Sunday 13 April 2014

ĐÁNG SỢ (Lê Phan)




Lê Phan
Saturday, April 12, 2014 3:15:10 PM

Tuần rồi, Bộ Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel của Hoa Kỳ đi thăm Á Châu. Trong chuyến công du kéo dài 10 ngày, thông điệp chính mà ông và chính phủ Hoa Kỳ muốn gửi tới cho tất cả và đặc biệt là cho Trung Quốc, là Hoa Kỳ sẽ không để cho một Crimea xảy ra tại Á Châu.

Cuộc công du khởi đầu với việc khởi sự một diễn đàn quốc phòng giữa Hoa Kỳ và các quốc gia trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN.) Cuộc gặp gỡ ở Honolulu có tính cách thân mật và không có mấy tin tức gì được loan ra, nhưng là một hình thức để một lần nữa, Hoa Kỳ trấn an những quốc gia Ðông Nam Á là Hoa Kỳ vẫn là cường quốc vùng và Pax Americana (Hòa Bình Hoa Kỳ) vẫn còn được bảo vệ vào duy trì ở Ðông Á.

Sau cuộc gặp gỡ với các bộ trưởng của ASEAN, ông Hagel đi Nhật Bản nơi ông đã gặp cả Thủ Tướng Shinzo Abe lẫn Bộ Trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera. Tại cuộc họp báo chung với ông Onodera, ông Hagel giải thích ông sẽ nói gì với Trung Quốc. Ông nói “Một điều mà tôi sẽ nói với người Trung Quốc là về tôn trọng các nước láng giềng. Cưỡng bức, đe dọa là một việc rất chết người mà có thể dẫn đến chiến tranh... Tất cả mọi quốc gia, mọi dân tộc đều đáng được tôn trọng.” Nhấn mạnh đến so sánh với những hành động của Nga mới đây ở Ukraine, ông Hagel thêm “Không thể đi vòng quanh thế giới và vẽ lại biên giới và vi phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia khác bằng vũ lực, cưỡng bách hay đe dọa, dầu đó là những hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, hay các quốc gia lớn ở Âu Châu.”

Sau khi rời Nhật Bản, ông Hagel đi thẳng đến Thanh Ðảo để thăm Hàng Không Mẫu Hạm Liêu Ninh, niềm tự hào của Trung Quốc. Ông Hagel đã là một lãnh tụ ngoại quốc đầu tiên được Bắc Kinh cho leo lên thăm hàng không mẫu hạm đầu tiên và cho đến nay duy nhất của Trung Quốc. Cuộc viếng thăm mà báo chí không được tháp tùng, kéo dài đến 2 giờ đồng hồ.

Nhưng hàng không mẫu hạm mới này của Trung Quốc có thể làm niềm tự hào của một lực lượng hải quân ngày càng lớn mạnh của Bắc Kinh, nhưng trên thực tế cái sườn của nó vẫn chỉ là một hàng không mẫu hạm có thời là của Ukraine. Ðiều mỉa mai chính là trước khi leo lên Mẫu hạm Liêu Ninh, ông Hagel đã đưa ra liên hệ giữa biến động ở Crimea và tham vọng hải dương của Trung Quốc.

Dư chấn của vụ Nga ngang nhiên chiếm đoạt Crimea đã vang dội bên ngoài Âu Châu. Một trong những biến chứng quan trọng nhất sẽ là bài học mà Trung Quốc sẽ học được từ vụ này, và liệu họ có kết luận là hiện trạng ở Á Châu cũng có thể dễ dàng gạt sang một bên như Nga đã làm ở Âu Châu mà không có hậu quả gì chăng?

Á Châu hiện nay đang là một sự kết hợp của một hệ thống sản xuất phức tạp và tân kỳ nhất của nền kinh tế toàn cầu thế kỷ thứ 21 với một dư âm của hậu bán thế kỷ 19: Quốc gia chủ nghĩa bùng phát, hải quân tăng cường, và tranh chấp lãnh thổ đầu độc bầu không khí. Trên toàn vùng, đã có quan ngại là việc Nga đã vẽ lại bản đồ Âu Châu sẽ làm cho Trung Quốc mạnh dạn thêm trong việc thúc đẩy chủ quyền biển đảo. Ông Hagel đã trải qua suốt tuần lễ tìm cách trấn an toàn vùng trước sự lo sợ đó.

Ở một khía cạnh nào đó, có vẻ như là khó có thể nhìn thấy liên hệ giữa Ukraine và tranh chấp lãnh hải ở Á Châu. Crimea, các chuyên gia đã chỉ ra, đã có một hoàn cảnh độc đáo khiến một lãnh tụ cơ hội đã lợi dụng được. Vì có căn cứ hải quân ở Sevastopol, Nga đã có lực lượng sẵn ở Crimea. Tổng Thống Vladimir Putin đã còn được tiếp tay bởi sự bất ổn chính trị ở Kiev và phải công nhận, thực sự có sự ủng hộ của đa số dân ở Crimea, mặc dù không đến mức đã thể hiện ở cuộc trưng cầu dân ý. Hơn thế, địa lý căn bản của vùng này có nghĩa là Hoa Kỳ và Âu Châu không có một giải pháp quân sự nào khi Nga hành động ở Crimea.

Ngược lại, nếu Trung Quốc muốn tìm cách chiếm Quần Ðảo Senkaku/Ðiếu Ngư ở biển Hoa Ðông, họ sẽ gặp sự chống đối kịch liệt của Nhật Bản và có lẽ của Hoa Kỳ nữa. Hoa Kỳ không có liên minh với Ukraine nhưng Hoa Kỳ có liên minh với Nhật Bản, Nam Hàn và Philippines.

Nhưng các quốc gia láng giềng của Trung Quốc sẽ chỉ ra là từ nhiều năm nay rồi, Trung Quốc đã tổ chức những cuộc xâm chiếm mini trong vùng, theo một chính sách tiệm tiến để rồi sẽ kiểm soát nhiều hơn. Ðây là chiến thuật mà người Âu gọi là “cắt salami.” Từ Hoàng Sa của Việt Nam đến bãi Scarborough của Philippines, Bắc Kinh đã lấn dần rồi chiếm trọn. Mới đây họ đang tính chuyện lấn tới với bãi mà tên tiếng Anh là Second Thomas Shoal.

Sứ mạng của ông Hagel vì vậy còn khó khăn hơn nhiều. Hơn thế, liệu Trung Quốc có lắng nghe không?
Những gì đã xảy ra trong ba ngày khi ông Hagel ở Bắc Kinh cho thấy là Trung Quốc đang chọn không lắng nghe.


Chính sách của Trung Quốc đối với Á Châu không bị thúc đẩy bởi ước muốn sống chung hòa bình với láng giềng, mặc cho Bắc Kinh có lớn tiếng tuyên truyền đến đâu chăng nữa. Bắc Kinh muốn làm bá chủ Á Châu, và đặc biệt giành quyền kiểm soát toàn thể biển Ðông và Nam Trung Hoa. Ðây là một vị thế bá quyền mà Trung Quốc cho là mình “được quyền có” trên căn bản của một cảm giác sâu đậm và uất ức về số phận quốc gia và tinh thần nạn nhân.

Ðối với Nhật Bản, Trung Quốc có thể có những ký ức thực sự từ những hành động dã man mà Nhật Bản đã thực hiện trong Ðệ Nhị Thế Chiến, nhưng họ đã cho những ký ức này thành một ám ảnh quốc gia bệnh hoạn và vẫn hoàn toàn tin là Nhật Bản ngày nay căn bản không có gì khác hơn Nhật bản của cách đây 70 năm. Ðối với Tây Phương, Trung Quốc vẫn còn bị ám ảnh bởi cuộc Chiến Tranh Nha phiến ở giữa thế kỷ thứ 19, và quy chế bán bị trị của “một thế kỷ nhục nhã” sau đó, và niềm tin là ngay cả ngày nay Tây Phương không tôn trọng Trung Quốc như họ đáng được tôn trọng. Nỗi ám ảnh về mối nhục quốc gia và sự bị đối xử tàn nhân, nối liền với mối ám ảnh về quyền lực quốc gia của Trung Quốc là phương thức duy nhất để ngăn ngừa việc tái diễn tình trạng đó và đạt vị trí được tôn trọng trên thế giới mà Trung Quốc đáng được hưởng, đã là trung tâm của chủ thuyết hiện nay của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc.

Chỉ có qua lăng kính đó thì chúng ta mới hiểu thái độ của Bắc Kinh. Khi Tướng Thường Vạn Toàn, bộ trưởng quốc phòng của Bắc Kinh, đổ cho là các đồng minh của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines tạo nên căng thẳng, ông ta nói như là kẻ đã là nạn nhân chứ không phải là kẻ gây sự. Khi một sĩ quan bảo với ông Hagel là Hoa Kỳ sợ Trung Quốc thăng tiến và đang tạo vấn đề trong các quốc gia láng giềng ở Thái Bình Dương để “cản trở” sự thăng tiến đó bởi sẽ có một ngày “Trung quốc sẽ là một thách thức quá lớn để Hoa Kỳ có thể đối phó. Thành ra quý ông đã dùng những vấn đề như vậy... để làm cản trở sự phát triển của Trung Quốc.”

Và họ đã từ chối hiểu khi ông Hagel nhiều lần nhắc lại là Hoa Kỳ sẽ giữ lời hứa với các đồng minh. Ông khẳng định là Hoa Kỳ không có ý định gì “bao vây Trung Quốc” và Hoa Kỳ không có lập trường trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng “Chúng tôi có những hiệp ước phòng thủ hỗ tương với mỗi trong hai quốc gia đó (Nhật Bản và Philippines.) Và chúng tôi hoàn toàn quyết tâm thực hiện trách nhiệm hiệp ước.”

Lăng kính đó cũng làm cho Trung Quốc từ chối không chịu chấp nhận là giờ đây họ không còn là nạn nhân nữa mà đã trở thành kẻ ăn hiếp. Họ đòi bảo vệ chủ quyền nhưng bất kể chủ quyền của kẻ khác. Nếu các quốc gia láng giềng từ chối nhượng bộ thì đụng độ khó mà tránh được. Ðó là điều đáng sợ nhất về Trung Quốc hiện nay.






No comments:

Post a Comment

View My Stats