới sẽ gồm nhiều biến chuyển ngoại giao ngoạn mục, không những giữa Mỹ-Nga-Trung mà còn chính giữa Hoa Kỳ kéo co với các đồng minh Âu và Á Châu./



No comments:

Post a Comment

View My Stats