Thursday 18 April 2024

VÌ SAO CỔ PHIẾU VINFAST LAO DỐC HÔM NAY (Rich Smith và The Motley Fool   -   Yahoo News)

 




 

Vì sao cổ phiếu VinFast lao dốc hôm nay

Rich Smith và The Motley Fool   -   Yahoo News

Dương Lệ Chi, chuyển ngữ

18/04/2024

 https://baotiengdan.com/2024/04/18/vi-sao-co-phieu-vinfast-lao-doc-hom-nay/

 

Cổ phiếu Auto VinFast (NASDAQ: VFS) của nhà sản xuất xe hơi Việt Nam đã lên sàn chứng khoán đầu tiên (IPO) trong thương vụ sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) hồi mùa hè năm ngoái, đã giảm 11,5% cho đến 11 giờ sáng thứ Tư, giờ miền Đông Hoa Kỳ, sau khi báo cáo không đạt được cả doanh thu và thu nhập trong quý đầu tiên của năm 2024.

 

Về thu nhập, các nhà phân tích vốn đã bi quan, dự đoán công ty sẽ lỗ 22 xu trên mỗi cổ phiếu, với doanh thu 450 triệu USD. Hóa ra, các nhà phân tích bi quan không nhiều lắm bởi VinFast lỗ tới 26 xu trên mỗi cổ phiếu và doanh thu chỉ đạt 302,6 triệu USD.

 

 

Doanh thu và thu nhập của VinFast trong quý 1 (bị thua “lỗ”)

 

Tin tức không hẳn tất cả đều xấu (chỉ phần lớn là xấu). Tổng doanh thu quý đầu tiên tăng 270% so với cùng kỳ năm ngoái, với doanh thu từ bán xe tăng 324%. Biên độ lợi nhuận gộp được cải thiện từ âm 173% lên lên tới “chỉ” âm 50%. Tuy nhiên, công ty vẫn tiếp tục thua lỗ ở mức đáng báo động.

 

Và công ty cũng có thể đang mất đà. Doanh số bán xe điện tuy tăng 444% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại giảm 28% so với quý 4 năm 2023. Doanh số bán xe máy điện – trước đây là lĩnh vực kinh doanh chính của VinFast – đã giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 73% so với quý trước.

 

 

Có nên bán cổ phiếu VinFast trong năm 2024?

 

VinFast đang cố gắng khắc phục tình trạng sụt giảm doanh số bán hàng, tăng gần gấp ba số lượng đại lý ở Mỹ (lên tới 16 đại lý) với các đại lý mà hãng có mối liên hệ và đăng ký thêm đại lý ở Indonesia, Thái Lan và Oman.

 

Công ty cũng đã quay trở lại cội nguồn ban đầu của mình với chiếc xe đạp điện mới mà họ đang cố gắng bán ở Mỹ với giá 2.599 USD, cùng với việc chờ đợt bán hàng VF 9 EV bắt đầu cuối tháng này. Và họ hứa hẹn sẽ bán được 100.000 xe điện trên toàn thế giới trong năm nay.

 

Tuy nhiên, VinFast có thể không tồn tại cho tới cuối năm nay. Chỉ riêng dòng tiền mặt (cash flow) âm trong quý đầu tiên đã lên tới con số đáng kinh ngạc là 717,3 triệu USD và theo sự thừa nhận của chính họ, công ty chỉ còn lại 123,3 triệu USD trong ngân hàng. Với tốc độ đốt tiền mặt như thế, VinFast có thể sẽ hết tiền – và hết may mắn – chỉ trong vài tuần, chứ đừng nói tới vài tháng.

 

 

Có nên đầu tư 1.000 USD vào VinFast Auto Ltd. Trong lúc này hay không?

 

Trước khi bạn muốn mua cổ phiếu của VinFast Auto Ltd., hãy cân nhắc điều này:

 

Nhóm phân tích của “The Motley Fool Stock Advisor” vừa xác định, 10 cổ phiếu tốt nhất mà nhà đầu tư nên mua hiện nay… và VinFast Auto Ltd. không phải là một trong số đó. 10 cổ phiếu lọt vào nhóm có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ trong những năm tới.

 

Stock Advisor cung cấp cho các nhà đầu tư một kế hoạch chi tiết dễ thực hiện để đạt được thành công, gồm hướng dẫn xây dựng danh mục đầu tư, cập nhật thường xuyên từ các nhà phân tích và hai lựa chọn mới về cổ phiếu mỗi tháng. Dịch vụ Stock Advisor đã tăng lợi nhuận hơn ba lần so với S&P 500 kể từ năm 2002.










CHƯƠNG TRÌNH TRI ÂN THƯƠNG PHẾ BINH VNCH CHẤM DỨT SAU 12 NĂM (RFA)

 



Chương trình Tri ân thương phế binh VNCH chấm dứt sau 12 năm

RFA
2024.04.18

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/program-thanking-invalid-soldiers-of-southern-vietnam-army-suspended-04182024083532.html

 

Chương trình Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (TPB VNCH) kéo dài mười hai năm qua ở Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã tuyên bố dừng hoạt động, một số người từng tham gia tổ chức cho rằng đây là hậu quả của sức ép liên tục từ chính quyền.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/program-thanking-invalid-soldiers-of-southern-vietnam-army-suspended-04182024083532.html/@@images/99293ce2-34dd-468e-8553-3ff110072684.jpeg

Các thương phế binh VNCH trong một cuộc họp mặt tri ân trước đây   (Tin Mừng Cho Người Nghèo)

 

Chương trình có mục tiêu “xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân chiến tranh và góp phần đề cao phẩm giá của những người lính VNCH một thời đã cống hiến cho đất nước” như đánh giá của một linh mục Công giáo, đã bị buộc dừng hoạt động từ tuần trước, ngay trước kỷ niệm 49 năm ngày 30/4.

 

Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ- tu sĩ thuộc giáo xứ Cần Giờ (huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh), người phụ trách chương trình từ năm 2019 tới nay, ngày 07/4 thông báo “tạm ngưng công việc này để tập trung cho sứ vụ mới,” không tiếp nhận hồ sơ mới và đề nghị các nhà hảo tâm không gửi tiền về cho ban tổ chức.

 

Một linh mục từng phụ trách chương trình không muốn công khai danh tính, cho biết lý do chính của việc này là thiếu nhân sự và địa điểm tổ chức, đặc biệt là sự “quan tâm” của an ninh.

 

Các cha trước đây tham gia chương trình này hiện đã được thuyên chuyển nhiều nơi, không thuận tiện để tiếp tục cộng tác với chương trình. Bên cạnh đó, chương trình cũng gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm tổ chức.

 

Đặc biệt năm nay chương trình nhận được sự ‘quan tâm rất đặc biệt’ của an ninh. Từ các linh mục đến các thiện nguyện viên, đều bị an ninh mời làm việc. Các thiện nguyện viên gặp nhiều áp lực, nhiều lần bị an ninh câu lưu khi đi trao quà, và hầu hết bị buộc phải cam kết không được tiếp tục tham gia.”

 

 

Vị linh mục này nói rằng “Chương trình Tri ân TPB VNCH” sẽ chấm dứt từ đây, và DCCT có thể có chương trình thiện nguyện khác nhưng sẽ không có hai từ “tri ân” và “VNCH” vì chính quyền không muốn nhắc đến chính thể VNCH cũng như chuyện phân biệt đối xử với người lính của chế độ cũ.

 

 

Bắt đầu từ chùa Liên Trì

 

Chương trình tri ân các thương phế binh của chế độ cũ bắt đầu từ năm 2008, với quy mô nhỏ và chỉ đơn giản là mời cơm, tặng quà cho các ông TPB VNCH sinh sống ở Sài Gòn. Hoà thượng Thích Không Tánh - cựu Tổng vụ trưởng Tổng vụ xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hồi tưởng lại:

 

Tổng vụ từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà có từ trước 1975 cũng hay làm từ thiện cứu trợ nạn nhân thiên tai ở miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề cứu trợ TPB VNCH cũng vậy thôi, trong tinh thần nhân ái, chứ không có một ý gì khác.”

 

Ông cho biết ban đầu chùa Liên Trì do ông trụ trì chỉ trợ giúp được vài chục TPB, không theo lịch trình cụ thể mà chỉ thực hiện mỗi khi nhận được đóng góp.

 

Khi chương trình được nhiều người Việt ở hải ngoại biết đến, số người gửi tiền đóng góp nhiều hơn và số TPB đến với chương trình cũng tăng dần, có thời điểm lên đến 250 TPB.

Do nhà chùa không đủ sức tổ chức, năm 2012, Hoà thượng Thích Không Tánh đã mượn khuôn viên Nhà thờ Kỳ Đồng (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) của Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) Sài Gòn để tổ chức.

Sau khi nhận thấy các linh mục và thiện n

guyện viên làm tốt công việc này, vị Hoà thượng đã chuyển giao lại quỹ và danh sách TPB cho nhà thờ tiếp tục thực hiện.

 

Đến DCCT Sài Gòn

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/program-thanking-invalid-soldiers-of-southern-vietnam-army-suspended-04182024083532.html/screenshot-2024-04-18-at-08-40-19.png/@@images/a6303992-a906-4c7a-b3bb-ed2c63542abf.png

Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành trong một buổi tri ân TPB (Viettin.de)

 

 

Chương trình từ đó được các linh mục thuộc Phòng Công lý và Hòa Bình - DCCT Sài Gòn tổ chức một cách bài bản hơn mang tên "Tri ân TPB VNCH - Bên nhau đi nốt cuộc đời." Số TPB đăng ký tham gia có lúc vượt quá 6.000 người.

 

Ban tổ chức quy tụ hàng ngàn ông mỗi dịp tết Nguyên Đán ở Nhà thờ Kỳ Đồng (Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp), chia ra trong nhiều ngày và trao quà là tiền mặt có khi lên đến ba triệu đồng.

 

Các cựu lính chiến năm xưa thân thể không còn nguyên vẹn được các thiện nguyện viên tầm soát sức khỏe, được ban tổ chức tôn vinh về sự đóng góp của họ trong chế độ cũ, và được thưởng thức chương trình ca hát với những nhạc phẩm được sáng tác ở miền Nam trước năm 1975, cũng như chia sẻ kỷ niệm thời quân ngũ và hoàn cảnh bị thương tật.  

 

Đối với các TPB ở quá xa và không thể về Sài Gòn để tham dự, chương trình gửi quà đến tận nhà cho họ.

 

Ngoài ra, các ông còn được tặng xe lăn, chân giả, kính lão, bảo hiểm sức khoẻ.... đối với các ông mắc bệnh nặng được đưa thăm khám ở bệnh viện chuyên khoa và được giúp một phần kinh phí chữa bệnh, được thực hiện quanh năm.

 

DCCT Sài Gòn cũng mua đất xây nhà trọ ở khu Vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình cho một số ông TPB cơ nhỡ tạm trú, tuy nhiên sau đó nhà trọ này bị đập cùng với vụ cưỡng chế khu đất năm 2019.

 

Nhiều linh mục của DCCT như Lê Ngọc Thanh, Đinh Hữu Thoại, Lê Xuân Lộc, Hồ Đắc Tâm, và sau này là Giuse Trương Hoàng Vũ tham gia tích cực và là những nhân tố chủ chốt của phong trào dưới thời của Giám tỉnh DCCT Việt Nam - linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành.

Tuy nhiên, sau khi ông rời chức vụ năm 2015, linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích kế nhiệm, chương trình tri ân bị gián đoạn.

 

Nhiều linh mục chủ chốt của chương trình này lần lượt được thuyên chuyển thực hiện sứ vụ ở các nơi khác, như linh mục Lê Xuân Lộc được đưa đi Hàn Quốc, linh mục Lê Ngọc Thanh được phân công về một vùng xa ở miền Tây, còn linh mục Đinh Hữu Thoại được đưa đi miền Trung.

 

Các linh mục như Lê Ngọc Thanh, Đinh Hữu Thoại, và Trương Hoàng Vũ bị cấm xuất cảnh vì các hành động cổ suý cho dân chủ và nhân quyền bên cạnh việc tham gia vào chương trình tri ân TPB.

 

Năm 2019, linh mục Hồ Đắc Tâm, chánh xứ Cần Giờ tuyên bố phục hoạt chương trình. Tuy nhiên, sau đó ông được điều chuyển đi làm mục vụ lưu động ở Tây Nguyên và linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ sau đó phụ trách đến nay.

 

 

Cơ quan an ninh "quan tâm đặc biệt" chương trình tri ân

 

Kể từ năm 2019, chương trình không thể tổ chức kiểu quy tụ quy mô lớn như ở Sài Gòn trước đây, do không gian và quãng đường đi đến Cần Giờ không thuận tiện, linh mục phụ trách chọn cách đi đến tận nơi thăm viếng các TPB VNCH.

 

Một vị linh mục khác cũng không muốn nêu danh tính cho biết từ năm này, DCCT có hai chương trình, một là trợ giúp thương phế binh VNCH tổ chức ở Nhà thờ Kỳ Đồng, một là chương trình Tri ân TPB VNCH với châm ngôn “Bên nhau đi nốt cuộc đời.”

 

Điều kỳ lạ theo ông là chương trình tri ân luôn bị cơ quan an ninh đánh phá, sách nhiễu đến nỗi phải chấm dứt vào đầu tháng này.

 

Ông cho rằng chính quyền không muốn việc tri ân tiếp diễn vì sợ “các thế lực nước ngoài lợi dụng để phục hồi VNCH.”

 

Ông cho biết việc các thiện nguyện viên bị đàn áp là lý do chương trình bị ngừng và mong các TPB thông cảm cho những người tổ chức. 

 

Những người từng hứa với các ông TPB VNCH ‘Bên nhau đi nốt cuộc đời’ cảm thấy có lỗi vì lực bất tòng tâm, muốn đồng hành với các mảnh đời đau khổ nhưng không đành lòng nhìn các thiện nguyện viên và gia đình họ bị sách nhiễu khốc liệt và không thể có cuộc sống bình yên.”

 

Trong khi đó, tại Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Nhà thờ Kỳ Đồng) vẫn còn chương trình "trợ giúp TPB VNCH" được tổ chức từ năm 2019 với các hoạt động như: tổ chức khám bệnh, phát thuốc, phục vụ bữa ăn và quà trao tay cho từ 200-400 ông mỗi đợt, nhưng không có băng rôn và sân khấu như trước.

 

TPB Võ Hồng Sơn, một người ở Sài Gòn và tham gia chương trình “Bên nhau đi nốt cuộc đời” trong nhiều năm qua, nói rằng ông hoàn toàn không biết về sự kiện này. Ông cho hay nếu là chương trình dành cho TPB thì ông và nhiều người quen biết sẽ được thông báo.

 

 

Tiếc nuối

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/program-thanking-invalid-soldiers-of-southern-vietnam-army-suspended-04182024083532.html/screenshot-2024-04-18-at-08-45-46-2.png/@@images/a9f6babd-b9ea-42d3-9280-17c65248d301.png

Chương trình tri ân năm 2019 (Báo Mai)

 

Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên cùng chồng là cựu tù chính trị Huỳnh Anh Tú là thiện nguyện viên của chương trình Tri ân TPB VNCH trong nhiều năm trước khi sang định cư tại Hoa Kỳ năm ngoái.

 

Bà chia sẻ tâm trạng của mình với RFA trong ngày 16/4:

 

Rất là buồn và cảm thấy uất ức, tủi thân mặc dù mình không phải là thương phế binh hay là người nhà của thương phế binh vì tôi đã tham dự những buổi như vậy, những buổi tri ân hay là những buổi cuối năm gọi là ‘Bên nhau đi nốt cuộc đời’ rất là cảm động và rất là ý nghĩa. Đó là sự liên đới, tình bác ái.”

 

Bà suy đoán sắp đến dịp kỷ niệm 50 năm ngày chính quyền cộng sản ở Hà Nội hoàn thành việc cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam nên họ đặt mục tiêu là phải xóa bỏ hoàn toàn những gì liên quan đến VNCH và gây sức ép để buộc những người thực hiện chương trình tri ân TPB phải chấm dứt hoạt động tri ân này.

 

Ông Lê Quý, 70 tuổi, từng là lính của Sư đoàn 3 bộ binh của Quân lực VNCH, bị thương cụt cả hai chân năm 1974.

 

Sau năm 1975, ông làm đủ nghề để kiếm sống từ đan lát cho đến bán vé số. Ông tham dự chương trình tri ân các cựu lính chiến trong sáu năm qua, có năm đến tận Giáo xứ Cần Giờ để tham dự nhưng cũng có năm ông không đến thì chương trình gửi quà về tận nhà ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông nói với phóng viên RFA hôm 18/4:

 

Chương trình này rất nhân văn, bởi vì chúng tôi là người tàn tật, bỏ một phần thân mình ở chiến trường. Nhưng không may mình là người của bên chiến bại, bây giờ cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng được chương trình giúp đỡ nên rất biết ơn các cha.

Mỗi một mùa xuân chúng tôi nhận được món quà của chương trình, thì mùa xuân đó ấm áp hơn. Đó là tình yêu thương của các ân nhân đã giúp đỡ. Giờ chương trình không còn nữa thì cũng buồn, buồn lắm.”

 

TPB Võ Hồng Sơn, 76 tuổi, là cựu quân nhân của Tiểu đoàn 9, Sư đoàn nhảy dù. Ông bị cụt chân trái và đầu gối phải bị thương hồi tháng 8/1974.

 

Đối với ông, bên cạnh việc nhận được trợ giúp tài chính, chương trình còn là nguồn động viên tinh thần. Ông nói:

 

Chương trình tri ân cũng giúp đỡ khổ. Một năm gần đến dịp Tết chú không có tiền, nhờ tiền trợ giúp đó mà tụi chú mới có chi trả, sinh hoạt gia đình và của cá nhân đỡ khổ.

Họp mặt để gặp nhau đỡ chút, anh em còn được gặp nhau tay bắt mặt mừng.”

 

Về thông tin chương trình tri ân bị buộc phải dừng, ông nói:

 

Cũng buồn. Có thì mình đỡ chút, giờ không có nữa thì mình cũng chịu thôi.”

 

Ông cũng cho biết cách đây hai năm, sau khi tham dự chương trình về, cơ quan an ninh đưa ông về Phường 9 (Quận 3) tra khảo và buộc phải viết cam kết không được tham dự nữa, nhưng ông vẫn tham gia bình thường.

 

Bình luận về việc chương trình bị dừng, Hoà thượng Thích Không Tánh nói:

 

Nếu như phía nhà nước hay phía Giáo hội không đồng ý với việc làm của quý linh mục làm cái an sinh từ thiện này thì tôi nghĩ rằng nên suy nghĩ lại bởi vì tinh thần của quý vị làm an sinh, từ thiện đó là rất là nhân đạo và đạo đức thôi.”

 

Phóng viên có gửi email cho Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam để hỏi thông tin về chương trình Tri ân TPB nhưng chưa nhận được phản hồi.

 

------------------------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Hàn gắn vết thương chiến tranh: Cơ chế khác biệt khiến không ai tìm hài cốt binh sĩ VNCH mất tích

Vì sao chúng tôi thành lập dự án Bảo tàng Di sản Việt Nam Cộng Hòa?

Pháp trị dân chủ, kinh tế tự do và nhân quyền tôn trọng – nền tảng trong di sản chế độ VNCH

Bí mật lịch sử tháng 4 năm 1975: Trung Quốc định tung lính Dù nhảy xuống Biên Hòa chặn Bắc Việt?

Luật có cấm mặc đồ giống quân phục VNCH?

 

 





CẦU MƯA . . . (Thái Hạo / Facebook)

 



Cầu mưa...

Thái Hạo

17-4-2024  22:33   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0daCgGsdjNBpqDCXcNUjM5cFn3ekVaBfxjsuL5daMvsA7MiMTrJsJw2DDwfSVj21El&id=100059910855657

 

Cầu mưa...

 

Cầu mưa là một thực hành văn hóa – tâm linh phổ biến của nhân loại trong quá khứ. Ngày nay, nhiều vùng trên thế giới vẫn còn duy trì truyền thống này, ngay cả ở các nước hiện đại. Ở Việt Nam, nhiều sắc tộc thiểu số hiện vẫn còn lưu giữ.

 

Trên phương diện quốc gia, ngày xưa mỗi khi hạn hán kéo dài, vua sẽ đại diện cho cả nước đứng ra lập đàn cầu mưa. Lịch sử Việt Nam ghi nhận, từ thời nhà Lý nghi lễ này đã được tiến hành. Ngày nay, với văn hóa hiện đại, chúng ta nhìn lại thì thường có cảm nhận rằng đó là một tư duy mang màu sắc mê tín, lạc hậu, ấu trĩ… Tuy nhiên, không phải chỉ có thế.

 

Với quan niệm hữu thần và thiên – địa – nhân hợp nhất (trời, đất và con người là một thể), người ta khởi lên niềm tin rằng, thần thánh/ ông trời có thể tương dung, tương thông, nghe thấy được lời cầu xin của con người, chỉ cần họ có tâm chí thành.

 

Người ta nghĩ rằng, mọi tai họa dưới nhân gian là do sự sai trái, lầm lạc, xấu xa, độc ác của con người gây ra. Và người phải chịu trách nhiệm cao nhất chính là vua. Vì thế, trước khi cầu mưa (hay cầu những điều khác), nhà vua phải trai giới (ăn chay, tránh tà dâm, sinh hoạt trong giới đức…), phóng thích tù oan, thả bớt cung nữ, mở kho cứu đói cho dân, v.v..

 

Khi tất cả đã được thực hiện và giữ gìn tinh nghiêm sau một thời gian đủ dài, lúc đó lễ cầu mưa mới được tiến hành. Và người ta tin rằng, nếu cầu mà trời vẫn không mưa là do mình đã chưa chuộc hết tội lỗi, phải thành thật sám hối, tự kiểm điểm lại tất cả hành vi, phát tâm quyết rửa sạch và không ngừng hành thiện.

 

Không bàn tới sự phi lý trong quan niệm rằng mưa là do ông Trời ban cho và con người có thể cầu mà được; nhưng ít ra người xưa tin rằng mọi thứ nên hư tốt xấu xảy ra đều là do ở chính mình. Cái tư duy “tiên trách kỷ” này là một trong những nền tảng đạo đức quan trọng của người xưa mà nay đã trở thành xa xỉ. Vì nhiều lý do, có thể là nằm ngoài dự liệu, nhưng nó mang tới những suy nghĩ và hành xử có tính cảnh tỉnh và tự cảnh tỉnh, nó nhắc nhở con người biết sống thiện lương, tử tế, nỗ lực tạo công đức… Biết sợ (sợ thần thánh, sợ nhân quả, sợ luật pháp, sợ lương tri…), ở một một khía cạnh nào đó chính là đạo đức. Còn một khi đã “coi trời bằng vung” thì không việc ác nào không dám làm.

 

Nay thì không còn nữa. Không những “tự nhận lỗi” đã trở thành một món đắt đỏ bậc nhất mà hơn thế, sự vô sỉ và ý thức lưu manh đã chiếm thế thượng phong. Quan chức từ nhỏ đến lớn và rất lớn lũ lượt kéo nhau vào “lò” vì tham nhũng, tàn bạo, phá nát nền tảng văn hóa, kinh tế và xã hội của đất nước. Ngay cả khi bị “kỷ luật”, bị bắt, phải ra trước vành móng ngựa rồi vẫn trơ tráo, quanh co, lấp liếm, đổ lỗi…

 

Bỏ sang một bên những chuyện tâm linh thì vẫn phải thấy rằng đây là sự phá sản về đạo đức. Mà, thượng bất chính thì hạ tất loạn. Nếu “vua quan” hiểu rằng hạn hán có một nguyên nhân quan trọng là do phá rừng và không chăm lo trị thủy đúng mực thì họ sẽ nhận lỗi, “sám hối” bằng cách ban hành những chính sách phù hợp: Bảo vệ rừng, trồng mới rừng, đầu tư xây đập, đắp đê ngăn mặn, dồn tài lực phát triển hệ thống nước máy sinh hoạt, đình chỉ mọi thứ lãng phí vào tượng đại, cổng chào, lễ lạt… Nhưng không. Một huyện nghèo bỏ ra 230 tỉ đồng để làm một cái lễ kỷ niệm, đó là việc làm mà cả trời và người đều oán giận.

 

Trong một đất nước mà từ vua quan đến người dân đều luôn biết tự xét mình, cảnh tỉnh mình, sống có trách nhiệm và hành động đúng với chức phận mình thì chưa cần trời giúp cũng là đã tự giúp mình. Đó cũng là một dạng “trời người là một”: con người tự định đoạt lấy cuộc sống và số phận của mình, con người tự làm “ông trời” của chính mình.

 

Nay cái thiêng (tin vào trời đất thánh thần) đã mất mà đạo đức cũng đã suy bại. Biết dựa vào đâu?

 

Nói thêm: người xưa, có thể chỉ là vô tình nhưng đã chạm đến những nguyên lý rất hiện đại. Chúng ta biết rằng, vật lý lượng tử đã vén lên bức màn về sự “hợp nhất” giữa tinh thần (con người) và tồn tại (vật chất). Nó rất gần với phát biểu “vạn pháp duy tâm” trong Phật giáo. Tinh thần (niềm tin, ý chí, sự lương thiện…) sẽ ảnh hưởng một cách vô hình nhưng mạnh mẽ đến cái vũ trụ mà họ sống. Tinh thần có thể làm thay đổi “cảnh giới”. Ở đâu sự dối trá và cái ác ngự trị, ở đó bất an, tai họa trùng trùng; ở đâu lòng chân thật và sự lương thiện bao trùm, ở đó cây cối xanh tốt, chim muông mở hội, mưa thuận gió hòa.

 

Sự xuống cấp đạo đức không chỉ làm rối loạn xã hội do các hành vi sai xấu gây nên, mà sâu xa hơn: Phá hủy các nền tảng sâu về “đạo của vật lý”/ tâm linh. Khi không còn biết sợ quỷ thần như quan niệm sơ khai, cũng không còn biết sợ nhân quả, lại lạm dụng quyền lực trong một nền tảng luật pháp nhiều hạn chế, thì tất yếu sẽ phải dẫn đến những tai ương, không thể khác được.

 

.

54 BÌNH LUẬN   

 






TÔI, ĐỨA CON NGƯỜI TÙ "HỌC TẬP CẢI TẠO" (Lê Xuân Mỹ / Báo Tiếng Dân)

 



Tôi, đứa con người tù “học tập cải tạo” (Kỳ 1)

Lê Xuân Mỹ

18/04/2024

https://baotiengdan.com/2024/04/18/toi-dua-con-nguoi-tu-hoc-tap-cai-tao-ky-1/

 

LGT: Một thân hữu gửi tới Tiếng Dân bài viết của tác giả Lê Xuân Mỹ, đã được phổ biến trước đây nhưng hiện vẫn còn mang tính thời sự. Do bài viết dài hơn 15.000 từ, chúng tôi xin được chia làm nhiều kỳ, để giới thiệu quý bạn đọc Tiếng Dân. Sau đây là nội dung:

***

Những ngày cuối tháng Tư 1975, Sài Gòn đắm chìm trong cơn hỗn loạn. Tin tức về một cuộc chiến kết thúc bi thảm được truyền đi, kéo theo một dòng người tìm mọi cách vượt thoát khỏi quê hương. Không nhận được tin người đến đưa toàn bộ gia đình ra đi như đã hứa, tôi cùng ba và gia đình người em gái trên chiếc xe Jeep hối hả đi về Bến Bạch Đằng nơi con tàu Việt Nam Thương Tín đang ngập tràn những dòng người từ khắp nơi đổ về… Hai vợ chồng em gái lên tàu trước. Tôi và ba chần chờ sửa soạn lên sau.

 

Trong cái dòng người hoảng loạn, trong cái âm thanh cuồng nộ những ngày cuối cùng của tháng Tư, hai cha con vẫn còn nhìn về hướng Lăng Ông Bà Chiểu, nơi nhà tôi ở đó. Vẫn còn hy vọng mẹ và các em đến kịp để cùng đi. Phép lạ đã không xảy ra. Tàu sắp nhổ neo, mẹ và các em tôi vẫn biệt tăm.

 

Ba bảo, thôi con lên trước đi, ba đợi thêm một tí nữa, mình gặp nhau trên tàu. Trong mắt ba vẫn còn ánh lên một tia hy vọng. Nhưng tôi biết là đã hết. Thời gian không còn kịp nữa. Ba hối thúc tôi lên tàu, riêng ba không đành bỏ vợ và 8 đứa con con nhỏ dại, quyết định quay lại.

 

Với tôi, ra đi hay ở phải là một quyết định trong chớp mắt. Nhưng sao đành bỏ lại ba một mình với khuôn mặt và cặp mắt thất thần như vậy. Tôi lắc đầu. Thế là tôi và ba quay ngược lại dòng người vẫn cuống cuồng chạy về phía bờ sông, dù con tàu đã từ từ rời bến. Cùng với hàng triệu người miền Nam Việt Nam, tôi và gia đình bắt đầu sống những tháng ngày đen tối nhất.

 

Đêm đầu tiên, khi nghe tin Đại Tướng Dương Văn Minh đầu hàng trên đài phát thanh, ngoài đường những nhóm người đội mũ cối cầm súng đi qua đi lại, cả gia đình tôi chui dưới chân cầu thang, tắt đèn tối thui, ẩn trốn, và ba đã khóc. Thế là chấm dứt một quảng đời, lịch sử đã sang trang và chúng tôi đã cảm thấy một tương lai mịt mù sắp tới.

 

Trong những ngày sau đó, ba tôi sống trong hoang mang, lo sợ, không dám bước ra khỏi nhà. Mặt ba lúc nào cũng căng thẳng. Riêng tôi mỗi ngày vẫn lên trình diện cơ quan rồi về. Lên để biết, thì ra có những bạn bè cùng sở làm ngày xưa, từng cùng vui chơi sinh hoạt với mình, bây giờ đội mũ cối, cầm súng lầm lì đi ra đi vào. Có người còn chào hỏi tử tế nhưng có đứa mặt mày vênh váo, kênh kiệu, những nhân viên còn lại, không phải dân Cộng Sản nằm vùng tụm lại một phòng trên lầu, co cụm đến tội nghiệp.

 

Trong những ngày đầu mất nước tháng 5 năm 1975, tôi biết ba vẫn còn hy vọng về một người, người em út đi “tập kết” từ những năm 1954, nghe đâu đang làm lớn và hình như đang có mặt tại Sài Gòn. Chính ủy chính iết gì đó. Ba kể, hồi nhỏ ba và chú rất thương yêu nhau, ngày chú đi vào rừng theo kháng chiến, ba là người cuối cùng gặp và đưa chú vào chiến khu. Ba vẫn nghĩ nếu có chú chắc ba sẽ không sao.

 

Như một người sắp sửa bị chìm tàu, cố bám víu một chút hy vọng nào đó để sống, dù rất mỏng manh. Với riêng tôi, hình ảnh về chú không hiền lành như ba tưởng tượng mà là những con người tôi đã từng xem qua cuốn phim “Chúng Tôi Muốn Sống”, lạnh lùng và tàn ác. Tôi nghĩ ba quá ngây thơ, nhưng biết làm sao được, một người lính thất trận, một vợ và 9 đứa con nheo nhóc trong một thành phố đã không còn thuộc về mình, chung quanh đầy rẫy những bóng đen rình rập. Có thể ba đang cố quên nhưng với tôi, ký ức về một Mậu Thân khủng khiếp ở Huế vẫn còn đó, không thể nào không nhớ. Những cuộc trả thù tàn khốc chắc chắn sẽ xảy ra. Không ảo tưởng như ba, tôi chờ đợi và biết rằng ngày đó sẽ đến, không xa.

Một ngày đầu tháng Sáu, giống như ba đang mong đợi, chú tôi đi cùng một vài bộ đội cầm súng ghé nhà thăm gia đình chúng tôi. Một trung tá chính ủy thuộc đơn vị Phòng không Không quân CS Hà Nội, ghé thăm cựu trung tá cảnh sát chế độ cũ. Hai anh em thuộc hai chiến tuyến gặp nhau tại Sài Gòn sau 20 năm xa cách. Hai người đi hai con đường khác nhau, cuối cùng hội tụ tại một điểm. Cũng chào hỏi, cũng mừng mừng tủi tủi, cũng nhắc lại chuyện xưa, nhưng tôi biết quan hệ đã không còn như trước nữa, ngượng ngùng, khách sáo.

 

Nói thật lòng, chú tôi nhìn bề ngoài gầy gò khắc khổ, ít nói và trông có vẻ hiền lành chứ không đến nỗi dữ dằn như trong tưởng tượng của tôi. Nhưng tôi vẫn không thể chuyện trò thân mật với chú được. Một bức tường vô hình đã chắn ngang trong quan hệ của chúng tôi.

 

Sau ngày đó, thỉnh thoảng chú đến thăm ba tôi, và cũng kể từ ngày đó những đồ đạc quý giá còn sót lại trong gia đình cũng dần dần ra đi. Khi thì cái tủ lạnh, khi thì cái truyền hình trắng đen hiệu Denon 4 cửa xếp. Mẹ nói riêng với tôi:

 

– Cho chú, thôi kệ, của đi thay người, hy vọng sau này có gì nhờ chú giúp ba con cũng đỡ khổ phần nào.

 

Mẹ nghĩ vậy thì hay vậy, chứ trong thâm tâm tôi mẹ đã không biết gì về Cộng sản rồi. Xin tiền thì có thể chú sẽ cho nhưng để bảo lãnh cho một sĩ quan cảnh sát như ba tôi chắc chắn là không. Biết vậy, nhưng thôi cứ để mẹ bám víu một chút hy vọng, dù rất mong manh. Nói một cách trung thực, từ ngày có chú đến thăm gia đình, thái độ của các công an Cộng Sản, cán bộ phường đối với gia đình tôi cũng có chút thay đổi, không giống như những ngày đầu mất nước.

 

Nhớ lại ngay ngày mồng 2 tháng Năm, vừa mới sáng sớm, một đoàn người đông đảo, “cán bộ” có, công an có ghé vào nhà, kêu ba tôi ra trình diện, ra lệnh ba tôi trong thời gian này phải ở nhà, không được đi đâu cả cho đến khi có lệnh mới. Sau đó đi một vòng quanh nhà tôi, ngang phòng khách, giật đứt chiếc điện thoại để bàn, xem giấy tờ từng người và trước khi ra về, lấy luôn chiếc đồng hồ đeo tay của ba trên đầu tủ thờ. Chiếc đồng hồ kỷ niệm của ông nội mà ba rất quý. Mẹ chắc lưỡi – thôi kệ, của đi thay người.

 

Một ngày cuối tháng Sáu, cái ngày tôi biết chắc chắn phải đến, cuối cùng đã đến. Ba tôi nhận giấy đi “trình diện học tập cải tạo” dành cho đối tượng sĩ quan “Ngụy quân, Ngụy quyền”. Địa điểm tập trung: Trường Trung Học Chu Văn An. Trong giấy ghi rõ “đem theo dồ dùng cá nhân để sử dụng trong 30 ngày”. Nhận được giấy báo, ba mừng như thoát được gánh nặng canh cánh bao lâu nay. Ba bảo:

 

– Tôi nói có sai đâu bà, bây giờ hoà bình rồi họ không trả thù như hồi Mậu Thân đâu. Kỳ này tôi chỉ đi học có 30 ngày mà ngay tại Sài Gòn này thôi. Xong kỳ học tập này rồi mình sẽ được đối xử như những người dân bình thường. Tôi tính gia đình mình sẽ về lại Đà Nẵng sinh sống. Có mắm ăn mắm, có rau ăn rau. Khoẻ rồi, hoà bình rồi, hết chiến tranh rồi bà ơi.

Mẹ tôi, với linh cảm và yếu đuối của đàn bà, lên tận sân bay Tân Sơn Nhất xin gặp chú nhờ chú giúp đỡ. Liếc sơ qua giấy báo “trình diện học tập”, chú nói:

 

– Chị đừng lo, cách mạng khoan hồng, anh cứ đi, học tập khoảng một tháng là xong. Cứ học tập thật tốt, về sớm đúng ngày, không sao đâu.

 

Mẹ tôi an lòng chuẩn bị mền, mùng, thức ăn khô cho ba. Riêng tôi, qua trực giác và qua sách báo đã đọc, tôi nghi ngờ về chữ “học tập tốt” mà chú đã nhấn mạnh. Tôi biết là mọi chuyện chỉ mới bắt đầu. Để xóa đi ký ức của một sĩ quan cảnh sát 51 tuổi đời, 25 năm quân ngũ, và để đào tạo thành một người “công dân chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa”, chắc chắn không thể là 30 ngày ngắn ngủi như thế.

 

Tôi biết là chú đã không nói thật, và ba thì ảo tưởng hoặc có thể đã biết nhưng muốn che giấu mẹ, cố gượng vui chờ ngày lên đường trình diện. Có những đêm thức giấc giữa đêm khuya, tôi thấy ba ngồi lặng lẽ và hút thuốc liên tục ngoài hiên. Đôi vai như quằn xuống, tôi chua xót nhận ra chỉ trong một thời gian quá ngắn ba đã già đi rất nhiều. Trong cái bóng tối mênh mông, tôi cảm thấy mình nhỏ bé và vô dụng vô cùng.

 

Một ngày trước khi đi, ba dặn riêng tôi không cho mẹ biết, hai cha con ra chợ Bến Thành. Ba nói ba còn để dành 2 lượng vàng, bán xong con nhớ đem về cất riêng, khi nào mẹ và các em cần tiền thì con đưa cho mẹ. Ba không biết khi nào về, con nhớ phụ mẹ lo cho các em. Thì ra ba không ngây thơ như tôi tưởng, tất cả nụ cười trên khuôn mặt ba thường ngày chỉ là giả tạo. Không có mẹ bên cạnh, ánh mắt ba bây giờ mới là thực. Nhìn khuôn mặt hoang mang đến tội nghiệp của ba, tôi thấy mắt mình cay cay. Thương ba vô cùng.

 

Cuộc mua bán 2 lượng vàng diễn ra nhanh chóng và lén lút. Tôi ngồi canh chừng Công an, ba đưa vàng, người bán đếm tiền gói lại đưa cho ba, ba đưa tôi. Liếc ngang liếc dọc, bỏ vô túi xách, ôm kè kè bên mình, về nhà cất kỹ trong két khoá lại, phòng khi bất trắc.

 

Sáng sớm hôm sau, không nhớ ngày, tháng 8 năm 1975, Ba từ giã gia đình đi “trình diện”. Ba ôm mẹ, hôn các em. Mẹ, các em đều khóc. Bé út khóc to nhất. Tôi ráng cắn chặt răng, mắt cay xè, hối hả đạp xe chở ba đến trường Chu Văn An. Không ai nghĩ rằng, đó là lần cuối cùng mẹ và các em gặp ba.

 

Trước cổng trường, đông nghẹt những người đi trình diện và những thân nhân lóng ngóng bên ngoài. Tay xách ba lô, ba lủi thủi đi vào, trước khi bước qua cánh cửa sắt có mấy tên công an đứng gác, ba quay lại nhìn tôi như nhắc nhở con nhớ thay ba lo cho mẹ và các em. Khi bóng ba mờ khuất sau dãy lớp, nỗi đớn đau kềm hãm bấy lâu vỡ oà, tôi khóc ngon lành như một đứa trẻ. Tôi biết rằng ngày ba trở về còn xa lắc xa lơ.

 

Từ khi ba đi, căn nhà trở nên vắng vẻ vô cùng. Mẹ phần lo chạy gạo hằng ngày, phần lo lắng nhớ ba, gầy đi trông thấy. Tuy nhiên mẹ vẫn hy vọng 1 tháng sẽ trôi qua nhanh chóng, ba trở về và mọi chuyện sẽ trở lại như xưa. 30 ngày, rồi 45 ngày trôi qua, tôi và mẹ bắt đầu sốt ruột, lo lắng. Mẹ cứ mỗi ngày hết đi ra lại đi vào, hết lên phường hỏi thăm rồi lại lên Tân Sơn Nhất tìm gặp chú. Vẫn là một câu trả lời:

 

– Chắc sắp được về thôi. Anh học tập tốt thì cách mạng sẽ cho về, chị đừng lo.

Câu “chị đừng lo” càng lúc càng trở thành vô dụng khi bao tháng trôi qua, vẫn không một tin tức gì về ba. Vừa phải lo cuộc sống, vừa phải chạy đôn chạy đáo hỏi thăm đầu này đầu nọ, mẹ già hẳn đi. Cuộc sống càng ngày càng khó khăn cho một gia đình 11 miệng ăn. Đồng lương ít ỏi của tôi không đủ nuôi sống cả gia đình, mẹ bắt đầu đem đồ đạc trong nhà ra chợ bán. Chú thì thỉnh thoảng vẫn ghé thăm nhưng thưa thớt hơn nhiều. Có lẽ vì bận rộn nhưng cũng có lẽ sợ không biết phải trả lời sao với mẹ. Không lẽ đợi anh “học tập tốt, cách mạng khoan hồng”, hay là chắc mai về khi mà ngày mai của chú có thể là một ngày không bao giờ đến.

 

Thấm thoát rồi cũng qua một năm. Mẹ vẫn mỏi mòn chờ đợi trong vô vọng, ba vẫn biền biệt phương nào. Không một tin tức, không một dấu vết, dù nhỏ nhoi. Những đồ vật có giá cuối cùng trong nhà cũng đã bán hết. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Bỗng nhiên tôi chợt nhớ đến số tiền bán 2 cây vàng giấu trên gác. Một số tiền khá lớn thời bấy giờ. Ai ngờ khi mở gói tiền tôi sững sờ nhìn thấy nguyên bó tiền chỉ có hai tờ đầu là tiền thật, ở giữa toàn là giấy báo. Thì ra lợi dụng việc mua bán chui lén lút, vừa bán vừa canh chừng công an, khi đưa tiền, người bán đã tráo đổi gói tiền đang đếm bằng gói tiền gói sẵn. Cho đến khi chết chắc ba cũng không thể ngờ những đồng tiền cuối cùng ba để dành cho mẹ là con số không to tướng.

 

Trong những tháng năm sau đó, cuộc sống càng ngày càng khó khăn. Không còn cách nào khác, mẹ vẫn mỗi ngày tiếp tục ra bán chui trước chợ Tân Định. Sạp hàng là một tấm vải ni lông, cột dây bốn góc để dễ túm lại khi có công an đến. Thời đó buôn bán trên vỉa hè là phạm pháp. Vừa mua bán, vừa láo liên canh chừng công an. Nếu công an tới thì túm tấm ni lông bỏ chạy vào nhà lồng chợ. Công an đi khỏi, đem hàng ra bày bán tiếp. Đồ bán khi thì một đôi giày, một chiếc áo cũ hay có khi chỉ là lớp vải lông thú tách ra từ những chiếc áo lính ngày xưa.

 

Có gì bán nấy. Khởi đầu là đồ đạc trong nhà, sau đó là đồ mua lại từ những người có cùng hoàn cảnh đem bán. Cũng có khi là đồ chôm đồ chỉa, cũng lây lất qua ngày. Các em còn quá nhỏ, chỉ mình tôi với mẹ, sĩ diện, lòng tự trọng của một kỹ sư cũng đem chôn chặt trong lòng. Tôi mỗi ngày, sau giờ làm việc cũng ra phụ mẹ, cũng chạy ra chạy vào, cũng cặp mắt nhìn trước, ngó sau, vừa bán vừa mua, vừa canh chừng Công an.

 

Trong những ngày vô cùng khốn khó đó, thỉnh thoảng chợt nhớ về thời thơ ấu cũ, lòng thật buồn. Những ngày tươi đẹp ấy đã quá xa. Những lo lắng về cuộc sống và một tương lai mù mịt, làm tôi trở nên lạnh lùng, chai đá. Dù rằng cũng có đôi khi, tôi một mình khóc thầm trong đêm.

 

Như một định mệnh, trong những ngày cùng cực khốn khó đó, tôi gặp C. vợ tôi bây giờ. Người ta hay nói, vợ chồng là duyên là nợ. Điều này rất đúng với chúng tôi. Trước 1975 tôi và C. cùng làm chung tại Trung Tâm Bưu Chính Viễn Thông thuộc Bưu Điện thành phố Sài Gòn. Gặp nhau thường xuyên nhưng ít khi nói chuyện.

 

Nàng làm thư ký cho Desai, giám đốc chương trình đào tạo của Liên Hiệp Quốc. Hồi đó C. là một người đẹp, nhiều người theo đuổi.

 

Tôi là Kỹ sư mới ra trường. Tốt nghiệp Bách Khoa Phú Thọ, tôi chọn vào Trung Tâm vì tại đó có học bổng đi học cao học về viễn thông. Tôi ghét cái kênh kiệu và lạnh lùng của nàng. Nàng thì ghét cái giọng Huế nặng trịch của tôi. Tôi càng ghét nàng khi bài thi xếp hạng để đi du học của tôi bị cộng sai điểm. Tôi khiếu nại không được. Và vì vậy tôi bị sắp đi đợt 2 vào tháng 12 thay vì đợt đầu vào tháng Giêng năm 1975.

 

Chuyến đi du học tháng 12 bị bãi bỏ do biến cố 1975. Tự an ủi xem như chưa có số xuất ngoại dù trong lòng tôi buồn và tưng tức. Có lẽ, do nợ tôi một món ân tình quá lớn nên sau này nàng đã phải trả lại tôi gấp nhiều lần hơn. Cùng hoàn cảnh, cùng thuộc gia đình “ngụy quân ngụy quyền”, cùng ghét Việt Cộng như nhau, chúng tôi gặp nhau thường xuyên trong những lần đi nghe các buổi nói chuyện về chính trị, về “chủ nghĩa Mac Lenin”… Chúng tôi thường chọn ngồi dưới hàng ghế cuối cùng. Để ngáp và để ngủ không bị để ý. Những hàng ghế cuối cùng trở thành nơi chúng tôi chia sẻ những đắng cay, những mất mát và những yêu thương. Cuối cùng chúng tôi quyết định nên vợ nên chồng. Dám yêu đứa con cảnh sát chế độ cũ, tương lai mờ mờ mịt mịt, chắc chắn chỉ có thể nàng đã quá yêu tôi.

 

Đám cưới được tổ chức đơn giản. Không rể phụ không dâu phụ, không rước dâu. Lạy cha mẹ, lạy bàn thờ gia tộc hai bên, đơn giản chỉ như vậy. Chỉ một số ít bạn bè thân thiết và bà con gần. Không có gì phải phô trương khi ba tôi vẫn mịt mù đâu đó trong “trại cải tạo”, không biết sống chết ra sao. Em yêu tôi và tôi cũng rất yêu em. Thế là đủ.

 

Một ngày trước đám cưới chúng tôi nhận được giấy báo từ phường, yêu cầu gia đình ra khỏi nhà trong vòng 48 giờ. Lý do gia đình thuộc diện 28, sĩ quan cảnh sát làm việc cho “chế độ Mỹ Ngụy”. Giấy báo còn cho biết, phường sẳn sàng “giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để gia đình có thể lập nghiệp trên vùng ‘kinh tế mới’.”

 

Kết thúc vội vàng buổi tiệc mừng đám cưới, hai vợ chồng đạp xe lên sân bay Tân Sơn Nhất xin chú can thiệp giúp đỡ. Chú nói:

 

– Theo chú thấy đi kinh tế mới dầu sao cũng tốt cho mẹ và các cháu. Cực khổ lúc ban đầu nhưng sau này sẽ khá hơn. Hồi chú ở ngoài Bắc cực khổ hơn gấp trăm lần, có sao đâu. Sau này ba con về còn có chỗ sinh sống.

 

Trả lời như chú vậy thì chẳng thà nói với đầu gối sướng hơn. Hai đứa chỉ biết nhìn nhau, thầm nghĩ với tình thế này chắc cũng phải lên đường đi lập nghiệp trên vùng đất mới mà thôi. Trong lúc cùng đường, vợ tôi chợt nhớ đến ông sếp cũ từ thời trước 1975, một kỹ sư tốt nghiệp từ Pháp, cựu giám đốc Bưu Điện, nay là cán bộ cao cấp làm việc trong “thành ủy”.

 

Nghe trình bày hoàn cảnh, nghĩ đến mối giao tình thầy trò ngày xưa, ông nói để ông xuống phường xem thử. Không hiểu ông can thiệp như thế nào, hai ngày sau, phường gửi giấy quyết định cho gia đình tạm thời ở lại cho đến khi chồng đi “cải tạo” trở về. Nói theo ngôn ngữ bóng đá bây giờ, vợ tôi đã cứu gia đình tôi một bàn thua trông thấy vào phút 90.

 

Đọc tiếp kỳ 2https://baotiengdan.com/2024/04/18/toi-dua-con-nguoi-tu-hoc-tap-cai-tao-ky-2/

 

                                                              *****

 

Tôi, đứa con người tù “học tập cải tạo” (Kỳ 2)

Lê Xuân Mỹ

18/04/2024

https://baotiengdan.com/2024/04/18/toi-dua-con-nguoi-tu-hoc-tap-cai-tao-ky-2/

 

Từ khi lập gia đình, tuy có thêm đồng lương của vợ tôi, nhưng vẫn không thể nào đủ cho một gia đình 11 miệng ăn. Bán chợ chạy của mẹ thì vất vả mà thu nhập quá kém cỏi. Hai đứa bắt đầu làm thêm đủ thứ ngành nghề.

 

Khởi đầu là nuôi heo. Nhờ giấy giới thiệu của cơ quan, mỗi tháng vợ tôi được mua một cặp heo con với giá rẻ. Chiếc cầu tiêu duy nhất tuy nhỏ cũng được ngăn ra dành chỗ để nuôi 2 con heo mọi mới đẻ. Mỗi ngày đi tiêu đi tiểu trong tiếng kêu ủn ỉn của chúng, mới đầu rất khó chịu, nhưng rồi nghe riết cũng quen, cũng ghiền. Nuôi 1-2 tháng, đem ra chợ bán. Lại lên trại mua 2 con khác nuôi tiếp.

 

Chỉ nuôi heo không cũng chưa ăn thua. Bắt đầu nuôi thêm gà công nghiệp. Cũng xin giấy giới thiệu lên trại gà mua vài chục gà con, nuôi vài tháng hơi lớn lớn rồi đem bán. Được vài tháng suông sẻ, gặp mùa toi dịch, gà heo chết hàng loạt, cụt vốn, hai vợ chồng nhảy qua làm bánh đậu xanh, khô, ướt. Mẹ ngâm, đãi đậu, tôi cắt giấy, vợ tôi gói. Mỗi chiều đi làm về, hai vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi giao bánh cho mấy tiệm ăn quanh xóm. Không phải bán đứt, ký gửi thì đúng hơn. Giao bánh, vài ngày sau quay lại. Bán hết thì lấy tiền, giao bánh mới. Gặp lúc bán không hết, bị mốc, đem về không biết làm gì cho hết, trộn vô cám cho heo gà ăn.

 

Cứ vậy, những tháng ngày tiếp tục trôi. Vợ chồng ốm tong ốm teo như ma đói, nhưng cũng phải ráng chịu cực mong đợi ngày ba về.

 

Đến một ngày đầu tháng 2 năm 1978, bỗng nhiên chúng tôi nhận được thư ba, lần đầu tiên. Góc thư tôi còn nhớ rõ địa chỉ: Trại K2 Tân Lập, Vĩnh Phú. Trong thư, ba hỏi thăm mẹ và các em. Ba kể ba đang học tập cải tạo tốt. Thư ngắn chưa đầy một trang giấy. Ba nhắc tôi ráng chăm sóc mẹ và các em. Đợi ngày ba về. Miền bắc lúc đó đối với tôi vô cùng xa lạ… Nếu có biết cũng chỉ biết qua sách vở. Vĩnh Phú ở đâu, ra sao, xa xôi như thế nào, không quan trọng, ít nhất là ba vẫn còn sống.

 

Thế là đủ. Quá mừng rỡ mẹ biểu tôi viết thư thăm ba và mỗi đứa em viết một câu cho ba. Mẹ nói tôi kể cho ba về cuộc sống ngoài này. Tôi ầm ừ cho qua chuyện, trong thư chỉ viết là nhớ ba, mong ba học tập tiến bộ để sớm về với gia đình.

 

Tôi không kể về cuộc sống gia đình từ ngày ba đi. Không lẽ cho ba hay rằng căn nhà đã bị tịch thu, gia đình suýt nữa bị đi “kinh tế mới”, hay lại kể với ba rằng mẹ mỗi ngày đang bán từng chiếc áo cũ của ba ngoài lề đường. Hoặc kể cho ba chuyện 2 cây vàng.

 

Thôi thì cứ để ba vui khi nghĩ rằng vợ và các con của ba dù là con của sĩ quan “chế độ Mỹ ngụỵ, vẫn được cách mạng Cộng Sản đùm bọc thương yêu”… Thôi thì cứ như vậy cho ba yên lòng và ít nhất thư cũng đến được với ba. Kể từ hôm đó, khoảng hơn mỗi tháng một lần gia đình tiếp tục nhận được thư ba. Mỗi lần chỉ hơn một trang giấy, nhưng cũng mang đến cho chúng tôi một niềm vui và hy vọng. Sẽ có ngày ba trở về.

 

Cho đến một ngày, cũng từ K2 trại cải tạo Tân Lập Vĩnh Phú. Cũng nội dung “ba đang học tập tốt, cán bộ đối xử với ba rất tốt”, cũng khuyên “các con cố gắng học tập trở thành cháu ngoan của ‘Bác’,” nhưng nét chữ run run, nguệch ngoạc, khó đọc và ngắn hơn rất nhiều so với các thư trước.

 

Mẹ và các em vẫn mừng rỡ như mọi lần, nhưng riêng tôi linh cảm một điều gì đó không hay đang xảy ra. Hai vợ chồng đem thư ba lên phòng đọc đi đọc lại nhiều lần. Hình như chữ “tốt” (học tập tốt, sức khoẻ ba vẫn rất tốt được viết đậm hơn, to hơn các chữ khác). Chữ ba viết quá xấu so với bình thường. Rất bất thường. Không tốt nghĩa là xấu. Không khoẻ nghĩa là bịnh.

 

Quá lo lắng, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện đi thăm ba. Lên phường xin giấy phép đi ra Bắc, bị từ chối. Phải có giấy phép thăm nuôi từ trại gửi về. Hồi đó muốn đi Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, người dân bình thường như tôi phải làm đơn xin phép, phải có lý do chính đáng và phải có người bảo lãnh. Thời gian được cấp giấy phép thường rất lâu, nhất là đối với những gia đình thuộc diện Ngụy quân Ngụy quyền như chúng tôi. Lên gặp chú nhờ chú can thiệp giúp đỡ, chú nói cũng y hệt như mấy “ông cán bộ” phường:

 

– Khi nào họ cho phép thăm nuôi thì ba con sẽ gửi giấy tờ về.

 

Chú trả lời như vậy thì kể như không nói. Thật lo lắng cho ba, nhưng không biết làm sao, đêm đêm tôi chỉ biết cầu nguyện cho ba sức khoẻ, và mong chờ một phép lạ. Và phép lạ cuối cùng cũng đã xảy ra…

 

Ở hiền gặp lành. Tháng 8, hiệu trưởng loan báo có đợt cho “nhân viên và giáo viên trường Bưu Điện đi thăm miền Bắc xã hội chủ nghĩa và du ngoạn tại bãi biển Đồ Sơn 1 tuần”. Tôi và vợ tôi có tên trong danh sách được đi. Lúc đó vợ tôi đang mang thai đứa con đầu được 5 tháng. Phần làm việc vất vả, phần thể trạng yếu đuối, khộng dám đi xa, vợ tôi đành ở nhà. Tôi đi ra miền Bắc một mình. Không phải vì yêu “Hà Nội, xã hội chủ nghĩa” cũng không phải để tắm biển Đồ Sơn, mà trong lòng tôi đang hình thành một kế hoạch đi tìm ba.

 

Cả đoàn đi ra Hà Nội bằng xe lửa. Chuyến đi gồm hai phần. Phần đầu là phần nghe giảng về “chính trị, về chủ nghĩa Mac Lenin, về miền Bắc, xã hội chủ nghĩa” 4 ngày tại Hà Nội (phần này bắt buộc không ai được vắng mặt). Phần sau 3 ngày là về nghỉ ngơi vui chơi tại bãi biển Đồ Sơn. Phần này kỹ luật tương đối lỏng lẻo hơn. Đa số các “cán bộ” quê miền Bắc nhân thời gian này “tranh thủ” về thăm gia đình, chỉ có những người miền Nam lần đầu tiên ra Bắc là theo đoàn về Đồ Sơn.

 

Tôi thì đã có kế hoạch từ trước, xin trưởng đoàn ở lại Hà Nội với lý do thăm gia đình ông chú ruột là “trung tá chính ủy” đơn vị Phòng Không Không Quân Cộng sản. Cũng phải viện một lý do gì đó để đơn xin có “trọng lượng”. Cũng phải cho trưởng đoàn biết là “con ngụy nhưng cũng có bà con là cán bộ Cộng Sản” dù trong thâm tâm tôi biết ông chú đi “cách mạng” có cũng như không, khó nhờ vả sơ múi gì đuợc. Hồn ai người nấy giữ.

 

Thế là những ngày đầu tháng 9 năm 1978, tôi bắt đầu chuyến hành trình tìm cha. Chưa một lần ra miền Bắc. Với tôi tất cả điều xa lạ. Manh mối duy nhất là địa chỉ trên thư: K2 Trại Cải Tạo Tân Lập Vĩnh Phú. Phương tiện di chuyển: Chiếc xe đạp Phượng Hoàng mượn của ông chú.

 

Sáng mồng 3 tôi bắt đầu ra đi từ nhà chú: Khu Tập thể Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội. Trạm đầu tiên: Ga xe lửa Hàng Cỏ. Hỏi thăm các người bán hàng rong ở ga. Vĩnh Phú thì nhiều người biết nhưng trại Tân Lập ở đâu thì không ai hay. Thôi thì cứ lên tàu đi về hướng Vĩnh Phú trước đã.

 

Đúng là tàu chợ, xe lửa thì củ kỹ, hôi hám, trên các toa đông nghịt người, đa số là người lao động và người bán hàng rong. Vì vướng chiếc xe đạp, chật vật lắm tôi mới leo được lên toa cuối cùng khi tàu bắt đầu chuyển bánh. Vì lên sau cùng, tàu đông kịt người, chỗ đứng chỗ ngồi hầu như không còn, tôi ngồi xuống một khoảng trống sát vách cầu tiêu. Lần đầu tiên tôi cảm thấy nỗi cô đơn giữa một rừng người cùng tiếng nói, cùng một màu da.

 

Mỗi một trạm tàu dừng, tôi đều hỏi thăm những người khách và những em bé bán chè xanh nhảy lên từ mỗi trạm. Cuối cùng cũng có được một tin tức mơ hồ từ một em bé:

 

– Có lần đi bán nước chè, em có gặp một đoàn người hình như ở trong Nam ra vì không giống người ngoài này, đi lao động, hình như ở gần ga Ấm Thượng, Vĩnh Phú. Em bé nói thêm, hình như có trại giam giữ những người miền Nam gần đó…

 

Tôi bám tàu đi tiếp. Tàu lắc lư đi về hướng Cao Bằng, Lạng Sơn. Mùi hôi thúi bốc lên từ cái cầu tiêu công cộng cộng hòa quyện vào cái mùi mô hôi của hàng trăm người đứng ngồi lóc nhóc không làm tôi bận tâm. Tôi mãi suy nghĩ khi nào thì đến ga Ấm Thượng? Vì không nhìn được qua cửa sổ, tôi đành nhờ một bà lão ngồi sát cửa sổ nhắc giùm khi đến ga.

 

Xuống được ga Ấm Thượng thì cũng đã giữa trưa. Phải nói là trạm thì đúng hơn. Nhà ga là một căn nhà nhỏ, vách lá, trống huơ trống hoác. Vùng đất thật hoang vu, dân di lại thưa thớt. Ra khỏi ga là một con đường đất đỏ duy nhất về một làng nào đó ở xa xa. Tôi vừa đi, vừa hỏi đường. Hỏi xem có ai biết về trại Tân Lập không? Không ai biết. Phải đến lần thứ 9 hay thứ 10 gì đó, khi tôi đã vào sâu khoảng 5-7 cây số, mới có được câu trả lời tương đối rõ ràng:

 

– Phải đi thêm 20 đến 25 Km về phía dãy núi, bên này là Trại Tân lập, bên kia là biên giới Trung Quốc.

 

Đoạn đường đi xa diệu vợi, chân tay rã rời, đôi khi tôi kiệt sức muốn bỏ cuộc quay về. Nhưng nghĩ đến ba, tôi gắng gượng tiếp tục lên đường. Con đường càng vào sâu càng lúc càng khó đi. Khi thì ngoằn ngoèo, khi thì lồi lõm. Có những đoạn không đạp xe được vì mưa trơn trợt, tôi xuống xe dắt bộ. Nhà cửa càng lúc càng thưa thớt, càng ít người qua lại. Tôi vừa mệt, vừa sợ, vừa đi vừa nhìn chung quanh, dáo da, dáo dác. Nói thật, lúc đó có ai nhảy ra, phang cho mình một gậy, cướp xe đạp, vất xác xuống ven đường, chắc cũng không ai hay.

 

Từ cha sinh mẹ đẻ đến nay có bao giờ tôi đi đâu một mình như thế này đâu. Hồi nhỏ thì có cha có mẹ, vào trường thì có bạn có bè. Đi đâu cũng đi với người này hay người khác. Ngay cả khi đi trồng cây si, cũng rủ thêm Trường Thọ hay Quốc Chính (đã mất) cùng đi. Đi đâu cũng xe đạp hay xe Jeep của Ba. Đi bộ thì nhiều nhất là một cây số. Chạy thì nhiều nhất một vòng sân trường là thở dốc. Vừa mệt vừa sợ cướp, vừa sợ ma, tôi vừa đạp xe vừa lẩm bẩm cầu nguyện, nhiều lúc nản quá muốn quay về. Rồi lại nhớ đến ba, nhớ đến khuôn mặt buồn thê thảm của ba trước cổng trường Chu Văn An ngày nào, tôi lại lê lết lên đường đi tiếp.

 

Đúng là lê là lết. Đường càng lúc càng khó đi. Mưa phùn, đường hẹp, đất bùn quyện nước mưa nhão nhoẹt bám vào bánh xe càng làm nặng nề. Tôi bắt đầu cảm thấy lạnh. Một cái lạnh cắt da cắt thịt. Nhưng nỗi khổ chưa dừng ở đó. Trên con đường độc đạo duy nhất về trại “cải tạo” Tân Lập, tôi phải vượt qua hai con sông.

 

Quen với cái hiền hòa của dòng sông Hương thuở nhỏ, chưa bao giờ tôi thấy con sông nước chảy dữ dằn như vậy. Dòng nước đục ngầu và đỏ như máu chảy cuồn cuộn. Đứng bên này nhìn thấy bờ bên kia nhưng không biết cách nào qua. Không cầu không cống. Không một bóng người. Men theo bờ sông, tôi đi về hướng ánh đèn leo lét xa xa. Hỏi thăm, thì ra muốn qua sông thì đi một đoạn nơi có bờ đá dô ra ở mé sông, chụm hai tay gọi lớn sang bên bờ bên kia “Đò ơi… ơi” Thế là từ bên kia bờ, chênh chếch phía trên có một thuyền nhỏ một người chèo qua.

 

Nói thì rất dễ dàng nhưng để băng qua được bên này không dễ chút nào. Khoảng cách hai bên bờ không lớn lắm, nhưng do nước chảy xiết, từ bên kia muốn qua bên này, người lái đò phải khéo léo dựa theo dòng nước chảy, từ trên xa trôi xuống, tắp đúng vào kè đá nơi tôi đứng. Điều khiển không khéo thì thuyền lật như chơi, còn nếu không thì thuyền tắp xuống quá kè đá, không đúng chỗ đón khách.

 

Bác lái đò giúp tôi đưa xe đạp và tôi xuống thuyền. Nhìn người lái đò, nhìn dòng nước sông đục ngầu cuồn cuộn chảy, tôi nhớ các đoạn văn của Nhất Linh, của Khái Hưng thời Tự Lực Văn Đoàn, kể về các tỉnh miền Bắc xa xôi này. Hình như nơi đây, bánh xe thời gian đã ngừng lại. Giống y chang như trong các bài văn ngày nào. Vẫn như xưa, nếu không nói là cũ kỹ hơn, nghèo khổ hơn. Và có lẽ vì vậy người dân ở miền đất sát biên giới Việt – Trung này hiền lành và chơn chất gấp vạn lần những con người tôi gặp ở Hà Nội. Vì vậy, may mắn tôi vẫn còn cái mạng quay về.

 

Đi thêm một đoạn dài, vượt qua thêm một nhánh sông tương tự thì trời đã tối đen. Lúc này tôi không còn đạp xe được nữa… Tôi dắt xe, vừa đi vừa run cầm cập. Dân thành thị như tôi, lần đầu tiên mới cảm thấy nỗi sợ hãi cùng cực khi một mình giữa đồng không mông quạnh, âm thanh là tiếng côn trùng ếch nhái, thỉnh thoảng là những ánh đom đóm lập loè. Lại thêm cái lạnh cắt da của ban đêm và mưa phùn miền Bắc.

 

Khổ không thể cực khổ hơn. Sợ không thể nào sợ hơn. Nếu không vì ba tôi đã bỏ cuộc từ lâu. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng gặp được một căn chòi trống ven đường. Đây có thể là nơi tạm trú của những nông dân hay của những em bé chăn trâu nào đó.

 

Căn nhà (cái chòi thì đúng hơn) nhỏ xíu, trống không, có một cửa bằng tre nhỏ xíu. Đặt chiếc xe đạp sát vách, tôi ngồi xuống tựa lưng nghỉ mệt. Có thể nói trong đời đây là căn nhà ấm áp nhất mà tôi từng ở dù rằng những giọt mưa vẫn từ các khe hở nhỏ xuống lạnh buốt. Bây giờ mới cảm thấy đói. Bữa ăn tối đầu tiên trên miền đất tận cùng biên giới của người con đi tìm cha đang “học tập cải tạo” là một cái bánh bao không nhân mua vội trên tàu.

Cái gọi là bánh bao thật ra chỉ là một cục bột hôi mốc nhờ mưa ẩm ướt làm mềm đi nếu không chắc sẽ cứng như đá. Nhưng không sao, khi đói thì đất cát vẫn thấy ngon như thường. Vừa ăn tôi vừa cố nuốt đi những giọt nước mắt. Cùng với cơn lạnh ban đêm, dù trải qua một ngày không ngủ, mệt lã, tôi vẫn không tài nào chợp mắt được. Tôi ngồi bó gối co ro ở một góc nhà. Lần đầu tiên tôi thấy cái vô tận của đêm dài.

 

Trời vừa hơi sáng là tôi lên đường ngay. Đi thêm một chặng đường đất khá dài, khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng tôi cũng đến được trại Tân Lập. Thật ra cái tôi gặp đầu tiên ở giữa cái đồng không cô quạnh này là một ngôi nhà tranh, tương đối lớn, phía trước có treo một tấm bảng nhỏ “K10 Tân Lập”. Bên trong là một cái bàn dài có hai dãy ghế bằng tre. Không thấy có ai canh gác. Tôi nghĩ đây là nhà khách. Đợi một lúc quả nhiên tôi thấy một công an đi ra. Tôi trình giấy tờ, ghi rõ là “cán bộ Bưu Điện” ra Hà Nội công tác, luôn tiện thăm cha đang học tập tại K2 Tân Lập.

 

Mừng hụt. Trại “cải tạo” Tân Lập thì đúng rồi nhưng đây là nhà khách thuộc K10. Toàn trại gồm có 10 khu vực. Nếu tính từ ngoài vào trong thì bắt đầu từ khu K10, K9… cuối cùng sát biên giới là khu K1. K10 là khu vực đầu tiên của trại Tân Lập. Từ đây sẽ không có nhà dân mà chỉ có những trại giam, “cán bộ” và tù nhân. Sau này tôi mới biết khu trại Tân Lập không chỉ giam giữ các tù nhân từ trong Nam mà còn là nơi giam giữ các thành phần bất hảo, ăn cắp, ăn trộm ngoài Bắc. Thành phần này được giam ở các khu K10, K9 gần phía nhà dân.

 

Các tù nhân sĩ quan từ miền Nam được phân loại và giam giữ theo thứ tự, chức vụ càng cao, càng “ác ôn” thì được đưa về các khu số nhỏ K1, K2, sát núi gần biên giới, khí hậu khắc nghiệt và rất khó trốn thoát. Nếu có vượt thoát được công an ở các khu vực K1, K2, K3… thì chắc không qua được các thành phần bất hảo của K9, K10. Ai nói Việt Cộng ngu. Có đào thoát khỏi trại, mặc áo tù đi lang thang 30 km, ra khỏi đây không bị bắt trở lại mới lạ.

 

Lại tiếp tục lên đường. Hai bên đường là nhũng cánh đồng khoai mì, những cánh đồng trà cằn cỗi. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp từng toán người mặc áo tù đang cuốc đất. Từng nhóm làm việc lặng lẽ. Lúc này đường đất tương đối dễ đi hơn. Tôi cúi thấp người cố gắng đạp thật nhanh. Đi riết rồi cũng đi qua hết khu K3 và bắt đầu vào địa phận K2.

 

Có lẽ khoảng 10 giờ sáng, mưa phùn vẫn còn rơi. Tính ra từ sáng tới giờ tôi đã đi một lèo gần 4 tiếng đồng hồ. Không ăn uống gì nhưng tôi vẫn không cảm thấy đói. Tôi đang náo nức với cái cảm giác sắp được gặp lại ba. Vừa đi, tôi vừa suy nghĩ những chuyện sẽ hỏi ba, chuyện gì sẽ kể cho ba. Tự nhủ phải thật bình tĩnh, phải không được xúc động, phải không được khóc. Nghĩ tới lúc sắp gặp ba, quên cả mệt nhọc, tôi ráng sức đạp thật nhanh.

 

Qua khỏi khúc quanh cuối K3 để vào K2, tôi thấy cách đường đất đỏ khoảng 5 đến 10 mét một nhóm khoảng mươi người áo quần lam lũ, người đang cuốc đất, người đang vác những bó củi khô, cạnh đó mấy tay mặc áo vàng, đội mũ cối, cầm súng đi qua đi lại.

 

Tôi biết chắc chắn đó là những tù nhân đang lao động cải tạo. Như một phản xạ tự nhiên, tôi đạp xe chậm lại, đưa mắt nhìn quanh. Cùng lúc, một tù nhân đang đội nón lá lui cui gần vệ đường ngước mắt nhìn về phía tôi. Dù đã bao năm qua không gặp, dù bây giờ đã quá khác xưa, gầy gò, mặt mày đen thui, râu tóc dài bạc phơ, nhưng tôi vẫn nhận ra đó là Ba.

 

Nhảy ra khỏi xe, tôi thảng thốt kêu lên một tiếng Ba thật to. Tiếng kêu làm nhiều người quay lại hướng về phía tôi trong đó có mấy tên công an cầm súng đứng ven đường. Trong khoảnh khắc, tôi bắt gặp đôi mắt hoảng hốt của ba, cặp mắt ngây dại và đầy vẻ lo sợ, ba vừa chớp mắt vừa lấy tay xua lia lịa như muốn tôi đứng lại và chỉ về phía căn nhà xa xa.

 

Tôi khựng lại, tôi biết tôi không được quyền đứng lại hay trò chuyện với ba. Nuốt giọt nước mắt đang chực chờ chảy, tôi lên xe phóng nhanh về căn nhà khách, không quên nhìn lại ba. Vẫn kịp thấy ba đang cúi xuống, tấm lưng gầy gò yếu đuối, run run ngã quỵ bên đường!

 






View My Stats